Thứ Năm, 24 tháng 7, 2008

Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay tại Sydney...

Mời click vào tựa để nghe phần âm thanh


Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tại Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 - WYD


Vào ngày Chủ Nhật, 20 tháng 7 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Benedict thứ 16 đã chủ toạ một thánh lễ nhân ngày bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới tại trường đua ngựa Randwick, thành phố Sydney, thuộc nước Úc, với trên một trăm ngàn giáo dân tham dự, trong số này có khoảng 600 người từ Việtnam và trên 2000 người Việt hải ngoại từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra còn có khoảng 300 ngàn người đủ mọi tôn giáo cũng đến tham dự Thánh Lễ, kể cả trên dưới 10 ngàn người Việt tại Úc.

Mục đích của Ngày Giới trẻ Thế giới là cổ động tinh thần dấn thân và hiệp thông của giới trẻ, tín đồ Công Giáo.

Vài tháng trước đó, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, từ trong nước, đã gửi ra một bức thư, có ý kêu gọi không nên trưng cờ Vàng ba sọc đỏ tại đại hội vì Ngài e ngại rằng “sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việtnam.”

Trước ngày Đại hội, ông Trần Quốc Khánh, phó tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, trong cuộc phỏng vấn với diễn đàn Đàn Chim Việt, nói rằng ông đã trao đổi với Ban Tổ Chức và cảnh sát để có những biện pháp cụ thể cho những người nào mang cờ Vàng trong Đại hội, vì theo ông Khánh, quy định của luật pháp Úc không cho phép những lá cờ không được công nhận, và không có quan hệ chính thức đối với nước Úc, được phép sử dụng tại nơi chính thức.

Bức thư của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và lời tuyên bố của ông Trần Quốc Khánh đã tạo nên một luồng sóng phản đối rầm rộ khắp nơi. Cộng đồng người Việt tại Úc đã tổ chức một cuộc biểu dương Cờ Vàng vào dịp lễ bế mạc để tỏ sự phản đối, với Hồng Y Phạm Minh Mẫn và nhà nước Việt Nam đang muốn dùng Ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới để làm áp lực trên giới trẻ ViệtNam

Có mặt tại khuôn viên trường đua Randwick, ông Nguyễn Hùng cho biết:

“Tôi đang ở trong khuôn viên Randwick đây, đông lắm, khoảng hơn 10 ngàn người Việt, mọi người vui vẻ hăng hái, đủ mọi lứa tuổi. Mục đích của cuộc tuần hành là để vinh danh lá cờ quốc gia, cờ Vàng ba sọc đỏ. Đây là dịp rất đặc biệt có lẽ mọi người trên thế giới đều thấy lá cờ Vàng của Việt nam”

Ông Phạm Quang Tuấn, giáo sư trường đại học New South Wales tại Sydney, bày tỏ quan điểm về Lá cờ, cho riêng ngày Đại Hội giới trẻ:

“Xin nói riêng về Ngày Đại Hội thôi, theo tôi thì mỗi người đều có quyền cầm lá cờ của mình, người nào muốn cầm cờ Vàng sọc đỏ thì cứ cầm, người nào muốn cầm cờ Đỏ sao vàng thì cầm, hay là cờ Anh, cờ Ý, cờ Pháp, cờ gì cũng vậy. Như vậy đó là điều kiện lý tưởng. Còn chỗ làm lễ chung với nhau thì không nên có cờ gì hết vì đó là tôn giáo, không nên chưng cờ của một chủ nghĩa, một quốc gia hay một đoàn thể gì cả”

Ông cũng cho biết đã đọc bức thư của Đức Hồng Y:

“Tôi cũng mới đọc được bức thư đó, tại vì người ta nói về thư đó rất nhiều, nhưng tìm rất khó. Đọc bản nguyên văn thì tôi thấy là Đức Hồng Y cũng nói như vậy thôi, là khi làm Lễ thì không nên đưa cờ đó lên”

Ông Hùng thì nói:

“Ở đất nưóc tự do thì không ai có quyền ngăn cản ai cả. Việc đem cờ Vàng đi thì tự do thôi, như hiện đang có cả ngàn lá cờ Vàng mà có thấy cảnh sát đụng tới ai đâu”

Theo ông Hùng, cờ Vàng ba sọc đỏ tượng trưng cho dân tộc Việt, và ông rất vui mừng khi thấy Đức Giáo Hoàng đã quàng Cờ Vàng lên người, hai hôm trước:

“Tôi rất vinh hạnh và sung sướng thấy cờ Vàng được choàng vào người Đức Giáo hoàng, và được toàn thế giới thấy. Đây là lá cờ chính thức của quốc gia, của đất nước. Cờ vàng ba sọc đỏ thể hiện cho đất nước từ thế kỷ 19 đến bây giờ, còn cờ Đỏ sao vàng là lá cờ của Đảng Cộng Sản họ đưa ra thôi. Khi thấy lá cờ Vàng phất phới thì mọi người đều cảm động và cá nhân tôi cũng rất cảm động, rất là vinh hạnh được cầm lá cờ Vàng. Mình sống trong thế giới tự do, mình cầm lá cờ mình yêu thích”

Và theo ông Phạm Quang Tuấn, thì đây là một sự việc thuộc về tôn giáo không nên đem bất cứ một lá cờ nào cả:

“Hôm nay có cả mấy trăm ngàn người đi, mà hầu như ai cũng cầm cờ này, cờ kia cả thành ra chắc cũng không ai để ý đâu, nhưng tôi nghĩ đây là buổi lễ tôn giáo mà tự nhiên có một đoàn thể không tôn giáo đi ké vô như vậy thì cũng hơi tức cười”

Ông Hùng cho biết ông rất hãnh diện vì giới trẻ ViệtNam tại hải ngoại:

“Đối với các bạn trẻ đang sống trên khắp thế giới đến Úc tham dư, tôi rất là vinh hạnh và rất là vinh dự được thấy các em vẫn có tinh thần quốc gia, biết lá cờ Vàng là lá cờ quốc gia . Sống trong thế giới tự do là tự mình tìm hiểu và quyết định, các em đã có những hành động rất cụ thể như là mang lá cờ Vàng trao tặng cho Đức Giáo Hoàng, tự mình cầm lá cờ Vàng đi … Ở đây không ai bắt buộc ai cả”

Ông cũng mong muốn giới trẻ trong nước, sau khi tham dự Ngày Đại Hội Thế Giới, sẽ học được những quyền căn bản của xứ tự do và đem về áp dụng tại quê nhà:

“Với các bạn trẻ từ Việt Nam qua, thì đây là bài học cho các em, các em nhân dịp này học hỏi được quyền tự do phát biểu, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do trình bày quan điểm của mình và hy vọng khi các em trở về Việt nam, khuyến khích những bạn trẻ khác để mà đổi mới đất nước, yêu cầu nhà nước cho tự do thật sự và không cấm đoán việc đối lập …”
.

