Thứ Năm, 28 tháng 8, 2008

Vận động dân chủ, thầy giáo Vũ Hùng bị mất việc

Mời click vào tựa bài để nghe âm thanh

Vận động dân chủ, thầy giáo Vũ Hùng bị mất việc

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-08-28



Ngày 26/8/2008 thầy giáo Vũ Hùng đã đến trường trung học Bích Hoà – huyện Thanh Oai – Thành phố Hà nội, theo lời yêu cầu của hiệu trưởng Lê Tiến Toan. Tại đây, thầy giáo Vũ Hùng nhận được quyết định số 08/QĐ-UBND đề ngày 21/8/2008 xử lý kỷ luật thầy, với hình thức “Buộc thôi việc”.
Hiền Vy hỏi thăm người giáo viên có những hoạt động ủng hộ dân chủ, và thầy giáo Vũ Hùng kể lại:

"Cách đây một năm tôi bị cơ quan an ninh bắt giam 9 ngày về tội tuyên truyền và tàng trữ tài liệu chống chủ nghĩa xã hội và sau đó họ yêu cầu tôi làm kiểm điểm, tôi không làm, họ kỷ luật tôi. Kỷ luật đến độ là hạ ngạch giáo viên xuống làm nhân chứng phục vụ và đến hôm nay họ lại kỷ luật buộc tôi thôi việc.

Lý do của họ là tại tôi tự ý nghỉ một số buổi và tham gia biểu tình, đi biểu tình chống rước đuốc. Các cuộc biểu tình ấy bị dập tắt từ trong trứng nước. Vừa ra, cầm loa, chưa kịp nói câu nào, là họ đã xông đến đánh đập rồi bắt đi, còn những người khác thì họ đuổi đi, tức là nói bọn tôi tham gia biểu tình nhưng mà có cuộc biểu tình nào đâu, bởi vì họ đã đàn áp tàn nhẫn ngay từ đầu rồi.
"

Lý do buộc thôi việc?

Ông Nguyễn Thượng Long, một đồng nghiệp với ông Vũ Hùng, và cũng là cựu ứng viên đại biểu quốc hội cho rằng những lý do nhà nước buộc tội thầy Hùng thì không thuyết phục:

"Hai lý do quan trọng nhất người ta buộc tội anh ấy đều rất lỏng lẻo, đều không thuyết phục.
Lý do thứ nhất là tự ý bỏ việc; trong năm vừa rồi có một số ngày anh ấy không đến làm việc được, thí dụ như bố anh ấy phải đi cấp cứu, phải bị mổ, anh ấy là con trưởng nên phải xin nghỉ để đi phục vụ ông bố. Rồi có một số buổi thì anh ấy phải làm việc với cơ quan an ninh. Người ta trừ lương anh ấy rồi, nhưng vẫn cứ tính là tự ý nghỉ việc.

Lý do thứ hai là tham gia biểu tình chưa có được phép, cái này càng thiếu tính pháp lý, vì hiến pháp là luật Mẹ, luật mẹ điều 69 hiến pháp cho phép công dân ViệtNam có tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bầu cử, trong đó có cả quyền biểu tình. Luật Mẹ thì như vậy, tại sao có luật, có quyền lại bắt phải xin phép. Những tội lỗi họ buộc cho Vũ Hùng rất là quá đáng và không thuyết phục."


Ông Long cũng nói rằng những “tai nạn” xảy ra cho thầy Vũ Hùng cũng có thể xảy ra cho người khác:

"Cuộc sống trong nước của chúng tôi khắc nghiệt lắm. Những điều như thế này có thể xảy đến cho bất cứ ai, đặc biệt là những người có tư tưởng dân chủ, những người có tư tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền thì những tai nạn như thế này xảy ra rất dễ."

Theo thầy giáo Vũ Hùng, nếu dân chúng bị đàn áp quá thì họ sẽ vùng lên:

"Cho đến thời điểm này thì cơ quan an ninh không kiểm soát nổi tình thế nữa. Có rất nhiều người đứng lên mà cả một bộ máy khổng lồ an ninh, nào là súng ống, nào là nhân viên rất đông mà không khống chế được, thì theo tôi nghĩ đây là một bước ngoặc mới của lịch sử dân tộc, tức là thế trận đã bị vỡ, bộ máy an ninh khổng lồ không còn kiểm soát được tình thế nữa.

Họ càng đàn áp mạnh thì càng nhiều người uất ức sẽ vùng lên, lúc đó không chỉ một thầy giáo Vũ Hùng mà sẽ có nhiều thầy giáo Vũ Hùng, nhiều người dấn thân cho lý tưỏng, cho đạo lý, cho sự trường tồn của dân tộc."


Thầy giáo Vũ Hùng cho biết sẽ khởi kiện ông Lê Mạnh Thức – phó Chủ Tịch UBND huyện Thanh Oai – TP Hà nội về việc ra quyết định trên:

"Tôi sẽ kiện ông Lê Mạnh Thức, lần trước ông ấy đã ký quyết định kỷ luật tôi, mà tôi đã khiếu nại, tố cáo đến hết cấp rồi nhưng ông ấy vẫn im, lần này thì ông ấy sẽ phải ra tòa cùng với tôi."

