Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Tám Giáo Dân Thái Hà Yêu Cầu Báo Đài Đính Chính về việc đưa tin sai sự thật

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe


Tám Giáo Dân Thái Hà yêu cầu báo đài đính chính về việc đưa tin sai sự thật

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-12-29


Vào ngày thứ Hai, 22 tháng 12 năm 2008, 8 giáo dân Thái Hà, là các bà Ngô thị Dung, Lê thị Hợi, Nguyễn thị Nhi, Nguyễn thị Việt, và các ông Lê Quang Kiện, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải, Phạm chí Năng đã gửi văn thư yêu cầu đài truyền hình VTV1 và báo Hà Nội Mới đính chính nguồn tin sai sự thật mà họ đã loan tải về phiên toà ngày 8tháng 12.




Photo courtesy Vietcatholic


Khẳng định việc làm không hề sai trái, và không nhận tội


Trong phiên tòa này, 8 giáo dân bị buộc 2 tội là gây rối loạn công cộng và phá hoại tài sản. Mặc dầu họ luôn khẳng định rằng việc làm của họ không hề sai trái, nhưng báo đài tại ViệtNam đã nói rằng những giáo dân này đã cúi đầu nhận tội để được nhà nước khoan hồng.

Trong phiên tòa tại Ô Chợ Dừa, tất cả 8 giáo dân luôn khẳng định những việc làm của họ là không hề sai trái, nhưng báo đài trong nước đã không đưa tin như vậy.

Ông Nguyễn Đắc Hùng kể lại:

“Tất cả chúng tôi đi ra tòa hôm đó ai cũng hiên ngang hết, không ai phải cúi đầu. Chúng tôi đi trong tư thế ngẩng cao đầu chứ không như truyền hình báo chí thì họ vẫn đưa tin là mình cúi đầu nhận tội và xin hưởng sự khoan hồng của nhà nước thì cái đó hoàn toàn bịa đặt.. Chúng tôi có 1 cái đơn khởi kiện đài truyền hình và báo chí trong nước

Cái này chúng tôi bức xúc lắm nhưng cũng phải đành vì mình là người dân, không đúng thì tất nhiên mình phải kêu oan thôi. Không biết rồi sẽ đi tới đâu, không biết rồi nhà nước có chấp nhận cái sư thật không hay là họ lại không chấp nhận sự thật. Tôi xem báo đài thì bảo là mọi ngườii cúi đầu nhận tội mà hôm ấy chúng tôi không có ai cúi đầu nhận tội cả. Chúng tôi vẫn khẳng định đọc kinh là đúng chứ không sai”.


Đề cập đến việc báo đài trong nước đã đưa tin là tất cả 8 giáo dân đã cúi đầu nhận tội, Bà Nguyễn thị Việt khẳng định là bà và các giáo dân khác không có tội thì làm sao mà nhận được :

“Tám giáo dân nói chung và bản thân tôi nói riêng khẳng định là chúng tôi không có tôi cho nên rằng thì là không có việc là chúng tôi cúi đầu nhận tội được. Vì vậy mà tất cả các thông tin đại chúng, những nơi nào mà nói chúng tôi cúi đầu nhận tội để được sự khoan hồng của nhà nước là sai.

Và nếu như là cái thông tin nào mà nói những lời nói như vậy thì chúng tôi có quyền bắt họ cải chính mà nếu họ không cải chính thì chúng tôi phải kiện họ. Chúng tôi không có cúi đầu nhận tội vì chúng tôi có tội gì đâu!”


Ông Phạm chí Năng nói rằng, báo đài là của nhà nước nên họ có quyền thông tin không đúng sự thật, nhưng 8 giáo dân nhất định đòi cho được sự thật:

“Cái này là đài của ViệtNam, người ta thông tin một chiều. Người ta nói trên truyền hình, người ta có cầm bút, cầm giấy, người ta có lời nói, đưa lên những phương tiện thông tin đại chúng, thì người ta nói như thế nào, đó là phần của người ta.


Tốt nhất là mình không nên nghe thông tin một chiều để nó sai lệch đi. Chừng nào mắt mình nhìn thấy, tay mình sờ được, thậm chí là còn nhiều người thấy nữa thì mình hẳn nên tin. Còn nếu như báo đài ViệtNam, truyền hình ViệtNam mà vẫn đưa những hiện trạng không đúng sự thật thì chúng tôi sẽ gửi đơn để khiếu nại về chuyện đó. Chúng tôi đòi hỏi sự thật”.


Ông nói thêm rằng, ông mong những cơ quan truyền thông hãy nói lên sự thật và công bằng:

“Thật là nực cười, cả thế giới chưa từng có một phiên tòa như vậy. Sự thật vụ việc không có đáng là bao nhiêu mà cứ tố tình làm to lên. Hằng ngàn cảnh sát cơ động, hằng mấy trăm cảnh sát chìm, cảnh sát mật, ép vào một phiên tòa gọi là công khai. Vậy mà phải qua bảy, tám trạm công an chúng tôi mới lên được phòng xử án.


Chúng tôi cảm thấy rất tủi thân, vì nhà nước thật tình không giúp và đồng tình ủng hộ chúng tôi. Tôi rất mong những người cầm bút viết lên đâu là lương tâm của mình, đâu là sự thật, đâu là chân lý. Tôi xin đài Á Châu Tự Do nói lên sự thật. nói lên sự công bằng…”


LS Lê Trần Luật, người đã biện hộ cho 8 giáo dân Thái Hà cho biết những giáo dân này đã qúa bức xúc trước việc báo đài nhà nước đưa tin không đúng sự thật nên họ đã có thư yêu cầu báo đài đính chính:

“Các giáo dân cho rằng, việc báo Hà Nội Mới cũng như là đài truyền hình VTV1, trên phương tiện thông tin đại chúng đã bảo rằng, họ cúi đầu nhận tội, là đã xúc phạm đến danh dự của họ, bởi vì họ khẳng định tại phiên tòa cũng như trong suốt quá trình của vụ án là hành vi của họ không có phạm tôi nhưng bây giờ các báo đài, các công cụ truyền thông đại chúng đưa lên là họ cúi đầu nhận tội.


Họ có cảm giác đó là một sự xúc phạm, và một chừng mực nào đó nó ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của họ nên họ khởi kiện. Trước khi khởi kiện thì họ có đơn yêu cầu cải chính trước. Tôi cho rằng hành động như thế là rất lịch sự và rất tôn trọng pháp luật”


Chính quyền đưa tin sai sự thật nhằm mục đích gì


Được hỏi lý do gì mà báo đài lại đưa tin sai lạc về vụ án này, luật sư Lê Trần Luật cho biết ý kiến của ông:

“Trước hết tôi cần khẳng định rằng việc báo đài đưa tin giáo dân nhận tôi là đã đưa tin sai sự thật. Tôi xin tái khẳng định lại một lần nữa đó là thông tin sai sự thật. Còn việc chính quyền đưa tin sai sự thật nhằm mục đích gì, thì theo chủ quan của tôi, tôi nghĩ trước hết chính quyền muốn biện minh với dư luận.


Họ muốn cho dư luận thấy rằng, bản thân các giáo dân đã cúi đầu nhận tội thì điều đó có nghĩa là tiến trình xử lý vụ Thái Hà của nhà nước là hoàn toàn chính xác. Theo tôi thì chính quyền muốn tranh thủ dư luận và muốn tranh thủ niềm tin trong một cuộc khủng hoảng niềm tin mà chính quyền đã bị mất.