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008

Tại Việt Nam, Quyền Lực Đang Khống Chế Pháp Luật

Mời click vào tựa bài để nghe âm thanh

LS Lê Trần Luật: tại VN, quyền lực đang khống chế pháp luật


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-07-23



Tại phiên phúc thẩm diễn ra vào sáng ngày thứ Sáu 18-7, Tòa án tỉnh Kiên Giang đã y án 5 năm tù giam, đối với ký giả Trương Minh Đức. HiềnVy phỏng vấn luật sư Lê Trần Luật, người bào chữa cho ông Trương Minh Đức.

Nhà cầm quyền đã cáo buộc nhà báo Trương Minh Đức vi phạm Điều 258 Bộ Luật Hình Sự “lợi dụng dân chủ chống phá nhà nước Việt Nam”, trong khi luật sư bào chữa cho ông Đức và gia đình cho rằng những việc làm đó của ông Trương Minh Đức không vi phạm pháp luật Việt Nam.


Thất vọng với phiên tòa

Hiền Vy: Thưa luật sư Lê Trần Luật, có đông người tham dự phiên tòa không?

LS Lê Trần Luật: Mới vào phiên toà tôi thấy các anh công an, cảnh sát tư pháp không cho anh Đức uống nước và tôi thấy một lực lượng cảnh sát tư pháp và cơ quan an ninh khá là đông thì tôi sợ anh Đức chao lòng, nên tôi quyết định xin với hội đồng xét xử cho tôi hội ý với anh Đức một chút và đề nghị cho anh Đức được uống nước…

Hiền Vy: Thưa những người công an ở đó họ như thế nào?

LS Lê Trần Luật: Đối với tôi những người công an đó không là cái gì hết, thật sự tôi cũng không cần quan sát thái độ của họ, tôi thấy họ tập trung vào nhiệm vụ của người bảo vệ phiên tòa.

Hiền Vy: Thưa phản ứng của nhà báo Trương Minh Đức thế nào khi ngồi nghe ông cãi cho ông Đức?

LS Lê Trần Luật: Tôi với anh Trương Minh Đức đã nói chuyện với nhau rất nhiều về cuộc tranh luận của tôi. Bản thân tôi cũng đã đưa bản biện minh trạng của mình cho anh Đức xem và chúng tôi gần như đã thống nhất tất cả những điểm trong bài nói chuyện của tôi và anh Đức im lặng nghe và anh Đức gần như đồng ý hết với tất cả các luận điểm mà tôi đưa ra bởi vì chúng tôi đã có một khoảng thời gian để trao đổi với nhau về những luận điểm này

Hiền Vy: Sau khi ông cãi như vậy mà cái án 5 năm tù của ông Trương Minh Đức vẫn không được thay đổi ?

LS Lê Trần Luật: Vâng

Hiền Vy: Sau một phiên tòa mà ông đã dùng hết sức mình để biện hộ cho bị can mà không thay đổi được gì hết, Thưa, cảm tưởng của ông như thế nào?

LS Lê Trần Luật: Thật sự là tôi thất vọng về một nền tư pháp như thế, nhưng chuyện đó là chuyện tôi có thể đoán trước được, tôi cũng đã trao đổi với anh Đức về tình huống có thể xảy ra, và chúng tôi vui vẻ nhận chuyện đó, còn cái cảm xúc của tôi sau phiên tòa như thế thì chỉ còn lại hình ảnh của anh Đức trong lòng tôi thôi.

Hiền Vy: Thưa ông, hình ảnh của ông Đức như thế nào mà làm ông nhớ hoài?

LS Lê Trần Luật: Kết thúc phiên tòa thì tòa bảo là bản án của tòa sơ thẩm là đúng và không có một cơ sở nào để chấp nhận cho lời biện minh của luật sư hết.


Phản ứng của ký giả Trương Minh Đức

Hiền Vy: Phản ứng của ông Trương Minh Đức thế nào, lúc nghe tòa xử như vậy?

LS Lê Trần Luật: Ngay lúc đó anh Đức đã phát biểu như thế này:

“Đả đảo Cộng sản. Không công nhận phiên tòa hôm nay, bản án là vô lý, là phi nhân đạo. Đả đảo những người cộng sản tham nhũng”

Ảnh nói đến đây thì những người cảnh sát tư pháp ôm ảnh lại, lôi ảnh đi và bỏ ảnh vào cái xe của nhà giam rồi chở ảnh đi mất. Cảm xúc của tôi nhiều về cái hình ảnh của anh Đức bị kéo đi và cái khí phách của anh Đức trước phiên toà.

Một cái an ủi cho chính mình là chứng minh chúng tôi đã không cúi đầu mặc dù chúng tôi có thể xét ở góc độ về công việc thì xem như tôi là một người thất bại vì đã không đem lại một kết quả khả quan nào cho anh Đức nhưng điều đó cũng không làm chúng tôi bận lòng nhiều.

Có một chút an ủi rằng chúng tôi đã không đầu hàng và chúng tôi đã trình bày tất cả những gì mình muốn nói tại phiên tòa và chúng tôi đã ngẩng cao đầu, không bao giờ tỏ ra một sự sợ sệt nào hết.

Hiền Vy: Khi cảnh sát đem nhà báo Trương Minh Đức đi, thì phản ứng của gia đình ông Đức như thế nào ạ?

LS Lê Trần Luật: Vợ của anh Trương minh Đức đã la toáng lên, lúc đó lòng tôi còn rất bàng hoàng nhưng tôi sực tỉnh lại và nói với chị ấy rằng nếu chị la như vậy có thể người ta sẽ kết chị vào tôi gây rối trật tự công cộng và như thế chúng ta sẽ mất đi một người có thể hỗ trợ cho anh Đức trong khoảng đường còn lại.

Và vì chị quá cảm xúc nên tôi đã bảo với chị là hãy bình tĩnh vì chị còn ở bên ngoài thì mới giúp cho anh Đức được, chứ nếu chị la toáng lên, đập bàn đập ghế thì sẽ dẫn đến một hậu quả khó lường vì có thể nhà cầm quyền sẽ khởi tố luôn cả chị vì tôi gây rối trật tự.

Hiền Vy: Thưa ông có định kháng cáo cho nhà báo Trương minh Đức nữa không, hay là hết cơ hội để kháng cáo?

LS Lê Trần Luật: Đây là phiên tòa phúc thẩm, tức là bản án được thi hành ngay, nên không còn cơ hội để kháng cáo nữa.


Quyền lực đứng trên luật pháp

Hiền Vy: Thưa như vậy là các nhà dân chủ trong nước không được bảo vệ gì cả sao ? Nếu tòa án đã quyết định thì dù có luật sư, cũng không giúp được cho họ sao?

LS Lê Trần Luật: Đây là một câu hỏi khó mà tôi đã nhiều đêm suy nghĩ, nếu như không có một nền tư pháp độc lập, không đấu tranh trực diện tại một phiên tòa được thì phải làm gì. Đây là một câu hỏi mà tôi chờ đợi một người nào đó có thể trả lời được câu này.