Trả lời câu hỏi có hy vọng gì không trong việc khởi kiện này, thầy giáo Vũ Hùng cho biết:

"Dù thế nào tôi cũng sẽ theo đuổi tới cùng, còn tôi không hy vọng họ sẽ giải quyết, khẳng định là họ không giải quyết nhưng tôi vẫn làm. Trong giai đoạn lịch sử này là việc đấu tranh dân chủ hóa đất nước bất bạo động."

Ông Nguyễn Thượng Long tin rằng, việc làm của ông Vũ Hùng là cần thiết, tuy nhiên để đạt được kết quả thì phải cần đấu tranh bền bỉ:

"Việc anh Vũ Hùng phản ứng là tất yếu thôi, tôi thấy là cần thiết, nhất là những người có dũng khí tranh đấu thì việc làm đó rất chính đáng, nhưng trong bối cảnh xã hội bây giờ ở trong nước thì những chuyện như thế này để đến được mục đích thì còn rất nhiều khó khăn.

Để đạt được thì còn là một cuộc đấu tranh rất bền bỉ nhưng tôi tin tưởng là anh Vũ Hùng là người có nghị lực, có bản lĩnh nên anh ấy sẽ vượt qua được những thử thách trong giai đoạn khó khăn, ngặt nghèo như thế này và bản thân tôi luôn tin tưởng là lịch sử sẽ xoá cái án kỷ luật này. "



Chúng tôi đã cố liên lạc với hiệu trưởng Lê Tiến Toan để tìm hiểu vấn đề nhưng không được. Và ngay cả ông an ninh tên Gần, người có mặt trong buổi kỷ luật thầy Vũ Hùng cũng cúp ngang điện thoại, không chịu nói chuyện.

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2008

Nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên khởi kiện Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội

Mời click vào tựa bài để nghe âm thanh


Nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên khởi kiện Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội

Hiền Vy, thông tín viên RFA
August 26 2008



Vào ngày 17 tháng 6 năm 2008, ba nhà dân chủ tại ViệtNam là ông Vũ Cao Quận, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm Thanh Nghiên đã đứng tên xin được phép đi biểu tình để bày tỏ nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên họ đã bị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nôi khước từ mà không giải thích lý do. Nhóm vận động dân chủ đã được luật sư Lê Trần Luật lên tiếng ủng hộ vì theo ông, quyền biểu tình có trong hiến pháp ViệtNam.

Tiếp tục cuộc vận động dân chủ trong tinh thần ôn hòa, ngày 22 tháng 8 năm 2008, luật sư Lê Trần Luật đã hướng dẫn cô Phạm Thanh Nghiên và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đi Hà Nội để đưa đơn chính thức khởi kiện Ủy Ban Nhân dân Thành Phố Hà Nội, về việc đã không chấp thuận quyền diễn hành biểu tình của họ:

“Quyền biểu tình được qui định trong hiến pháp. Nhà nước Việt Nam từ chối quyền biểu tình là vi hiến vì vậy tôi muốn giúp ông Nghĩa và cô Nghiên làm việc này”

Sau buổi tiếp xúc với Ủy Ban Nhân dân Thành Phố Hà Nội, cô Phạm Thanh Nghiên cho biết là đơn của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã không được chấp thuận vì ông không có Chứng minh nhân dân.

“Cho đến giờ phút này thì chỉ có mình tôi đứng tên trong lá đơn khiếu kiện thôi còn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì họ giải thích rằng vì không có giây chứng minh nhân dân nên không có đủ tư cách pháp nhân để tham gia cuộc khởi kiện. Chứng minh nhân dân của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị công an thu giữ vào hôm 29 tháng 4 khi ông tham gia biểu tình, phản đối việc Trung Quốc rước đuốc (Thế Vận) sang ViệtNam”

Lý do Cô Phạm Thanh Nghiên đưa đơn khởi kiện vì nhà nước đã xâm phạm quyền căn bản của người dân:

“Sau khi nhận được thông báo bác đơn của chúng tôi thì vào ngày 10 tháng 7 chúng tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã làm một cái đơn khiếu nại gửi lên cho Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, nhưng họ đã không trả lời. Và một lý do nữa là chúng tôi nhận thấy họ đã xâm phạm vào quyền công dân của chúng tôi và xâm phạm vào các giá trị tự do dân chủ và nhân quyền của người dân ViệtNam”

Cô Thanh Nghiên cũng cho biết, có lẽ trường hợp khởi kiện như vậy chưa hề xảy ra tại ViệtNam:

“Tôi chưa nghe có cá nhân hay tổ chức nào kiện Ủy Ban Nhân Dân của một thành phố liên quan đến việc không chấp nhận cho đi biểu tình. Tôi có thảo luận với luật sư Lê Trần Luật và được ông cho biết là ông cũng chưa nghe tới vụ kiện như vậy bao giờ”

Và theo cô Nghiên, thì đơn khởi kiện của cô đã được tòa án nhận:

“Đầu tiên chúng tôi đã có nhiều khó khăn trong việc xin nộp đơn, tuy nhiên họ đã nhận đơn khởi kiện của chúng tôi …”

