Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

LS Lê Trần Luật Mời Gọi Luật Sư Trong Nước Hợp Tác

LS Lê Trần Luật Mời Gọi Luật Sư Trong Nước Hợp Tác Bênh Vực Các Nhà Dân Chủ

Hiền Vy - Thông Tín Viên RFA
September 30 2008



Từ cả tháng nay, nhà nước ViệtNam đã bắt bớ giam cầm rất nhiều người đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân Quyền tại ViệtNam. Gia đình của những nhà dân chủ này đã và đang nhờ luật sư Lê Trần Luật biện hộ cho họ. Vì có quá nhiều người cần được bảo vê, luật sư Lê Trần Luật đã lên tiếng, kêu gọi sự tham gia của giới luật sư trong nước giúp ông trong công việc này.
Vào ngày 26/9/2008 trên trang nhà của Văn phòng Luật Sư Pháp Quyền, đã có một thông báo kêu mời sự hợp tác. Mời quí thính giả theo dõi buổi nói chuyện của Hiền Vy và luật sư Lê Trần Luật

Hiền Vy:
Thưa luật sư, được biết trên trang nhà của Văn phòng Luật sư Pháp quyền và trên blog Công Lý và Sự thật có một thông báo, kêu gọi sự hợp tác của giới Luật sư trong nước, xin Luật sư vui lòng cho biết thêm chi tiết

LS Lê trần Luật:
Việc nhà cầm quyền bắt rất nhiều các nhà hoạt động cho Dân chủ và Nhân quyền tại ViệtNam, như trong thông báo tôi đã ghi rất rõ cụ thể một số tên, đồng thời còn một số người khác nữa. Thứ nhất là tôi muốn có sự hợp tác của những luật sư, quan tâm đến số phận những nhà hoạt động dân chủ đã bị bắt. Thứ hai là thông qua vấn đề kêu gọi, nếu tôi có nhiều luật sư khác ủng hộ thì việc này ít nhiều sẽ gây sức ép lên cơ quan an ninh, hiện đang giam giữ những nhà hoạt động cho dân chủ

Hiền Vy
Xin luật sư nhắc lại cho biết hiện tại nhà dân chủ nào bị bắt và gia đình họ đang nhờ luật sư, ạ ?

LS Lê trần Luật:
Hiện tại tôi đã có, tạm gọi như là hợp đồng, của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, của mẹ cô Phạm Thanh Nghiên, của anh Ngô Quyền là anh của Ngô Quỳnh, của cô Trang là vợ anh Trội, của em anh Túc, và một số những người khác nữa

Hiền Vy
Vâng, như vậy là gồm có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Phạm văn Trội, ông Nguyễn văn Túc, cô Phạm Thanh Nghiên, sinh viên Ngô Quỳnh, phải không ạ ?

LS Lê trần Luật:
Dạ, vâng

Hiền Vy
Thưa ông cho biết thủ tục tham gia của luật sư như thế nào ạ ?

LS Lê trần Luật:
Hiện tại theo luật của ViệtNam thì chỉ có những người, tôi tạm gọi là bị can, mới có quyền nhờ luật sư nhưng tất cả những nhà dân chủ này đang bị cướp đoạt tự do, tức là họ đang bị tạm giam, như vậy thì họ không có điều kiện để tiếp cận với luật sư nên chỉ còn giải pháp là gia đình họ ký giấy để nhờ luật sư, thì khi đó tôi được chính thức gặp họ tại trại giam của bộ công an

Hiền Vy
Thưa, việc kiếm thêm người để phụ giúp cho luật sư có dễ không ?

LS Lê trần Luật:
Trong việc kêu gọi hợp tác để bảo vệ cho các nhà hoạt động dân chủ thì tôi nghĩ rất khó, bởi vì có thể nói là giới luật sư ở Việtnam đang sống trong một sự sợ hãi, là khi bảo vệ cho những người tạm gọi là tội phạm chính trị, thì nhà nước sẽ gây cho khó khăn cho họ mặt này, mặt khác. Có thể vì lẽ đó mà họ không dám lên tiếng bảo vệ những người này. Tuy nhiên, tôi hy vọng là tôi sẽ kiếm được. Tôi hy vọng là thông qua sự hợp tác này tôi sẽ có thêm đồng nghiệp có cùng chính kiến với tôi, hoặc là thông qua hợp tác này tôi sẽ có một cái nhìn nó toàn diện hơn về việc giới luật sư Việt Nam có ủng hộ những hoạt động dân chủ hay không

Hiền Vy
Thưa, như vậy là ông kêu gọi sự hợp tác của những luật sư có lòng, để bênh vực những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở ViệtNam, phải không ạ ?

LS Lê trần Luật:
Vâng

Hiền Vy
Thưa ông, việc như vậy mà khó tìm sao ?

LS Lê trần Luật:
Việc này khó tìm (người hợp tác) vì thật sự không phải chỉ là luật sư, mà người dân Việt Nam đang sống trong sự sợ hãi. Bất cứ họ nghe cái gì mà liên quan đến chính quyền, liên quan đến đảng Cộng Sản, liên quan đến hoạt động này kia thì gần như họ cảm giác một sự sợ hãi bao trùm. Người ta sợ không phải là không có lý bởi vì thực trạng xảy ra quá nhiều. Nhà cầm quyền đàn áp rất nhiều, không phải chỉ mới bây giờ mà đã có một lịch sử là cộng sản đã đàn áp những người nào dám lên tiếng. Trong suốt quá trình đảng cộng sản cầm quyền, họ đàn áp như thế nào. Có những trường hợp mà người ta chỉ nói một đôi câu, mà không vừa lòng với chính quyền là có thể đi ở tù mười mấy năm liền.
Rất nhiều cuộc đàn áp, bắt bớ như thế dẫn đến bao trùm xã hội là một sự sợ hãi. Sợ hãi hết thảy những vấn đề gì mà người ta có cảm giác là; Nói đến đảng cộng sản ViệtNam là nói đến cái gì tội lỗi. Nói đến cái gì mà ngược lại ý Đảng là một tội lỗi ghê gớm có thể dẫn người ta đến sự tù đày, một sự cướp đoạt tự do … Cho nên tôi nghĩ, luật sư, cũng như những người khác, đang sống trong tâm trạng sợ hãi, mặc dù có thể họ biết rằng những nhà họat động cho Dân chủ, Nhân quyền là những người nói lên ý kiến rất đúng đắn, nhưng họ không dám lên tiếng bởi vì họ cầu mong một sự an toàn, an ninh cho cá nhân mình

Hiền Vy
Thưa luật sư, nếu có sự ủng hộ của nhiều luật sư khác trong nước, thì việc làm của ông có hiệu quả hơn không ?

LS Lê trần Luật:
Dĩ nhiên là nếu tôi được nhiều luật sư ủng hộ việc này thì công việc sẽ được chia sẻ, tức là giảm áp lực công việc đối với tôi, bởi vì quá nhiều người thân của các nhà dân chủ nhờ tôi và khi mà tôi có thêm luật sư lên tiếng ủng hộ thì điều đó cũng đánh tiếng cho nhà cầm quyền biết rằng hiện nay giới luật sư không còn sợ hãi nữa. Người ta sẵn sàng đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và điều này nhất định sẽ gây một sức ép lên cơ quan an ninh điều tra. Bắt buộc họ phải điều tra, giam giữ, hoặc là khởi tố những nhà dân chủ này, ít ra là phải đúng với pháp luật ViệtNam. Còn cái hành động họ làm có đúng hay không thì tôi chưa nói đến nhưng ít ra về mặt pháp luật khi họ muốn bắt giam người này, bắt giam người kia thì họ cũng phải cho gia đình, cho người thân của những người bị bắt biết được là họ khởi tố vụ án chưa, họ bắt giam với lý do gì. Và nhiều luật sư tham gia thì tôi cho rằng cơ quan an ninh sẽ có những sức ép nhất định và điều đó sẽ đánh động dư luận rằng; xã hội ViệtNam, luật sư ViệtNam hiện nay không còn sợ hãi nữa mà sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý và bảo vệ cho những nhà đang hoạt động Dân chủ cho Việt Nam

Hiền Vy
Xin cảm ơn ông và xin chúc ông nhiều may mắn

HienVy - RFA

*********************************************************************************
Ghi thêm


Muốn biết thêm chi tiết về thông báo này, xin vào trang nhà của Văn Phòng Luật Sư Pháp Quyền hay blog Công Lý và Sự Thật

Links

http://blog.360.yahoo.com/blog-calB7c8leuiQNqd4fyQ2Ua1yzA--?cq=1&p=9406


Luật sư Lê Trần Luật - Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền,
vừa có Thông báo mời Toàn thể Luậ sư đang hành nghề tại Việt Nam hợp tác,
nội dung như sau:


Kính gởi: Toàn thể Luật sư đang hành nghề tại Việt Nam

Hiện nay, cơ quan An ninh điều tra đã cáo buộc hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” (theo Điều 88 BLHS) đối với những công dân có tên sau đây:
1- Ông Nguyễn Xuân Nghĩa _ nhà văn
2- Ông Phạm Văn Trội
3- Ông Nguyễn Văn Túc
4- Cô Phạm Thanh Nghiên
5- Anh Ngô Quỳnh _ sinh viên
6- Ông Vũ Văn Hùng _ nhà giáo
7- Và một số cá nhân khác.

Chúng tôi đã nhận được đề nghị từ người thân của những người trên, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thân của họ.
Chúng tôi tha thiết mong giới Luật sư toàn quốc có lòng yêu công lý và hòa bình, có tinh thần ủng hộ các hoạt động dân chủ và nhân quyền, hãy hợp tác cùng chúng tôi để bảo vệ cho những “nạn nhân” nêu trên.
Thù lao và mọi chi tiết khác, xin vui lòng liên hệ:

Luật sư Lê Trần Luật - Số điện thoại: 0908.61.20.20

Điện thoại văn phòng: 08.9896517 Fax: 9895945

Mail: - contact@luatsuphapquyen.com
- vplsphapquyen@gmail.com
- taphongtan@gmail.com
Mong được sự nhiệt tình tham gia của Quý Luật sư toàn quốc. Chúng tôi chân thành cảm ơn!

