Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

Nhà nước tiếp tục hạ uy tín ĐTGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt

Nhà nước tiếp tục hạ uy tín ĐTGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt

Hiền Vy , thông tín viên RFA
2008-10-21



Ngày 15 tháng 10 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mời họp và thông báo với đại diện ngoại giao quốc tế rằng sẽ đề nghị thuyên chuyển Đức TGM Ngô Q Kiệt ra khỏi giáo phận Hà Nội.

Ông Nguyễn Thái Thảo giải thích việc này là nhằm theo tâm niệm chung của người dân và giáo dân thủ đô

Trong khi đó tại Sàigòn, thì vào tuần trước, tại thành phố HCM, trong những buổi họp Công đoàn của thành phố, công đoàn viên đã nhận được 1 văn bản trong đó đề nghị tuyên truyền bài báo đăng tải việc TT NTD tiếp đoàn đại diện Công Giáo. Bài báo được đăng trên trang mạng của nhà nước trong đó có đoạn, rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không hài lòng “những việc làm sai trái của Tổng Giám Mục Hà Nội” và “yêu cầu TGM Ngô quang Kiệt phải nghiêm túc tự xem xét lại hành vi của mình …”

Đừng khơi dậy khi mọi sự đã yên bình

Hiền Vy đã tiếp xúc với giáo dân trẻ trong nước về vụ việc này, mời quí thính giả nghe phản ứng của họ.

“Hôm rày chuyện giáo xứ Thái Hà đã lắng dịu bớt rôì, anh em giáo dân không ai muốn bạo động xảy ra nữa, trên tinh thần chỉ có cầu nguyện và hướng về đó để cầu nguyện thôi, thì vừa đây lại có việc là đưa ra những trang web đó, in ra, rồi đề nghị phát động và tuyên truyền ra. Tự nhiên khơi dậy vấn đề đó ra! Khi được tuyên truyền như vậy, em là người công giáo thì em không hiểu là có vấn đề gì mà lại bảo là, khi đã tuyên truyền rồi thì lại còn phải xem coi dư luận xã hội như thế nào chung quanh vấn đề đó. Thật sự là không hiểu được mục đích của nhà nước là như thế nào. Bây giờ mọi sự đã bình yên rồi thì cứ để cho nó bình yên trôi qua để người dân được sống yên bình, nhất là giáo dân Công giáo, chỉ muốn sự bình yên “tốt đời đẹp đạo”

Đó là phản ứng của cô Tâm, một công đoàn viên sau buổi họp công đoàn.

Còn cô Tiên, người đã được đọc văn bản của Liên Đoàn Lao Động TP HCM gửi tới liên đoàn lao động quận, huyện Công đoàn ngành, sở, khối, tổng công ty, và các cấp tương đương… với nội dung đề nghị triển khai thực hiện trong các báo cáo định kỳ về dư luận xã hội, liên quan đến bài báo về cuộc gặp gỡ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với hội đồng giám mục, thì cho rằng:

“Không có một người con nào lại tự ý đi bêu rếu cha mẹ của mình, tức là, em là giáo dân, vị chủ chăn là cha mẹ của em mà cha mẹ của em làm đúng, không làm sai, làm đúng chức năng bổn phận của mình, rất là đúng.

Rồi lại còn dạy dỗ con cái là phải biết cái đúng, thì lên tiếng, cái sai, lên tiếng để xây dựng nhau, để giúp nhau đi lên, chứ không phải mang nó ra để dè bĩu nó để làm nó xấu hỗ, muối mặt, bỏ trốn đi …

Không có người cha, người mẹ nào làm điều đó hết thì tại sao nhà nước lại muốn những người con đi bán đứng cha, bán đứng mẹ của mình, đi nói xấu, bêu rếu cha mẹ của mình. Những người con đó không ai làm điều đó. Sẽ không ai làm điều đó”


Cô Tâm cũng nói về chỗ đứng của các vị chủ chăn:

“Là một người Công giáo thì Giám mục, Linh mục hoặc Tổng giám mục, Hồng y đối với họ thiêng liêng lắm vì đại diện cho Đức Kito. Cái việc đưa ra bài này làm cho tinh thần của người Công giáo hoang mang”

Đề cập đến 1 đoạn viết trong bài báo rằng, đức TGM HN đã sai trái khi phát biểu câu nói, mà đã bị cắt xén trên báo đài: “… chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam,… ” Cô Tâm có ý kiến:

“Tiếng Việt phải đặt vào ngữ cảnh thì nó mới có cái nghĩa chính xác nhất của ngôn ngữ tiếng Việt. Bình thường mà không có một cái ngữ cảnh thì chưa chắc gì Đức giám mục Ngô Quang Kiệt thốt ra lời như vậy.

