Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Người Việt Houston tổ chức “Đêm Không Ngủ” tưởng niệm 30/4

Người Việt Houston tổ chức “Đêm Không Ngủ” tưởng niệm 30/4


Hiền Vy, thông tín viên RFA, Houston
2010-04-28

Nguon

Hay tai day

Đánh dấu 35 năm ngảy miền Nam Việt Nam bị thất thủ Houston đã tổ chức một "Đêm không ngủ" để chia xẻ với nhau những cảm xúc của họ về ngày mà dân miền Nam gọi là “Ngày Mất Nước”, trong khi dân miền Bắc gọi là “Ngày Giải Phóng”. Hiền Vy tham dự và tường trình:

Photo by Hien Vy RFA
"Đêm Không Ngủ" ở Houston, ngày 24 tháng 4, 2010. Anh Nguyễn Công Bằng đang phát biểu, và giáo sư Giáo sư Nông Duy Trường ngồi bên phải.


Tháng Tư, năm 2010 đánh dấu 35 năm miền Nam Việt Nam thất thủ. Với hàng triệu người đã rời bỏ quê cha đất tổ đi tìm Tự Do mà không ít người đã vùi thây trên đại dương hay trong rừng sâu nên mỗi năm, khi tháng Tư về những người Việt lưu vong luôn nhớ đến “Biến Cố 30 tháng 4”. Tại Houston vào tối thứ Bảy, ngày 24 tháng Tư môt “Đêm Không Ngủ” đã được tổ chức tại Trung tâm Cộng đồng Người Việt Quốc Gia.

Nỗi đau ngày 30 tháng 4

Sáng 30 tháng Tư năm 1975, khi vị Tổng Thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa chánh thức tuyên bố đầu hàng Hà Nội thì hằng triệu người Việt đã đau đớn, sững sờ. Không chỉ những người đã trưởng thành mà còn có những người dưới tuổi thành niên. Trong “Đêm Không Ngủ” cả ba thế hệ Người Việt Lưu Vong tại Houston đã tham dự để kể cho nhau nghe cảm xúc của họ về ngày mà dân miền Nam gọi là “Ngày Mất Nước”, trong khi dân miền Bắc gọi là “Ngày Giải Phóng”

Khoảng 10 giờ, 11 giờ là họ bắt đầu vào rồi. Khi cái tượng lính Biệt Động Quân bị kéo xuống ngay ngã 7 và lúc đó là lính Việt Cộng bộ đội đi vào thì lúc mà Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì cả bầu trời tối lại lúc đó tôi bật khóc
Giáo sư Nông Duy Trường


Xe tăng Bắc Việt đâm vào cửa Dinh độc lập ngày 30 tháng 4, 1975.
photo RFA fr/Youtube

Giáo sư Nông Duy Trường chia sẻ là lúc ấy ông 18 tuổi, đứng trên sân thượng nhà ông ở Sàigòn, ông đã bật khóc

"Khoảng 10 giờ, 11 giờ là họ bắt đầu vào rồi. Khi cái tượng lính Biệt Động Quân bị kéo xuống ngay ngã 7 và lúc đó là lính Việt Cộng bộ đội đi vào thì lúc mà Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì cả bầu trời tối lại lúc đó tôi bật khóc vì không biết chuyện số phận sẽ như thế nào vì bố tôi trong quân đội (Việt Nam Cộng Hòa). Mẹ tôi bảo chúng tôi vất súng của bố tôi đi, chứ không thì bố tôi sẽ tự tử. Tất cả những người ở Sàigòn đều hoang mang hết. Cảm xúc lúc đó thì không biết diễn tả như thế nào chỉ nhớ là tôi đã bật khóc. Sau đó thì lệnh kêu các sĩ quan đi trình diện. Họ khôn ngoan lắm, họ gọi lính đi trước, nói là 3 ngày cho về. Mà 3 ngày cho về thật! Rồi đến sĩ quan cấp úy, rồi đến cấp tá… Đến khi bố tôi đi thì cũng chỉ sửa soạn quần áo 1 tháng thôi. Tôi đưa ông cụ tôi trình diện ở trường đại học Phú Thọ, và đó là lần thấy ông lần cuối cho đến 15 năm sau mới gặp lại …”