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 09 .năm 2008
TRƯỞNG VĂN PHÒNG
Luật sư - Thạc sĩ LÊ TRẦN LUẬT

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2008

Sinh viên trong nước nghĩ gì về việc báo đài lên án TGM Ngô Quang Kiệt?

Sinh viên trong nước nghĩ gì về việc báo đài lên án TGM Ngô Quang Kiệt?

HiềnVy, phóng viên đài RFA
2008-09-28



Trong những ngày qua, trên báo đài trong nước liên tục trích dẫn và lên án lời phát biểu của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong cuộc gặp với UBND thành phố Hà Nội.

Tác động của chiến dịch truyền thông này ra sao? Hiền Vy đã hỏi một số sinh viên trong nước về cảm nghĩ của họ.

Báo đài thiếu trung thực

Một sinh viên ở Sàigòn phát biểu:

“Trước sự việc cơ quan truyền thông nhà nước cắt xén lời phát biểu của Đức Tổng Kiệt và có những bài viết đả phá thành một ngữ cảnh khác là một việc làm có ý đồ. Mục đích của họ là làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn.

Có thể hành động này là nhằm để hướng dư luận trước những sự kiện quan trọng của nhà nước về cách giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà. Đồng thời thì đây cũng là hành động nhằm mục đích triệt hạ uy tín của đức Tổng Kiệt.

Điều này cho thấy sự thiếu trung thực, thiếu khách quan của báo chí Việt Nam và cũng khiến cho người ta đặt ra một câu hỏi lớn về lương tâm của người cầm bút và bên cạnh đó người ta cũng nhận thấy sự yếu kém về mặt lý luận của nhà nước qua vụ Tòa Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà đến độ phải dùng cái hạ sách này.

Trong khi ở trên các diễn đàn internet các vấn đề được đem ra bàn luận với các ý kiến, đồng tình cũng như không đồng tình đã diễn ra rất sôi nổi thì việc 800 tờ báo của nhà nước chỉ đưa những thông tin có tính một chiều cũng làm cho người ta đặt ra những câu hỏi lớn.”


Một sinh viên tại miền Bắc thì cho rằng:

“Câu nói của Đức TGM Ngô Quang Kiệt không phải là ông muốn phủ nhận ông là người Việt Nam mà ông chỉ muốn nói lên rằng ông cảm thấy nhục nhã khi đi đâu cũng bị các nước khác họ coi rẻ người Việt Nam, vì mình quá nghèo và không đoàn kết.

Ông muốn chúng ta đoàn kết và mạnh mẽ hơn nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam đang muốn hạ uy tín của đức TGM Ngô Quang Kiệt, là người đang có uy tín trong cộng đồng Công giáo Việt Nam nên họ sử dụng báo đài của họ để cắt xén, thêm bớt lời nói của Đức TGM Ngô Quang Kiệt để tạo một dư luận, phản ứng gay gắt trong nhân dân, nhưng họ đã nhầm vì sự thật bao giờ cũng là sự thật nên nhân dân sẽ hiểu ra câu nói của đức TGM.”


Không chỉ ĐGM Ngô Quang Kiệt thấy nhục

Và phát ngôn viên của blog Vàng Anh nói:

“Đứng trên mặt truyền thông thì đây là việc không nên làm, nhất là với tư cách truyền thông của nhà nước. Những người không ủng hộ hay ủng hộ quan điểm trong câu nói nguyên văn của TGM Ngô Quang Kiệt đều bất bình về cách thức thông tin và cách kết án ông Ngô Quang Kiệt trên đài truyền hình và báo chí Việt Nam.

Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề đưa tin như thế nào, mà là truyền thông và nhà nước của chúng ta đã tạo một ấn tượng không tốt và những gì mà họ đang tuyên truyền.

Từ lâu mọi người đã biết truyền thông hay báo chí Việt Nam không được nói lên sự thật nên việc truyền thông Việt Nam cắt ngắn câu nói của TGM Ngô Quang Kiệt chỉ là một thí dụ điển hình cho việc uốn nắn thông tin phục vụ cho mục đích chính trị của nhà nước mà thôi”


Một sinh viên miền Trung bày tỏ sự thông cảm của anh với đức TGM Hà Nội về vụ việc này:

“Nếu tôi ở vị trí của đức Tổng Giám Mục thì tôi cũng cảm thấy hỗ thẹn vì bản thân tôi đã từng gặp một trường hợp là kỹ sư Việt Nam ra nước ngoài làm việc lại chỉ là những kỹ thuật viên mà thôi, mặc dù họ là kỹ sư trong nước. Cho nên ra nước ngoài bản thân tôi chỉ là một kỹ thuật viên thì tôi cảm thấy rất nhục nhã với các nước láng giềng.

Nên việc Ngài là 1 đức TGM mà khi ra nước ngoài, đến sân bay, bị lục soát thì cái vấn đề đó Ngài cảm thấy là quá nhục nhã khi Ngài là một TGM mà bị rơi vào hoàn cảnh ương ương dở dở vì ảnh hưởng trên cái hộ chiếu Việt Nam. Vấn đề này chỉ là tư tưởng của Ngài cho nên không có việc gì mà phải đánh giá. Ở Việt Nam không phải ai cũng hãnh diện về cái đất nước này.

Nếu hôm nay đất nước này trở thành một cái gì tốt đẹp giữa cộng đồng thế giới thì người ta có quyền hãnh diện nhưng vẫn nhiều người có cảm giác chẳng có gì để hãnh diện trên đất nước này, nên cái việc họ cảm thấy nhục nhã thì quá bình thường trong xã hội này”


Và anh nói thêm rằng:

“Trong sâu thẳm tâm hồn thì mỗi người Việt Nam đều yêu nước Việt nhưng hình ảnh của nước Việt ngày hôm nay, làm cho họ không còn cảm thấy tự hào về nước Việt nữa. Yêu nước Việt và tự hào về nước Việt là hoàn toàn khác nhau. Bản thân tôi luôn yêu mến nước Việt Nam nhưng hãnh diện về nó trong thời điểm này thì tôi không có cảm giác gì để hãnh diện”

Anh sinh viên Sàigòn thì vẫn tự hào về dân tộc Việt:

“Là một người Việt Nam thì tôi rất tự hào về dân tộc của tôi nhưng là một người tự trọng tôi cũng cảm thấy xấu hổ với những cái xấu xa và những thói tiêu cực của xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt là khi nói chuyện và tiếp xúc với bạn bè nước ngoài khi gặp họ tại Việt Nam”

Và câu nói của Phát ngôn viên blog Vàng Anh sẽ kết thúc bài phóng sự hôm nay:

“Học sinh Việt Nam được giáo dục câu: ‘Đất nước ta tiền vàng biển bạc’, nhưng rừng đã bị đốn trong đó có phong trào bán cây và bán than qua biên giới Trung Quốc, biển cả thì đang bị Trung Quốc thao túng.

Nhìn vào thực tế những gì người Việt Nam đang có từ kinh tế xã hội thì nước ta là một trong những nước nghèo, chậm phát triển, thậm chí còn là bãi rác công nghệ của các nước phát triển.

Về chính trị thì đối với thế giới, chính quyền Việt Nam là chính quyền tham nhũng, độc tài, công dân thì không có nhân quyền, không được phát biểu ý kiến. Nhà cầm quyền thì tùy thuộc vào chính trị của Trung Quốc. Về văn hóa thì scandal phim sex của Hoàng Thùy Linh đã trở thành phim sex được phổ biến trên toàn thế giới …

Như vậy tự hào về người Việt Nam không phải chỉ là một khẩu hiệu mà cần phải có một việc làm thiết thực để đưa đất nước vượt qua đói nghèo và lạc hậu”.


Hiền Vy - RFA

Nhiều nhà dân chủ vẫn tiếp tục bị sách nhiễu

Nhiều nhà dân chủ vẫn tiếp tục bị sách nhiễu

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-09-28



Từ đầu tháng 9, nhà nước Việt Nam đã bắt giam những người tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền sau khi có tin về lời kêu gọi cho một cuộc biểu tình của giới sinh viên học sinh.

Những cuộc biểu tình dự trù được tổ chức vào ngày 14 tháng 9 tại Hà Nội, chống lại công hàm của cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng cách đây 50 năm, công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung quốc.

Từ sinh viên Ngô Quỳnh, đến dân oan Nguyễn văn Túc, Phạm văn Trội, nhà thơ Trần Đức Thạch, rồi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, thầy giáo Vũ Hùng và gần đây nhất nhà nước lại bắt giam nhiều nhà dân chủ khác, là các ông Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Hà Phương tại Hải Phòng, Nguyễn Kim Nhàn tại Bắc Giang, và ông Hiền tại Hải Dương.

Đàn áp, bắt giam

Sáng ngày 26 tháng 9, Hiền Vy đã liên hệ để hỏi chuyện Ông Vũ Cao Quận, ông Quận cho biết:

"Theo tôi thì cũng chưa có gì chính xác lắm, có bắt hôm trước là 4 người còn người thứ 5 thì tôi không rõ. Hôm qua tôi nghe tin là người bạn bị bắt rất thân với tôi là nhà thơ Nguyễn Mạnh Sơn đã được trả tự do chiều hôm qua.

Bây giờ tôi yếu lắm, chỉ ở nhà, không ra khỏi cửa được. Tôi chỉ nắm tình hình qua sự liên lạc điện thoại với các bạn thôi. Tôi không có mối quan hệ với bác Hiền đó nên không rõ, nhưng còn bác Tính thì tôi có nghe tin là bác Tính đã bị bắt, nhưng hôm nay trả được tự do chưa thì tôi cũng không rõ, vì tôi cũng chưa được tin gì.”