Cô Phạm Thanh Nghiên cho biết là công an đã canh gác nhà của cô sau những cuộc điện đàm của cô với luật sư Lê Trần Luật:

“Tôi và luật sư Luật có trao đổi bằng điện thoại là ông Luật sẽ ra đây ngày 21, thì tư gia của tôi và tư gia của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị công an canh gác và bao vây từ ngày 16 cho đến nay. Hiện tại tôi đang ở trong tình trạng bị công an canh gác”

Phạm Thanh Nghiên cũng nói rằng việc cô khởi kiện là việc làm chính đáng. Và cô mong rằng người dân trong nước biết đến những quyền lợi sẵn có trong hiến pháp nhưng lại không được chính quyền thực thi:

“Tôi tin những cái tôi làm là đúng nên tôi không có lý do gì để lo sợ những động thái từ công an cả. Tôi muốn nhắn nhủ đến những người dân lao động là hãy mạnh mẽ để lên tiếng đòi những quyền mà lẽ ra chúng ta phải được hưởng, những quyền mà được pháp luật, được hiến pháp công nhận nhưng lại chưa được thực thi. Và tôi cũng rất muốn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ, của giới luật sư để hướng dẫn chúng tôi trong việc đòi hỏi dân chủ, nhân quyền”

Cô Thanh Nghiên nói thêm rằng:

“Sống dưới chế độ cai trị của đảng cộng sản, hầu hết người dân không biết họ có những quyền gì, nhất là giới lao động.. Và khi không biết mình có những quyền gì thì làm sao để đấu tranh, để đòi hỏi được. Những người lao động hãy mạnh dạn tìm hiểu xem mình có những quyền gì …”

Và cô cũng đã nói đến sự sợ hãi của người dân trong nước:

“Tôi nghĩ rằng sự sợ hãi chỉ là sự nhất thời mà thôi, tôi tin rằng với sự khát khao được sống trong một xã hội công bằng dân chủ tự do, thì sẽ thúc đẩy người dân đấu tranh. Và với sự giúp đỡ của giới luật sư, thì những công dân Việt Nam, những người lao động sẽ mạnh dạn hơn …”

Cô Thanh Nghiên thì sẵn sàng chấp nhận những khó khăn trước mặt vì việc làm chính đáng của mình, nhưng thân mẫu của cô không khỏi lo lắng cho những bất trắc có thể xảy ra cho cô con gái út của bà:

“Tôi là người Mẹ, tôi rất tự hào vì có người con có tâm huyết yêu nước, yêu giống nòi để đấu tranh cho tự do của dân tộc, nhưng tôi là người Mẹ nên tôi cũng rất lo lắng mặc dù con tôi mạnh mẽ lắm. Nhưng khi cháu mới phát đơn xin biểu tình thì đã bị hành hung rồi, mà bây giờ lại còn khởi kiện thì tôi rất lo lắng vì không hiểu cái gì sẽ xảy ra. Nếu trường hợp có rủi ro gì cho cháu thì tôi là người Mẹ nên tôi sẽ bảo vệ con. Tôi ủng hộ con tôi hoàn toàn, tuyệt đối ủng hộ cháu”

Hiền Vy, thông tín viên RFA

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Biểu Ngữ Kêu gọi Dân Chủ, Nhân Quyền tại Hải Phòng

Mời click vào tựa bài bên trên để nghe phần âm thanh


Biểu Ngữ kêu gọi Dân Chủ, Nhân Quyền ở Hải Phòng

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-08-17



Vào ngày thứ Bảy 16-8-2008, khoảng 10 giờ sáng, một biểu ngữ màu đen, với những hàng chữ màu trắng, đã được một nhóm người treo lên tại cầu vượt Lạch Tray, trung tâm thành phố Hải Phòng.

Nhóm người này đã treo biểu ngữ ngay trên thành cầu, hướng nhìn về Nhà Hát Lớn của thành phố. Trên biểu ngữ có những khẩu hiệu như:

“Bảo vệ toàn vẹn Lãnh Thổ, Lãnh Hải, Hải Đảo Việt Nam”

“Dân chủ, Nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam”

“Đa Nguyên, Đa Đảng cho Việt Nam”



Lời kể của những người chứng kiến

Ngay sau khi biểu ngữ được treo lên, rất nhiều người đi qua ngang đó, đã dừng lại xem. Chị Oanh, hiện đang sinh sống tại Hải Phòng kể lại:

“Vợ chồng chị chờ xe đi Hà Nội, dưới chân cầu Lạch Chay. Lạ lắm em ơi! Không hiểu tại sao mà Hải Phòng lại có người dám làm cái việc như thế. Tự nhiên có một cái banderole màu đen viết chữ trắng, thả từ lan can cầu vượt xuống mà chữ nghĩa phải nói là cực kỳ sắt bén”.

Hiền Vy: Chị có đọc được những khẩu hiệu viết trên đó không?