Ông Đinh Công Đức thì kể lại là lúc bấy giờ, trên chiếc xàlan đang từ Vũng Tàu ra hải phận quốc tế, mọi người đã sửng sốt khi nghe tin từ chiếc radio là miền Nam đã đầu hàng:

“Buổi tối 29 tháng 4 năm 1975, chúng tôi là thân hữu của gia đình Lôi Hổ và tối hôm đó nhổ neo tại kho 18 bến Bạch Đằng đi ra Vũng Tàu. Sáng 30 đang lênh đênh trên biển, vặn radio lên nghe thì được biết ông Hương tuyên bố đầu hàng, lúc đó tất cả chúng tôi cùng òa ra khóc. Đi thì không biết đi về đâu mà về thì không thể trở về với cộng sản cho nên chúng tôi như những con thuyền không bến lênh đênh mà không biết vận mạng mình như thế nào…”

Còn ông Nguyễn Trung Lễ thì cho biết là lúc đó ông mới 10 tuổi, đang ở Rạch Giá

Họ gọi lính đi trước, nói là 3 ngày cho về. Mà 3 ngày cho về thật! Rồi đến sĩ quan cấp úy, rồi đến cấp tá… Đến khi bố tôi đi thì cũng chỉ sửa soạn quần áo 1 tháng thôi. Tôi đưa ông cụ tôi trình diện ở trường đại học Phú Thọ, và đó là lần thấy ông lần cuối cho đến 15 năm sau mới gặp lại …”
Giáo sư Nông Duy Trường


“Lúc đó tôi đang ở Rạch Giá, trước đó vài ngày thì mặc dầu còn nhỏ, nhưng vẫn cảm nhận là sắp có một cuộc thay đổi lớn. Tôi nhớ lúc đó mẹ tôi phải chuẩn bị vài thứ cần thiết như là áo quần, để chạy giặc. Mẹ tôi phải may tiền vào những cổ áo hay tay áo để có chuyện gì thì sẽ di tản còn ba tôi thì không có ở nhà vì ba tôi trong quân đội (Việt Nam Cộng Hòa) đang đi xa.

Ông Dương Văn Minh bị dẫn ra khỏi Dinh Độc Lập để lên đài phát thanh kêu gọi binh si VNCH buông súng.AFP photo

Ở nhà chỉ có mấy mẹ con. Những ngày kế tiếp đối với dân miền Nam rất là thê thảm, nhất là những gia đình quân nhân như trường hợp của gia đình tôi. Cha tôi phải đi trình diện và kể từ ngày cha tôi đi trình diện thì không thấy mặt người cha cho đến những năm sau, tức là cha tôi phải bị đi ở tù mà Cộng sản thì gọi là đi “cải tạo” đó. Nhà cửa thì bị tịch thâu và mẹ con chúng tôi thì phải đi vùng kinh tế mới, rất là thê thảm…”

Cha tôi phải đi trình diện và kể từ ngày cha tôi đi trình diện thì không thấy mặt người cha cho đến những năm sau, tức là cha tôi phải bị đi ở tù mà Cộng sản thì gọi là đi “cải tạo” đó. Nhà cửa thì bị tịch thâu và mẹ con chúng tôi thì phải đi vùng kinh tế mới, rất là thê thảm…”
Ô. Nguyễn Trung Lễ

Tất cả vì 2 chữ Tự Do

Nha sĩ Chu Văn Cương chỉ mới 8 tuổi, thì đứng nhìn xe tăng tiến vào thành phố Sàigòn

“Khi mà cộng quân kéo vào chiếm Sàigòn thì tôi mới 8 tuổi. Đứng trên lầu 3 nhìn xuống thì thấy xe tăng của Việt công kéo vào thành phố và cán bộ cộng sản đứng trên xe tăng bắn chỉ thiên.
Vì còn nhỏ nên tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Ba mẹ của tôi thì sợ tôi bị trúng đạn cho nên bảo tôi phải đi vào. Đến năm 1980 thì gia đình tôi đi vượt biên. Gia đình tôi đã vượt biên 6 lần và 1 lần bị ở tù cộng sản vì tội vượt biên.”


