Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa - RFA

Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa

Hiền Vy, thông tín viên RFA, Houston
2010-02-12

nguon

hay tai day



Sau khi gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, Việt Nam đã có những "mâu thuẫn" với các vấn đề chính tri, truyền thông, văn hóa và môi sinh trong nước cũng như các vấn đề chủ quyền quốc gia đối với Trung quốc.


Photo by Hien Vy, RFA
Buổi hội luận về Việt Nam do đài truyền hình Việt Ngữ Tuổi Trẻ Hải Ngoại BYN 57.3 tổ chức tại Houton



Những mâu thuẫn đó có ảnh hưởng gì cho sự phát triển đất nước trong hiện tại và tương lai? Vào ngày thứ Bảy, 6 tháng 2 năm 2010, một buổi hội luận về Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa do đài truyền hình Việt Ngữ Tuổi Trẻ Hải Ngoại BYN 57.3 tổ chức tại Houton. Hiền Vy tham dự và tường trình:


Phải tự bảo vệ quyền lợi quốc gia



Các diễn giả của buổi hội luận Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa phần lớn đến từ các tiểu bang của Mỹ như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Bình luận gia Ngô Nhân Dụng, Nhà báo Phạm Phú Thiện Giao, Luật sư Hoàng Duy Hùng, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Bình, riêng nhà báo Lê Diễn Đức thì đến từ Ba Lan. Và người điều hợp chương trình là xướng ngôn viên Hưng Yên của đài TV Tuổi Trẻ Hải Ngoại. Buổi hội luận kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ với nhiều đề tài "nóng bỏng", như vấn đề chủ quyền quốc gia, tình trạng bất lợi của Việt Nam khi giao thương với Trung Quốc, sự suy thoái về môi sinh khi khai thác tài nguyên quốc gia,... v.v.



Những nước tư bản, thường mua những tài nguyên từ các nước nghèo với giá rất rẻ rồi đem về biến hóa, xong lại đem những sản phẩm này bán lại cho chính những nơi họ đã mua với giá cao hơn vài chục lần
GS.Nguyễn Ngọc Bích


Trả lời câu hỏi là có phải "toàn cầu hóa" đã tạo ra sự không đối xứng về quyền lợi và gây ảnh hưởng xấu về môi trường tại các quốc gia chậm phát triển, và những nước này thường bị thiệt thòi, hay không, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho rằng những nước tư bản, thường mua những tài nguyên từ các nước nghèo với giá rất rẻ rồi đem về biến hóa, xong lại đem những sản phẩm này bán lại cho chính những nơi họ đã mua với giá cao hơn vài chục lần:

“Đem bán đi tài nguyên cho người ta làm thành sản phẩm tinh tế xong họ quay trở lại bán giá đắt…”

Trong khi đó bình luận gia Ngô Nhân Dụng thì cho rằng việc suy thoái môi sinh hay là sự thiệt thòi của những quốc gia chậm phát triển là do nhà cầm quyền các quốc gia đó không biết cách bảo vệ quyền lợi của họ:

“Nếu cứ tham nhũng, bất công mà không biết bảo vệ quyền lợi thì quả thật là sẽ nghèo mãi thật. Cái đó không phải lỗi ở toàn cầu hóa mà là lỗi ở chính mình đã không biết tự bảo về quyền lợi.”

Liên quan về chủ quyền quốc gia, có quan điểm cho rằng Việt Nam cần thân thiện, sát cánh cộng tác với Trung Quốc trong mọi lãnh vực vì Trung Quốc ở ngay bên cạnh, trong khi Tây phương thì quá xa và câu "nước xa không cứu được lửa gần" đã được đưa ra bàn luận. Luật sư Hoàng Duy Hùng cho rằng lý luận này là của những người đã bị Bắc Kinh khống chế:

“Nói câu nói đó là ngả về phía Trung Cộng, là vì bị Trung Cộng kiểm soát hết rồi”



Việc suy thoái môi sinh hay là sự thiệt thòi của những quốc gia chậm phát triển là do nhà cầm quyền các quốc gia đó không biết cách bảo vệ quyền lợi của họ
Ô.Ngô Nhân Dụng

Còn ý kiến của thạc sĩ Quốc Bình là lý luận này giống như dùng dầu để chữa lửa

“Nếu vì đó mà thân Trung Quốc là như dùng dầu để chữa lửa luôn”

Ý kiến của GS Nguyễn Ngọc Bích là cần phải "khu vực hóa" vấn đề tranh chấp, tức là Việt Nam cần dựa vào khối ASEAN, trong những vấn đề tranh chấp chủ quyền quốc gia để chống lại sự khống chế của Trung Quốc.

“Trong toàn cầu hóa có một vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam đó là "khu vực hóa" tức là phải làm bạn với những nước Asian để có một cách chống đỡ lại Trung Quốc”


photo
Các diễn giả của buổi hội luận Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa ở Houston.Từ trái: Anh Hưng Yên đài T.Hình, nhà báo Thiện Giao, Giáo sư TS. Nguyễn Ngọc Bích, ông Ngô Nhân Dụng, nhà báo Lê Diễn Đức và Thạc sĩ Nguyễn Quốc Bình.