Chị Oanh: “Có, Bảo toàn lãnh thổ này, lãnh hải này, hải đảo Việt Nam này, đa nguyên đa đảng này, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam… chị định đi, nhưng nhớ ngày 19 này là sinh nhật cháu chị, nên không đi nữa, quay về nhà cháu chơi, rồi đưa cháu chị đi chợ Hàn, cũng trên đường ấy, không ngờ cái banderole vẫn còn. Nắng quá nên chị cũng không đọc rõ nhưng cháu bé đọc được…”

Hiền Vy: Câu gì vậy cháu ?

Cháu chị Oanh: “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam…”

Chị Oanh: “Chị đi qua đấy thì đọc được vậy thôi. Cũng có nhiều người đi qua đấy. Chưa bao giờ xẩy ra chuyện như vậy ở Hải Phòng cả, nhưng chị nghĩ đáng nhẽ chuyện này phải được công khai lâu rồi mới phải. Về sau chị đi chợ Hàng về thì thấy gỡ đi mất rồi. Lúc bấy giờ là 11 giờ kém 15 phút thì đã không thấy nữa rồi…”


Phương cách tranh đấu mới?


Hiền Vy: Thưa chị nghĩ là ai đã làm việc này ?

Chị Oanh: “Chắc chắn là các chiến sĩ dân chủ thôi. Chị nghĩ là các chiến sĩ dân chủ thôi”.

Hiền Vy: Thưa, cảm tưởng của chị như thế nào, khi thấy tấm biểu ngữ đó?

Chị Oanh: “Chị rất vui, ít ra là có một số người có đủ dũng khí để làm thay nhân dân. Rất nhiều dân chúng cũng nghĩ được như thế nhưng người ta không làm được gì cả, mà người ta cũng chưa có đủ khả năng, hoặc là chưa có đủ gan dạ để làm, mà có những chiến sĩ dân chủ làm được việc đó là đại diện cho ý nguyện của rất nhiều người”.


Hiền Vy: Thưa, chị có biết là ngày 28 tháng 7 vừa rồi trên Hà Nội, cũng đã có 1 biểu ngữ như vậy không?

Chị Oanh: “Có, có, chị xem mạng internet, chị có thấy ảnh trên trang nhà của RFA”

Hiền Vy:
Trong vòng vài tháng qua, những biểu ngữ kêu gọi dân chủ hóa đất nước, đòi tự do và nhân quyền cũng như sự vẹn toàn lãnh thổ đã được giăng lên những nơi đông dân cư.

Tại Hà Nội, sinh viên đã mượn những quả bong bóng mang biểu ngữ lên trên nền trời xanh cách nay vài tháng, rồi lại có biểu ngữ giăng trên cầu vượt Nam Thăng Long vào ngày 28 tháng 7.

Nay biểu ngữ lại được treo trên cầu vượt Lạch Tray, Hải Phòng, thành phố cảng quan trọng ở miền Bắc Việt Nam với dân số khoảng 2 triệu người. Phải chăng đây là đường lối tranh đấu mới của các nhà dân chủ trong nước.

(Hiền Vy - thông tín viên đài Á Châu Tự Do)

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 - Dư luận giới trẻ trong nước

Mời click vào tựa để nghe âm thanh



Dư luận giới trẻ Việt Nam ở trong nước về Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-08-08


Thế vận hội Bắc Kinh 2008 sắp khai mạc. Đây chắc chắn là một trong những sự kiện trọng đại nhất của thế giới vào lúc này. Trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước Trung Việt hiện nay, giới trẻ Việt Nam nghĩ thế nào về thế vận hội 2008?

Với sự tin tưởng mạnh mẽ số 8 là con số may mắn, chính quyền Trung Quốc sẽ bắt đầu Thế Vận Hội vào lúc 8 giờ, 8 phút, 8 giây, vào ngày 8, tháng 8, năm 2008 tại thủ đô Bắc Kinh.

Trong lúc chính quyền Trung Quốc huy động một số rất đông nhân viên an ninh để canh giữ trật tự cho Thế Vận Hội thì giới truyền thông quốc tế lên tiếng than phiền chính phủ Bắc Kinh, về sự vi phạm sinh hoạt riêng tư cá nhân, qua việc đặt máy quay phim trong các khách sạn và sự giới hạn quyền tự do thông tin của báo đài.

Sự đánh lừa

Mời quí thính giả nghe một người trẻ Việt Nam nói lên tâm tư về Thế Vận Hội năm nay:

“Khẩu hiệu của Thế Vận Hội Bắc Kinh năm nay là “One World, One Dream” tức là “Một thế giới, một giấc Mơ” có lẽ là thích hợp với truyền thống Olympics. Truyền thống này đã có rất lâu đời rồi và mang theo một tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tương thân tương ái giữa các dân tộc với nhau và tinh thần thượng võ của các môn thể thao.
Năm nay tổ chức tại Bắc Kinh, một trung tâm của một thế giới độc tài mới, chuyên cổ võ cho thế lực độc tài diệt chủng tại Darfur…hay là đi cướp đất, cướp biển của các nước khác.