Cũng tâm tình trong “Đêm Không Ngủ”, ông Trung, thuộc thế hệ một rưỡi đã khẳng định rằng, dù đến Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia tự do nào trên thế giới, dù bằng phương tiện gì đi nữa thì người Việt lưu vong cũng chỉ vì 2 chữ Tự Do mà phải bỏ quê hương xứ sở:

“Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả những người ra hải ngoại sinh sống cho dù ra đi bằng phương tiện gì, thì cũng chỉ vì 2 chữ Tự Do mà thôi”

Và cô Cindy Mai Đinh, năm nay 21 tuổi, sinh viên đại học Rice là người sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ chia sẻ những hiểu biết của cô về “ngày 30 tháng 4” :

“Ngày 30 tháng 4 là ngày nhiều người Việt Nam mất nước và họ đi vượt biên, bắt đầu 1 cuộc sống mới tại vì người quốc gia Việt Nam đã hết sức cố gắng bảo vệ Sàigòn, bảo vệ Tự Do, nhưng không được. Sau đó họ thấy Việt Cộng ác quá, họ không thể sống được nên họ phải đi vượt biên.”

Chúng ta cần phải nhớ lý do tại sao người Việt phải sống lưu vong. Chỉ vì người Việt muốn tìm Tự Do và Nhân Quyền. Hai quyền căn bản này rất quan trọng và mình muốn tranh đấu 2 quyền này cho đồng bào của mình đang ở Việt Nam
Cô Cindy Mai Đinh

Cô cũng cho biết thêm là dù chưa bao giờ đến Việt Nam, nhưng qua tin tức cô biết được là tại Việt Nam không có Tự Do và Nhân Quyền nên cô đang cố gắng tranh đấu cho người dân Việt được hưởng những quyền căn bản của con người:

“Em chưa bao giờ về Việt Nam, em chỉ biết chuyện Việt Nam qua News. Em có biết chuyện Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định … đã bị bắt vào tù vì họ viết về Tự Do, về Nhân Quyền nhưng chính phủ Việt Nam không chấp nhận điều đó. Em thấy (chính phủ) như vậy là không tốt. Nhiều bạn của em vẫn không hiểu tại sao mình vẫn phải tưởng nhớ (30 tháng 4) như thế này, nhưng em biết chúng ta cần phải nhớ lý do tại sao người Việt phải sống lưu vong. Chỉ vì người Việt muốn tìm Tự Do và Nhân Quyền. Hai quyền căn bản này rất quan trọng và mình muốn tranh đấu 2 quyền này cho đồng bào của mình đang ở Việt Nam”

Hiền Vy, tường trình từ Houston.

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam triển lãm tại Houston

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam triển lãm tại Houston

Hiền Vy, thông tín viên FRA
2010-04-20

Nguon

Hay tai day

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam đã bắt đầu một cuộc triển lãm lưu động với hình ảnh thuyền nhân Việt Nam trong năm 2010, đánh dấu 35 năm người Việt đã phải rời bỏ quê cha đất tổ để tránh chế độ Cộng sản.

RFA photo
Buổi triển lãm đầu tiên của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức vào trưa 18/4/2010 tại Houston

Mục đích cuộc triển lãm

Buổi triển lãm đầu tiên của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam đã được tổ chức vào trưa Chủ Nhật, ngày 18 tháng 4 tại Houston, tiểu bang Texas với mục đích sưu tập tài liệu về hành trình tìm Tự Do của hơn 3 triệu người Việt Nam tại hải ngoại và hàng trăm ngàn, hàng trăm ngàn, người khác đã vùi thây dưới lòng biển cả hay gục ngã trong rừng sâu trên đường tìm Tự Do.

