Thứ Năm, 8 tháng 1, 2009

Phạm Thanh Nghiên - Nhà Dân Chủ Can Trường Trong Lao Tù

Mời click vào tựa bài bên trên để nghe âm thanh



Cô Phạm Thanh Nghiên bị công an bắt giam từ hôm 18-9-2008, khi lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm chiến “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam".


Phạm Thanh Nghiên, nhà Dân chủ can trường trong lao tù


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-01-09


Việt Nam là một trong những quốc gia đã ký vào bản tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, nhưng những quyền căn bản của con người, như tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp vẫn chưa được tôn trọng tại đây.

Vào dịp kỷ niệm 60 năm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ra đời, một số dân biểu Hoa Kỳ đã viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để can thiệp với chính quyền ViệtNam trả tự do cho những nhà dân chủ đang bị giam cầm, trong số đó có nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày và cô Phạm Thanh Nghiên

Phạm Thanh Nghiên bị bắt vào ngày 18 tháng 9 năm 2008 lúc đang toạ kháng tại nhà trước 2 khẩu hiệu là “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng”.

Từ đó đến nay gia đình cô vẫn chưa được gặp cô và ngay cả luật sư Lê Trần Luật, là người đã được cô ký giấy ủy quyền bào chữa cho cô vẫn chưa được cơ quan an ninh cho gặp.

Họ cho rằng có thể là có những vấn đề khác, liên quan đến việc chống lại chế độ và họ bảo rằng công việc điều tra của họ đang khá là phức tạp vì liên quan nhiều vấn đề. Do đó cần thiét phải gia hạn tạm giam cô Nghiên trong một thời gian 4 tháng tiếp theo.
LS Lê Trần Luật



Đã hết thời hạn tạm giam


Vào ngày 7 tháng 1 năm 2009, khi thời hạn 4 tháng tạm giam cô Phạm Thanh Nghiên sắp chấm dứt, luật sư Lê Trần Luật đã đến Hải Phòng để xem xét sự việc. Từ Hải Phòng, ông đã cho thông tín viên Hiền Vy biết:

LS Lê Trần Luật: Cô Phạm Thanh Nghiên đã bị bắt và đang bị tạm giam tại thành phố Hải Phòng, cũng gần được 4 tháng rồi, tức là hết cái lệnh tạm giam cho nên tôi đến trực tiép với cơ quan điều tra an ninh của Hải Phòng để xem sự việc của cô Nghiên diễn biến như thế nào

Hiền Vy: Thưa luật sư, theo luật pháp của Việt Nam thì thời gian tạm giam kéo dài trong bao lâu?

LS Lê Trần Luật: Theo luật Việt Nam thì họ có thể gia hạn tạm giam lần thứ nhất là khoảng 4 tháng, và họ có thể gia hạn lần thứ hai, như vậy tổng công chung là tương đương khoảng 1 năm

Hiền Vy: Cô Phạm Thanh Nghiên bị bắt khi đang toạ kháng tại nhà với 2 khẩu hiệu “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản Đối Công Hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng” thì thưa, an ninh Việt Nam điều tra về việc gì mà phải cần nhiều thời gian như thế?

LS Lê Trần Luật: Tôi cũng đã đặt vấn đề này với cơ quan điều tra an ninh. Họ cho rằng cô Nghiên có thể đã liên kết, hoặc có một tổ chức nào đó chung với cô Nghiên làm việc này, chứ họ không tin rằng một mình cô Nghiên có thể toạ kháng tại nhà.

Họ nói với tôi rằng, họ đã nhiều lần khuyên bảo cô Nghiên, họ đã dùng rất nhiều biện pháp an ninh ví dụ như là đe doạ, thuyết phục… nhưng họ cho rằng cô ấy là người rất cứng đầu và đến lúc cần thiết thì họ phải bắt.

Ngoài ra, họ cho rằng có thể là có những vấn đề khác, liên quan đến việc chống lại chế độ và họ bảo rằng công việc điều tra của họ đang khá là phức tạp vì liên quan nhiều vấn đề. Do đó cần thiét phải gia hạn tạm giam cô Nghiên trong một thời gian 4 tháng tiếp theo.