Bây giờ, tiếp theo vụ Thái Hà, họ đã hành xử quá sai trái. Để biện minh cho hành động sai trái này thì, chính quyền luôn luôn chỉ có một mục tiêu là làm sao cho giáo dân thừa nhận rằng giáo dân có tôi, nhưng chính quyền đã không đạt được mục đích này vì tất cả giáo dân đã khẳng định không có tội.


Cho nên bây giờ chính quyền dùng cái công cụ truyền thông để nói với dư luận rằng giáo dân đã thừa nhận mình sai trái, thì điều đó có nghĩa là nhà nước đang hành động đúng, và khi nhà nước hành động đúng thì đó là cách thức họ biện minh với dư luận rằng chính quyền vẫn còn uy tín đối với xã hội, đối với công luận…”



Mặc dù tất cả báo đài trong nước đều đưa tin giống nhau, nhưng 8 giáo dân chỉ đưa đơn đòi đài truyền hình VTV1 và báo Hà Nội Mới đính chính vì hai cơ quan này có trụ sở chính tại Hà Nội và các giáo dân cho biết, trong vòng một tuần lễ, nếu 2 cơ quan truyền thông này không đính chính thì họ sẽ khởi kiện để đòi bồi thường danh dự.

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

Giáo Dân Thái Hà Kháng án

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe âm thanh

Giáo dân Thái Hà kháng án

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-12-22


Ngày 8 tháng 12 năm 2008, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 8 giáo dân của giáo xứ Thái Hà về các tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “hủy hoại tài sản”.




Photo courtesy of Vietcatholic


8 giáo dân bị buộc tội là các bà Ngô thị Dung, Lê thị Hợi, Nguyễn thị Nhi, Nguyễn thị Việt, và các ông Lê Quang Kiện, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải, Phạm chí Năng.

Phiên tòa công khai trên tầng 4 UBND phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầu, đã kết thúc chỉ trong một ngày xét xử với mức án từ cảnh cáo, tới tù treo cho các nạn nhân.

Ngày 17 tháng 12 năm 2008, tất cả tám nạn nhân đã đồng loạt kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Tòa án thành phố Hà Nội vì xét thấy hành vi của họ không vi phạm pháp luật và mức án như vậy là không công bằng.


Bản án này quá bất công với chúng tôi nên chúng tôi phải kháng án kêu oan. Chúng tôi chỉ đọc kinh cầu nguyện với lại ra đấy để đòi sự công bằng và sự thật thôi chứ chúng tôi có ra đấy đánh nhau chửi nhau đâu mà kết tội chúng tôi, do đó chúng tôi phải kháng án
Ông Nguyễn Đắc Hùng



Phản đối các bản án


Cùng với 8 giáo dân của giáo xứ Thái Hà, Luật sư Lê Trần Luật đã đến tòa án quận Đống Đa nộp đơn kháng cáo kêu oan cho họ. Một trong 8 giáo dân là ông Nguyễn Đắc Hùng đã cho biết lý do ông kháng cáo:

"Bản án này quá bất công với chúng tôi nên chúng tôi phải kháng án kêu oan. Chúng tôi chỉ đọc kinh cầu nguyện với lại ra đấy để đòi sự công bằng và sự thật thôi chứ chúng tôi có ra đấy đánh nhau chửi nhau đâu mà kết tội chúng tôi, do đó chúng tôi phải kháng án"

Bà Nguyễn thị Việt nói rằng dù là bản án treo, bà cũng bị mất những tự do căn bản của người dân:

"Ngay từ đầu, công việc cầu nguyện của chúng tôi là hướng về Đấng tối cao. Chúng tôi nhìn thấy Đức Mẹ đứng trong khu đất trống đấy. Đức Mẹ là Đấng chúng tôi tôn sùng, chúng tôi yêu mến và chúng tôi cầu xin cái gì cũng được. vì vậy với lòng thôi thúc của đức tin, chúng tôi đập bức tường ấy để đi vào nhanh hơn và sạch hơn chứ chúng tôi không có ý định là ghét bỏ hay bực bội gì.

Cho nên cái việc này, chúng tôi không có tội vì đất này là đất của nhà thờ mà chúng tôi muốn vào với Đức Mẹ thì đâu có tội. Nơi đấy là linh địa của chúng tôi, từ xưa đến nay chúng tôi đã khẳng định đất đấy là của nhà thờ. Chúng tôi có đập cái tường đó để vào thì chúng tôi cũng không có tội, mà đã không có tội thì chúng tôi phải kháng cáo. Bị cái án treo này chúng tôi cũng mất tự do đi lại, mất tự do sinh hoạt của chúng tôi và thứ hai là chúng tôi còn cái danh dự nữa"


Tôi không có tội gì hết mà nhà nước ghép cho tôi cái tội như vậy. Tôi có làm cái gì đâu! Tôi chỉ đập mấy mét tường trong vòng có một hai phút, còn nhà nước thì đập hết đi đó thôi. Bây giờ người ta đã làm cái công viên cây xanh rồi.
Ông Phạm Chí Năng



Ông Phạm Chí Năng chỉ muốn thấy công lý và sự thật được thực thi :


"Tôi không có tội gì hết mà nhà nước ghép cho tôi cái tội như vậy. Tôi có làm cái gì đâu! Tôi chỉ đập mấy mét tường trong vòng có một hai phút, còn nhà nước thì đập hết đi đó thôi. Bây giờ người ta đã làm cái công viên cây xanh rồi.

Mà một phiên tòa người ta xử bất công với tôi như vậy thì lý do gì mà tôi không làm đơn kháng cáo vì tôi không có tội. Tự dưng nhà nước ghép cho tôi cái tội như thế thì tôi không đồng ý nên tôi làm đơn kháng cáo. Đề nghị toà án xét xử để trả lại sự tự do và công bằng cho tôi. Đâu là công lý! Đâu là sự thật! Tôi chỉ đòi hỏi như vậy"

Khuyến cáo của chính quyền

Sau phiên tòa ngày 8 tháng 12, những nạn nhân của giáo xứ Thái Hà đã được công an và nhân viên an ninh khuyến cáo là không nên kháng án vì có thể bản án sẽ nặng hơn cho họ, như lời của ông Nguyễn Đắc Hùng:

"Trước đó có mấy người gọi điện về nhà tôi bảo là đừng kháng án. Hôm trước thì lại có một người bên tòa án gọi về, ý là muốn thăm dò coi có kháng án hay không. Cái vụ án này đối xử với chúng tôi rất là bất công nên bắt buộc chúng tôi phải kháng án.

Bên phía chính quyền thì họ gọi về bảo là không nên kháng án bởi vì kháng án có thể là không tốt, cũng có thể là y án, cũng có khi là tăng hơn và cũng có khi là không giảm"

Còn ông Phạm Chí Năng thì khẳng định là ông sẵn sàng chấp nhận kết qủa của việc kháng cáo, để công lý được sáng tỏ:


Bên phía chính quyền thì họ gọi về bảo là không nên kháng án bởi vì kháng án có thể là không tốt, cũng có thể là y án, cũng có khi là tăng hơn và cũng có khi là không giảm

Ông Nguyễn Đắc Hùng



"Cái đó thì phụ thuộc nhà nước, vì nếu đã là một phiên tòa thì tôi đòi hỏi một sự công bằng, đúng pháp luật. Tôi không sợ đi tù. Nếu nhà nước kể cả xử y án thì tôi sẽ kêu lên tòa án cao hơn, hoặc nếu tòa án cao hơn vẫn bắt tôi phải ngồi tù thì tôi sẽ chấp nhận ngồi tù vì sự thật vẫn là sự thật. Tôi có làm gì đâu mà phải cảm thấy xấu hổ, nhục nhã."