Hàng trăm, hàng trăm người đã tiếp nối nhau để xem hình ảnh của thuyền nhân Việt Nam trên những cuộc hành trình tìm Tự Do do Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam trưng bày. Một vài người đã xúc động không nói nên lời khi thấy hình của chính họ, trong khi người khác thì ngỡ ngàng chỉ cho nhau những tấm hình họ vừa xem được:

Năm 2003, tôi trở lại để thăm trại tị nạn, thấy cảnh mồ xiêu, mả lạc của thuyền nhân, tôi đã nỗ lực để làm tổ chức này. Đồng thời mục tiêu chánh là để sưu tập hình ảnh tài liệu liên quan đến thuyền nhân để làm di sản cho con cháu mai sau.
Ông Trần Đông


“Nhớ lại bao nhiêu là kỷ niệm, chảy nước mắt luôn!. Cái hình này là lên chiếc ghe để đi sang Singapore, trên đường đi Hoa Kỳ. Mình chỉ là một trong bao nhiêu người đã ra đi nhưng mình may mắn còn sống chứ bao nhiêu người đã mất rồi …”

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam do kỹ sư Trần Đông sáng lập từ năm 2005. Ông Trần Đông vượt biển tìm tự do và đến được đảo Bidong – Mã Lai - năm 1989 lúc 37 tuổi sau nhiều gian khó, hiện đang định cư tại Úc. Kỹ sư Trần Đông cho biết lý do ông thành lập Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam như sau:

“Tôi thực hiện Văn Khố Thuyền Nhân là vì cái chặng đường vượt biên của tôi rất là gian khổ, cho nên khi đặt chân được đến trại tị nạn thì đó là một diễm phúc rất là lớn. Năm 2003, tôi trở lại để thăm trại tị nạn và mồ mả thuyền nhân, thấy cảnh mồ xiêu, mả lạc của thuyền nhân đã cùng cảnh ngộ với mình ra đi tìm tự do nhưng không may mắn, đã chết rồi thì ít nhất cũng được mồ yên mả đẹp, do đó tôi đã nỗ lực để làm tổ chức này. Đồng thời mục tiêu chánh là để sưu tập hình ảnh tài liệu liên quan đến thuyền nhân để làm di sản cho con cháu mai sau …”

Vì hai chữ “Tự Do”

Trong phần chào đón quan khách, trưởng ban tổ chức cuộc triển lãm tại Houston là nha sĩ Chu Văn Cương, đã nói về cuộc hành trình tìm Tự Do của người Việt Nam :

“Kể từ năm 1975, hàng triệu người đã vượt sóng băng rừng, bất chấp đại dương bao la, rừng sâu, biển động chỉ vì 2 chữ Tự Do. Những cuộc hành trình hãi hùng đầy đau thương và nước mắt chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng cứ mỗi một người Việt Nam đến được bến bờ tự do thì có 1 người Việt Nam khác đã phải bỏ mình trong lòng biển cả. Biết bao nhiêu gia đình có thân nhân bị mất tích, có biết bao nhiêu người chồng bị mất vợ, mẹ bị mất con, gia đình bị ly tán…”

Kỹ sư Trần Đông - người sáng lập Văn Khố Thuyền Nhân VN năm 2005 - chụp cùng một thuyền nhân. RFA photo

Và ông cũng cho biết thêm:

“Mặc dầu chúng tôi còn rất là trẻ tuổi, cha mẹ cho mình vượt biên lúc đó chỉ mới 12, 13 tuổi thôi, đến trại tị nạn Pulau Tanga năm 1981. Trong thời gian mấy chục năm vừa qua, chúng tôi đọc sách vở thì thấy Lịch sử Việt Nam sao mà bi thảm quá. Sau này lại được dịp tiếp xúc với các chú các bác thì biết là có những chuyến đi mà tất cả mọi người đều chết hết, rồi có những cô gái bị hải tặc bắt đi…, Từ đó tôi mới có những thao thức, và đó là động cơ đẩy tới để làm công việc này.”