Trong khi đó chính ông Vũ Cao Quận cũng vừa nhận được giấy triệu tập:

“Cách đây độ khoảng 5 phút thôi, tôi cầm giấy triệu tập của công an Hải Phòng, sau khi bắt một số bạn bè của tôi, còn ngày hôm nay của tôi làm sao thì tôi cũng chưa rõ, nhưng hiện bây giờ thì tôi có giấy triệu tập, chiều hôm nay lên gặp họ.”

Nhưng với tình trạng sức khỏe rất xấu, ông cho biết là không thể đi làm việc được:

“Không ạ, tôi có nói rằng, hầu như là nửa năm nay tôi không ra khỏi cửa nhà mà cũng không đi nổi 100 bước nữa rồi. Không đi được thì họ đưa người lên áp giải. Hôm nay tôi báo cáo với họ là tôi đang mệt, có thể lùi lại cho tôi mấy hôm, chứ tôi chẳng có ngại gì cả. Từ trước tới giờ tôi bị triệu tập thì thông thường tôi đến đúng giờ còn lần này thì tôi quá yếu rồi. Tôi có nói với họ như thế nhưng chưa biết sẽ ra làm sao. Tôi hy vọng là sẽ không bị áp giải.”

Đe dọa, nhục mạ

Còn sinh viên Nguyễn Tiến Nam ở Yên Bái thì bị điện thoại đe dọa:

“Mấy hôm nay tôi nhận được điện thoại nặc danh. Họ để chế độ không hiện số trong điện thoại. Họ gọi đến số tôi hay dùng để gọi cho bạn bè anh em… Họ dọa nạt, chửi bới, lời lẽ nhục mạ tôi trong điện thoại và dọa là vì tôi phản động nên sẽ bị bắt. Nhiều câu với từ ngữ không được có văn hóa.”

Anh nói thêm rằng lý do bị đe dọa là vì anh đã tham gia vào việc đấu tranh:

“Họ nói tôi phản động vì tôi tham gia vào việc đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước Việt Nam và vì tôi đã từng tham gia những cuộc biểu tình chống rước đuốc Thế Vận Bắc Kinh rồi tham gia thả bóng bay để ủng hộ việc đòi dân chủ cho Việt Nam và nhiều công việc nữa.”

Anh cho biết nhà nước đang có phong trào bắt giam những nhà dân chủ:

“Hiện tại họ đang có chiến dịch đàn áp trắng các phong trào dân chủ trong đất nước Việt Nam để họ không còn phải đối phó với những người đối lập như chúng tôi nữa, nên họ tìm đủ mọi cách để bắt bớ và tù đày chúng tôi là những người đấu tranh dân chủ cho đất nước Việt Nam.”

Dù liên tục bị nhục mạ và dọa nạt, sinh viên Nguyễn Tiến Nam khẳng định là anh không hề nao núng:

“Có thể nay mai tôi sẽ bị công an nhà nước Cộng Sản Việt Nam bắt vì tôi đã từng tham gia phong trào đấu tranh dân chủ hóa đất nước, nhưng tôi xin nói một điều rằng: đi tù thì không ai muốn nhưng chúng tôi phải đi tù vì chúng tôi đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước, vì muốn đất nước phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi không bao giờ sợ việc phải đi tù, vì đối với tôi, đi tù là cũng một phần đóng góp cho phong trào dân chủ, thì không có một vấn đề gì mà phải sợ sệt nhà cầm quyền Việt Nam cả.”

Nhưng anh lo ngại nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm tổn thương danh dự của anh:

“Sau khi tôi bị bắt có thể nhà cầm quyền Việt Nam sẽ dùng những biện pháp tra tấn hay làm bất kỳ một trò xấu xa gì hay có thể dùng những biện pháp như quay phim lồng ghép và đưa những bằng chứng không có thật về tôi ra thông tin đại chúng để bôi nhọ danh dự của tôi thì những điều đó tôi phủ nhận hoàn toàn.

Tôi xin khẳng định rằng những công việc của tôi làm không có gì là vi phạm pháp luật. Tôi chỉ đấu tranh chống lại sự độc tài đảng trị của đảng Cộng Sản Việt Nam và tôi đấu tranh chống lại những sự bất công trong xã hội và chống lại những người đã vi phạm nhân quyền trên đất nước Việt Nam. Tôi đòi hỏi lại tự do, nhân quyền cho dân tộc tôi, cho chính bản thân tôi.

Cái nhân quyền tự do là do tạo hoá đã sinh ra cho chúng tôi và cho đất nước Việt Nam này thì không bao giờ một tổ chức hay một đảng phái hay một chính quyền nào có thể cướp đi cái quyền tự do dân chủ nhân quyền của người dân được. Chúng tôi đang đòi lại những quyền đó đã bị đảng Cộng Sản cướp mất.”


Và ông Vũ Cao Quận thì gửi lời cảm kích đến những người Việt ở khắp nơi:

“Tôi là người lính trở về, ngồi bên vỉa hè lịch sử rồi mà. Tôi năm nay 76 rồi, xin gửi lời kính chào tất cả các bạn ở nước ngoài nghĩ về đất nước. Tôi đã đọc bài của các bạn và từng ngồi khóc bên bài của các bạn viết.”


Hiền Vy, thông tín viên RFA
.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Sàigòn hiệp thông cầu nguyện với Hà Nội

Sàigòn hiệp thông cầu nguyện với Hà Nội

Hiền Vy , thông tín viên RFA
2008-09-22


Vào ngày Chủ nhật, 21 tháng 9 năm 2008, tại TP HCM, nhiều nhà thờ đã hiệp thông cầu nguyện cùng giáo dân giáo xứ Thái Hà. Trước mỗi buổi lễ, các linh mục đã đọc đơn khiếu nại của đứcTổng giám mục Hà nội Ngô Quang Kiệt và bức tâm thư của đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn thuộc giáo phận Sàigòn cho giáo dân cùng nghe.

Tòa Tổng Giám Mục HàNội lên tiếng

“ … Chấm dứt ngay hành động phong tỏa tòa Tổng Giám Mục HàNội và việc phá hoại tài sản trên.
Hai: Trả lại nguyên trạng khu đất cho chúng tôi sử dụng vào mục đích tôn giáo, phục vụ cộng đồng.
Các cơ quan chức năng và thành phố Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc gì có thể xảy ra trong việc chiếm đoạt tài sản của chúng tôi.
Chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể bảo vệ tài sản của chúng tôi.

Yêu cầu có sự can thiệp khẩn cấp của ngài chủ tịch nước, ngài thủ tướng chính phủ, chính quyền thành phố Hà nội cùng các cơ quan liên quan đến những hành động này. Tòa Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt”


Vừa rồi là một phần của đơn khiếu nại khẩn cấp của tòa giám mục Hà Nội gửi chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ đã được một vị Linh Mục thuộc giáo phận Sàigon đọc cho giáo dân nghe trước buổi Lễ vào chiều Chủ Nhật, và tiếp theo là tâm thư của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn:


Tâm thư của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn:


“Tòa Tổng giám mục Thành phố HCM, 19 giờ ngày 19 tháng 9. Anh chị em linh mục, anh chị em tu sĩ, anh chị em giáo dân trong gia đình giáo phận. Anh chị em thân mến. Tôi xin gửi đến anh chị em đơn khiếu nại khẩn cấp của tòa giám mục Hà Nội gửi chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ Việtnam. Xin các anh chị em trong cộng đoàn tín hữu trong giáo phận, cầu nguyện xin Chúa ban ơn soi sáng ơn lành, an bình sức mạnh cho anh chị em trong Tổng giáo phận Hà Nội cũng như cho mọi người trên, để mọi người thay vì dùng bạo lực, biết thanh thản đối thoại với nhau cách thẳng thắn và chân thành nhằm giải quyết vụ việc dưới ánh sáng công lý và bác ái. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em…”

Sau khi đọc xong lời kêu gọi hiệp thông cầu nguyện của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, vị linh mục trên đã nói với giáo dân:

“Công đoàn chúng ta đã được nghe bức thư của đức TGM Hà Nội kêu mời về những vấn đề nóng bỏng xảy ra với công đoàn HàNội, vì thế cùng với hiệp ý của đức Tổng và Hồng Y giám mục, chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho anh chị em tín hữu ngoài miền Bắc. Chúng ta cũng hiệp ý cầu nguyện cho những người lãnh đạo quốc gia, cho tất cả dân Việt. Công đoàn dân Việt chúng ta là những con người biết khát khao tìm kiếm công lý, chân lý và hòa bình. Thiên chúa là đấng công lý, Thiên Chúa là đấng có sức mạnh, có sự công bằng. Xin ngài ban hồng ân của Ngài đến tất cả anh chị em đồng bào chúng ta”

Theo vị linh mục này, thì mục đích giáo phận chia sẻ tin tức trên đến giáo dân là vì muốn giáo dân biết sự thật đang xảy ra tại giáo phận Hà Nội:

“Đây là hành động ngôn xứng, tức là khi chúng ta thấy cái gì đúng thì chúng ta nói đúng, khi chúng ta thấy sai thì phải nói sai. Cái này là bắt buộc. Lời của ngôn sứ nói: Khi ta đã tỏ cho ngươi biết thế nào là đúng, thế nào là sai thì ngươi phải nói . Nói không phải là tố cáo mà nói là để giúp người anh em mình nhận ra cái đúng cái sai.
Cái lá thư này Đức giám Mục chỉ muốn nói lên sự thật và kêu gọi anh chị em cầu nguyện. Cầu nguyện ở đây không phải là cầu nguyện cho chúng tôi chiến thắng theo ý của mình mà cầu nguyện cho tất cả tín hữu, cầu nguyện cho cả những người lãnh đạo quốc gia. Cầu nguyện để cho chúng ta thấy rõ ánh sáng của sự thật để cho anh chị em mình với nhau có cách giải quyết đứng đắn”


Chia sẻ và ủng hộ


Một giáo dân có mặt tại chỗ cho biết tâm trạng của cô:

“Nghe cái bức thơ ấy thì mình cảm thấy rất bức xúc. Tại sao chính quyền lại dại thế, làm cái điều đó với dân chúng của mình, em muốn nói đến hành động đàn áp phi lý của chính quyền đối với giáo dân Thái Hà”

Và cô nói rằng không chỉ buổi lễ sáng sớm tại một giòng tu gần nơi cô cư ngụ hay trong giáo đường vào chiều Chủ nhật nơi cô đang dự thánh lễ, mà nhiều nhà thờ tại Sàigòn trong ngày Chủ nhật 21 tháng 9, đã cùng hiệp thông cầu nguyện với giáo phận Hà Nội:

“Theo như em được biết thì hầu như tất cả các nhà thờ ở trong địa phận Saigòn đều được đức Hồng Y gửi bức thư của đức Tổng Giám Mục Hànội và có lời nhắn gửi bên dưới, như lúc nãy chúng ta vừa nghe, là tất cả các nhà thờ sẽ đọc bức thư này trước các thánh lễ để giáo dân được biết để hiệp thông cầu nguyện”

Và cô nói lên sự thất vọng khi thấy nhà nước ra tay đàn áp giáo dân:

“mình dùng ôn hòa để đấu tranh nhưng họ đã dùng sức mạnh và quyền lực của họ để đàn áp, chứng tỏ là họ đã san bằng mặt tiền của tòa khâm sứ rồi. Em thấy bất công đang thực sự xảy ra cho tín hữu thiên chuá giáo, giáo dân cũng không biết làm gì hơn nữa, chỉ cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện”

Trong lúc tình hình tại giáo xứ Thái Hà và tòa Khâm Sứ đang sôi động, thì các vị lãnh đạo công giáo vẫn cố gắng kêu gọi giáo dân hết lòng tin vào Thiên Chúa

“Tôi mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện vì Thiên Chúa là đấng thấu suốt tất cả, xin Ngài giúp cho mỗi người nhận ra cái đúng và biết nghe theo cái đúng và tôi cũng kêu gọi mọi người cầu nguyện để không một người dân Việt nào chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa”

Để tránh phiền phức trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, chúng tôi xin tạm không nêu tên giáo phận cũng như Linh mục và giáo dân trong bài phóng sự này.

.

Phạm Thanh Nghiên - Yêu nước hay đe dọa an ninh quốc gia?

Phạm Thanh Nghiên - Yêu nước hay đe dọa an ninh quốc gia?

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-09-21


Ngày 18/9/2008, nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên đã bị công an thành phố Hải Phòng khởi lệnh bắt giam khi đang tọa kháng tại nhà, trước hai khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng”.

Hiền Vy hỏi chuyện Luật Sư Lê Trần Luật khi được biết cô Phạm Thanh Nghiên đã ủy nhiệm ông làm Luật Sư cho cô:

Luật Sư Lê Trần Luật: Trước khi bị bắt, cô Thanh Nghiên đã trao đổi với tôi rất nhiều. Tôi đã dự liệu tình huống cô ấy bị bắt và chúng tôi đã thống nhất nếu cô ấy bị bắt thì tôi sẽ là người Luật Sư bào chữa trên quá trình điều tra và cũng như là trong phiên tòa sắp tới.

Hiền Vy: Thưa ông như vậy thì việc bắt giam nhà dân chủ Phạm thanh Nghiên có đúng với pháp luật không?

LS Lê Trần Luật: Hiện nay trong tay tôi đang giữ cái biên bản của cô Phạm thanh Nghiên, đã chuyển cho tôi trước ngày bị bắt. Nhìn vào cái tờ lệnh này thì cũng có vài vấn đề về mặt thủ tục.


Đúng ra, người ta cần phải khởi tố vụ án, phải có bị can, rồi dựa vào đó người ta mới ra lệnh khám xét. Nhưng mà họ đã ra lệnh khám xét và giữ những đồ đạc của nhà cô Nghiên trước khi ra lệnh bắt, vì vậy có cái gì đó không bình thường nhưng ít ra tôi phải đọc hồ sơ của vụ án thì mới biết được vì sao họ tiến hành như thế, chứ bây giờ tôi chưa thể bình luận được là họ bắt như vậy là đúng hay sai.

Tuyên truyền chống nhà nước?


Hiền Vy: Vâng, xin cám ơn ông, nhưng tại sao tọa kháng tại nhà lại bị bắt, thưa ông?
LS Lê Trần Luật: Tôi nghĩ vấn đề không phải là tọa kháng tại nhà mà vấn đề là người ta bắt cô ấy vì cái tội tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Cái tội này có nội dung qui định cho một người nào tàng trữ hay làm ra các tài liệu mang nội dung chống lại nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có thể phạm vào điều đó, là điều 88.

Hiền Vy: Vâng thưa ông, tôi có nghe được đoạn băng ghi âm lúc họ đến bắt cô Nghiên. Thưa như vậy là theo hiến pháp Việt Nam là sau khi có lệnh bị bắt thì không được nói điều gì nếu không có phép của người đã ký bản lệnh bắt giam đó sao?

LS Lê Trần Luật: Không! Không có qui định đó. Người bị bắt có quyền nói hay trả lời hay nói chuyện bình thường chứ không có qui định nào muốn nói phải chờ phép của người bắt mình đâu. Không có qui định như thế.


Cái chuyện bắt là hành động khác với lại cái chuyện cấm đoán kia. Không có qui định là khi anh bị bắt thì anh muốn nói gì thì phải chờ người bắt anh cho phép. Không có qui định đó. Chuyện đó rất là sai.

Hiền Vy: Như vậy thì nhân viên an ninh nói với cô Nghiên là cô ấy không được nói gì hết, không được làm gì hết nếu không có phép của ông ta, là không đúng, phải không ạ?

LS Lê Trần Luật: Không đúng! Vì lệnh bắt đó là lệnh bắt để tạm giam chứ không phải lệnh bắt truy nã. Bắt cô Nghiên là loại bắt để tạm giam tức là mục đích bắt là để giam cầm người này và khi người ta bị giam là bị tước đoạt tự do điều đó không có nghĩa là bị tước đoạt những quyền khác. Quyền nói, quyền trả lời là của người ta, không thể cấm được.

Hiền Vy: Thưa Luật Sư, gia đình của cô Phạm Thanh Nghiên có được thăm nuôi không ạ?

LS Lê Trần Luật: Trong luật không có điều khoản nào cấm gia đình đi thăm nuôi nhưng tôi chắc là họ sẽ không cho thăm nuôi cho đến khi nào họ đã điều tra xong hết rồi thì họ mới xem xét coi có thăm nuôi được không.

Thăm nuôi có 2 mặt, thăm là gặp mặt trực tiếp hay không là một, và thứ hai là có được gửi vật dụng hay thức ăn cho người bị giam cầm hay không. Và theo tôi thì họ phải kết luận điều tra xong thì họ mới cho.

Hiền Vy: Thủ tục như vậy là thông thường cho tất cả mọi người bị bắt hay chỉ dành riêng cho những nhà dân chủ thôi, thưa ông?

LS Lê Trần Luật: Trong bộ luật hình sự, chương đầu tiên có nói tội nặng nhất là tội liên quan đến an ninh quốc gia. Thông thường nếu là tội này thì họ sẽ từ chối còn những tội khác thì họ vẫn cho bình thường. Có thể là trong lúc điều tra thì họ không cho gặp mặt, nhưng chuyện tiếp tế thức ăn, thì tôi nghĩ là cho hết.

Đe dọa an ninh quốc gia?

Hiền Vy: Liên quan đến việc an ninh quốc gia! Thưa ông, như vậy thì có làm gì bạo động không như là có bom, có súng, có đạn gì không, mà lại bị tôi ấy?

LS Lê Trần Luật: Theo tôi thì họ không chờ đợi cái chuyện bom đạn, súng ống hay là cái gì đó. Tàng trữ hay làm ra các tài liệu có nội dung chống đối nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì đây là một điều hết sức vô lý nhưng dù sao nó đã được qui định trong điều luật.

Ví dụ như người ta có hành động nào cụ thể hay những diễn biến cụ thể liên quan trực tiếp đến nền an ninh quốc gia hay suy tồn của một chế độ thì mới kết tội chứ còn bây giờ chỉ tàng trữ tài liệu mà đã qui kết rồi thì rõ ràng là điều luật đó không ổn. Theo tôi điều 88 là không ổn.

Hiền Vy: Những gì tôi nghe được qua các cơ quan truyền thông, thì thưa Luật Sư, hai cái khẩu hiệu cô Nghiên có là “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, và “Phản đối công hàm của ông Phạm văn Đồng”. Hai cái khẩu hiệu đó liên quan đến an ninh của quốc gia hay sao, thưa ông?

LS Lê Trần Luật: Theo tôi thì với hai hành động đó thì không thể truy kết tội này được, nếu không muốn nói đây là hành động yêu nước chứ không phải là hành động chống lại nền an ninh quốc gia.

Hiền Vy: Thưa ông tại Việt Nam bây giờ có ai bị tù vì hành động yêu nước của mình không ạ?

LS Lê Trần Luật: Cũng có nhiều vấn đề, là liệu tại Việt Nam có ai yêu nước mà bị tù không, thì tôi có thể trả lời sơ bộ là có, chứ không phải là không.

Hiền Vy: Thưa theo như Luật Sư thì có hy vọng gì để cô Phạm thanh Nghiên được trả tự do hay là có một phiên tòa trong tương lai rất gần không?

LS Lê Trần Luật: Theo tôi thì việc cô Thanh Nghiên hay các nhà dân chủ khác được tự do hay không, phụ thuộc vào yếu tố đầu tiên là truyền thông và sức ép của một số tổ chức phi chính phủ khác cũng như là các tổ chức của những quốc gia khác can thiệp trực tiếp với nhà cầm quyền Việt Nam.

Hiền Vy: Vâng, xin cảm ơn ông.

.