Kháng cáo

Nhưng theo LS Lê Trần Luật, thì việc kháng cáo không làm tăng án được:

"Tôi được nghe các giáo dân trình bày rằng các cơ quan công an hoặc là chính quyền địa phương có đến khuyên họ là đừng kháng cáo vì kháng cáo như thế chẳng có lợi gì và có khả năng tăng án.

Tôi xin khẳng định rằng nói như thế là sai với qui định của luật hình sự Việt Nam. Kháng cáo chỉ có lợi chứ không bao giờ có hại vì như thế này; Cấp phúc thẩm xem xét lại bản án cua cấp sơ thẩm là chỉ có thể y án hoặc là giảm nhẹ, chứ không thể có tăng lên.

Hãy hỗ trợ cho chúng tôi bởi vì nếu không có truyền thông và công luận thì khó có thể thành công được. Do vậy tôi luôn luôn mong muốn giới truyền thông hỗ trợ cho chúng tôi trong bước đường kháng cáo kêu oan sắp tới

LS Lê Trần Luật



Họ chỉ tăng lên trong trường hợp viện kiểm sát là kháng nghị, đề nghị tăng án nhưng trong trường hợp này thì không được, bởi vì tại cấp sơ thẩm vị kiểm sát đã đề nghị một mức án và tòa đã xử giống như vị kiểm sát đề nghị cho nên viện kiểm sát không có lý do nào để kháng nghị.

Như vậy chỉ còn lại là kháng cáo của các bị cáo thì cấp phúc thẩm không được làm bất lợi tình trạng của bị dáo đang có. Có nghĩa là họ chỉ có thể xử y án hoặc là giảm chứ không thể có trường hợp tăng được."

Dù luật pháp của Việt Nam đã có ghi rõ như vậy, nhưng LS Lê Trần Luật vẫn rất mong sự hỗ trợ của mọi người, đặc biệt là giới truyền thông

"Hãy hỗ trợ cho chúng tôi bởi vì nếu không có truyền thông và công luận thì khó có thể thành công được. Do vậy tôi luôn luôn mong muốn giới truyền thông hỗ trợ cho chúng tôi trong bước đường kháng cáo kêu oan sắp tới"

Và các giáo dân cũng trông mong sự hiệp thông cầu nguyện của mọi người

"Chúng tôi đang kháng cáo nhưng cũng đang cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ soi chứng mở lòng cho các nhà lãnh đạo quốc gia để tìm ra sự thật mà giải oan cho chúng tôi"

"Xin tất cả hãy cầu nguyện cho chúng tôi để giúp chúng tôi đòi lại được công bằng, đòi lại sự thật để bớt cái bất công" .

Download attachment >>

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

Sinh viên Việt Nam bị ngăn chận biểu tình phản đối Trung Quốc

Mời bấm vào tựa bài để nghe âm thanh

Sinh viên Việt Nam bị ngăn chận biểu tình phản đối Trung Quốc


Hiền Vy, phóng viên RFA
2008-12-09


Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của sinh viên thanh niên Việt Nam hôm 6-12-2008 đã bị lực lượng an ninh dày đặc dập tắt ngay từ đầu.



AFP PHOTO/RADIO NEW HORIZON

Trước đây cũng đã từng xảy ra nhiều vụ hành hung, đánh đập các nhà tranh đấu. Hình: Sinh viên Nguyễn Tiến Nam bị công an khóa tay bóp cổ trước chợ Đồng Xuân Hà Nội hôm 29-4-2008, vì tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc.



Bảo vệ chủ quyền

Bức xúc trước việc tập đoàn dầu khí Trung Quốc bỏ ra gần 30 tỉ Mỹ kim để khai thác dầu khí trên vùng biển đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, sáng thứ Bảy 6-12-2008, thanh niên sinh viên trong nước đã tổ chức biểu tình trước các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn để phản đối.

Tại Sàigòn, theo tin tức từ Blog Vàng Anh thì có khoảng 70 hay 80 sinh viên tản mác gần khu vực toà Tổng lãnh sự Trung Quốc trên đường Nguyễn thị Minh Khai và vài nhóm sinh viên khác cũng có mặt gần Nhà thờ Đức Bà:

“Tôi đi tới chỗ… thì thấy có một toán sinh viên khoảng 70 hay 80 người. Tôi đảo xe lên nhà thờ Đức Bà thì thấy vài nhóm xinh viên nữa. Bao quanh hồ Con Rùa thì xe jeep và những xe khác rất nhiều kể cả lực lượng xe… bao quanh khu vực đó và cả khu diamond plaza… Khu mà công viên nhà thờ Đức Bà ngó qua, thì công an ngồi hết trơn rồi, ít thanh niên và sinh viên lắm. Chỗ em đang đứng ở đây thì vài sinh viên đang ngồi coi tình hình thôi. Toàn là thấy công an nhiều thôi…”

Tôi đến biểu tình để chống sự xâm lấn của tập đoàn Bắc Kinh, Trung Quốc. Họ đã tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là của họ và chi 29 tỉ đô để khai thác dầu khí trên biển đông của nước Việt Nam.
SV Nguyễn Tiến Nam



Tại Hà Nội, trên đường đến nơi tụ họp, sinh viên Nguyễn Tiến Nam cho biết:

“Tôi vừa bắt đầu đi, trên đường đến 46 Hoàng Diệu, tôi đến biểu tình để chống sự xâm lấn của tập đoàn Bắc Kinh, Trung Quốc. Họ đã tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là của họ và chi 29 tỉ đô để khai thác dầu khí trên biển đông của nước Việt Nam. Họ đã gây áp lực với 2 công ty của Mỹ để không hợp tác với tập đoàn Petro Vietnam mà khai thác dầu khí trên vùng biển đông của Việt Nam”.

Anh Nguyễn Tiến Nam cũng nói thêm rằng, các cuộc biểu tình là do lòng yêu nước của giới trẻ:

“Điều đó là do sự làm việc và lòng yêu nước của thanh niên và của người dân Việt Nam chúng tôi. Vào hồi trung tuần tháng 12 năm 2007, nhà cầm quyền Bắc Kinh Trung Quốc đã tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của họ và tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa, thì khi đó, chúng tôi cũng đã đứng lên, để bảo vệ đất nước Việt Nam, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, bằng những cuộc xuống đường biểu tình của sinh viên học sinh. Sau đó thì nhà cầm quyền Trung Quốc không thành lập Tam Sa nữa”.


Bị ngăn chận, dập tắt


Riêng cuộc biểu tình vào sáng thứ Bảy, ngày 6 tháng 12 tại Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Nam nói là do sự kêu gọi của sinh viên nhiều trường đại học tại Hà Nội:

“Tôi đang ở khu vực trường đại học bách khoa, có một số các bạn sinh viên bắt xe buýt đi ra khu vực 46 Hoàng Diệu. Các khu đại học khác như đại học công nghiệp, đại học kinh tế quốc dân và những đại học khác thì cặp những chuyến xe như chuyến 32, chuyến xe 02, về để tụ tập trưóc 46 Hoàng Diệu”.

Khi đến trước Đại sứ quán Trung Quốc, anh Nam thấy rất nhiều công an đã có mặt tại đấy:

“Hiện tại tôi thấy có khoảng 70 công an tại số 46 Hoàng Diệu, vườn hoa Lenin. Riêng tôi thì có 2 công an và 1 người thường đuổi tôi đi”.