Hiền Vy: Thưa ông, “người nào đó”, ông nghĩ là ai?

LS Lê Trần Luật: Ví dụ một người nào đó, có khả năng tổ chức, có khả năng lãnh đạo, chỉ ra một phương pháp nào đó mà có thể đấu tranh được với cái hiện trạng của Việt Nam, chứ còn bây giờ, tôi, hay một trăm luật sư nữa có biện minh hùng hồn đến đâu thì người ta vẫn xử bất chấp cái luật pháp.

Như vậy là tôi không phải đối diện với phiên toà, tôi không phải đối diện với luật pháp mà tôi đang đối diện với quyền lực… thì tôi phải đối diện với quyền lực này như thế nào? Đó là câu hỏi thật sự vượt tầm của tôi và tôi không biết phải đối diện với quyền lực này như thế nào. Tôi đang nghĩ đến một loại quyền lực có thể đối chọi lại với quyền lực này, đó chính là quyền lực của giới truyền thông.

Hiền Vy: Thưa. Như vậy thì Việt Nam có luật pháp, có hiến pháp, có luật sư nhưng lại không áp dụng cho dân chúng Việt Nam, nhất là cho những nhà tranh đấu cho dân chủ, phải không ạ?

LS Lê Trần Luật: Đó là một lời nhận xét khá chính xác. Vấn đề nằm ở chỗ là, quyền lực lấn áp pháp luật, quyền lực nằm trên pháp luật, mà lẽ ra, theo nguyên lý của xã hội dân chủ thì quyền lực phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật và phải chịu sự chế tài của pháp luật bởi vì như thế mới hạn chế được quyền lực. Có nghĩa là quyền lực đã nằm trên pháp lực và bất chấp pháp luật như thế nào.


Vai trò của giới truyền thông?

Hiền Vy: Như vậy thì theo ông có cách nào để làm cho quyền lực đó không mạnh được nữa không? Ông có một đề nghị nào không?

LS Lê Trần Luật: Tôi có một đề nghị là giới truyền thông hãy hỗ trợ trong một quá trình đấu tranh như thế. Tôi quan niệm rằng quyền lực của một nhà cầm quyền độc tài chỉ có thể bị phá vỡ nếu như quyền lực đó bị đối chọi với quyền lực của quần chúng mà một trong những cách thức biểu hiệu quyền lực của quần chúng đó chính là quyền lực của giới truyền thông.

Hiền Vy: Ông nhắc đến quyền lực của giới truyền thông, thì thưa ông, truyền thông trong nước có giúp được gì không?

LS Lê Trần Luật: Thật sự là giới truyền thông trong nước không giúp được gì cho chúng tôi, chúng tôi đang chờ đợi giới truyền thông ở nước ngoài, vì trong nước, người ta đã khống chế quyền lực của giới truyền thông.

Hiền Vy: Vâng, thưa ông có muốn nhắn gì với giới truyền thông ở nước ngoài không?

LS Lê Trần Luật: Tôi xin nhắn nhủ với giới truyền thông ở nước ngoài rằng hãy sát cánh cùng chúng tôi, hãy hỗ trợ chúng tôi trong cuộc đấu tranh một chiều như thế này.

Hiền Vy: Thay mặt cho thính giả của đài Á Châu Tự Do, Hiền Vy in cảm ơn luật sư Lê Trần Luật!
.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

Mong manh như một cành lan

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

Tang Lễ Hòa Thượng Thích Huyền Quang tại Bình Định, July 11 - 2008

Mời click vào tựa bài để nghe phần âm thanh


Hàng ngàn Tăng Ni Phật Tử tiễn đưa Hòa thượng Huyền Quang về nơi an nghỉ cuối cùng

Hiền Vy, phòng viên đài RFA
2008-07-11



Tang lễ Đại Lão Hoà thượng Đệ tứ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã được cử hành tại tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, vào sáng hôm nay thứ Sáu 11-7-2008.

Theo tin của hãng thông tấn AFP, hàng ngàn chư Tăng Ni Phật Tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ở Bình Định và các tỉnh thành đã tụ tập về Tu viện Nguyên Thiều tiễn đưa Đức Tăng thống Thích Huyền Quang tới nơi an nghỉ cuối cùng.


Có mặt tại chỗ, nhà dân chủ Nguyễn Tiến Nam tường trình diễn tiến lễ tang, qua cuộc phỏng vấn của thông tín viên Hiền Vy.


Hiền Vy:
Thưa anh Nguyễn Tiến Nam, xin anh cho biết tang lễ của ngài Đệ Tứ Tăng Thống đã diễn ra như thế nào ạ ?

Nguyễn Tiến Nam:
Dạ, hôm nay đám tang của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang diễn ra trong không khí đặc biệt bảo vệ của nhà nước, an ninh đứng dầy đặt nhiều hơn là Phật tử. Họ xử dụng hằng trăm chiếc camera và máy ảnh, quay những ai đến viếng Đức Tăng Thống. Sáng nay thì không ai được đem vòng hoa vào. Bắt đầu là lễ nhập bảo tháp và sau đó thì các đại lão hòa thượng tổ chức tang lễ và rước kim quan của Ngài đến bảo tháp. Có khoảng một chục ngài đại lão hòa thượng, trong đó có ngài Thích Quảng Độ. Ngài Thích Quảng Độ đi đằng trước áo quan của Đức Đệ Tứ Tăng Thống và đi sau thì có các chư tăng ni phật tử và các học trò, và các gia đình Phật giáo. Các Phật tử của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) họ đi theo sau áo quan. Tôi đoán hôm nay khoảng gần 2 nghìn người, chật kín cả khu vực đường đi của Tu Viện Nguyên Thiều

Hiền Vy:
Thưa, theo anh thì quan khách gồm có những ai, ngoài chư tăng ni và phật tử ?

Nguyễn Tiến Nam:
Dạ, quan khách thì có các anh em dân chủ và những người ủng hộ GHPGVNTN còn hầu như là không có ai trong ban đại diện chính quyền có mặt ở đó. Chỉ có một số vị trong ban đại diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, chứ tôi không thấy một vị lãnh đạo nào của tỉnh. Những người khách bình thường thì ít, chỉ có những Phật tử của GHPGVNTN thì tập trung rất đông. Ở khắp nơi họ về, như là Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, SàiGòn, Đồng Nai … . Họ đi xe ô tô đến viếng Đức Tăng Thống và sau đó đi đưa Đức Tăng Thống nhập bảo tháp và rồi thì họ đi về

Hiền Vy:
Thưa anh tang lễ bắt đầu lúc mấy giờ ạ ?