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

Cuốn băng ghi âm cuộc đối chất giữa công an và cô Nghiên lúc bị bắt

Cuốn băng ghi âm cuộc đối chất giữa công an và cô Nghiên lúc bị bắt

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-09-19


Ngày 18 tháng 9 năm 2008, vào lúc 9:45 phút sáng, rất đông công an đã đến bao vây tư gia của mẹ cô Phạm thanh Nghiên, lúc cô Nghiên đang tọa kháng tại phòng khách, phản đối công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi đến chính phủ Trung Quốc vào ngày 14 tháng 9 năm 1958.

Nhà dân chủ Phạm Thanh Nghiên bị bắt tại nhà riêng ngày 18 tháng 9 năm 2008

Thân mẫu của cô Nghiên và cô đã phản đối trước hành động này của cơ quan an ninh nhà nước. Nhưng cuối cùng, công an đã đọc lệnh bắt giam và khám xét nhà khẩn cấp.


Thân mẫu cô PTN
“Tôi không tin ai cả, còn áp giải hay không áp giải thì nói nghe nặng nề quá. Nếu mà đón nó đi thì tôi cho nó đi, còn tự nó đi thì tôi không cho nó đi”

Phạm Thanh Nghiên
Con phản đối Mẹ ạ, vì con không có một việc gì mà phải làm việc với cơ quan an ninh cả. Lý do thì con đã nói với họ rồi, còn hôm nay thì con đang tọa kháng tại nhà. Tôi muốn nói với các anh công an rằng; Trường Sa và Hoàng Sa là của ViệtNam. Tôi phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng ký vào ngày 14 tháng 9 năm 1958. Nếu các anh định bắt tôi về hành động yêu nước, thì đó là quyền của các anh chị. Tôi phản đối tất cả các việc của các anh chị, tôi không đi làm việc theo lệnh triệu tập, tôi chỉ thể hiện lòng yêu nước của tôi mà thôi

Một nữ công an:
Chúng tôi làm việc theo luật pháp mà thôi

Phạm Thanh Nghiên:
Không! Tôi phản đối tất cả những cái chị vừa nói. Lý do thì tôi đã nói với chị rồi, kể cả việc khám xét nhà tôi, tịch thu tài sản của tôi, triệu tập tôi … Tất cả những cái đó đều trái phép. Tôi khuyên các anh chị hãy tập trung lực lượng để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa còn hơn là ngồi đây để hành xác tôi

Một nữ công an:
Chúng tôi làm việc đúng pháp luật, không có gì là sai


Phạm Thanh Nghiên:
Đúng hay sai thì tôi đã nói với chị rồi, chúng ta không phải là lần đầu tiên gặp nhau. Tôi đã nói rồi là cái hình sự khởi tố như thế nào thì các anh chị cứ thực hiện, nếu các anh chi làm sai thì phải chiu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi không có một lý do gì để phải đi làm việc với cơ quan an ninh của các anh chị cả. Nếu các anh chị áp giải bằng vũ lực thì đó là quyền của các anh chị.

Nam công an đọc lệnh bắt:
Hồi 10 giờ ngày 18 tháng 9 năm 2008 tại số nhà 17 đường … chúng tôi là … thuộc cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hải Phòng … tiến hành lập biên bản việc vi phạm tội can như sau: Phạm Thanh Nghiên, nữ, cư ngụ tại 17 đường … có lệnh triệu tập để làm việc tại cơ quan điều tra liên quan đến các tài liệu nguy hại đến quốc gia. Lúc đến, Phạm Thanh Nghiên đang ngồi tọa kháng tại phòng khách, trước khẩu hiệu: Hoàng Sa, Trường Sa là của ViệtNam, Phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng. Khẩu hiệu hình chữ nhật, vải màu đen, chữ màu trắng. …
Cơ quan an ninh Hải Phòng khởi lệnh bắt …

Phạm thanh Nghiên:
Tôi phản đối lệnh bắt này

Nam công an:
Kể từ giờ phút này, chị là người bị bắt, mọi việc làm và hành vi của chị phải xin phép và được quyền của tôi mới được làm, Tôi tuyên bố lệnh khám xét nhà khẩn cấp.
Phụ tá Nguyễn văn Thanh, chức vụ phó thủ trưởng cơ quan điều tra an ninh thành phố Hải Phòng, căn cứ vào hành vi làm ra, tàng trữ tài liệu văn hóa phẩm có nội dung chống đối nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa ViệtNam đã phạm vào điều 88.
Căn cứ vào điều 34, 140, 141, 142 và 143 … ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nhà số 17 đường … của Phạm Thanh Nghiên sinh năm 1977 … tại Hải Phòng, nghề nghiệp lao động tự do, quốc tịch ViệtNam …
Yêu cầu tất cả mọi người có mặt không đuợc tự ý rời nơi đang khám xét, không được liên hệ trao đổi với nhau cho đến lúc việc khám xét kết thúc …
Lệnh của cơ quan anh ninh điều tra Hải Phòng ….

Phạm thanh Nghiên:
Tôi phản đối tất cả hành động này của các anh …

Nam công an:
Tôi đã nhắc chị rồi, tất cả hành vi và lời nói của chị phải được sự đồng ý của tôi

Thân mẫu Phạm Thanh nghiên:
Con ơi lấy cho cô mấy bộ quần áo…

.

Phản ứng của sinh viên trước việc chính quyền bắt giam các nhà dân chủ

Phản ứng của sinh viên trước việc chính quyền bắt giam các nhà dân chủ

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-09-14



Chỉ vài hôm, trước nguồn tin sinh viên học sinh sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày 14 tháng 9 tại Hà Nội để phản đối Trung Quốc về việc xâm lấn lãnh thổ Việt Nam, thì công an nhà nước đã bắt giam nhiều nhà đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền tại Việt Nam.
Hiền Vy có cuộc nói chuyện với các sinh viên trong nước:

“Họ bắt giam cầm những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 14 tháng 9 sắp tới.

Hành động đó chứng tỏ là nhà nước đang lo sợ trong vấn đề tự do, dân chủ tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm những việc trái với hiến pháp Việt Nam. Nhưng những chuyện đó xảy ra ở xã hội Việt Nam rất nhiều.

Họ bắt bớ và đàn áp các nhà dân chủ để các nhà dân chủ không thể đi biểu tình cùng học sinh sinh viên và thanh niên Việt Nam trong ngày 14 tháng 9.

Họ làm như vậy là để bảo vệ cho cái chế độ của họ. Họ không muốn cho nhân dân lên tiếng. Họ không muốn các nhà đấu tranh dân chủ có điều kiện để nói cho nhân dân hiểu thế nào là chế độ độc tài, thế nào là dân chủ, thế nào là nhân quyền cho đất nước Việt Nam.

Chính những điều này làm cho giới trẻ chúng tôi càng quyết tâm hơn; là phải đi biểu tình để thể hiện cho nhà nước biết là thanh niên chúng tôi không hèn nhát, không chịu khuất phục trước cường quyền, không chịu được nỗi nhục mất đất mất biển.”

Tranh đấu bất bạo động

Theo các sinh viên thì hành động bắt người đó không hợp lý:

Sự gia tăng đàn áp, bắt bớ này trước cuộc biểu tình của học sinh sinh viên thì thật ra họ làm cho chúng tôi càng quyết tâm hơn; phải đấu tranh, phải thể hiện tiếng nói, phải thể hiện lòng yêu nước của mình.

“Cái đó chắn chắn không hợp với hiến pháp Việt Nam, tại vì họ không làm gì mang tính bạo động, không xúi giục để mà gây ra các cuộc bạo động, hoặc là có hành động thái quá gì cả, họ chỉ tổ chức cuộc biểu tình trong ôn hòa mà cái điều này đã được ghi trong hiến pháp.

Điều này hoàn toàn trái ngược với hiến pháp Việt Nam và công pháp quốc tế. Họ đã dùng những biện pháp là bắt cả ban đêm để không cho người dân chung quanh được biết, để dấu giếm thông tin dư luận quốc tế.


Đó là một sự vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng vậy mà lúc nào đi đâu họ cũng tuyên truyền là Việt Nam có tự do, có dân chủ nhân quyền, nhưng theo tôi nhận định thì tự do, dân chủ nhân quyền chỉ có nằm trong tay của 14 vị lãnh đạo và bộ chính trị.”

Các sinh viên nói rằng những nhà dân chủ đang tranh đấu bất bạo động mà vẫn bị đàn áp:

“Những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam không có gì là bạo động trong công cuộc đấu tranh, đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, nhân quyền cho người dân Việt Nam và công bằng xã hội.

Trên tay chúng tôi không có một tất sắt, không có một dụng cụ gì để có thể biến thành bạo động được cả nhưng nhà cầm quyền đã vu khống cho chúng tôi là những thành phần nguy hiểm cho chế độ, cho xã hội rồi nhà nước vu khống cho chúng tôi đủ mọi loại tội phạm.

Đây có thể là cái chiêu bài để đe doạ những phong trào tới, cũng có thể là cái chiến lược của nhà nước Cộng Sản Việt Nam để dằn mặt những phong trào sau đó.”

Biểu tình 14-9

Các sinh viên cũng lên tiếng là họ sẽ không sợ hãi trước việc đàn áp của nhà nước:

“Một số người sẽ sợ việc bắt bớ này nên sẽ không tham dự cuộc biểu tình ngày 14 tháng 9 nhưng mà tôi nghĩ rằng khi các bạn đã có trí thức rồi thì các bạn sẽ có hành động cụ thể để thể hiện lòng yêu nước của mình.

Sự gia tăng đàn áp, bắt bớ này trước cuộc biểu tình của học sinh sinh viên thì thật ra họ làm cho chúng tôi càng quyết tâm hơn; phải đấu tranh, phải thể hiện tiếng nói, phải thể hiện lòng yêu nước của mình. Một đất nước Việt Nam không có tự do, không có dân chủ, mà ai cũng im miệng, ai cũng không dám nói lên tiếng nói của mình thì đất nước này của ai ? Của đảng Cộng Sản chứ không phải của 86 triệu dân Việt Nam nữa rồi.”