Sau khi bị ép buộc rời khu vực Đại sứ quán Trung Quốc, sinh viên Nguyễn Tiến Nam kể lại sự việc đã xảy ra:

Biểu tình phản đối sự xâm lấn biển đông của Trung Quốc là một hành động vô cùng thiết thực và thích hợp nhưng chính nhà cầm quyền làm tôi thất vọng tràn trề.
SV Nguyễn Tiến Nam


“Hôm nay là mùng 6 tháng 12, chúng tôi một nhóm sinh viên có 25 người, chúng tôi tản mác quanh khu vực Đại sứ quán Trung Quốc để chờ đợi anh em tập trung để biểu tình phản đối Trung Quốc, phản đối sự hình thành dự án Tam Sa của Trung Quốc, đầu tư 29 tỉ đô la mới đây để khai thác dầu mỏ trên đất nước vùng lãnh hải Việt Nam.

Nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại vu cho chúng tôi những tội danh rất chi là lạ đời, như chống phá nhà nước, rồi thế này, thế nọ, thế kia… Chúng tôi hoàn toàn cực lực phản đối việc đó của nhà nước Việt Nam. Tôi thì không bị bắt nhưng bạn của tôi là anh Phạm Hồng Vỹ thì bị làm việc từ sáng đến giờ vẫn chưa được thả ra”.


Tại phường công an Điện Biên, quận Ba Đình, anh Phạm Hùng Vỹ đã kể lại:

“Vào khoảng 7giờ 30 sáng, tôi đã có mặt ở khu vực cách đại sứ quán Trung Quốc 46 Hoàng diệu khoảng 300 mét và đến khoảng 9 giờ rưỡi thì tôi ra đứng cùng với các anh em sinh viên. Sau đó các anh em sinh viên có nói rằng là chúng ta có thể đưa cờ lên không thì tôi bảo; thứ nhất ở đây không có qui luật nào cấm chúng ta tụ tập, thứ hai là không có một qui định nào cấm người ta cầm cờ tổ quốc mình cả.

Thế là tôi cùng một số anh em sinh viên nữa, bắt đầu đưa cờ ra và đứng đối diện với Đại sứ quán Trung Quốc số 46 Hoàng Diệu. Chỉ tầm 3 phút thôi thì rất nhiều người họ vây chúng tôi lại và lúc đầu họ bảo rằng là không được tụ tập ở đây, sau đó thì họ đẩy chúng tôi đi”.



Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org, hoặc có thể tham gia thảo luận tại trang blog của RFA www.rfavietnam.com

Sinh viên Nguyễn tiến Nam đã bày tỏ tâm tình và nguyện vọng của anh:

“Biểu tình phản đối sự xâm lấn biển đông của Trung Quốc là một hành động vô cùng thiết thực và thích hợp nhưng chính nhà cầm quyền làm tôi thất vọng tràn trề. Đất nước Việt Nam là của nhân dân Việt Nam, hải đảo Việt Nam là của đất nước Việt Nam.

Cho dù chúng ta có chết, có sống hay vi một lý do gì thì vì đất nước Việt Nam, vì vận mệnh của quốc gia, chúng ta có thể bỏ hết mọi việc để đòi lại công lý và sự thật cho đất nước Việt Nam”.

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2008

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, Sài Gòn

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe âm thanh


Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, Sài Gòn

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-12-06



Phản đối Trung Quốc khai thác dầu khí ở Biển Đông, Sáng thứ Bảy 6-12-2008, thanh niên sinh viên học sinh Việt Nam đã biểu tình trước các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn.


Theo các nguồn tin tại chỗ, cuộc biểu tình diễn ra trước Đại sứ quán Trung Quốc, 46 Hoàng Diệu, Hà Nội và Tổng sứ quán Trung Quốc tại 39 Nguyễn thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh; để phản đối Trung Quốc về việc đã chi gần 30 tỉ Mỹ kim để khai thác dầu khí trên vùng biển đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org, hoặc có thể tham gia thảo luận tại trang blog của RFA www.rfavietnam.com

Công an, an ninh thành phố Hà Nội đã ngay tức khắc giải tán họ. Anh Phạm Hùng Vỹ bị bắt đưa về đồn công an phường Điện Biên quận Ba Đình Thành phố Hà Nội.


Thông tín viên Hiền Vy đã có cuộc trảo đổi nhanh với Anh, và tường trình như sau:


Hiền Vy
Đây là Hiền Vy, phóng viên của đài ACTD

Phạm Hùng Vỹ
Chào phóng viên của đài ACTD. Tôi là Phạm Hồng Vỹ tôi đang ở đồn công an phường Điện Biên, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội

Hiền Vy
Thưa anh chuyện gì đã xảy ra sáng hôm nay, khi các anh bị bắt vậy ạ ?

Phạm Hùng Vỹ
Vào khoảng 7giờ 30 sáng, tôi đã có mặt ở khu vực cách đại sứ quán Trung Quốc 46 Hoàng diệu khoảng 300 mét và đến khoảng 9 giờ rưỡi thì tôi ra đứng cùng với các anh em sinh viên. Sau đó các anh em sinh viên có nói rằng là chúng ta có thể đưa cờ lên không thì tôi bảo; thứ nhất ở đây không có qui luật nào cấm chúng ta tụ tập, thứ hai là không có một qui định nào cấm người ta cầm cờ tổ quốc mình cả. Thế là tôi cùng một số anh em sinh viên nữa, bắt đầu đưa cờ ra và đứng đối diện với Đại sứ quán Trung Quốc số 46 Hoàng Diệu. Chỉ tầm 3 phút thôi thì rất nhiều người họ vây chúng tôi lại và lúc đầu họ bảo rằng là không được tụ tập ở đây, sau đó thì họ đẩy chúng tôi đi.

Anh em sinh viên bị tách riêng ra và một số người thì đã bị xuất trình giấy chứng minh nhân dân và rồi họ thả về. Tôi thì họ không làm gì nhưng thấy tôi đi vòng vòng tới lúc tôi quay lại thì người ta kéo tôi vào quán Café đối diện và lúc đấy có một số người tự xưng là công an thành phố Hà Nội họ bắt đầu đôi co với tôi việc này việc kia, sau đó có một anh rất sừng sộ, nói với tôi như thế này “Nếu mà cậu không ngừng lại thì chúng tôi không đảm bảo tính mạng cho cậu từ giờ trở đi”.

Tôi không thể hiểu đấy là đe dọa kiểu gì và tôi nói rằng: Thứ nhất anh đe dọa một người khác rất nghiêm trọng. Thứ hai là tôi khẳng định nếu anh nói câu đấy ra, dám ghi ra, anh ký vào, thì OK, chúng ta không cần phải nói gì nữa. Sau đó thì tôi bảo anh là người làm về pháp luật mà anh vi phạm pháp luật thì tôi không nói chuyện với anh nữa. Tôi quay ra, muốn bỏ về thì họ giữ tôi lại và đưa tôi đến công an phường Điện Biên và họ lấy lời khai của tôi và giữ tôi từ 10 giờ đến bây giờ. Bây giờ họ đang muốn kéo tôi vào làm việc tiếp

HiềnVy
Thưa anh bên HàNội bây giờ là mấy giờ ạ ?

Phạm Hùng Vỹ
Dạ HàNội bây giờ là 5 giờ chiều ạ

HiềnVy
Vâng, thưa anh sáng nay có nhiều sinh viên ở 46 Hoàng Diệu không ạ ?

Phạm Hùng Vỹ
Anh em sinh viên và cả những người khác nữa, họ đến đứng tản mác chung quanh khu vực ấy. Riêng trước vườn hoa Lenin thì tôi quan sát thấy có khoảng 100 người. Nói chung thì mọi người vẫn chờ đợi, có một biển hiệu hay bandrole hoặc cờ phướng giăng lên thì họ ra đứng. Khi chúng tôi vừa kéo cờ ra thì một số anh em chạy ra thì ngay lập tức lực lượng an ninh họ bao vây ngay

HiềnVy
Vâng, thưa an ninh có đông không ạ ?