Nguyễn Tiến Nam:
Bắt đầu tang lễ lúc 6 giờ rưỡi, các Thầy tụng kinh và làm lễ cho Đức Đệ Tứ Tăng Thống. Đến 7 giờ thì bắt đầu di quan, khiêng kim quan của Ngài đến bảo tháp. Họ đi một vòng quanh Tu Viện Nguyên Thiều, sau đó thì họ đưa đến chân bảo tháp, để kim quan trong bảo tháp

HiềnVy:
Thưa anh, như vậy là công an chỉ giữ gìn trật tự chứ họ không sách nhiễu gì hết, phải không ạ ?

Nguyễn Tiến Nam:
Có ạ, họ có những thái độ gây hiềm khích, như là quay thẳng máy ảnh, camera vào những người họ muốn quay mà không được sự đồng ý của người ta, chỉ mong sao những người đó có phản ứng, để họ có cớ đến gây sự, nhưng những người Phật tử thì rất hiền hòa nên họ không có phản ứng gì hết. Có một số người đã lâm vào hoàn cảnh như tôi tối hôm qua là họ cũng được mời đi làm việc

Hiền Vy:
Thưa anh, như vậy là Tang lễ đã xong và Phật tử đã ra về hết rồi ?

Nguyễn Tiến Nam:
Vâng ạ, Phật tử bây giờ chỉ còn một số những người trong Hội Đồng Lưỡng Viện của GHPGVNTN, họ đang ngồi lại để họp bàn về bức tâm thư của Đức Tăng Thống để lại, xem ai là người sẽ thay Đức Tăng Thống để lãnh đạo Giáo Hội PGVNTN. Có thể họ sẽ thông báo tin này trong một vài ngày tới, nhưng có người nói với tôi rằng có lẽ phải đợi đến Lễ Thất Tuần của Đức Tăng Thống thì sẽ thông báo . Hôm nay thì còn ngài Thích Quảng Độ và thầy Thích Không Tánh ở lại và tôi cũng đã được vấn an sức khỏe của các thầy

Hiền Vy:
Thưa, như vậy là Thầy Quảng Độ và Thầy Không Tánh vẫn bình an ?

Nguyễn Tiến Nam:
Vâng ạ, thầy Quảng Độ thì do tuổi già nên sức khỏe cũng yếu mà khu vực Tu Viện Nguyên Thiều thì các thầy sống khiêm nhường, khiêm tốn, lo tập trung giúp đỡ dân nghèo nên các thầy sống cuộc sống đạm bạc cho nên một số thầy có sức khỏe già yếu. Năm nay, thần sắc của thầy Quảng Độ xuống rất nhiều, Thầy vừa đi vừa phải ôm ngực, có 2 người dìu 2 bên. Rất vinh dự cho bản thân tôi là được cầm tay Thầy và vấn an sức khỏe của Thầy và Thầy có gửi lời thăm tất cả mọi người và các phóng viên của RFA cũng như của các báo đài đã đưa tin về đám tang của Đức Tăng Thống

HiềnVy:
Thưa anh, là một người trẻ đang trên đường tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam, thì cảm tưởng của anh như thế nào khi tham dự tang lễ của Hòa Thượng Thích Huyền Quang

Nguyễn Tiến Nam:
Tôi rất vinh dự và tự hào khi được tham dự tang lễ của Đại lão hòa thượng Đệ tứ Đức Tăng Thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang. Trong tâm tư của tôi thì lúc nào cũng cảm phục và mến phục Ngài, lúc nào cũng coi Ngài như một vị anh hùng của dân tộc.
Chúng tôi là những người trẻ, chúng tôi sẽ tiếp nối và sẽ phát huy những hoài bão của quí Thầy, mà quí thầy hoặc là đã viên tịch hoặc là do tuổi gìa sức yếu, không còn tiếp tục được nữa, thì chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy ngày càng phát triển hơn, và tôi hứa danh dự rằng; các Thầy hãy yên tâm tin tưởng vào lớp trẻ của chúng tôi, chúng tôi sẽ phát huy gương đấu tranh của các Thầy.

.

Tham dự Tang Lễ Đệ Tứ Tăng Thống Huyền Quang - SV Nguyễn Tiến Nam bị Công An Qui Nhơn làm khó dễ

Mời click vào tựa để nghe audio


Sinh viên Nguyễn Tiến Nam gặp khó dễ từ công an Qui Nhơn

Hiền Vy, thông tín viên đài RFA
2008-07-11


Ngày trước buổi tang lễ của Hòa Thượng Thích Huyền Quang, sinh viên tranh đấu cho dân chủ Nguyễn Tiến Nam từ miền Bắc gặp khó khăn với công an địa phương Qui Nhơn.

Hiền Vy: Thưa anh Nguyễn Tiến Nam đến Bình Định để làm gì?


Nguyễn Tiến Nam: Thưa, tôi đến Bình Định để tham dự tang lễ của Hòa Thượng Thích Huyền Quang do cảm mến và cảm phục tinh thần đấu tranh bất khuất và kiên cường của Đại Lão Hoà Thượng


Hiền Vy: Là một người trẻ tranh đấu cho tự do và dân chủ cho ViệtNam, cảm tưởng của anh như thế nào, khi được tin Hoà Thượng viên tịch?

Nguyễn Tiến Nam: Khi được tin Hoà thượng Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo ViệtNam Thống Nhất (GHPGVNTN) viên tịch, chúng tôi, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại ViệtNam, rất là buồn và cảm thấy như chính mình mất mát một cái gì đó. Đại lão Hòa Thượng là một tấm gương đấu tranh bất khuất, kiên cường của GHPGVNTN nói riêng, và của phong trào dân chủ tự do cho ViệtNam, nói chung


Hiền Vy: Khi đến Tu Viện Nguyên Thiều, anh gặp những vị Sư nào vậy, thưa anh ?

Nguyễn Tiến Nam: Tôi đến Tu viện Nguyên Thiều, tôi được vấn an sức khỏe của Đại lão Hòa Thượng Quảng Độ, thầy Thích Không Tánh và một số thầy của GHPGVNTN nữa.


Hiền Vy: Thưa anh, có tin nói là Giáo Hội Phật Giáo của nhà nước đứng ra tổ chức tang lễ của Ngài Đệ Tứ Tăng Thống, có đúng như vậy không ạ ?


Nguyễn Tiến Nam: Thưa quí đài, điều này là hoàn toàn sai sự thật và là một điều bịa đặt trắng trợn của nhà nước cộng sản Việt Nam. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đứng ra tổ chức tang lễ cho Đại lão Hòa thượng Huyền Quang, Đệ tứ Đức Tăng thống của GHPGVNTN. Mọi người trong ban tang lễ đều là những vị của GHPGVNTH, chứ không có một ai thuộc giáo hội Phật Giáo ViệtNam, hay còn gọi là Giáo hội quốc doanh đó.