Anh sinh viên này cũng cho biết thêm:


Những cuộc bắt bớ làm cho người ta biết được sự cường hào ác bá của chế độ Cộng Sản. Nên sự đàn áp càng mạnh thì sự tham ứng vào phong trào sẽ càng mạnh hơn.
“Chính tôi cũng là người từng bị đàn áp dọa nạt để làm cho tôi nhụt nhuệ chí đấu tranh cho dân chủ hoá đất nước và trong cuộc biểu tình chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh, nhưng họ đã nhầm vì họ làm như thế thì chúng tôi càng hiểu rõ bộ mặt thật của họ hơn, về sự độc quyền, độc tài, độc đảng của họ hơn và chúng tôi càng quyết tâm hơn.

Giới trẻ sẽ tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 14 tháng 9, chúng tôi sẽ quyết tâm bằng mọi giá, bằng mọi cách. Không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Chúng tôi sẽ quyết tâm làm được việc đó.”

Và một sinh viên khác thì cho rằng, những cuộc bắt bớ sẽ làm cho phong trào đấu tranh mạnh hơn:

“Chính nghĩa sẽ thắng tàn bạo và có một điều nữa là cũng cần phải có những người tử vì đạo thì đạo mới trở nên thống nhất được. Cho nên những cuộc bắt bớ làm cho người ta biết được sự cường hào ác bá của chế độ Cộng Sản. Nên sự đàn áp càng mạnh thì sự tham ứng vào phong trào sẽ càng mạnh hơn.”

Cản trở lòng yêu nước?

Một sinh viên nói rằng anh lo lắng cho tương lai của xứ sở, khi mà sự bầy tỏ lòng yêu nước và muốn bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ thì lại bị chính quyền ngăn cản:

“Tương lai của đất nưóc Việt Nam sẽ mù mịt, nếu đảng Cộng Sản suốt ngày đàn áp và cản trở sinh viên chúng tôi nói lên tiếng nói yêu nước của mình, cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam nói lên tiếng nói yêu nước, thì đất nước này không còn là đất nước của nhân dân Việt Nam, không phải là đất nước của 86 triệu con dân Việt Nam nữa mà là đất nước của 3 triệu đảng viên đảng Cộng Sản và 14 vị lãnh đạo trong bộ chính trị và là một chư hầu của Trung Quốc, chứ không phải là một nước Việt Nam nữa.”

Nhưng một sinh viên khác vững tin rằng lòng yêu nước sẽ vượt qua mọi trở ngại:

“Lòng yêu nước của người Việt Nam giống như một cơn đại hồng thủy, nó sẽ cuốn trôi tất cả chướng ngại trước mắt nó, do vậy tương lai Việt Nam sẽ phát triển và sự ngăn cản cái sự phát triển đó sẽ bị phá vỡ.”

Để giữ an toàn cho các sinh viên, Hiền Vy xin không nêu tên những người góp tiếng trong bài phóng sự này.

.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

Phản ứng của Sinh Viên Trong nước trước bản án dành cho Blogger Điếu Cày

Phản ứng của Sinh Viên Trong nước trước bản án dành cho Blogger Điếu Cày

Hiền Vy , thông tín viên RFA
2008-09-12



Ngày 10 tháng 9 năm 2008, Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, tức Hoàng Hải, và cũng là blogger Điếu Cày, bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam vì tội danh “trốn thuế” tại Toà án nhân dân quận 3 Thành phố HCM. Hiền Vy đã hỏi chuyện các sinh viên trong nước về việc này. Họ cho biết.


“Vụ án của anh Điếu Cày thực sự là một vụ án mang tính cách chính trị chứ không phải là vụ án mang tính chất hình sự về tội trốn thuế như các báo đài của đảng cộng sản ViệtNam đang vu khống anh Điếu Cày và chị Dương thị Tân, vợ anh Điếu Cày.”

Bản án làm nản lòng người yêu nước


Và một sinh viên miền Nam nói rằng:

“Đây là một bản án rất bất công cho anh Điếu Cày, nhưng người ta cũng không bất ngờ vì bản án này, bởi vì ai cũng biết đây là một bản án hoàn toàn vì động cơ chính trị vì những hoạt động của anh Điếu Cày trong việc đòi hỏi những điều giá trị tốt đẹp cho xã hội như vấn đề tự do dân chủ và sự bảo vệ chủ quyền đất nước”


Blogger Điếu Cày được các sinh viên biết đến qua những việc làm thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm của ông.



SV miền Bắc
“Anh Điếu Cầy là một trong những người viết những lời kêu gọi trong các trang mạng và anh cũng tham gia nhiệt tình, mạnh mẽ trong các cuộc biểu tình chống lại sự bành trướng của Trung Quốc vào đầu tháng 12 năm 2007”


SV miền Nam
“Đối với giới blogger, đặc biệt là blogger trong nước thì anh Điếu Cày là hiện thân của một người lính rất kiên cường trong việc đi tiên phong bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của ViệtNam
Anh Điếu Cày đã công khai cất lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền của ViệtNam mặc dầu đã nhiều lần bị nhà cầm quyền bắt bớ và đàn áp, anh vẫn quyết tâm theo đuổi lý tưởng mà anh cho là đúng và có ích cho xã hội”
Đối với bản án dành cho nhà văn Hoàng Hải, các sinh viên nghĩ rằng có thể sẽ làm nản lòng những người yêu nước.

SV miền Nam
“việc nhà cầm quyền đưa ra một bản án rất bất công cho Điếu Cầy, khiến cho nhiều người không khỏi nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và chính bản án đó sẽ làm triệt tiêu tiếng nói của những người yêu nước của nhân dân ViệtNam, đồng thời cũng răn đe những ai dám chống lại Trung Quốc”


Vụ án mang tính cách chính trị

SV miền Bắc:

“Bản án của anh Điếu Cày là một bản án để làm cho những người có tiếng nói đối lập với đảng cộng sản, những người có những hành động yêu nước, nhìn thấy đó làm cái gương, để không dám làm những điều mà nhà nước không cho phép và tôi vẫn nói đùa là anh Điếu Cày bị mắc vào cái tội là không chịu đi theo cái “lề bên phải” mà đảng cộng sản đã đưa ra, mà anh lại lập một trang dân báo với Câu Lạc Bộ nhà báo Tự Do để nói lên tiếng nói của người làm báo tự do và nói lên tiếng nói bất đồng chính kiến với đảng cộng sản, với nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam. Vì vậy anh đã bị nhà nước cho vào “tầm ngắm” để theo dõi”

Anh sinh viên miền Bắc cũng bày tỏ sự phân vân:

“Tôi thực sự cảm thấy không biết cái chế độ này đang ủng hộ ai, họ đang ủng hộ Trung Quốc hay họ đang hướng về dân tộc, đất nước Việt Nam này mà khi chúng tôi lên tiếng phản đối sự bành trướng của tập đoàn Bắc Kinh Trung Quốc, khi họ xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của đất nước chúng tôi mà chúng tôi lại bị sử dụng những biện pháp rất ác độc là đánh đập, rồi vu khống, mạ lỵ chúng tôi”

Theo các sinh viên, bản án dành cho blogger Điếu Cày là mâu thuẫn với việc nhà nước Việt Nam đã lên tiếng phản đối chính quyền Bắc Kinh trước một hoạch định xâm chiếm ViệtNam trong 31 ngày của một trang mạng Trung Quốc.


Cộng sản dập tắt lòng yêu nước của người Việt Nam

SV miền Nam:
“Khi nhà nước ViệtNam lên tiếng phản đối thì ban đầu cũng thể hiện một quyết tâm đáng mừng trong việc bảo vệ chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên cái quyết tâm đó ngay lập tức đã bị sụp đổ và bị nghi ngờ qua hành động kết án tù giam của anh Điếu Cày, là một người đã phản đối sự xâm chiếm của Trung Quốc một cách quyết liệt.
Cái điều này chẳng khác nào việc yêu nước và bảo vệ chủ quyền là một đặc quyền chỉ dành cho những người lãnh đạo còn người dân thì không được quyền ấy.
Anh Điếu Cày là hiện thân của một người lính, luôn đi tiên phong trong phong trào bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam, là một người lính kiên cường và chiến đấu không ngừng nghỉ. Nhiều người kính nể và khâm phục anh qua việc vận động biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa cùng với các hoạt động về truyền thông của anh qua Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do đã gây ảnh hư ởng lớn cho cộng đồng Blog.”


SV miền Bắc:
“ViệtNam lúc nào cũng coi Trung Quốc như một đàn anh và tôi có cảm tưởng như họ đồng lõa với Trung Quốc. Họ chỉ lên tiếng cho có lệ và để trấn an người dân ViệtNam trong ngày 14 tháng 9 sắp tới. Vì vậy việc xử anh Điếu Cầy thì họ vẫn phải xử. Xử để làm gương, để cho chúng tôi không dám đấu tranh, không dám nói lên tiếng nói bất đồng chánh kiến nữa.
Việc họ xử anh Điếu Cầy là việc làm cực kỳ sai lầm của đảng cộng sản ViệtNam khi kết tội anh Điếu Cầy với một bản án rất nặng là 30 tháng tù giam. Vì sao tôi gọi đó là sai lầm ?

Sai lầm thứ nhất là đảng cộng sản Việt Nam đã dập tắt lòng yêu nước của chính người dân Việt Nam ở trong nước khi chống lại thế lực bành trướng của Trung Quốc, cả ngàn đời nay, lúc nào cũng lăm le muốn đánh chiếm ViệtNam để làm bàn đạp xuống Đông Nam Á.
Sai lầm thứ hai là làm như thế tức là họ tuyên bố thẳng thừng với thế giới rằng Việt Nam không có Tự do Nhân quyền như họ đã ký với công ước quốc tế đó là tự do biểu tình, tự do phát biểu, tự do ngôn luận.”