Phạm Hùng Vỹ
Có thể nói đến khoảng 60 phần trăm số người có mặt trong vòng bán kính cách đại sứ quán 500 mét, thì hết 60 phần trăm là lực lượng công an phường, rồi công an quận, công an thành phố và an ninh các thứ, họ mặc thường phục và quân phục

HiềnVy
Có tất cả bao nhiêu người bị bắt, thưa anh ?

Phạm Hùng Vỹ
Dạ có mình tôi bị bắt thôi. Họ kéo tôi vào họ yêu cầu tôi 2 việc rất vô lý. thứ nhất là họ cấm tôi không được đến khu vực đại sứ quán, vườn hoa, lăng Bác, nếu không được phép của cơ quan an ninh. Thứ hai là họ yêu cầu tôi là khi đi ra đường thì phải mang theo chứng minh nhân dân để khi người ta yêu cầu thì phải xuất trình. Họ yêu cầu tôi ký vào đấy hoặc là nhận xét gì về cái văn bản. Tôi khẳng định rằng văn bản đấy là văn bản vi phạm pháp luật …

(Tiếng qua lại giữa nhân viên của đồn công an và anh Phạm Hồng Vỹ)

Tôi xin tiếp tục, cái văn bản họ đưa ra bắt tôi ký thì tôi nói đó là văn bản vi phạm pháp luật bởi vì pháp luật qui định công dân có quyền đi bất cứ đâu, trừ trường hợp họ là một tội phạm hình sự hoặc là họ bị tước quyền, hạn chế quyền. Tôi yêu cầu họ trả lời tôi thứ nhất là cái việc sáng nay tôi có mặt (tại đại sứ quán Trung Quốc) tôi đã vi phạm điều khoảng nào của luật ViệtNam, thứ hai là nếu tôi không vi phạm luật, thì tại sao lại giữ tôi trong 7 giờ đồng hồ và tôi khẳng định rằng tôi sẽ không rời khỏi đây nếu tôi không được câu trả lời thích đáng

HiềnVy
Thưa lý do nào mà sáng nay sinh viên tụ tập tại 46 Hoàng Diệu vậy ?

Phạm Hùng Vỹ
Tôi không dám đại diện cho ý kiến của các anh em sinh viên và mọi người nhưng chúng tôi theo dõi thông tin thì ngày 22 tháng 11 vừa qua, thì tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã công bố dự án trị giá 29 tỉ đô la Mỹ để khai thác dầu khí trên vùng biển Đông. Và đây là một trong những hành động mà có thể khẳng định là vi phạm trắng trợn chủ quyền của ViệtNam. Trước đó họ đã có nhiều những hành động gây hấn và liên tục gây hấn và theo tôi nghĩ thì chắc chắn rằng là với trách nhiệm công dân thì ít nhất là mọi người có một nguyện vọng cất lên tiếng nói là chúng tôi phải bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của mình

HiềnVy
Thưa anh có muốn nhắn gửi gì đến thính giả của đài ACTD không ạ ?

Phạm Hùng Vỹ
Tôi nghĩ rằng, việc công dân đi biểu tình hoặc đi thể hiện cái quan điểm của mình là một chuyện hết sức bình thường và ở tất cả các nước thì họ đều mong muốn người dân bày tỏ nguyện vọng để mà các cơ quan chính quyền phục vụ dân tốt hơn nhưng riêng ở Việt Nam thì biểu tình là sự rất nhậy cảm mà tôi không hiểu tại sao khi đất nước mình bị một kẻ bao vây, cô lập, rồi cướp đất, cướp biển mà dân đi biểu tình cũng bị theo dõi, bị hạch sách nọ kia. Điều đó không thể chấp nhận được. Tôi muốn là ở góc độ thứ nhất là công dân thì họ được quyền làm được những điều pháp luật không cấm và pháp luật Việt Nam phải tuân thủ điều đó …

Xin lỗi chị và xin lỗi thính giả, là họ yêu cầu tôi làm việc tiếp ạ

HiềnVy
Vâng, xin chúc anh may mắn ạ

.

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2008

Vụ Án Thái Hà - Quan Điểm của LS Lê Quốc Quân

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe âm thanh

Quan điểm của Luật sư Lê Quốc Quân về vụ án giáo dân Thái Hà


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-12-06



Chỉ còn vài hôm nữa là phiên tòa xét xử 8 giáo dân Thái Hà về hai tội là hủy hoại tài sản quốc gia và gây rối trật tự công cộng. Luật sư Lê Quốc Quân đã viết một bài để bào chữa cho 8 bị cáo này.


Bà Ngô thị Dung - Hình từ NET


Bà Nguyễn thị Nhi - Hình từ NET


Bài viết có tựa là “Bài Bào Chữa cho Công Lý ở Thái Hà” đã được đăng trên rất nhiều tờ báo và truyền đi khắp nơi trên thế giới qua mạng internet.

Không đủ yếu tố pháp lý

HiềnVy hỏi chuyện Luật sư Lê Quốc Quân về vụ việc này. Trước hết LS Lê Quốc Quân cho biết:

“Tôi là một luât sư, đồng thời là một tín hữu, một giáo dân của giáo xứ Thái Hà cho nên trong việc xét xử như thế, tôi rất nhiều cảm xúc. Trên 2 phương diện, nếu trên phương diện tình cảm thì tôi rất là thương và thấy rất bất công đối với những nạn nhân. Còn trên phương diện pháp lý thì chính tôi đã có một bài bào chữa nói rằng đem người ta ra xét xử như thế là không đúng. Vừa không đúng luật mà có thể sẽ có tác động rất là tiêu cực đối với chính những giáo dân mà đồng thời đối với hình ảnh của Việt Nam. Nếu kết án họ nặng nề thì theo tôi quả thực là sai trái.”



Những người nào nhận sai thì được tại ngoại còn mấy người không nhận sai thì vẫn bị nhốt.”
Bà Lê thị Hợi



Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng nhà nước không đủ yếu tố pháp lý khi truy tố 8 giáo dân Thái Hà về 2 tội hủy hoại tài sản quốc gia và phá rối trật tự công cộng.

“Nhà nước nói đến chuyện hủy hoại tài sản và gây rối trật tự, thế nhưng mà nếu đã xét vào luật thì phải xét về động cơ, mục đích và hậu quả. Cuối cùng thì họ (những bị cáo) đã không gây ra một hậu quả gì cả, mà đất thì đã trở thành vườn hoa. Bức tường mà người ta phá thì cuối cùng nhà nước đã phá đi. Thứ hai là bảo họ gây rối thì bản thân họ không gây rối gì cả mà họ lại còn có công trong việc phát hiện, mà theo tôi thì họ đã đập tan được một âm mưu tham nhũng rất là lớn ở chỗ này.”

Khi được hỏi tại sao không trực tiếp tham dự bào chữa cho các giáo dân Thái Hà, Luật sư Lê Quốc Quân cho biết:

“Tôi thật sự cộng tác một cách rất tích cực với Luật sư Lê Trần Luật và Luật sư Lê Như Hương là hai luật sư bào chữa cho vụ này vào ngày 8 tháng 12. Tôi liên lạc với họ thường xuyên , tâm sự, nói chuyện với nhau những góc độ về mặt pháp lý, về cách thức đọc hồ sơ để tìm hiểu bản chất vụ án. Nhưng khi ra xét xử trước tòa thì cá nhân tôi bị người ta rút giấy phép hành nghề của tôi và họ khai trừ khỏi đoàn luật sư. Hiện nay tôi đang khiếu nại và họ chưa có quyết định giải quyết. Thành ra tôi không có tư cách đó.”