Một trong những thuyết trình viên của buổi triển lãm là luật sư Nguyễn Mỹ Linh, đến từ California tâm sự rằng trong cuộc hành trình tìm tự do của 2 chị em bà, người em trai của bà đã bỏ mình trên đại dương mà nếu còn sống thì 18 tháng 4 chính là sinh nhật của ông:

“Hôm nay là ngày 18 tháng 4, nếu em trai của tôi còn sống trong chuyến hải hành đi chung với tôi thì hôm nay em trai của tôi sẽ mừng sinh nhật thứ 45. Nhưng rất tiếc là trong chuyến hải hành đó, em trai của tôi đã phải bị hải táng trên biển đông”

Bà Mỹ Linh cũng chia sẻ rằng là một luật sư di trú của Úc, bà đã khám phá ra là nhiều quốc gia như NaUy, Úc, Hoa Kỳ… đã thay đổi luật di trú để nhận người tị nạn Việt Nam khi họ biết có quá nhiều thuyền nhân đã bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp và bỏ mình trên biển cả:

“… những con người đau khổ đó, những cái chết của họ không thể nào là những cái chết vô vọng được. Những cái chết của họ là những viên gạch lót đường cho thế giới tự do nhìn tới và mở rộng chính sách di trú để đón nhận người tị nạn Việt Nam. Không phải tự nhiên mà các nước như là Hoa Kỳ, Úc, Pháp, nhất là NaUy là một nước không có dính dáng gì đến chiến tranh Việt Nam hết, mà họ mở rộng chính sách di trú của họ để đón người Việt Nam tị nạn. Không phải tự nhiên mà chuyện đó xảy ra.

Nhưng vẫn là như vậy (nếu phải chọn lựa) vì 2 chữ Tự Do rất có giá trị, cho nên hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi tìm sự sống trong cõi chết …
Một thuyền nhân


Chính vì cái chết của hàng trăm ngàn người đã nằm xuống lòng biển cả, chính vì những câu chuyện thương tâm của những người đã từng bị hãm hiếp và của những em bé đã chết trôi nổi trên biển, chính vì những ngôi mồ tập thể vẫn còn nằm lại ở Mã Lai, ở Nam Dương, và chính vì những câu chuyện thương tâm đó mà đã tạo cơ hội cho những thuyền nhân như tôi được hưởng cái chính sách di trú rất khoan hồng của các nước như Úc, như Hoa Kỳ, và nhiều nước phương tây khác nữa…”

Dù trải qua bao nhiêu gian khổ, dù biết đã không ít người vùi thây trong lòng biển cả hay trên rừng sâu nhưng những thuyền nhân Việt Nam vẫn khẳng định là nếu phải sống dưới chế độ cộng sản thì họ sẽ không ngần ngại vượt biên một lần nữa để tìm Tự Do:

“Trên tàu của em có 34 người thì bị mất tích 32 người vì hải tặc. Trước khi mà nó hành hung và bắt cóc phụ nữ thì nó đã đâm chiếc tàu cho chìm thì mạnh ai nấy lội, ông chú ruột cũng mất tích luôn. Nhưng nếu chế độ cộng sản mà cứ đàn áp như vậy thì mình cũng phải ra đi thôi chứ không thể nào có chọn lựa được.”

“Em đi tại Cà Mau, trên ghe là 22 người, sau khi đi khuất khỏi Vòm Khoai thì bị công an biên phòng đuổi và đêm hôm đó sóng rất là lớn và đến trưa hôm sau thì gặp hải tặc Thái Lan. Nhưng vẫn là như vậy (nếu phải chọn lựa) vì 2 chữ Tự Do rất có giá trị, cho nên hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi tìm sự sống trong cõi chết …”

Hiền Vy tường trình từ Houston