Tôi đã đến tận nơi và tôi chứng kiến là bên GHPGVNTN họ đã chuẩn bị sẵn những tấm bảng, thông báo ngày giờ phúng viếng và tụng kinh. Tôi được biết đã có một vị sư, không biết là sư thật hay sư giả, đã đến giật tấm bảng đó đi, thì bên GHPGVNTN đã thay bảng khác và họ chuẩn bị rất chu đáo cho đám tang của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ạ.


Hiền Vy: Thưa anh, chung quanh Tu Viện Nguyên Thiều có gì lạ không ạ?

Nguyễn Tiến Nam: Dạ, đằng sau tu viện có một túp lều dã chiến của bên an ninh lập ra ở đó để cho những nhân viên an ninh, sau khi theo dõi những người trong đám tang, mệt mỏi quá thì vào đó ngủ cho người khác ra thay. Cách đây 2 ngày, họ có một chiếc máy phá sóng di động, nên không thể nào liên lạc được điện thoại ra ngoài, chung quanh khu vực tu viện. Và hôm nay, do sự lên tiếng của công luận quốc tế và các báo đài trên thế giới, họ đã bỏ cái máy phá sóng đó đi, nhưng họ lại tập trung thêm công an đến để quay phim, chụp ảnh bất kỳ ai đến viếng Đại lão Hòa thuợng và chính tôi là người đến viếng Đại lão Hòa thượng và bị xách nhiễu.


Hiền Vy: Thưa, họ sách nhiễu anh như thế nào ạ?


Nguyễn Tiến Nam: Tối hôm qua, là ngày 9 tháng 7 năm 2008, thì tôi ngủ ở Tu Viện, nhưng hôm nay thì tăng ni phật tử về rất đông nên tôi phải về thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định thuê một phòng trọ để nghỉ. Lúc chiều, tôi có mang đến Tập San Tự Do Dân Chủ của anh Nguyễn Khắc Toàn là Phó Tổng Biên Tập và cụ Hoàng Tiến là tổng biên tập, thì tôi bị 2 đồng chí an ninh mời tôi làm việc riêng, thì tôi không đi,và có 2 Thầy, đã ra giúp tôi cản trở công an, để lên tiếng không cho công an dẫn tôi đi.


Sau đó thì tôi đón xe đò về Qui Nhơn để nghỉ. Khoảng 10 giờ kém 20, giờ Việt Nam, có 3 đồng chí mặc cảnh phục của công an phường Nguyễn Văn Cừ và một đồng chí của sở an ninh tỉnh Bình Định và thêm 1 anh an ninh miền Bắc, mời tôi lên trụ sở của ủy ban an ninh nhân dân phường Nguyễn Văn Cừ làm việc. Hiện nay tôi đang giữ 2 tờ giấy, một là giấy mời và một là giấy thu giữ đồ của tôi, những băng tang của các hội đoàn nhờ tôi đi đặt vòng hoa phúng viếng Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang. Tôi để những cái băng-rôn đó trong cặp của tôi, thì họ bắt tôi phải đưa ra cho họ, và họ lập biên bản tịch thâu. Còn giấy mời thì của công an phường Nguyễn văn Cừ, người ký giấy mời này là Trung tá Lê Đình Trầm.


Đầu tiên họ bảo là mời tôi lên vì thi đại học xong, có một số vấn đề thi vụ rồi mất trật tự an ninh khu phố nên mời tôi lên làm việc. Tôi bảo: “Tôi là người nơi khác, đến đây lưu trú, thì có việc gì mà mời tôi. Giấy mời này bất hợp pháp.” Thì họ lại bảo rằng mời tôi lên làm việc vì vấn đề đi dự đám tang Đức Tăng Thống Huyền Quang. Và họ làm việc với tôi từ 10 giờ đến 12 giờ kém 15 phút đêm, sau đó họ đưa tôi về nơi nghỉ.


Sáng mai, 4 giờ sang, tôi sẽ đi đến tu viện Nguyên Thiều để dự lễ nhập bảo tháp của Hoà Thượng Thích Huyền Quang. Họ có cảnh báo tôi rằng: “Anh ở đâu vào tỉnh của chúng tôi đi dự tang lễ thì anh không được giúp các hội đoàn, các đảng. Những nhóm này là không được phép hoạt động ở Việt Nam. Họ xác nhận với chúng tôi là ở ViệtNam là chính trị không được phép thành lập hội đoàn chính trị gì hết. Họ còn cảnh báo tôi, nếu tôi còn giúp những người kia để gửi những vòng hoa tang thì họ sẽ xử lý tôi.


Hiền Vy: Thưa anh, dư luận trong nước như thế nào trước sự ra đi của Hoà Thượng Thích Huyền Quang ạ ?


Nguyễn Tiến Nam: Tất cả các anh em đấu tranh dân chủ nói riêng, và tất cả những người mến phục Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang, cũng như những người trong GHPGVNTN thì vô cùng thương tiếc và cảm thấy đã mất mát một cái gì đó rất lớn lao cho phong trào đấu tranh tự do dân chủ cho Việt Nam vì Hoà Thượng đã suốt một đời đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do nhân quyền.


Hiền Vy: Anh có muốn nói gì với giới trẻ trong nước cũng như giới trẻ tại hải ngoại không ?


Nguyễn Tiến Nam: Tôi xin nhắn nhủ với các bạn rằng quyền tự do dân chủ và nhân quyền của chúng ta là có từ khi cha mẹ sinh chúng ta ra. Chúng ta đã có các quyền đó như bản tuyên ngôn năm 1945, nhưng nhà nước cộng sản đã cướp những quyền đó của chúng ta, họ chỉ để lại cho chúng ta những mảnh vụn của tự do dân chủ và nhân quyền, vì vậy chúng ta phải đấu tranh đòi lại những quyền căn bản của chúng ta.

Photobucket

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2008

Lễ Tuởng Nguyện và Thọ Tang Đức Tăng Thống Huyền Quang tại Houston

Mời click vào tựa bài để nghe audio

Lễ Tưởng nguyện và Thọ tang Đức Tăng Thống Huyền Quang tại Houston

Hiền Vy, thông tín viên đài RFA
2008-07-08


Trưa Chủ nhật 6-7, tại thành phố Houston, chư tăng ni và Phật tử đã huân tập về chùa Pháp Luân, tham dự Lễ Tưởng nguyện và Thọ tang Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Sáng Chủ nhật 6-7-2008, tại tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Đình, chư tăng ni và Phật tử đã làm lễ nhập Kim quan của Đức Tăng Thống Huyền Quang, thì buổi trưa cùng ngày, tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, chư tăng ni và Phật tử đã huân tập về chùa Pháp Luân, tham dự lễ tưởng nguyện và thọ tang Đức Đệ Tứ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thông tín viên Hiền Vy của ban Việt ngữ có mặt tại chỗ tường trình.

Trong buổi lễ, Hoà Thượng Thích Huyền Việt đã đọc tiểu sử của Đức Đệ Tứ Tăng Thống, với quá trình tu tập, hoằng pháp và việc tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam.