Hủy hoại tài sản quốc gia?

Trong số 8 bị cáo sẽ phải ra tòa vào ngày 8 tháng 12 tới đây thì có 2 người là bà Ngô thị Dung và Nguyễn thị Nhi vẫn đang bị giam giữ tại hỏa lò vì cương quyết cho rằng việc làm của họ không hề sai trái:

“Chúng tôi chỉ có một mục đích là vào để cầu nguyện. Khi cha Uy làm lễ thì chúng tôi chỉ có làm dễ đường vào để cầu nguyện. Mọi người ở bên ngoài còn tôi đang ở bên trong. Những mảnh tường rơi xuống thì tôi lấy cái cuốc sang những gạch vỡ.

Chúng tôi không có một hành vi gì để gây phá hoại tài sản của xã hội. Họ cho là tôi phá hoại tài sản nhưng mà tôi nghĩ đó là không phải. Tôi không có tội. Tôi nghĩ đơn giản là tôi không có tội. Sự việc của tôi làm đúng chứ tôi không có làm sai.”


Còn 6 người khác thì đang được tại ngoại. trong đó có bị cáo Lê thị Hợi đã cho biết lý do bà được tại ngoại là vì trong tiến trình điều tra, công an đã ép buộc bà phải nhận hành động của bà là sai:

“…Cứ nói mãi nói mãi, dằn co đúng sai nên tôi bảo: Nếu không có đất của giáo hội thì không bao giờ tôi phá bức tường này để vào. Vì đất của giáo hội cho nên chúng tôi mới đẩy cái bức tường này để vào cầu nguyện cho nó tiện. Thế mà họ cứ ép mãi, nói mãi, họ bảo tôi: Bà phải nhận cái sai của bà, là bà phá bức tường này đi là sai.

Thế là cuối cùng tôi phải nhận là: Vâng, thế là tôi đập cái bức tường là sai, nhưng mà nếu không có cái đất của giáo hội thì tôi không bao giờ tôi phá cái bức tường đó. Những người nào nhận sai thì được tại ngoại còn mấy người không nhận sai thì vẫn bị nhốt.”


Công lý và sự thật

Luật sư Lê Quốc Quân cho biết ý kiến của ông về việc này:


Nhà nước nói đến chuyện hủy hoại tài sản và gây rối trật tự, thế nhưng mà nếu đã xét vào luật thì phải xét về động cơ, mục đích và hậu quả. Cuối cùng thì họ (những bị cáo) đã không gây ra một hậu quả gì cả, mà đất thì đã trở thành vườn hoa.
LS Lê Quốc Quân


“Việc này hết sức là thú vị và đáng lưu tâm bởi vì nếu như ai đó mà thừa nhận tội thôi và chỉ nói là việc làm của mình sai thì có thể lúc đó người ta quay trên vô tuyến và người ta nói là đã thừa nhận tội như vậy. Và thừa nhận tội trong việc làm của mình, một việc làm chính đáng như thế, thì coi như là phủ nhận luôn cái tính chính đáng của những người khác đang cầu nguyện cho công lý, sự thật và hòa bình cho ViệtNam.

Rất nhiều lần tôi đã nghe các Cha nói rằng không phải là chuyện 2 miếng đất, mà là chuyện mình đòi hỏi công lý và sự thật. Thế thì cái việc làm của người nào đó là để bảo vệ, để dành lấy công lý và sự thật, nhưng nếu thừa nhận, mà cái thừa nhận đó bị chính phủ tuyên truyền lên, làm cho mạnh lên thì nó sẽ mất đi cái tính chính đáng trong công cuộc đòi công lý và sự thật”


Và ông giải thích thêm rằng:

“Thứ hai nữa là cần phải lưu tâm là có thể có nhiều nhận tội trong quá trình điều tra nhưng người ta có quyền thay đổi tư tưởng, tức là có quyền thay đổi ý. Trong luật gọi là phản cung. Rất nhiều vụ án trải qua nhiều năm tháng khác nhau, quá trình điều tra rất phức tạp, khi thì người ta thừa nhận những điều đó đúng, sau đó người ta đổi ý, bảo rằng những điều người ta làm hoàn toàn sai, nhưng một thời gian sau nữa, thì người ta lại bảo rằng người ta làm như vậy là đúng rồi …Cái tiến trình đó xảy ra rất thường xuyên, thế nhưng mà theo qui định của pháp luật thì chỉ có những lời người ta nói ra tại tòa trong lúc phiên xử và cái quan điểm của người ta thể hiện một cách công khai tại tòa vào ngày xử mới đáng lưu ý. Và cái đó là cái tòa phải xem xét, chứ không phải là dựa vào cái bản cung của công an khi họ dụ dỗ, khi họ ép buộc hoặc khi họ thuyết phục mà đồng ý, rồi xong rồi lấy cái đó làm căn cứ coi như phản ánh cái quan điểm chính thức và chính thống của họ thì điều đó không đúng.”

Thứ hai, ngày 8 tháng 12 , 8 giáo dân Thái Hà sẽ bị xét xử trước tòa án Nhân dân, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, vì tranh đấu cho công lý và sự thật. Nhưng theo Linh mục Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Phạm Trung Thành thì họ sẽ không cô đơn trong phiên toà đó.

“Không phải chỉ có 8 anh chị em bị cáo đó đâu, mà những người khác cũng là bị cáo, có các cha dòng Chúa Cứu Thế, có các anh chị em, có chúng ta đây…”

.

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2008

Phản Ứng của Bị Cáo và Nhân Chứng trước ngày xét xử giáo dân Thái Hà

Mời click vào tựa bài bên trên để nghe âm thanh


Phản ứng của bị cáo và nhân chứng trước ngày xét xử giáo dân Thái Hà


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-12-04




Photo: Vietcatholic.
Parishioners pray at Thai Ha parish in Hanoi.



Ngày 26/11/2008, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa đã ra thông báo thay đổi thời gian khai mạc phiên tòa xét xử 8 giáo dân liên quan đến vụ việc giáo xứ Thái Hà.

Thay vì ngày 05/12/2008 theo quyết định trước đây, nay Tòa đã quyết định khai mạc phiên tòa xét xử các giáo dân vào lúc 8 giờ sáng ngày 08/12/2008, tại Ủy ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa, số 55 đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Trong thời gian chờ đợi đến ngày xét xử, dư luận trong nước cũng như quốc tế đặc biệt quan tâm đến vụ này.


Đề nghị được tham dự


Linh mục Nam Phong, thuộc giáo xứ Thái Hà phát biểu:

“Từ lúc vụ việc Thái Hà xảy ra, chúng tôi rất bức xúc về cách hành xử của chính quyền. Họ không tôn trọng pháp luật. chúng tôi phản đối kịch liệt việc xét xử bất công này và tôi cầu mong làm sao cho vụ án thực sự được công bằng, công minh để giải oan cho giáo dân chúng tôi. Xin tất cả hiệp ý cùng chúng tôi để cầu nguyện cho 8 bị can được bình an được can đảm để làm chứng cho đức tin và công lý”.