Hiền Vy: Trước đó vài tháng cô Nghiên và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã làm đơn xin được biểu tình, chiếu theo điều luật 69 của Hiến Pháp Việt Nam. Thưa việc làm này có liên quan gì đến việc cô Nghiên bị bắt giam không?

LS Lê Trần Luật: Việc cô Nghiên và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa xin được biểu tình là hành động hoàn toàn không sai pháp luật. Họ đã có nộp đơn, tức là họ đã làm theo những thủ tục cần thiết mà pháp luật Việt Nam qui định.

Việc này tôi cho rằng không liên quan đến việc cô Nghiên bị bắt tạm giam, nhưng việc cô Nghiên và ông Nghĩa làm, đã gây khó chịu cho chính quyền Việt Nam. Lâu nay họ chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó, có 2 công dân Việt Nam lại xin phép biểu tình.

Bạn nghĩ gì về trường hợp của Cô Phạm Thanh Nghiên? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn: email: vietweb@rfa.org hoặc tham gia thảo luận tại Trang blog Ban Việt ngữ RFA www.rfavietnam.com

Điều này gây cho họ sự khó chịu và tôi nghĩ, khó chịu là một trong những duyên cớ mà họ xét thấy cần thiết phải có một biện pháp nào đó với cô Nghiên. Còn mà nó có liên quan đến việc bắt tạm giam về tội chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa hay không, thì theo tôi nó không có liên quan

Hiền Vy: Thưa, hiện tại cô Nghiên và ông Nghĩa đã bị bắt giam, thì việc xin phép biểu tình diễn tiến tới đâu rồi, ạ?

LS Lê Trần Luật: Sau khi cô Nghiên có đơn xin biểu tình và bị từ chối thì chúng tôi có đơn khởi kiện ra tòa và tòa án đã từ chối với lý do là tòa không xử những vụ như vậy. Sau đó cô Nghiên và ông Nghĩa đã khiếu nại với ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc không cho phép biểu tình thì họ không trả lời.

Sau ngày cô Nghiên bị bắt, gia đình cô Nghiên có cung cấp cho tôi một giấy mời của thanh tra thành phố Hà Nội, mời cô Nghiên lên làm việc về vụ xin biểu tình. Nhưng đó là lúc cô Nghiên vừa bị bắt.

Rồi hôm qua, khi tôi quay trở lại nhà cô Nghiên thì tôi nhận được một công văn trả lời của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định rằng UBND thành phố Hà Nội không cho phép biểu tình là đúng.

Vấn đề được đặt ra là hiện nay 2 người này đang bị bắt giam nhưng cho mãi tới bây giờ thanh tra của thành phố Hà Nội mới có công văn trả lời rằng việc không cho biểu tình của chính quyền Hà Nội là rất đúng và 2 người này có quyền khiếu nại lần thứ 2, nhưng cả 2 người này hiện đang bị tạm giam.

Tuy nhiên tôi sẽ tiếp tục công việc này vì ông Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm thanh Nghiên đã có đơn yêu cầu văn phòng luật sư giúp cho họ. Tôi sẽ tiếp tục công việc khiếu nại cái công văn vừa trả lời vào ngày 29 tháng 12 năm 2008 của thanh tra thành phố Hà Nội.

Một thiếu nữ can trường


Hiền Vy: Là người được cô Phạm Thanh Nghiên ủy quyền để bênh vực cho cô ấy, thưa luật sư đã gặp cô Nghiên sau khi cô ấy bị bắt chưa ạ ?

LS Lê Trần Luật: Đây là lần thứ 3 tôi đến thành phố Hải Phòng và tôi vẫn chưa được gặp cô Phạm Thanh Nghiên. Họ đã nói với tôi là họ chính thức từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra.

Tôi nói với họ, nếu từ chối tôi thì yêu cầu phải có văn bản của cơ quan an ninh. Họ đã hứa là thứ Sáu tuần này họ sẽ trả lời bắng văn bản, tuy nhiên, sau đó họ lại gọi điện cho tôi, quay lại cơ quan an ninh và họ trả lời rằng không có trả lời bằng văn bản.