Một Bắc Kinh mà đưa ra một khẩu hiệu như thế là có thể đánh lừa được rất nhiều những người không có sự quan sát Trung Quốc từ lâu đời, nhưng với tôi thì khẩu hiệu đó cũng giống như là một con cáo già đang muốn ăn miếng Phómát rất ngon của con quạ đang đậu trên cành cây, thì anh ta sẽ đưa ra những lời lẽ rất ngọt ngào, chào hỏi thân tình với chú quạ, chỉ chờ chú quạ há miếng ra là miếng phó mát đó rơi xuống.”

Có sinh viên cho rằng Trung Quốc không xứng đáng để tổ chức Thế Vận Hội:

“Theo tôi thì để cho Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội là không đúng vì Trung Quốc vi phạm đến lãnh thổ của nước Việt Nam và đàn áp Tây Tạng và vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa đang bị nhiều người phản đối”
“Một chính quyền phi dân chủ và phản nhân quyền, đàn áp chính những đồng bào ruột thịt của mình thì không không xứng đáng được tổ chức Thế Vận Hội, tượng trưng cho tinh thần hữu nghị và thượng võ giữa các dân tộc”


Thể thao và chính trị

Nhưng cũng có người có quan điểm khác là không nên đem chính trị vào thể thao:

“Thể thao và chính trị không thể đan chen được. Mỗi quốc gia có sự khác biệt về chính trị. Không nên lấy thể thao đan chen vào chính trị vì như thế là lợi dụng thể thao”

Khi được hỏi có nhiều người trẻ Việt Nam chống đối Thế Vận Hội tại Bắc Kinh không, một sinh viên trả lời:

“Việc này cũng khó nói, vì có một số người trẻ cũng có quan tâm nhưng chắc chắn cũng có số lượng người không quan tâm đến, nên tôi chỉ xin nói ý kiến của cá nhân tôi thôi: Tôi không bao giờ phản đối tinh thần Olympics vì đó là tinh thần hữu nghị của các dân tộc, thế nhưng để cho một chính quyền độc tài thực hiện Olympics mang tinh thần đó thì tôi không hài lòng.
Tôi ủng hộ tinh thần thể thao Olympic nhưng không ủng hộ việc Trung Quốc đăng cai Olympic năm nay”

Và trước sự bảo vệ an ninh chặt chẽ cũng như sự ngăn chận giới truyền thông đưa tin ra ngoài của chính phủ Trung Quốc, một sinh viên cho ý kiến:

“Hiển nhiên là có điều gì bất ổn thì mới che đậy, chứ còn những điều tốt đẹp và lành mạnh thì tại sao phải giấu nhẹm đi. Chắc chắn phải có gì khuất bất nào đó mới không cho báo chí và các hãng thông tấn được phép đưa tin”

Tẩy chay

Một số sinh viên cho biết họ sẽ không theo dõi những cuộc tranh tài của Thế Vận Hội qua các đài truyền hình vì bất mãn chính quyền Trung Quốc:

“Không, Thế Vận Hội những lần trước ở nơi khác thì theo dõi, nhưng lần này tổ chức tại Trung Quốc thì hoàn toàn không theo dõi. Ai hỏi đến thì không biết. Cái gì ghét thì không muốn nói đến. Trung Quốc chiếm nước Việt Nam và điều khiển chế độ này làm theo ý họ ”

“Những người dân ở các nước có nền dân chủ tiến bộ và những con người văn minh thì đã nhận ra được bộ mặt thật của chính quyền Trung Quốc hiện nay, do đó họ đã lớn tiếng phản đối khi ngọn đuốc Olympics rước qua quê hương họ như Thái Lan, Pháp hay nước Anh. Và vừa rồi, khi ngọn đuốc rước qua thành phố Sàigòn, thì Hà nội cũng đã có biểu tình, còn ở Sàigòn thì mọi người đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vì do cái lực lượng công an rất là đông, họ đã đàn áp cuộc biểu tình từ trong trứng nước nên cuộc biểu tình đã không thành công”

Không những thất vọng về việc công an đàn áp các cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sàigòn vào ngày 29 tháng 4 vừa qua, anh sinh viên này còn tỏ ra bất mãn trước việc nhà nước đã mời đội banh của Brazil đến đá với các cầu thủ Việt Nam, trên đường đi tham dự Thế Vận Hội tại Bắc Kinh

“Với tình hình kinh tế như hiện nay thì việc chính phủ bỏ ra rất nhiều tiền để đội bóng Brazil đến Việt Nam thi đấu tại sân Mỹ Đình, thì theo tôi, nó như là trưởng giả học làm sang, tự làm đẹp mình lên. Muốn tạo ra một cái vẻ hào nhóang bên ngoài nhưng việc này không phù hợp vào lúc này”

Tuy nhiên, cũng có người sẽ theo dõi những cuộc tranh tài giữa các lực sĩ dù không tán thành việc Trung Quốc được đăng cai Thế Vận Hội 2008:

“Vì là người mê thích thể thao nên tôi cũng sẽ theo dõi nhưng vẫn không tránh được sự bất bình…”

Vì sự an toàn của các sinh viên, Hiền Vy xin không nêu tên của các người đã góp tiếng trong bài phóng sự này.
.