Vì sự an toàn của các sinh viên, Hiền Vy xin phép không nêu tên những người đã góp tiếng trong bài phóng sự này

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Biểu Ngữ và Truyền Đơn kêu gọi Dân chủ ở Hải Dương

Biểu Ngữ và Truyền Đơn kêu gọi Dân chủ ở Hải Dương

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-09-08



Sáng Chủ nhật 7-9, tại cầu vượt Lai Cách - Hải Dương, nằm trên quốc lộ 5, một tấm biểu ngữ kêu gọi dân chủ hóa đất nước đã được giăng lên. Cùng lúc đó nhiều tờ truyền đơn cổ vũ nhân quyền, tự do, dân chủ cũng được thả bay trong gió.

Trước đó vài ngày, nguồn tin về một cuộc biểu tình do sinh viên các trường đại học tại Hà Nội sẽ tổ chức vào ngày 14 tháng 9 trước đại sứ quán Trung Quốc trên phố Hoàng Diệu, đã được loan truyền rộng rãi trên mạng lưới internet, trong nước cũng như tại hải ngoại.

Hiền Vy, tìm hiểu sự việc và tường trình thêm các chi tiết như sau:


Dân chúng rỉ tai nhau


Quốc lộ 5 là con đường chính nối hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, đi ngang Hải Dương. Cầu vượt Lai Cách nằm cách trung tâm thành phố Hải Dương chừng 9 cây số và ở ngay trong vùng tam giác công nghiệp quan trọng, là Hà Nội- Hải Phòng - Quảng Ninh.

Biểu ngữ có chiều ngang khoảng 3 mét và chiều đứng khoảng 2,5mét với những hàng chữ màu trắng trên một nền vải đậm mầu:

“Lạm phát, dân nghèo khổ là do chính quyền Cộng Sản
Mất dân chủ, tự do, nhân quyền là do chính quyền Cộng Sản
Mất đất, mất đảo là do chính quyền Đảng Cộng Sản
Yêu cầu Đa Nguyên, Đa Đảng”


Còn nội dung những tờ Truyền đơn thì lên tiếng ủng hộ giáo dân Thái Hà

Một người có mặt tại chỗ cho biết:

“Sáng hôm nay là ngày 7 tháng 9 năm 2 ngàn linh 8, tôi đi ra chợ, thì thấy rất nhiều tờ rơi ở trên đường. Nhiều người dân cũng như tôi là nhặt tờ rơi lên và xem thì nội dung cái tờ rơi ấy là “phản đối nhà nước cộng sản đàn áp giáo dân ở giáo xứ Thái Hà” cũng rất nhiều công an đi nhặt.

Một số người dân nhặt tờ rơi đã rỉ tai nói cho nhau nghe là vừa qua có một biểu ngữ giăng ở Cầu vượt Lai, quốc lộ 5 ấy. Nội dung của biểu ngữ nói đến sự lạm phát cao độ tại Việt Nam gây cho người dân sự khốn cùng, khốn khổ và người ta bàn tán xôn xao rất nhiều. Chúng tôi chỉ biết rỉ tai nhau, thế thôi!”


Không phải lần đầu tiên


Trong vòng vài tháng qua, đã có nhiều lần, các nhà dân chủ trong nước giăng biểu ngữ kêu gọi bảo vệ lãnh thổ, kêu gọi dân chủ hóa đất nước, kêu gọi đa nguyên đa đảng, kêu gọi tự do, nhân quyền cho người dân Việt.

Ngày 28 tháng 5, những quả bóng bay đã mang biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh lên bầu trời Hà Nội, với hàng chữ: “Tự Do, Nhân Quyền cho ViệtNam” “Human Rights for VietNam, Democracy for VietNam”

Ngày 28 tháng 7, một biểu ngữ được giăng trên cầu vượt Nam Thăng Long tại Hà Nội

Ngày 16 tháng 8, một biểu ngữ khác được treo lên tại cầu vượt Lạch Chay, Hải Phòng.

Và bây giờ, khối 8406 không những treo biểu ngữ tại cầu vượt Lai Cách, thuộc thành phố Hải Dương, mà còn thả những tờ rơi màu trắng để ủng hộ giáo dân Thái Hà.

(HiềnVy, thông tín viên RFA)

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Luật Sư Lê Trần Luật nói về Điều 69 trong Hiến Pháp ViệtNam

Mời click vào tựa bài để nghe

Luật sư Lê Trần Luật nói về điều 69 trong Hiến Pháp Việt Nam

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-09-06



Sau khi xin phép đi biểu tình mà bị từ chối, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm Thanh Nghiên đã khiếu nại nhưng không được trả lời.

Theo luật quy định thì sau 30 ngày mà không được trả lời thì có thể khiếu kiện về hành vi hành chánh đó. Vào ngày 22 tháng 8 năm 2008 luật sư Lê Trần Luật đã hướng dẫn 2 nhà dân chủ này nộp đơn khởi kiện tại tòa án hành chánh của thành phố Hà Nội. Sau đây là cuộc nói chuyện của luật sư Lê Trần Luật và phóng viên Hiền Vy.


Luật sư Lê Trần Luật:
Sau khi chờ một tháng, không thấy họ trả lời, ông Nghĩa và cô Nghiên đã khởi kiện ra toà án hành chánh của tòa án nhân dân Hà Nội, khoảng chỉ 3 ngày sau thì tòa trả lại đơn, cho rằng không thuộc thẩm quyền của tòa. Tôi tự hỏi nếu không phải thẩm quyền của tòa thì là thẩm quyền của ai bởi vì chức năng của tòa là giải quyết những xung đột của xã hội, vậy thì bất cứ một xung đột nào trong xã hội, tòa cũng phải có nhiệm vụ giải quyết. Người ta xin cơ quan hành chính cho đi biểu tình thì không cho, kiện ra tòa thì không được, vậy thì ghi quyền biểu tình trong điều 69 để làm gì ?

Hiền Vy:
Thưa như vậy thì cô Thanh Nghiên và luật sư sẽ làm gì kế tiếp ạ ?

Ngụy biện và mị dân?


Luật sư Lê Trần Luật:
Thật sự là người ta đã từ chối tất cả. Mình xin biểu tình ở một cơ quan hành chánh thì người ta không cho. Mình khiếu nại, người ta không trả lời. Mình kiện ra tòa thì tòa nói không thuộc thẩm quyền, như vậy thì có phải người ta cố tình từ chối cái quyền biểu tình hay không.

Bản chất của vấn đề nó nằm ở chỗ là nhà cầm quyền không muốn cho người dân có quyền biểu tình này và tòa án ngụy biện là không thuộc thẩm quyền của mình. Như vậy thì ghi nhận quyền biểu tình trong hiến pháp để làm cái gì ?

Sắp tới tôi sẽ làm một bản kiến nghị cho ông Nghĩa và cô Nghiên gửi cho các đại biểu quốc hội, rằng hãy xóa bỏ quyền biểu tình trong hiến pháp vì hiến pháp ghi những điều tốt đẹp như thế mà không thực hiện thì ghi làm cái gì.

Nếu như không tổ chức được cái quyền đã ghi trong điều 69 đó thì hãy xóa bỏ điều đó, ghi như thế là một điều mị dân.

Hiền Vy:
Thưa, như vậy là trong hiến pháp, điều 69, người dân có quyền được đi biểu tình nhưng qua những gì đã xảy ra thì quyền đó chỉ có trên giấy tờ thôi, phải không ạ ?

Luật sư Lê Trần Luật:
Vâng, bây giờ thì chúng tôi đã có đầy đủ chứng cớ để chứng minh rằng nhà cầm quyền ghi điều đó trong hiến pháp nhưng không thực hiện trên thực tế. Nếu chúng tôi không xin phép biểu tình thì nhà cầm quyền có thể bảo rằng tại người dân ViệtNam không xin biểu tình, chứ nếu xin thì sẽ được. Bây giờ chúng tôi đã xin, nhưng lại bị từ chối. Họ có thể lập luận là từ chối thì anh có quyền khởi kiện lên tòa coi ai đúng ai sai.

Chúng tôi cũng đã khởi kiện lên tòa thì tòa lại bảo là tòa không thuộc thẩm quyền. Như thế có phải là họ cố tình từ chối cái quyền này không. Tôi sẽ kiến nghị tất cả các đại biểu quốc hội Việt Nam hãy xoá bỏ hoặc sửa chữa thế nào đó hay bỏ cái quyền biểu tình ra bên ngoài bởi vì chúng tôi có bằng chứng là nhà cầm quyền không cho biểu tình thì đừng ghi quyền đó vào.

Tự do, dân chủ, nhân quyền?


Hiền Vy:
Ngày 2 tháng 9 là kỷ niệm 63 năm của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, nội dung trong đó có nhiều điều rất lý tưởng, thưa ông, tại ViệtNam bây giờ có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc như trong bản tuyên ngôn nói không ?

Luật sư Lê Trần Luật:
Thực sự ở ViệtNam có quyền tự do ngôn luận hay không ? Không có! Quyền biểu tình có không ? Không có ! Tôi có cảm giác nhà cầm quyền Việtnam lôi tất cả những cái điều luật tốt đẹp nào trên thế giới đã có, chép vào trong hiến pháp của mình để mị dân chứ không tổ chức thực hiện. Rất nhiều nhà hoạt động dân chủ đã bị bắt vì bị cho là tuyên truyền chống chế độ hoặc là đã lợi dụng quyền tự do dân chủ.

Rồi quyền bầu cử có không? Không có! Quyền tự ứng cử có không ? Rất nhiều người tự ứng cử, thì nhà cầm quyền cho rằng họ bị tâm thần, kiếm cách này cách khác chuyển những người này vào nhà thương điên. Rồi quyền biểu tình thì xin phép không cho, kiện thì không được. Ghi những quyền này trong hiến pháp nguy hiểm ở chỗ là người dân nghĩ rằng hiến pháp đã qui định cho mình quyền đó thì người dân bắt đầu thực hiện quyền đó, mà thực hiện không khéo thì sẽ bị truy bắt. Như vậy có phải là vừa mị dân, vừa bẫy dân vào con đường phạm tội hay không

Hiền Vy:
Thưa, theo luật sư, nếu có tự do, nếu có dân chủ và nếu có nhân quyền thì có lợi gì cho nhà nước và có hại gì cho nhà nước, nếu những quyền đó thực sự có ở ViệtNam ?