Họ nói đây là vụ án an ninh quốc gia thì mặc nhiên tôi không được tham gia, cho nên không cần phải trả lời văn bản với tôi. Cho nên đến giờ này tôi vẫn chưa gặp được cô Nghiên

Hiền Vy: Thưa luật sư có gặp được người nhà của cô Nghiên không? Họ có chia sẻ gì với LS không?

LS Lê Trần Luật: Tôi gặp bà Lợi là mẹ của cô Nghiên và các bà chị của cô Nghiên, họ có báo cho tôi biết rằng cơ quan an ninh đến nhà, cầm theo một lá thư, bảo là thư của cô Nghiên viết từ trong trại giam ra.

Trong bức thư đó yêu cầu gia đình giao nộp cái hộ chiếu và cái điện thoại di động của cô Nghiên cho cơ quan an ninh nhưng mẹ và chị của cô Nghiên khẳng định đó không phải là chữ viết của cô Nghiên, nhưng sau đó 1 tuần thì mẹ cô Nghiên cũng đã đem cái hộ chiếu và điện thoại di động của cô Nghiên nộp cho cơ quan điều tra an ninh.

Đây là một phụ nữ có ý chí kiên cường và trong tình trạng bị cô lập và bị tước đọat sự tự do như vậy thì rất mong công luận lên tiếng bảo vệ cô ấy để giúp cho cô ấy sớm có được quyền tự do để tiếp tục con đường đấu tranh cho dân chủ.
LS Lê Trần Luật


Hiền Vy: Tình trạng sức khỏe của cô Nghiên như thế nào? Thưa ông có được gia đình cô ấy chia sẻ gì không?

LS Lê Trần Luật: Cô Nghiên chỉ cao chừng 1 mét 42, và trước khi bị bắt thì nặng khoảng 32kg. Nhưng thông tin từ cơ quan an ninh là bây giờ cô ấy cân nặng khoảng chừng 30 hay 31 kí gì đó.

Vừa qua cô ấy ốm (bệnh) cơ quan an ninh đem thuốc vào thì cô ấy từ chối. Cô ấy chấp nhận bệnh tật chứ không uống thuốc từ cơ quan an ninh. Cô ấy là một người rất nhỏ con nhưng có một ý chí rất kiên cường. Khi bệnh vẫn từ chối, không uống thuốc của trại giam, của cơ quan an ninh

Hiền Vy: Thưa luật sư có muốn chia sẻ gì về trường hợp của cô Phạm thanh Nghiên với thính giả của đài Á Châu Tự Do không ạ?

LS Lê Trần Luật: Đây là một phụ nữ có ý chí kiên cường và trong tình trạng bị cô lập và bị tước đọat sự tự do như vậy thì rất mong công luận lên tiếng bảo vệ cô ấy để giúp cho cô ấy sớm có được quyền tự do để tiếp tục con đường đấu tranh cho dân chủ.

Hiền Vy: Xin cám ơn luật sư Lê Trần Luật.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2009

Giới trẻ nghĩ gì về các vụ phạm pháp của nhân viên nhà nước ở nước ngoài?

Mời bấm vào tựa đề bên trên để nghe phần âm thanh


Giới trẻ nghĩ gì về các vụ phạm pháp của nhân viên nhà nước ở nước ngoài?


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-01-04


Từ đầu năm 2008, một phi công của hãng VietNam Airlines đã bị bắt giữ tại phi trường quốc tế Sydney, thuộc nước Úc vì vận chuyển một số tiền lớn ra khỏi nước này, liên quan đến một số đường dây rửa tiền và buôn bán ma túy.



Photo courtesy of VNExpress
Bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, đang trao đổi với các tay buôn sừng tê giác ngay trước cổng Tòa đại sứ Việt Nam.



Lạm dụng quyền thế

Đến tháng 7 cùng năm, một tiếp viên hàng không cũng của Vietnam Airlines đã bị bắt khi vận chuyển bất hợp pháp trên 300 ngàn Euro từ Đức về Việt Nam.

Rồi đến tháng 11, báo chí lại nói đến trường hợp vị bí thư thứ nhất của tòa đại sứ Việt Nam tại Nam Phi buôn lậu sừng tê giác. Tháng 12 thì một phi công phụ của Việt Nam Airlines chuyển hàng đánh cắp từ Nhật về Việt Nam và có khoảng 50 nhân viên của Vietnam Airlines cũng bị đưa tin là có liên quan đến các dịch vụ loại này.