Dư luận trong nước về Biểu Ngữ Kêu gọi Dân Chủ trên cầu Nam Thăng Long - Hà Nội

click vào tựa để nghe audio



Dư luận trong nước về biểu ngữ trên cầu Thăng Long tại Hà Nội, kêu gọi:
Dân Chủ Hóa Đất Nước


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-8-05


Vào ngày thứ Hai, 28 tháng 7 năm 2008, một nhóm người đã giăng một biểu ngữ trên cầu vượt Nam Thăng Long tại Hà Nội, kêu gọi Dân Chủ Hóa đất nước. Việc làm này được các sinh viên trong nước xem là hành động dũng cảm và đã khích lệ những ai quan tâm đến vấn đề Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho ViệtNam

Khi được hỏi, một sinh viên của Hà Nội cho biết, anh đã không có mặt tại hiện trường nhưng nghe tin qua bằng hữu:

“Sau khi sự việc xảy ra, thì qua một số anh em bạn bè thông báo, tôi lên internet, vào một số trang blogs thì thấy có bài và hình ảnh về việc treo banderole ở cầu vượt Nam Thăng Long”

Trong khi đó, ông Hiền ở Hải Phòng biết được tin qua một người bạn:

“Sáng ngày 28 tháng 7 vừa rồi, anh bạn tôi đi ngang cầu Thăng Long thì bị nghẽn đường, anh ấy về kể lại là có 1 cái biểu ngữ giăng ở đấy. Đấy cũng là câu chuyện thời sự mà những người quan tâm đến Dân Chủ Hóa đất nước đều biết cả, và đây là câu chuyện được nói đến trong những ngày vừa qua”

Anh sinh viên Hà Hội nói về cảm tưởng của anh khi biết sự việc:

“Ban đầu thì tôi ngạc nhiên và sau đó thì cảm thấy rất vui và khuyến khích, bởi vì hiện tượng này làm cho những ai quan tâm đến phong trào dân chủ ở ViệtNam đều thấy rất là vui, riêng tôi thì cảm thấy nức lòng, một sáng kiến rất hay và dũng cảm”

Một sinh viên trong Sàigòn nói rằng anh hoan nghênh việc làm đó:

“Như vậy chứng tỏ là dân chúng trong thời điểm này bức xúc nhiều về việc nhà nước đang gò ép nhân dân, nên đó là việc làm hiển nhiên thôi. Việc làm này chứa đựng sự dũng cảm của họ và tôi hoan nghênh tinh thần đó của họ”

Còn ý kiến của ông Hiền thì:

“Việc làm ấy có một ý nghĩa rất lớn. Tôi thấy có một sự phấn khởi và tôi tin tưởng trong một tương lai không xa, mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ sẽ sớm đạt được mục đích”

Trả lời câu hỏi có nhớ được những gì đã viết trên tấm biểu ngữ khi đọc trên mạng internet không, người sinh viên HàNội cho biết:

“Tôi không nhớ chính xác, nhưng tôi nói theo cái nhớ của mình: “Lạm phát tăng cao là giết dân, Tham nhũng là hút máu của dân, Mất đất, mất biển, mất đảo là có tội với tổ tiên. Đảng cộng sản hãy trả lại quyền dân chủ đa nguyên đa đảng cho nhân dân ViệtNam”

Và anh tiếp:

“Khi đọc được những khẩu hiệu đó thì tôi thấy rất hợp lý, đã nói lên những nguyện vọng của đại đa số quần chúng. Có lẽ cả nước Việt Nam lúc này đều cùng muốn như vậy bởi lẽ lạm phát đang giết dần sự chịu đựng đã gần tới kịch giới hạn của người dân. Và việc mất biển, mất đảo và mất đất của đất nước đã làm cho cả những tráng binh dũng mãnh nhất, và có khả năng chịu đựng lớn nhất cũng không còn ngồi yên được nữa. Những sự kiện gần đây cho thấy quân đội ViệtNam đã có những bất đồng về vấn đề nhân quyền và về sự mất biển, mất đảo …”

Anh sinh viên Sàigòn bày tỏ quan điểm rằng:

“Tôi cũng thấy những khẩu hiệu đó hợp lý. Trong xã hội còn chứa đựng những vấn đề rất gò bó nhân dân như chuyện đền bù, báo chí … nên tôi tán thành vấn đề đó”

Khi được hỏi có phải việc giăng biểu ngữ là do sự dấn thân của giới trẻ không, ông Hiền trả lời:

“Không biết là ai làm, nhưng tôi nghĩ đó là sự tiến bộ đáng mừng bởi vì không phải dân ViệtNam ai cũng hiểu được vấn đề dân chủ hóa đất nước mà giới trẻ ViệtNam bây giờ rất là năng động rất là sáng tạo, sôi nổi, quyết đoán, họ dám làm”

Anh sinh viên Sàigon thì nói:

“Nếu là của giới trẻ làm thì đó là sự rất đáng vui. Tôi hy vọng đó là việc làm của giới trẻ”

Và người sinh viên Hà Nội thì cho rằng:

“Tôi không thể đánh giá được có phải là giới trẻ hay không nhưng tôi nghĩ rằng trong những ý tưởng này thì chắc chắn phải xuất phát từ những người có cái khao khát dân chủ hóa đất nước từ lâu lắm rồi và lại là những người hoạt động bí mật, thì dù là ai cũng rất là đáng quí. …”

Biểu ngữ kêu gọi Dân Chủ Hóa Đất nước trên cầu vượt Nam Thăng Long vào sáng thứ Hai, ngày 28 tháng 7 năm 2008 đã mang lại niềm hy vọng cho một số người trong nước:

“Nó tạo cho tôi một niềm tin mạnh mẽ rằng ViệtNam chắc chắn sẽ có dân chủ trong một tương lai không xa”

“Nó khích lệ được tinh thần của người dân trước những vấn đề bức xúc và hy vọng qua việc này tiếng nói của người dân sẽ cất lên mạnh mẽ hơn và sẽ có những thay đổi thích đáng hơn”

Hiền Vy thông tín viên RFA

Bị Đấu Tố vì tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ

Click vào tựa để nghe audio


Bị đấu tố vì tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ …

Hiền Vy, thông tín viên RFA
August 3rd 2008


Vào ngày 30 tháng 7, tại tỉnh Hải Dương, thuộc miền Bắc ViệtNam, ông Nguyễn Bá Đăng đã bị đấu tố vào lúc 9 giờ sáng. HiềnVy có bài phỏng vấn với ông.

HiềnVy:
Thưa ông vụ việc xẩy ra như thế nào ạ ?

Nguyễn Bá Đăng:
Họ đấu tố tôi bằng văn bản, họ gửi xuống tất cả các xã trong huyện và họ còn đấu tố bằng phương tiện loa phóng thanh. Họ cho họp hội nghị hội đồng nhân dân xã mà trong đó có đại diện của Huyện về và thông báo trực tiếp truyền thanh trên loa như là: “Tội phạm Nguyễn Bá Đăng phản động, chống chế độ nhà nước cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa ViệtNam”

HiềnVy:
Thưa lý do gì mà họ đấu tố ông như vậy ?

Nguyễn Bá Đăng:
Họ nói là tôi đứng ra tổ chức và tham gia biểu tình nhiều lần ở Hà Nội và viết bài tài liệu để tuyên truyền chống phá nhà nước cho nên họ nói là lợi dụng dân chủ, dùng diễn tiến hòa bình … Họ vu khống cho tôi. Họ đưa ra đấu tố trước nhân dân trong xã, ngày 30 tháng 7

HiềnVy:
Khi họ dấu tố ông như vậy thì phản ứng của những người dân trong làng như thế nào ạ ?

Nguyễn Bá Đăng:
Nhiều người nói rằng: “Anh Nguyễn Bá Đăng đã dũng cảm và dám đứng lên tham gia biểu tình về vấn đề ViệtNam để mất đất, mất biển, hải đảo cho Trung Quốc, dám phản đối cuộc rước đuốc của Trung Quốc qua Sàigòn. Và vấn đề chống lạm phát ...”
Giá cả ở Việt Nam bây giờ leo thang rất khủng khiếp. Nhân dân bây giờ thiếu điện, giá xăng dầu và các mặt hàng khác tăng làm cho đời sống nhân dân rất là khó khăn cho nên người ta có phản ứng là chúng tôi mà làm được những việc như vậy thì rất tốt cho dân tộc ViệtNam mà chính quyền lại mang ra đấu tố thì rất là nghịch nhĩ và ngược đời. Những người lo cho vận mệnh đất nước thì lại bị đấu tố còn những người làm quan chức hiện nay thì nhũng nhiễu, đàn áp nhân dân và các nhà dân chủ, họ còn tham nhũng của nhân dân rồi còn bán đất bán biển và hải đảo cho Trung Quốc … Những kẻ như vậy thì lại không bị đem ra đấu tố, không bị gọi là những tên tội phạm. Còn chúng tôi là những người đứng lên tham gia các cuộc biểu tình đòi lại tự do, dân chủ nhân quyền cho Việt Nam thì lại bị đấu tố trên văn bản và trên loa truyền thanh. Rất bất công!

HiềnVy:
Thưa đấu tố ở trong tỉnh của ông thôi hay sao ạ ?

Nguyễn Bá Đăng:
Trong tỉnh Hải Dương thì tất cả các xã các huyện đều được thông báo bằng văn bản, họ đưa ra trước hội đồng nhân dân của xã Nam Chung, phóng thanh toàn xã thông báo: “Nguyễn Bá Đăng là một tội phạm…”

HiềnVy:
Ông bắt đầu đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền từ lúc nào ạ ?

Nguyễn Bá Đăng:
Từ lúc còn là một sĩ quan trong quân đội, tôi đã đưa ra những lời góp ý, thì đã bị đảng bộ quân sự theo dõi và đặt tôi vào tầm ngắm rồi. Tôi chính thức dấn thân tranh đấu sau khi tôi về lại quê hương buôn bán thì tôi tham gia đấu tranh cho Tự do Dân chủ từ năm 1989 đến nay

HiềnVy:
Trong khoảng thời gian từ đó đến nay ông bị bắt giam bao nhiêu lần ạ ?