Chúng tôi phản đối kịch liệt việc xét xử bất công này và tôi cầu mong làm sao cho vụ án thực sự được công bằng, công minh để giải oan cho giáo dân chúng tôi.
LM Nam Phong



Trả lời câu hỏi tại sao trên trang nhà của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) có đăng tờ đơn “đề nghị được tham dự phiên tòa" với một vụ xét xử công khai, linh mục Nam Phong giải thích:

“Về mặt nguyên tắc pháp luật thì việc xét xử công khai là mọi người được phép tham dự nhưng một số giáo dân đến yêu cầu được tham dự thì họ không cho. Họ nói phải có đơn cho nên chúng tôi phải làm đơn để xin tham dự, nhưng chúng tôi cũng tin rằng họ sẽ không cho tham dự. Xưa nay nó như vậy rồi, về mặt luật thì người ta nói như vậy nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Còn chúng tôi thì chắc chắn là sẽ tham dự phiên tòa bởi vì đó là quyền của chúng tôi, là quyền của mọi người”


Các tội trạng


Về 2 tội trạng mà những bị cáo đang bị truy tố là phá rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản quốc gia thì ông Thông, chồng của bà Ngô thị Dung, là một trong 2 bị cáo, hiện đang bị giam tại Hỏa Lò, nói rằng, với lực lượng cảnh sát hùng hậu trong ngày 15 tháng 8, là ngày Lễ Đức Bà Lên Trời, thì làm sao giáo dân có thể phá rối trật tự được:

“Cảnh sát thì cả chìm cả nổi cũng có trăm hai hay trăm ba (120 hay 130) người, nhưng việc mình làm thì họ cứ để yên cho mình làm thôi. Nếu như gây rối trật tự thì họ sẽ lập biên bản, sẽ gô cổ ngay, chứ làm sao mà họ để yên cho mình làm như thế được. Nếu mình gây mất trật tự thì cảnh sát 113 sẽ tới, họ sẽ lập biên bản, bắt người ngay lập tức, chứ không để sự vụ kéo dài như thế được .

Đất của giáo hội, giấy tờ mình có. Đất của mình thì mình không có hủy hoại tài sản của nhà nước. Mình không gây rối, không gây mất trật tự nơi công cộng mà chỉ cầu nguyện.”


Giáo dân Nguyễn Xuân Diệu, người đã có mặt tại Linh địa Đức Bà ngày hôm đó, chia sẻ quan niệm:

“Nếu chúng tôi làm cái việc mang tính bạo động thì lúc bấy giờ có lẽ là có đến vài trăm công an và cán bộ nhà nước ở đấy, cũng không để chúng tôi làm cái việc đó mà họ đã sẵn sàng bắt chúng tôi ngay chứ không bao giờ họ lại để yên cho chúng tôi làm như thế.

Ở đây không phải tài sản quốc gia, kể cả bức tường mà chúng tôi đập thì cũng là tường của chúng tôi đã xây từ xưa. Tài sản này là tài sản của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, mà của Dòng Chúa Cứu Thế, người Canada đã mua để xây dựng nhà thờ chứ không phải tài sản quốc gia.”


Bà Lê thị Hợi, một bị cáo đang được tại ngoại cho biết, trong khi bị giam tại Hỏa Lò bà bị bắt buộc phải nhận là bà đã hành động sai. Bà kể lại:

“…Cứ nói mãi nói mãi, dằn co đúng sai nên tôi bảo: Nếu không có đất của giáo hội thì không bao giờ tôi phá bức tường này để vào. Vì đất của giáo hội cho nên chúng tôi mới đẩy cái bức tường này để vào cầu nguyện cho nó tiện. Thế mà họ cứ ép mãi, nói mãi, họ bảo tôi: Bà phải nhận cái sai của bà, là bà phá bức tường này đi là sai.

Thế là cuối cùng tôi phải nhận là: Vâng, thế là tôi đập cái bức tường là sai, nhưng mà nếu không có cái đất của giáo hội thì tôi không bao giờ tôi phá cái bức tường đó. Những người nào nhận sai thì được tại ngoại còn mấy người không nhận sai thì vẫn bị nhốt. Bà Dung và bà Nhi giờ này vẫn còn ở Hoả Lò”.


Bà Hợi phân trần về sự vô lý của nhà nước khi truy tố giáo dân ra tòa:

Xin tất cả mọi người cầu nguyện cho 8 người bị nạn chúng tôi được mọi sự bình an, được công bằng công lý và sự thực làm đúng công minh chính trực cho chúng tôi.
Bà Lê thị Hợi


“Nếu mà đất của giáo hội họ vẫn để như cũ, bức tường chúng tôi phá họ vẫn để nguyên và họ xây tiếp vào thì tôi mới thấy là mình phạm lỗi chứ bây giờ đã phá hết cả đi rồi, đất của giáo hội thì lại thành công viên mà vẫn còn đưa chúng tôi ra truy tố thì truy tố cái tội gì ? Tường thì phá hết, đất thì làm công viên mà vẫn truy tố chúng tôi thì không biết truy tố cái tội gì”


Cầu nguyện và Hy vọng

Bị cáo Lê thị Hợi mong mỏi được mọi người hiệp thông cầu nguyện:

“Xin tất cả mọi người cầu nguyện cho 8 người bị nạn chúng tôi được mọi sự bình an, được công bằng công lý và sự thực làm đúng công minh chính trực cho chúng tôi”.

Ông Lân, chồng của bị cáo Lê Thị Hợi nói rằng:

“Qui về vợ tôi là bà Hợi tội phá hủy tài sản nhà nưóc thì tôi hoàn toàn không công nhận. Bức tường đó là tường của chúng tôi xây đã từ lâu rồi. Chúng tôi lúc ấy chỉ phá ra để vừa đi vào thôi, thế rồi sau này nhiều người nữa tiếp tục. Họ cứ lấn tới để mở rộng ra, chứ không phải là chỉ có mấy người này.

Còn điều thứ 2 là gây rối trật tự công cộng thì tôi hoàn toàn bác bỏ việc này. Hôm 15 tháng 8 công an đứng đấy rất đông, không hề can ngăn và chúng tôi cho rằng họ ủng hộ chúng tôi để chống tham nhũng, thế mà sau đó cuối cùng lại quay ngoắc lại bắt chúng tôi là có tội.

Thì tôi thấy có một điều gì đó ẩn ở bên trong việc này. Giáo dân chúng tôi và giáo xứ chúng tôi và mọi người cầu nguyện để cho công lý, công bằng hiện diện trên quê hương của chúng tôi . Xin cầu nguyện cho chúng tôi.”


Chỉ còn vài ngày nữa là phiên tòa xét xử 8 giáo dân Thái Hà, nhiều nơi trên thế giới đã có những buổi hiệp thông cầu nguyện cho họ, Riêng tại Sàigòn, vào chiều Chủ Nhật 30.11.2008, trong Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho 8 giáo dân Thái Hà tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, linh mục chủ tế đã nói:

“Không phải chỉ có 8 anh chị em bị cáo đó đâu, mà những người khác cũng là bị cáo, có các cha dòng Chúa Cứu Thế, có các anh chị em, có chúng ta đây. Thành ra trong thánh lễ này, chúng ta hòa mình với các bị cáo, chúng ta ngồi chung vói họ. Có thể chúng ta là những người, bị cho là phá rối trật tự vì chúng ta cầu nguyện như thế này. Chúng ta có thể bị người ta cho rằng chúng ta phá hoại những tài sản của Giáo Hội đã trở thành tài sản của Xã hội Chủ nghĩa …”

(Hiền Vy, thông tín viên RFA)

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

Giáo Dân SàiGòn Cầu Nguyện Cho 8 Bị Cáo Vụ Thái Hà

Giáo dân Sài Gòn cầu nguyện cho 8 bị cáo vụ Thái Hà


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-12-01



Vào chiều Chủ nhật 30.11, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, đã cử hành một Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho 8 giáo dân Giáo xứ Thái Hà sẽ bị mang ra xét xử về tội phá rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản quốc gia.