Trong phần thảo luận về thành quả của chủ trương Kinh Tế Thị Trường theo Định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam, một câu hỏi được nêu ra là với một nền kinh tế còn yếu kém, và một hệ thống luật pháp không hoàn thiện, thì Việt Nam sau khi gia nhập WTO đã sửa chữa được những gì trong thời gian qua. Nhà báo Thiện Giao nói rằng, theo ông thì VN chẳng sửa chữa được gì nếu không muốn nói là Hà Nội đã tạo ra nhiều vấn đề hơn, và nếu Việt Nam không thay đổi cơ chế chính trị thì kinh tế sẽ không phát triển được vì nhóm "đặc quyền, đặc lợi" đang chi phối nền kinh tế VN mà hệ lụy là nạn tham nhũng ngày càng gia tăng.

“Tôi không nghĩ là Việt Nam đã sửa chữa được gì mà trái lại còn tạo nhiều vấn đề hơn trong quá trình toàn cầu hóa. Cho tới ngày nào Việt Nam không có ý thức cải cách về mặt chính trị thì kinh tế Việt Nam không thể phát triển”



Cần phải "khu vực hóa" vấn đề tranh chấp, tức là Việt Nam cần dựa vào khối ASEAN, trong những vấn đề tranh chấp chủ quyền quốc gia để chống lại sự khống chế của Trung Quốc.
GS.Nguyễn Ngọc Bích


Tác hại của truyền thông một chiều

Trong đề tài về vai trò của truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa, các diễn giả cũng thảo luận về ảnh hưởng của sự kiểm soát các cơ quan truyền thông trong nước, ông Lê Diễn Đức nhắc đến sự quan trọng của truyền thông trong sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại Ba Lan:

“Và giòng thông tin tự do của người Việt hải ngoại rất quan trọng trong công cuộc tranh đấu dân chủ này”

Nhà báo ThiệnGiao đã nói rằng "nhật ký cá nhân" của giới blogger là những nguồn thông tin được nhiều người trong nước đón đọc để biết những tin tức mà Hà Nội cố tình bưng bít. Theo ông thì vai trò của các nhóm truyền thông độc lập này rất quan trọng trong việc phổ biến tin tức trung thực.


Bắt bớ và giam cầm các bloggers là điều đáng tiếc, điển hình là trường hợp blogger Điếu Cày.

“Tháng 12 năm 2007 là thời điểm rất quan trọng bởi vì ngày đó, tất cả những người từ nhà báo, trí thức, đến thanh niên sinh viên học sinh đã làm quen với nhau trên thế giới ảo, nói với nhau về Trường Sa Hoàng Sa rồi họp nhau lại trên những con đường ở Sàigon, ở Hà Nội để khẳng định rằng Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam. Và cũng ngày đó thì blogger Điếu Cày bị bắt. Điếu Cày là người đầu tiên nói được cái giá trị của blogger”



Việt Nam cần sửa sai vì họ mang nặng mặc cảm tự tôn nên để mất nhiều cơ hôi quý báu. Hoa Kỳ đã sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam vào WTO, làm chủ tịch luân phiên Hôi Đồng Bảo An LHQ nhưng Việt Nam không làm được gì cả để thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc trong thời kỳ vừa qua
GS.Nguyễn Ngọc Bích


Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã đề nghị nhà nước Việt Nam cần sửa sai vì họ mang nặng mặc cảm tự tôn nên để mất nhiều cơ hôi quý báu. Hoa Kỳ đã sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam vào WTO, làm chủ tịch luân phiên Hôi Đồng Bảo An LHQ nhưng Việt Nam không làm được gì cả để thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc trong thời kỳ vừa qua; Ông cũng nói thêm là Việt Nam cần tăng cường huấn luyện nhân công vì các công nghệ tân tiến không tìm được công nhân đủ khả năng tại Việt Nam mà điển hình là Hãng Intel đã phải tuyển công nhân ngoại quốc thay vì tuyển công nhân Việt Nam, và Việt Nam phải có một chính sách thu hút nhân tài người Việt hải ngoại thành thực

“Mỹ đã giúp Việt Nam rất nhiều, giúp Việt Nam vào trong Liên Hiệp Quốc, giúp Việt Nam vào WTO... nhưng Việt Nam hoàn toàn yên lặng, chẳng làm gì trong thời gian là chủ tịch bảo an Liên Hiệp Quốc”




Chế độ độc đảng và Hà Nội đang gia tăng đàn áp tiếng nói của những người không đồng chính kiến, nhà nước Việt Nam đang đưa dân tộc xa dần với thế giới bên ngoài dù đã gia nhập vào WTO


Thảo luận về tâm lý an phận và vai trò của sự ổn đinh chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa, một người tham dự phát biểu là người dân trong nước hiện đang bằng lòng về cuộc sống hiện tại và họ như không mong muốn điều gì bất ổn xảy ra vì tin rằng họ đang có tự do. Ông Lê Diễn Đức nói rằng sở dĩ có người bằng lòng với cuộc sống hiện tại vì họ không có thông tin đa chiều, nên không biết sự thật. Ông Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng quan điểm đó là kết quả của sự bưng bít tin tức mà Hà Nội đang triệt để áp dụng:

“Đó là kết quả của cộng sản tuyên truyền cho chế độ. Họ tuyên truyền như là ngày xưa thì bị bóp chẹt 10 nay chỉ còn 8... thở được 2 mà, sao không vui được!...”

Sau buổi hội luận nhiều người cho rằng với chế độ độc đảng và Hà Nội đang gia tăng đàn áp tiếng nói của những người không đồng chính kiến, nhà nước Việt Nam đang đưa dân tộc xa dần với thế giới bên ngoài dù đã gia nhập vào WTO. Và với hệ thống truyền thông một chiều như hiện tại, thì không biết tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu khi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại.

Hiền Vy, tường trình từ Houston


Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.