Nguyễn Bá Đăng:
Họ đã bắt tôi tổng cộng là 3 lần. Năm 2003 họ bắt giam tôi 6 tháng 5 ngày. Năm 2007 họ bắt giam tôi 4 tháng và ngày 14 tháng 7 năm 2008 họ bắt giam tôi 4 ngày

HiềnVy:
Những lần bị bắt giam đó họ qui ông bị tội gì ạ ?

Nguyễn Bá Đăng:
Năm 2000 họ quản chế hành chính tôi 2 năm, đến năm 2003 họ bắt giam tôi, qui tội là không chấp hành qui chế quản chế hành chính và tội nữa là làm ra và tàng trữ tài liệu chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam, có tài liệu gửi tổng thống Mỹ và kêu gọi đứng lên biểu tình để lật đổ nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam

HiềnVy:
Từ hôm bị đấu tố đến nay, ông có bị hậu quả gì không ?

Nguyễn Bá Đăng:
Hiện bây giờ mạng internet của nhà tôi đã bị họ phá rồi

HiềnVy:
Thưa ông có muốn chia sẻ gì với thính giả của Á Châu Tự Do không ạ ?

Nguyễn Bá Đăng:
Tôi có một số nhắn nhủ với các tổ chức nước ngoài và các hãng truyền thông là ở Việt Nam bây giờ chính quyền đang có một cuộc đàn áp mới đối với các nhà dân chủ Việt Nam. Chúng tôi mong rằng ở bên ngoài lên tiếng và gây áp lực với chính quyền cộng sản Hà Nội là phải tôn trọng các quyền dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo …
Chúng tôi muốn ở đất nước Việtnam phải có một cuộc bầu cử thật tự do và dân chủ

HiềnVy:
Xin cảm ơn ông Nguyễn Bá Đăng
.

Biểu Ngữ Kêu gọi Dân Chủ trên cầu Nam Thăng Long - Hà Nội

Click vào tựa để nghe audio


Biểu Ngữ kêu gọi Dân Chủ tại Hà Nội

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-07-29


Vào sáng thứ Hai, ngày 28 tháng 7 năm 2008, khoảng 7 giờ sáng, trên đường đi làm, nhiều người dân Hà Nội đã chứng kiến một cảnh tượng rất ngoạn mục tại cầu vượt Nam Thăng Long – Nội Bài.

Có 4 người đi trên 2 chiếc xe máy, đã ngừng lại trên cầu, lấy ra một biểu ngữ từ túi xách tay, rồi mỗi người một góc, họ đã treo tấm biểu ngữ này bên thành cầu. Trước khi rời hiện trường, họ còn đưa tay vẫy chào những người dân đang đứng lại để xem.
Ông Nguyễn Phương Anh cho biết:

“Ở đấy có một số anh em dân chủ giăng một tấm banderole để cổ động cho phong trào dân chủ”

Trên biểu ngữ này có những khẩu hiệu như:

“Lạm phát, giá cả tăng cao là giết dân”
“Yêu cầu Đảng cộng sản thực hiện ngay Dân Chủ Hóa Đất Nước – Đa Nguyên Đa Đảng”
“Tham nhũng là hút máu nhân dân”
“Mất đất, biển, đảo là có tội với tổ tiên”


“Nội dung là như vậy, và được treo lúc 7:30 phút sáng hôm qua”

Và khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, thì công an đã tháo tấm biểu ngữ này đi, nhưng đã có rất nhiều người qua lại đọc được những khẩu hiệu này:

“Lúc tám giờ rưỡi thì vẫn còn, nhưng đến 9 giờ 15 thì công an họ gỡ xuống. Người dân tụ tập lại xem rất đông, thì công an mới đến gỡ xuống mang đi”

Theo ông Vũ Hùng công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ đang đi vào một giai đoạn mới, với nhiều người trẻ tham dự:

“Công cuộc (tranh đấu) bây giờ sang một giai đoạn mới. Trước đây, những người đấu tranh cho tự do dân chủ thì cần phải có ngòi bút, nhưng bây giờ thì theo tôi nghĩ, ai cũng có trách nhiệm. Khi mà đã nhận thức được vấn đề thì có lẽ không phải chỉ cần có bài viết mà vẫn có thể có những cách đấu tranh khác, rất hiệu quả. Bây giờ là giai đoạn mới, giai đoạn của cái công việc mang chữ đạo lý về vì sự lợi ích chung của đất nước”

Và cũng theo ông Vũ Hùng thì sự thành công là do lòng đoàn kết của tất cả mọi người:

“Sự việc này không phải là cá nhân ai, mà do nhiều người cùng làm. Điều quan trọng là công việc này không phải là chỉ có ngày hôm nay, mà sau này sẽ có nhiều việc khác nữa. Vụ việc hôm nay có ảnh hưởng đến những anh em khác, những người mới, những người trẻ, theo tôi thì, anh em chúng tôi rất thống nhất.
Nói một cách cụ thể thì đây không phải là một công việc mới mà là đòi hỏi tính đoàn kết của anh em, đòi hỏi cái bản lĩnh của mỗi người... Điều quan trọng là sự lợi ích chung”.

.