Luật sư Lê Trần Luật:
Bất kỳ một nhà nước nào cũng hướng tới tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân. Một nhà nước không hướng tới những điều đó thì không thể gọi là nhà nước mà phải gọi là một nhóm người cầm quyền. một đảng nào đó cai trị người dân, chứ không phải nhà nước. Tất cả sự tự do dân chủ đều mang lại lợi ích cho nhà nước

Hiền Vy:
Trong lần trước, ông có nói là tại ViệtNam quyền lực đang khống chế pháp luật, thì vai trò của người luật sư trong xã hội ViêtNam bây giờ như thế nào, thưa ông ?

Luật sư Lê Trần Luật:
Vai trò của người luật sư tại ViệtNam rất thấp, hầu như tất cả các cơ quan trong bộ máy của nhà nước đánh giá cái vai trò này rất thấp vì người ta không coi luật pháp ra gì hết. Người ta làm theo sự chỉ đạo của Đảng, nói chung, đảng chỉ đạo thì bất chấp luật pháp như thế nào.

Tất cả những người thực thi pháp luật này có một chỗ để dựa lưng, đó là đảng cộng sản. Họ dựa vào đó, cái gì mà ý của Đảng rồi thì pháp luật không ý nghĩa gì

Hiền Vy:
Thưa ông có gì muốn chia sẻ với thính giả của đài Á Châu Tự Do không ạ ?

Luật sư Lê Trần Luật:
Chúng tôi không phải đấu tranh để đòi này đòi kia, mà chúng tôi đang đấu tranh với quyền lực và phương pháp đấu tranh trong thời điểm này phương pháp đấu tranh bất bạo động. Vũ khí bất bạo động chính là công luận mà một trong những phương cách của công luận chính là truyền thông và tôi chỉ có nhắn gửi với giới truyền thông và quí vị nghe đài là hãy lên tiếng, lên tiếng vì sự phát triển, vì sự độc lập và tự do của đất nước, của dân tộc mình

Hiền Vy:
Xin cảm ơn luật sư
.

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2008

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói về khiếu kiện ở Việt Nam

Mời click vào tựa bài để nghe âm thanh

Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói về khiếu kiện ở Việt Nam

Hiền Vy , thông tín viên RFA
2008-09-02



Vào ngày 22 tháng 8 năm 2008, với sự hướng dẫn của luật sư Lê Trần Luật, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm thanh Nghiên đã nạp đơn khởi kiện Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội về việc bị bác đơn xin được phép biểu tình của họ.
Tại tòa án hành chính của thành phố Hà Nội, đơn của ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã không được chấp nhận, với lý do không đủ tư cách pháp nhân, vì chứng minh nhân dân của ông đã bị nhà nước tạm giữ từ ngày 29 tháng 4, sau khi tham dự cuộc biểu tình chống rước đuốc Thế Vận Bắc Kinh và mặc dù ông đã đem theo hộ khẩu của gia đình, tòa án vẫn chỉ nhận đơn khởi kiện của cô Phạm Thanh Nghiên mà thôi.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã kể lại sự việc:

Chúng tôi đã cùng cô Phạm thanh Nghiên lên Hà Nội nạp đơn khởi kiện với sự hướng dẫn của luật sư Lê Trần Luật ở văn phòng luật sư Nhân Quyền trong Sàigòn. Đơn kiện này là kiện UBND thành phố Hà Nội vì họ đã bác đơn xin biểu tình của chúng tôi. Quyền biểu tình được thừa nhận trong điều 69 của hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên chúng tôi đến tòa án hành chánh để gửi đơn kiện.


Quyền biểu tình?

Hiền Vy:
Thưa nếu người dân được quyền kiện nhà nước vì đã vi phạm quyền công dân của họ thì ở Vịêt Nam có tự do và dân chủ không ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Nhìn vào luật khiếu nại và tố cáo thì chúng tôi thấy ở ViệtNam cũng chẳng khác gì ở các nước dân chủ cả bởi vì người dân oan sai thì có quyền khiếu nại, có quyền tố cáo, nhưng cần phải xét là người dân khiếu nại, tố cáo ấy có được giải quyết hay không và họ giải quyết có đúng trên tinh thần pháp luật hay không thì cái ấy ở Việt Nam chúng ta cần phải bản xét

Hiền Vy:
Xin ông giải thích rõ hơn ạ

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Tình trạng ở ViệtNam hiện nay là có đến hằng ngàn dân oan và có người đến 15, 20 năm nay bị mất đất đai, bị tịch thu tài sản rồi ngay cả thân nhân của họ bị giết, bị tù đày một cách oan sai… Họ khiếu kiện 15, 20 năn nay, tòa án vẫn nhận đơn, nhưng cũng như là một trận bóng, cứ cầu thủ này đá cho cầu thủ kia, cứ đá đi đá lại.

Chính người bị kiện lại nhận đơn trở lại để giải quyết đối với đối tượng đi kiện, như vậy thì xét cho cùng, ViệtNam không có dân chủ dân quyền và người dân không có một quyền gì hết.

Qua sự việc của chúng tôi, đơn khiếu kiện của cô Phạm Thanh Nghiên bị trả lại, với nội dung là tòa án hành chánh không có trách nhiệm xử kiện vụ này


Hiền Vy:
Thưa như vậy ai là người có trách nhiệm xử kiện vụ này ạ ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Họ trả lời là không có trách nhiệm giải quyết nhưng cũng không hư ớng dẫn cho cô Phạm Thanh Nghiên cần phải gửi cái đơn khởi kiện này lên chỗ nào

Hiền Vy:
Từ ngày đi Hà Nội về, đời sống gia đình ông như thế nào ạ ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Chúng tôi vần thường bị bao vây vào những dịp như thế này, bị nhận lệnh miệng cấm ra khỏi nhà, và nếu có liều lĩnh ra khỏi nhà thì họ cũng xô đến, họ đẩy vào và nếu đôi co thì mình cũng thua thôi bởi vì họ là người nắm pháp luật. Nhà tôi bị bao vây từ ngày 16, tức là ngày bắt đầu làm đơn khởi kiện cho đến bây giờ. Mấy hôm vừa rồi họ còn áp sát nhà tôi nữa, họ dùng đèn pha quét thẳng vào nhà, rồi hàng xóm mách cho tôi biết rằng ban đêm có một bóng người lẩn quẩn trên mái nhà nhà tôi làm vợ tôi rất là sợ. Hôm qua tôi đã lên trét lại những khe nứt trên mái nhà, vì tôi nghĩ họ đặt thiết bị nghe lén.


Thực tế tại Việt Nam


Hiền Vy:
Thưa ngoài việc đưa đơn xin khởi kiện, nhưng đã bị từ chối, ông còn làm gì nữa không mà gia đình ông phải bị những cảnh như thế ạ ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Tôi không phải là người vi phạm phát luật tôi chỉ là một nhà văn, phát biểu quan điểm chính trị, xã hội và những vấn đề đang bất cập tại ViệtNam thôi, thế nhưng liên tục bị khủng bố, liên tục bị bao vây, liên tục bị ngăn trở như thế này.

Hiền Vy:
Thưa, nhân quyền ở Việt Nam bây giờ so với vài năm trước có thay đổi gì không ạ ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Chiếu theo công ước quốc tế mà đảng cộng sản Việt Nam đã ký kết thì ở Việt Nam hoàn toàn không có tự do, không có nhân quyền. Vâng, so với những năm trước thì phải nhận rằng có một chút nới lỏng, bởi vì 5,7 năm trước, những phát biểu của tôi khi mà trả lời với Đài như thế này thì tôi cũng có thể đã bị cầm tù.

Chỉ 3 năm trước thôi, linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê thị Công Nhân, luật sư Nguyễn văn Đài cũng phát biểu như tôi mà họ đã bị tù đày, người thì 10 năm, người thì 3,4 năm.

Sang đến cuối năm 2007, đầu năm 2008 thì những người phát biểu giống như tôi đây, đã không bị kết án, xử giam cầm nhưng ngăn trở, khủng bố, đe dọa thì lúc nào cũng bị. Như vậy thì so với những năm trước, cái tự do ngôn luận đã được nới lỏng một chút.

Một chút nới lỏng tí xíu thôi về quyền tự do ngôn luận, thế nhưng, so với những bước đi hội nhập của chính quyền Việt Nam vào thế giới, như hội nhập về kinh tế, về thương mại, thì quyền tự do dân chủ về nhân quyền của người dân ViệtNam chưa đáp ứng được nhu cầu, dù là một nhu cầu tối thiểu nhất, ý tôi muốn nói đến là cái quyền cơ bản tối thiểu của người dân Việt Nam mà chính quyền Việt Nam đã ký trong công ước quốc tế


Hiền Vy:
Vâng, thưa như vậy thì có hy vọng gì cho nhân quyền ở Việt Nam trong tương lai gần không ?

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa:
Trong một không gian hội nhập thế này, trong một thế giới phẳng như thế này, thì tôi nghĩ, chính quyền cộng sản ViệtNam cũng phải nhận ra, cũng phải thức thời.

Tôi vẫn hy vọng, bởi tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền cũng là người ViệtNam, họ cũng có đôi mắt để nhìn ra thế giới, để thấy rằng nhân dân các nước dân chủ, văn minh, người ta được cái gì và so sánh với những gì họ đã ban phát cho người dân Việt Nam, những cái gì mà họ đã kéo cái tiến trình phát triển của đất nước Việt Nam, chậm đi so với các nước khác hằng thế kỷ như thế này.

Tôi hy vọng và mong muốn những người cầm quyền ViệtNam sớm có những tư tưởng tất chiến trong hàng ngũ của họ.

.