Trong khi đó, ngay tại Việt Nam một vụ tham nhũng liên quan đến bạc triệu Mỹ Kim của quan chức thành phố Hồ Chí Minh với các viên chức công ty PCI của Nhật vẫn chưa có hồi kết.

Tổn hại uy tín, thể diện quốc gia


Một số người trẻ trong nước đã chia sẻ cảm nghĩ của họ về những vụ việc này với Hiền Vy. Trước hết là lời của anh Hoàng, một cư dân của Thành phố Hồ Chí Minh:

“Qua những trang mạng và những tin tức thì thấy công việc của các bí thư hay là của những nhân viên hãng Vietnam Airlines đã làm mất đi thể diện quốc gia.”

Anh Nam, một sinh viên tại Sàigòn phát biểu:

“Tôi chú ý đến vấn đề của nhân viên bộ ngoại giao. Vấn đề này cho chúng ta thấy được rằng là hệ thống chính quyền tận dụng quyền thế của họ để làm đủ mọi thứ.”

Chị Thùy hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh thì lại thắc mắc:

“Ở trong nước những quan chức tham những thì đã là một quốc nạn rồi, mà không hiểu sao ra tận ngoài đó mà những người trong chức vụ rất là lớn, lại còn làm những việc như vậy nữa để báo chí đưa lên thì thật là xấu hổ”.

Khi được hỏi làm cách nào để hạn chế những vụ việc như vậy trong tương lai, anh Nam cho ý kiến:

“Hạn chế vấn đề này thì phụ thuộc vào ở người giữ vị trí lãnh đạo, tức rõ ràng là nằm trong bộ máy của chính quyền rồi. Bản thân tôi nghĩ là cần phải hiểu rõ được vai trò của người công dân và phát huy được cái vai trò của người công dân để có thể tác động vào các nhà lãnh đạo bằng một phương thức nào đó. Cái vấn đề quan trọng là người dân hiểu được vai trò của họ và tận dụng nó để hạ bệ những người không đủ đạo đức để lãnh đạo đất nước.”


Khi đọc báo có thể nhiều người hiểu lầm lời Cha nói nhưng đến bây giờ khi mà nhiều việc xẩy ra do các quan chức nhà nước đi ra nước ngoài làm nhục nhã thể hiện quốc gia như vậy thì tôi thấy cái bài báo đăng lời cha Ngô Quang Kiệt nói rất là đúng, rất là thấm thía với hiện tình đất nước bây giờ.
Chị Thùy, một cư dân TP HCM


Anh Hoàng thì cho rằng phải đặt tinh thần dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân:

“Khi mà đại diện cho đất nước đi ra ngoài để làm việc với các nước khác thì phải có lòng yêu quốc gia và tinh thần dân tộc đặt trên hết. Những chuyện này toàn là cá nhân không hà mà cá nhân này làm ảnh hưởng cho trong nước và cho người dân và cho cả những thế hệ sau này. Cách duy nhất là phải đặt tinh thần quốc gia lên trên hết.”

Tại sao không xét xử công khai minh bạch?


Ý kiến của chị Thùy là nhà nước cần phải thay đổi:

“Nhà cầm quyền phải nhận thấy cái sai của họ để tự hạn chế vì những người được cử đi đó là đều được nhà cầm quyền sàn lọc và đưa đi thì nhà cầm quyền phải gánh cái trách nhiệm đó. Muốn hạn chế thì phải xử phạt thật là nghiêm minh và cấm không cho họ được xuất cảnh đi nữa.”