Hoà Thượng Thích Hộ Giác đã kể lại tâm sự của hai ngài trong việc cố gắng bảo tồn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất:

“Khi nghe tôi muốn nghỉ việc, Hoà thượng Viện Trưởng đã nói với tôi là Ngài muốn duy trì sự hiện hữu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng mà như cua đã gãy càng, không làm được việc gì nữa. Tất cả sự hoạt động của Giáo Hội, sự sống còn của Giáo Hội là chỉ nhờ ở hải ngoại mà thôi.

Do đó dù có tiếp tục bị tù đày bao lâu nữa hay là có đến chết thì miễn là tôi đừng rời bỏ Giáo Hội, thì tù đày bao lâu, hay có chết đi nữa, Hoà Thượng cũng vui lòng nhắm mắt”.


Phật tử Trương Văn Túc đã nói lên tâm tình của ông đối với việc làm của Đức Tăng Thống:

“Ngài coi như là vị lãnh đạo cao bậc nhất của Giáo Hội mà hiện nay trong nước đang gặp khó khăn. Trong hoàn cảnh đất nước bây giờ, Giáo Hội cần có những vị như Đức Tăng Thống. Chúng tôi vô cùng thương tiếc và đau buồn.

Khi nghe tiểu sử của Đức Tăng Thống, chúng tôi nghĩ rằng suốt đời của Ngài, đã bỏ mọi công sức để đóng góp cho Giáo Hội, đóng góp cho Phật Pháp và đóng góp cho dân tộc.

Chúng tôi ước mong tiếp tục thực hiện được hoài bão của Đức Tăng Thống đang còn dang dở. Hoài bão đó là làm sao cho Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất được sinh hoạt theo pháp lý như là Giáo Hội đã từng được hưởng, từng sinh hoạt, trước ngày 30 Tháng 4 năm 1975”.


Tâm tư Phật tử

Các em trong gia đình Phật tử cũng chia sẻ tâm tư của mình:

“Sad! Sad! Buồn quá”

“Tên em là Phước. Em rất đau buồn cho Gia Đình Phật Tử .. Em sẽ tiếp tục tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam”


Ngoài ra, cũng có một số tín đồ Thiên Chúa Giáo đến tham dự buổi lễ, trong số này có nha sĩ Jolie Chu:

“Mặc dầu là người Công Giáo, nhưng đối với Hòa Thượng Thích Huyền Quang thì tấm gương cao đẹp của Ngài đã có ảnh hưởng cả thế giới, nên với bổn phận của một công dân Việt, tôi đến để tỏ lòng kính trọng một người đã khuất và kính trọng một tấm gương can trường mà tôi nghĩ rồi đây, lịch sử Việt Nam sẽ có một tấm gương rất cao đẹp qua hình ảnh của Ngài”

Và ông Đinh Quang Tiến:

“Đại lão Hoà Thượng Huyền Quang là một cái gương sáng cho tất cả Phật tử nói riêng và cho tất cả người con dân Việt nói chung về cái đạo đức, về sự hy sinh không riêng gì cho Giáo Hội Phật Giáo mà cho cả nước Việt Nam, trong vấn đề đấu tranh đòi những quyền căn bản, cũng như nhân quyền cho hơn 80 triệu người dân Việt Nam.

Sự hy sinh của đại lão hòa thượng Huyền Quang cũng như của đại lão hòa thượng Quảng Độ, nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất và sự tồn tại trước những sóng gió mà dân tộc Việt Nam nói chung và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng đang phải trải qua”


Một Phật tử nói lên nguyện vọng của ông:

“Tôi không phải là người ở trong Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, nhưng tôi rất quí trọng Thầy Huyền Quang và Thầy Quảng Độ, vì các Ngài đã dấn thân cho đạo pháp, dấn thân cho Giáo Hội, và dấn thân cho dân tộc, thành ra chúng tôi rất quí mến Ngài.

Đó là những lý do mà tại sao chúng tôi đến với Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất để có thể đóng góp một chút gì đó cho Giáo Hội, để Giáo Hội tiếp tục con đường đòi hỏi những cái gì mà Giáo Hội đã có trước năm 1975 ở miền Nam.

Và Giáo Hội cũng lên tiếng cho nhân dân Việt Nam để có được tự do và dân chủ và nhân quyền. Đó là sự đòi hỏi rất bình thường và công bằng”.




(Hiền Vy tường trình từ Houston, Texas)

.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa Bị Quản Thúc Tại Gia...

Mời click vào tựa để nghe phần âm thanh

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị quản thúc tại gia

Hiền Vy, thông tín viên đài RFA
2008-07-07

Lời giới thiệu:
Mấy tuần nay ở trong nước, mọi liên lạc giữa những người họat động đấu tranh cho dân chủ đều bị ngăn chận, ngay cả việc đi thăm mẹ của một nhà nhà dân chủ đang bị ốm nặng cũng bị cấm cản.
Sau vụ hai anh Ngô Quỳnh và Phạm văn Tội bị các cấp chính quyền gây khó và hành hung, khi đến thăm mẹ của nhà dân chủ Vi Đức Hồi, thì đến vụ cô Phạm Thanh Nghiên, một nhà văn ủng hộ công cuộc đấu tranh cho dân chủ, bị những kẻ lạ mặt đánh đập ngay giữa đường phố Hải Phòng khi cô đến thăm một nhà dân chủ khác là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau đó thì ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị quản thúc tại nhà. Hiền Vy đã hỏi chuyện ông, mời quí thính giả theo dõi.


****

Được tin nhà văn Nguyễn Xuân Nghiã bị quản thúc tại gia, chúng tôi liên lạc được với ông và ông xác nhận:
“Trong tình trạng hiện tại của tôi là tôi đang bị quản thúc tại gia”

HiềnVy:
Thưa lý do nào mà ông bị quản thúc tại gia ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Ngày mùng 6 tháng 7, tôi đã bị cưỡng ép lên đồn công an của quận sở tại, ở đấy, người ta đọc cho tôi một cái lệnh miệng, ra lệnh cho tôi nằm im tại nhà, từ thời điểm đó, tức là ngày mùng 6 cho đến ngày 16 tháng 7, đúng thời điểm mà chúng tôi sẽ vận động một cuộc biểu tình, nếu nhà nước cho phép. Cái lệnh miệng này, khi tôi hỏi họ, văn bản giấy tờ đâu, lệnh của ai ký, thì những người công an này cho tôi biết rằng, đây là cái lệnh không có người ký, và không có văn bản giấy tờ. Một cái lệnh chưa có tên, nhưng áp dụng đối với những người xâm phạm đến an ninh quốc gia