Photobucket

Photo courtesy of Vietcatholic

Giáo dân đứng cầu nguyện tận đến bên ngoài nhà thờ. Photo courtesy of Vietcatholic



Cầu nguyện…


Có khoảng 20 linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế đã tham dự thánh lễ tại Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng Q3, thành phố HCM, với sự chủ tế của Linh Mục Giám Tỉnh Phạm Trung Thành. Trong Thánh lễ, tên tuổi của 8 bị cáo đã được đọc lên để mọi người hiệp thông cầu nguyện cho họ:

“Bà Ngô Thị Dung, Anh Thái Thanh Hải, Anh Nguyễn Đắc Hùng. Bà Lê Thị Hợi. Ông Lê Quang Kiện. Ông Phạm Trí Năng. Bà Nguyễn Thị Nhi. Bà Nguyễn Thị Việt

Chiều hôm nay đến đây, chúng ta cùng nhau dâng thánh lễ này để ngợi khen, tạ ơn Chúa, khai mạc mùa Vong của một niên lịch phục vụ mới và đặc biệt cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta bị oan sai, sẽ bị xét xử bởi tòa án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, vào ngày mùng 8 tháng 12 tới đây”


Trước Thánh lễ, Linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn vẫn luôn hiệp thông cầu nguyện với giáo xứ Thái Hà:

“Tất cả những biến cố từ lúc xảy ra đến giờ thì ở Saigon vẫn liên lạc mật thiết và hiệp thông một cách đặc biệt với giáo xứ Thái Hà. Mồi khi ngoài đó có sự việc gì căng thẳng thì chúng tôi hiệp thông cầu nguyện. Lần này cũng vậy, biến cố sắp tới ảnh hưởng đến các giáo dân Thái Hà và cộng đồng giáo xứ ngoài đó, nên chúng tôi tổ chức hiệp thông cầu nguyện.”

Linh mục Thoại còn cho biết thêm:

“Trong bức thư của Cha Giám Tỉnh vừa mới viết cho các anh em trong Dòng, ngài đã nói rõ rằng; Tự trong lương tâm cũng như theo pháp lý thì những giáo dân Thái Hà này hoàn toàn vô tội. Họ không phạm một cái tội nào trong 2 tội mà họ bị truy tố cả.

Thứ nhất, theo pháp luật thì họ đã phá vỡ một bức tường mấy mét, là bức tường đã xây trái phép trên đất của họ, nên không thể nói là họ phá hủy tài sản của nhà nước được.

Thứ hai là tội gây rối trật tự công cộng, thì định nghĩa thế nào là nơi công cộng? Nơi công cộng là nơi không có chủ nhân, còn miếng đất mà họ đến cầu nguyện là miếng đất có chủ và miếng đất đang tranh chấp, tức là phải thuộc về một người chủ nào đó thì không thể gọi là đất công cộng được, cho nên, theo pháp luật hiện hành của nhà nưóc thì họ không thể nào phạm hai tội đó được”



…và hy vọng

Linh mục Đinh hữu Thoại cũng cho rằng thật là phi lý khi mảnh đất của giáo xứ Thái Hà nay đã trở thành công viên của thành phố Hà Nội mà 8 giáo dân Thái Hà lại bị kết tội:

“Rõ ràng là nhà nước tự mâu thuẫn, khi mà, lấy đất của giáo xứ làm công viên. Cái việc phá hủy của nhà nước còn lớn hơn với việc phá vài mét tường. Nếu mà định cho công bằng thì phải thưởng công cho 8 giáo dân này vì họ giúp cho nhà nước phá một phần bức tường, thay vì nhà nước phải thuê người đến phá. Những người này đã phá giùm cho một đoạn rồi thì phải trả công cho họ chứ không thể kết tôi họ được. Họ mà có tội thì nhà nước có tội lớn hơn”.

Em rất muốn cầu nguyện cho những người đã sẵn sàng đấu tranh cho sự công bằng, công lý. Em nghĩ những giáo dân Thái Hà vô tội vì vậy không thể nào họ lại phải lãnh những tội vô lý như vậy. Họ chỉ đòi sự công bằng, nên không thể bị kết án được.

Một giáo dân trẻ


Ông Vũ sinh Hiên, một cư dân Sàigon nói rằng việc nhà nước truy tố 8 giáo dân Thái Hà về tội phá rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản quốc gia thật là vô lý:

“Không có chứng cớ gì để đưa họ ra tòa cả. Cái kiểu như là một đàn gà ngoài vườn, họ quơ đại, anh nào bị bắt thì anh đấy bị làm thịt. Như vậy thì không có công lý, không có pháp luật”

Và theo linh mục Đinh Hữu Thoại thì phiên tòa xét xử 8 giáo dân Thái Hà có vẻ không khả quan:

“Theo như từ trước tới nay thì phần bất lợi nhiều hơn cho 8 giáo dân Thái Hà ngoại trừ có một cuộc đổi mới nào đó trong toà án này thì những giáo dân này mới được trắng án. Ngay cả luật sư Lê Trần Luật, là luật sư sẽ bào chữa cho 8 người này thì cũng không lạc quan cho phiên tòa sắp tới.”

Trong khi đó, ông Vũ Sinh Hiên thì tin rằng một bản án nhẹ sẽ được công bố vào ngày xét xử các giáo dân Thái Hà:

“Ngày mùng 5 tháng 12 là ngày phong chức giám mục cho đức cha phụ tá Hà Nội, nên nhà nưóc đã dời lại ngày mùng 8. Đó cũng là một nhượng bộ của phía nhà nước. Chúng tôi đang đoán già đoán non rằng, sẽ có một bản án nhẹ nhàng, thí dụ như 2 người vẫn đang bị giam từ hồi đó tới giờ thì sẽ có bản án tương đương với số ngày mà họ đã ở trong tù. Thế là tuyên án xong thì cho họ về. Còn 6 người kia, thì có thể sẽ có bản án treo thế nào đó thôi.

Tôi nghĩ đó là cách để giảng hòa giữa nhà nước và giáo hội, chứ tôi không nghĩ sẽ có một bản án nặng đâu, vì bản án nặng thì rất là phi lý, không căn cứ trên pháp luật”


Một giáo dân trẻ tham dự thánh lễ cho biết cô tin là việc cầu nguyện sẽ đem lại tốt lành cho 8 giáo dân Thái Hà:

Bạn nghĩ gì về vụ xét xử này? Hãy gửi đến Ban Việt ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org, hoặc có thể tham gia thảo luận tại trang blog của RFA www.rfavietnam.com

“Em rất muốn cầu nguyện cho những người đã sẵn sàng đấu tranh cho sự công bằng, công lý. Theo quan điểm của em, niềm tin của em thì sự cầu nguyện bao giờ cũng được Chúa chấp nhận. Em nghĩ những giáo dân Thái Hà vô tội vì vậy không thể nào họ lại phải lãnh những tội vô lý như vậy. Họ chỉ đòi sự công bằng, nên không thể bị kết án được”

Linh mục Đinh hữu Thoại kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho 8 giáo dân Thái Hà:

“Xin quí vị cùng cầu nguyện cho 8 giáo dân Thái Hà trong một phiên tòa mà lành ít, dữ nhiều. Xin hãy hiệp thông đặc biệt cầu nguyện cho họ để may ra công lý sẽ được thực thi trong lần này. Chúng tôi vẫn hy vọng, hy vọng sẽ có một thay đổi nào đó. Xin hãy cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà.”

(Hiền Vy – thông tín viên RFA)