Anh Hoàng đề nghị một giải pháp cho vụ việc này:

“Những chuyện này đã xảy ra và làm mất đi cái thể diện, cái tinh thần dân tộc sâu nặng quá rồi, thì bây giờ nhà nước phải công khai xét xử minh bạch chứ không thể để cho những người như vậy làm nguy hại đến uy tín, thể diện quốc gia, Những người này là do đảng cộng sản đào tạo. Đảng nói là rất có đạo đức để mà đại diện quốc gia mà tại sao lại để xảy ra những chuyện như vậy? Và khi đã xảy ra như vậy thì tại sao không xét xử công khai minh bạch cho toàn dân biết. Những việc làm như vậy là những vết dơ trong lịch sử và sẽ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và làm mất sự uy tín lớn cho Việt Nam bị các nước bạn khinh bỉ, miệt thị …”

Lãnh đạo độc tài


Trong khi đó, anh Nam tỏ ra thất vọng với hiện tại:

“Tôi thấy là nhà nước độc tài quá nên tôi không biết đề nghị gì trước cái thế họ độc tài như thế. Nếu đề nghị cho những thành phần khác trong xã hội thì tôi nghĩ họ nên tìm hiểu cái vị thế của nhà cầm quyền tại thời điểm này và khả năng của họ làm có đủ hay không, thì sẽ dẫn tới những điều tốt trong tương lai, chứ người dân tại thời điểm này khó có thể dùng quyền của họ để tác động lên vai trò lãnh đạo của nhà nước.”

Xấu hổ và thấm thía


Chị Thùy thì mong rằng:

“Nhà cầm quyền của Việt Nam phải xem lại những điều họ làm là đúng hay chưa, nên có chính sách nghiêm ngặt và nên cải tổ. Điều chúng tôi mong muốn là làm sao đừng để mất mày mất mặt với thế giới. Đây là sự xấu hổ cho cả một quốc gia chứ không phải chỉ riêng bộ máy chính quyền của Việt Nam.”

Anh Hoàng cũng đồng ý với chị Thùy:

“Những việc làm này là những vết dơ, bởi vậy người Việt Nam rất là xấu hổ, việc những người đó đã làm, ảnh hưởng quá lớn cho người Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam mà người ta không thể nói được vì những việc làm này đã được sự bao che, chứa chấp.”

Đề cập đến việc một số người cho rằng những việc phạm pháp của nhân viên tòa đại sứ hay công nhân viên hãng Vietnam Airlines chỉ là trách nhiệm của cá nhân người làm việc đó, chứ không thể coi là sự xấu hổ của người Việt hay dân tộc Việt được, Anh Nam cho rằng:

“Nếu vấn đề này tại Việt Nam thì có khá nhiều lý do để có thể đặt vào trường hợp cho 1 người phạm tội cái vị trí đó nhưng ở vào địa thế của một bộ máy chính phủ với một hành động sai phép thì họ chỉ có việc là xử lý bằng luật pháp. Ở Việt Nam vấn đề này luôn luôn ngụy biện bằng hình ảnh của một cá nhân, nào là xử lý cá nhân, rồi khiển trách mà họ không thấy đó là cái sai lầm của nguyên một bộ máy chính quyền đã đưa đến những thành phần, những vị trí chủ chốt lại là những người thiếu đạo đức.”

Chị Thùy thì nhắc đến một bài viết mà báo đài trong nước đã đưa tin vài tháng trước về lời nói của linh mục Ngô Quang Kiệt:


“Tôi có đọc tờ báo mà có viết về cha Ngô Quang Kiệt, nói rằng cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi ra nước ngoài rất là xấu hổ, thì tôi thấy đúng, thấy rất thấm thía với câu nói đó. Khi đọc báo có thể nhiều người hiểu lầm lời Cha nói nhưng đến bây giờ khi mà nhiều việc xẩy ra do các quan chức nhà nước đi ra nước ngoài làm nhục nhã thể hiện quốc gia như vậy thì tôi thấy cái bài báo đăng lời cha Ngô Quang Kiệt nói rất là đúng, rất là thấm thía với hiện tình đất nước bây giờ.”

Và anh Hoàng kết luận:

“Khi một người tuổi trẻ như tôi biết được một số nguời đã làm hủy hoại cái thể diện quốc gia, cái tinh thần dân tộc thì trong thâm tâm tôi rất buồn. Tôi lúc nào cũng nghĩ đến tinh thần quốc gia dân tộc mà tại sao những người này đã làm tổn hại như vậy. Tôi rất mong nhà nước, là đảng cộng sản Việt Nam, phải công khai minh bạch, phải làm sao đưa tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc lên đầu chứ không phải chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa đảng cộng sản lên đầu được. Đó là làm sao phải vì tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc chứ không phải vì cá nhân.”