HiềnVy:
Thưa ông làm gì mà xâm phạm đến an ninh quốc gia ạ ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Căn nguyên là cô Phạm Thanh Nghiên, tôi, Nguyễn Xuân Nghĩa và ông Vũ Cao Quận, đã cùng đứng đơn xin phép Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội cho chúng tôi tổ chức một cuộc biểu tình, như quí vị biết, tình trạng lạm phát tại ViệtNam hiện nay vô cùng trầm trọng. Đời sống của nhân dân và những người lao động nghèo khổ vô cùng khó khăn do giá cả tăng vọt. Thế mà chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng không có biện phát hữu hiệu, để làm giảm thiểu lạm phát, cứu nguy đời sống kinh tế của đất nước, cũng như ổn định đời sống của người dân lao động.
Nhìn vào hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chúng tôi thấy điều 69, có đề cập tới Việt Nam có quyền biểu tình, vì vậy chúng tôi đã làm đơn xin biểu tình. Hậu quả của việc chúng làm đơn xin biểu tình đã xảy ra là hiện nay chúng tôi bị quản chế tại nhà và bị công an xách nhiễu

HiềnVy:
Vậy là nhà nước từ chối, không cho các ông đi biểu tình ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Họ đã từ chối, mà còn dùng luật của họ, gọi là “luật không có tên” để quản chế chúng tôi tại nhà, và đối với cô Phạm Thanh Nghiên họ đã dùng “xã hội đen” để dằn mặt cô ấy, sau 2 vụ; một vụ là họ đã đánh cô Phạm Thanh Nghiên khi cô ấy từ nhà tôi trở về nhà cô ấy và ngày hôm qua, thì một người đi xe gắn máy, đã quệt xe gắn máy vào người nhà của cô ấy gây ra tai nạn giao thông

HiềnVy:
Thưa ông, trong tai nạn giao thông đó có ai bị thương tích gì không ạ ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Một cháu gái của cô Phạm Thanh Nghiên mới 4 tuổi đã bị xây xát mặt mày và sau khi đi bệnh viện sơ cứu thì đã được băng bó và hiện nay cháu rất đau đớn

HiềnVy:
Thưa ông, khi bị từ chối, không cho đi biểu tình, thì theo ông, nhà nước làm vậy có đúng không ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Nhà nước sai! Nhà nước làm ra hiến pháp, tức là quốc hội đại diện cho nhân dân của quốc gia, làm ra hiến pháp, trong đó có điều 69, nói rằng công dân có quyền biểu tình, nhưng khi chúng tôi làm đơn xin biểu tình thì qua đại diện của họ, là Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, nhà nước đã bát bỏ đơn của chúng tôi

HiềnVy:
Thưa ông, khi bị bát bỏ như vậy thì các ông có định sẽ làm gì nữa không ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Chúng tôi đã nhận được công văn bát bỏ và nhận được cả sự khủng bố của nhà nước thông qua các lực lượng công an, thông qua những người ủng hộ họ, đóng vai là xã hội đen nhưng bởi vì căn cứ vào hiến pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại lên toà án để minh định rõ hơn cái quyền của chúng tôi và để tòa án xử vụ này, bởi vì căn cứ vào hiến pháp thì chúng tôi được phép biểu tình. Và trong đơn xin phép biểu tình, chúng tôi đã hứa làm đúng theo các điều khoản trong luật pháp, nghĩa là không gây mất trật tự công cộng, không gây mất an ninh cho xã hội.

HiềnVy:
Trước tin Hoà Thượng Thích Huyền Quang viên tịch, thưa ông có dự định tham dự đám tang của Ngài không ạ ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Tin dữ Hoà Thượng Thích Huyền Quang viên tịch làm chúng tôi rất đau đớn. Cá nhân tôi, ở thời điểm bình thường luôn luôn dự định đi dự đám tang của những người hoạt động trong phong trào dân chủ, thế nhưng hiện nay tôi đang bị công an thành phố Hải Phòng giam giữ tại nhà, bằng luật miệng mà họ nói rằng luật này không có tên, không có người ký và không có trong văn bản … Sáng nay vào lúc 8 giờ, 2 người bạn của tôi đã đến đây và chúng tôi có rủ nhau ra 1 quán trà gần nhà tôi, nhưng khi chúng tôi mới bước ra vỉa hè, thì bản thân tôi đã bị 4 công an, nhảy xô đến và đẩy tôi vào nhà, rồi đe doạ rằng: “đừng để cho chúng tôi phải dùng những biện pháp mạnh hơn” Đấy là tình trạng của tôi hiện nay. Do tình trạng như thế này thì tôi không thể đi dự đám tang của Hòa Thượng Thích Huyền Quang được. Nhưng tôi sẽ có biện pháp để khiếu nại lên cấp trên về cái lệnh quản chế mà họ gọi là lệnh không có trên văn bản này

HiềnVy:
Thưa ông có muốn nhắn nhủ gì với người dân trong nước cũng như với người Việt hải ngoại không ạ ?

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:
Cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho nhân dân ViệtNam đang bước sang những giai đoạn rất là mới, trong đó nhóm chúng tôi nghĩ rằng phải đấu tranh dành lại quyền lợi cụ thể là quyền biểu tình, quyền tự do đi lại, quyền tự do hội họp … và đây là những sự việc cụ thể mà chúng tôi nghĩ là phải làm cho nhà nước công nhận đúng tinh thần hiến pháp của nhà nước. Thế nhưng hiện chúng tôi đang gặp khó khăn, vì vậy chúng tôi sẽ dựa vào hiến pháp của nhà nước để đấu tranh theo đúng tinh thần thượng tôn của pháp luật, cũng như dựa vào sự ủng hộ của các cá nhân, các tổ chức, các quốc hội của những nước dân chủ văn minh để làm cho những điều khoản tiến bộ trong hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà quốc hội đã thông qua, được thực thi đúng đắn để đảm bảo quyền lợi cho tất cả công dân mà hiến pháp đã qui định

HiềnVy:
Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã cho chúng tôi cuộc nói chuyện hôm nay

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghiã:Xin cám ơn tất cả quí thính giả nghe đài đã quan tâm theo dõi sự trao đổi của tôi qua cuộc phỏng vấn hôm nay


HiềnVy thông tín viên RFA


.

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

Nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên bị hành hung ở Hải Phòng

Mời click vào tựa bài để nghe phần âm thanh

Nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên bị hành hung ở Hải Phòng

Hiền Vy, thông tín viên đài RFA
2008-07-06


Hôm thứ Sáu 4-7 tại Hải Phòng, thêm một người trẻ ủng hộ dân chủ đã bị đánh đập tàn tệ ở giữa đường giữa phố. Trả lời RFA, cô Phạm Thanh Nghiên cho biết cô đã bị chận đánh trên đường về nhà.

Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều nhà dân chủ trong nước đã bị đánh đập, hàng hung. Mấy hôm trước, tại Lạng Sơn các nhà dân chủ Phạm Văn Trội, Ngô Quỳnh, Nguyễn Đức Chính bị chận đánh, hàng hung khi đi thăm thân mẫu của nhà dân chủ Vi Đức Hồi
Đến cuối tuần này tại Hải Phòng, lại thêm một nhà tranh đấu ủng hộ dân chủ cũng bị đánh đập tàn tệ ở giữa đường giữa phố. Nhiều người dân chúng kiến cảnh đánh đập phụ nữ đã xúm vào can thiệp nhưng lại bị hăm dọa và đuổi đi.

Ngay sau khi được tin nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên bị hành hung trên đường về, sau khi ghé thăm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vào ngày thứ Sáu, mùng 4 tháng 7, thông tín viên Hiền Vy của đài Á Châu Tự Do đã liên lạc được với cô Thanh Nghiên và cô cho biết sự việc đã xảy ra:

1 người đánh, 3 người đứng xem

Phạm Thanh Nghiên: Tôi bị hành hung vào chiều hôm nay, vào lúc khoảng 5 giờ chiều, giờ Việt Nam. Khi tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa sáng nay, thì gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và tôi đã phát hiện ra là có 2 thanh niên ngồi ở bên đường để theo dõi chúng tôi.

Việc này không lạ gì với chúng tôi vì chúng tôi vẫn thường bị an ninh theo dõi như vậy. Khi tôi từ giã ra về thì họ lại bám theo tôi. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và tôi đều biết là họ đang theo đằng sau. Đi được nửa chặn đường thì họ ép xe đạp của tôi vào lề đường.

Họ đi bằng 2 xe gắn máy và có 4 thanh niên, họ giật mũ, giật khẩu trang của tôi, sau đó thì họ đấm liên tục vào mặt và vào đầu của tôi rất là đau. Sự việc xảy ra rất là nhanh, tôi không thể nào lường trước được.

Họ đánh rất bất ngờ, một người đánh còn 3 người kia thì đứng nhìn. Khi người dân đi đường can thiệp thì 3 người kia đe doạ và đuổi người dân đi, không cho ai can cả và họ tiếp tục đánh vào đầu, vào thái dương và vào mặt của tôi.

Khi tôi hỏi họ tại sao lại đánh tôi và tôi khẳng định họ là công an thì họ mới dừng tay và bỏ đi. Trong lúc đánh tôi, họ chửi tôi bằng những danh từ rất tục tĩu, bẩn thỉu, họ còn đe dọa là tôi phải ngừng ngay lại những việc đang làm và cảnh cáo tôi là sẽ còn nhiều lần sau nữa nếu tôi không nghe lời họ…



Theo lời cô Phạm Thanh Nghiên thì những người này đã cố ý chọn quãng đường vắng vẻ để ra tay:


Phạm Thanh Nghiên: Họ có sự sắp xếp và tính toán rất kỹ. Nếu họ đánh sớm hơn một tí thì rất đông người, hoặc là chỉ thêm một tí nữa, khi tôi ra tới đường lớn thì cũng có nhiều người. Họ đã chọn nơi vắng vẻ để đánh tôi.

Đường đó thuộc về đường cao tốc nên không có nhiều người lắm. Mà những người toan can thiệp thì họ lại ngăn cản và khi tôi nói họ là công an thì những người dân kia càng sợ và không dám can thiệp nhiều.


Bị đánh vì cổ võ dân chủ

Khi được hỏi có biết lý do nào cô đã bị hành hung không, Phạm Thanh Nghiên trả lời:

Phạm Thanh Nghiên: Tôi có những phát biểu và bài viết cổ xúy cho nhân quyền, dân chủ tại Việtnam, đặc biệt là bài viết mới nhất của tôi gần đây là “Chuyến đi nhậy cảm” viết về chuyến đi thăm luật sư Lê Thị Công Nhân là em kết nghĩa của tôi.

Và cùng với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Vũ Cao Quận, cùng ở Hải Phòng chúng tôi đã viết chung một lá đơn xin phép được biểu tình. Chúng tôi đã nhận được phúc đáp từ Ủ Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội, từ chối không cho chúng tôi biểu tình.

Và lúc về đến nhà thì cô nhận được giấy mời đi làm việc vào sáng thứ Bảy, ngày 5 tháng 7.

Vậy mà chiều nay khi bị đánh xong, tôi về đến nhà thì đã có giấy mời, bên ngoài phong bì, ghi là của Đảng Ủy, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc vùng Đông Hải, mời tôi 8 giờ sáng mai, là ngày 5 tháng 7, đến làm việc, với ủy ban nhân dân phường, nội dung là để nghe trả lời của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội về kiến nghị của tôi.

Tôi xin nói thêm về nội dung này, thật ra thì tôi chưa có một kiến nghị gì mà trong giấy mời này họ ghi là để trả lời kiến nghị của tôi, thế thì không biết họ lấy kiến nghị ở đâu mà bản thân tôi thì tôi nghĩ họ không có đủ thẩm quyền để mời tôi.


Hơn nữa Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội đã có công văn phúc đáp cho tôi ngày 30 tháng 6 vừa rồi, cho nên nội dung mà họ quy trong giấy mời này là không cần thiết, nên ngày mai tôi sẽ không đi với lý do đó cộng thêm với việc tôi bị hành hung chiều nay, rất đau đớn nên tôi sẽ không đi.


Mong dư luận quan tâm

Cô cũng cho biết là cô bị đánh trong lúc đang bị bệnh:

Phạm Thanh Nghiên: Cách đây vài hôm tôi bị ốm, có đi bác sĩ khám nghiệm, thì bác sĩ cho biết tôi không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Khi tôi đi khám bệnh như vậy thì tất nhiên cũng có công an theo dõi, nhưng việc công an đi theo thì không có gì lạ đối với các người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong quốc nội, cho nên tôi không quan tâm lắm về việc họ theo dõi, tức là tôi bị đánh trong lúc họ biết tôi đang đau ốm…

Và cô Phạm Thanh Nghiên nhắn nhủ:

Phạm Thanh Nghiên: Xin gửi lời cảm ơn đến quí thính giả đã quan tâm đến cá nhân tôi cũng như quan tâm đến các nhà tranh đấu dân chủ trong nước. Mong muốn làm sao tạo ra dư luận rộng rãi, trước hết là lá đơn xin biểu tình của chúng tôi, đó là việc tâm huyết và tôi nghĩ rằng, vì việc làm đó mà tôi phải gánh chịu hậu quả như chiều hôm nay.

Tôi cũng rất mong muốn dư luận lên tiếng và ủng hộ tinh thần cho chúng tôi, lên tiếng mạnh mẽ để dư luận biết được tình hình trong nước. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, các nhà dân chủ Phạm văn Trội, Ngô Quỳnh và Nguyễn Đức Chính bị hành hung khi đi thăm mẹ của ông Vi Đức Hồi trên Lạng Sơn.

Những người này đã bị đánh và chỉ trong có vài ngày, thì đến trường hợp của tôi hôm nay, là một phụ nữ mà chỉ trong có vài ngày đã xảy ra bao nhiêu vụ việc như vậy

Xin cảm ơn quí đài đã quan tâm tới tôi!



Hiền Vy, thông tín viên RFA

.