Một cái hoàn cảnh nào đã đưa đến để rồi cuối cùng họ bực dọc quá, họ mới phát ra một câu nói như vậy. Phải ở một ngữ cảnh nào đó thì câu nói đó mới phát sinh ra từ miệng của Đức giám mục Ngô Quang Kiệt thôi”


Tạo nên sự chia rẽ

Trong khi đó cô Tiên cho rằng:

“Tôi nghĩ ngài TGM Hà nội không có một ý nào nói đến sự sỉ nhục quốc thể mà chỉ là muốn nhắc nhở toàn thể người dân cùng khoát tay nhau để làm cho đất nước tốt đẹp hơn, sánh vai ngang bằng với các nước Đông Nam Á xung quanh”

Cô Tâm rất bức xúc về việc Công đoàn phát động chiến dịch tuyên truyền về vụ việc này:

“Bên Công Đòan thì phát động chung như vậy trong môi trường đi làm, cho anh em được biết rồi xem coi cái phản hồi của anh em, cái dư luận như thế nào … Mọi người đang bình yên, tự nhiên đưa một vấn đề cho người ta rối lên, người ta xào xáo, người ta bàn luận với nhau, để làm gì trong khi những vấn đề đó không ảnh hưởng gì đến người ta hết.

Đâu nhất thiết phải đưa ra một tiếng vang lên để thăm dò chỗ này, thăm dò chỗ kia như vậy thì em thấy chẳng hay”


Theo cô thì chẳng cần phải gây nên sự mâu thuẫn trong dân chúng:

“Những vấn đề đó bây giờ mà lại đưa ra để bàn cãi để gây một tiếng xôn xao lên rồi bắt đầu tuyên truyền cho mọi người thì vô tình khơi gợi lại cái vấn đề đã qua rồi.

Trong bài viết đó nói về cuộc gặp gỡ, rồi vẫn lại xuay quanh vấn đề Đức TGM Ngô Quang Kiệt, tức là đề nghị Hội đồng giám mục là yêu cầu Ngô Quang Kiệt hãy tự xem xét lại hành vi của mình, tự ăn năn, tự hối cãi lại, tự biết mình đã sai phạm. Cái điều đó chẳng cần phải loan báo"


Và cô mong rằng mọi việc sẽ được xếp lại:

“Em là một giáo dân, em chỉ mong rằng vấn đề này không nên được tuyên truyền nữa. Coi như là dĩ vãng thì hãy để cho nó qua, cho người dân được sống yên bình”

Còn cô Tiên thì khẳng định rằng giáo dân vẫn chỉ biết cầu nguyện mà thôi:

“Mình không thể nào thắng được vì mình là người có lòng nhân. Nếu mình muốn thắng được thì mình phải ác hơn, phải xấu hơn họ thì mới thắng được, cho nên chỉ còn một cách là cầu nguyện, lại tiếp tục cầu nguyện mà lại cầu nguyện yêu thương kẻ thù mình.

Người mình yêu thương nhau rất là dễ, ai yêu mình mình yêu lại người đó, chuyện đó là chuyện bình thường trong cuộc đời nhưng yêu thương kẻ thù của mình điều đó là điều khó làm nhất mà mình phải cố gắng làm”

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

Dư luận trong nước bất bình trước chiến dịch công kích TGM Hà Nội

Dư luận trong nước bất bình trước chiến dịch công kích TGM Hà Nội

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-10-11


Trong tờ Thiếu Niên Tiền Phong số 79 (tháng 9.2008), mục câu chuyện thứ tư, trên trang 3, một bài viết của tác giả Thành Long với tựa đề “Ông Ấy Có Còn Xứng Đáng?”
Một đoạn trong bài viết đó như thế này:


“- Ông Ngô Quang Kiệt có phải người Việt Nam không?

- Cha là người Việt Nam chính hiệu đấy. Cha hít thở khí trời an bình của Việt Nam do bao người đổ máu xương mới có được và ăn cơm Việt Nam do các giáo dân Việt góp tiền nuôi các cha hằng ngày …

- Thế tại sao ông ta lại hằn học khi là một công dân Việt Nam? Tổ quốc, đất nước là cha mẹ mình. Tớ biết Chúa vẫn dạy rằng “Đáng rủa sả thay kẻ nào khinh bỉ cha mẹ mình”. Ông TGM Ngô Quang Kiệt là “kẻ khinh bỉ cha mẹ mình”. Liệu ông ta có đủ tư cách rao giảng kinh thánh cho các con chiên không? Chủ nhật cậu vẫn vào nhà thờ nghe ông Kiệt giảng kinh. Liệu cậu có tin những lời rao giảng của ông ta không? Liệu cậu có cần nghe “một người khinh bỉ cha mẹ mình” rao giảng đạo đức cho cậu không?”


Giới phụ huynh và sinh viên nghĩ gì về bài viết đó. Mời quí thính giả nghe cảm nghĩ của họ:

Thông tin một chiều gây chia rẽ

“Bài báo này nhằm mục đích tiếp tục triệt hạ uy tín của Đức Tổng Giám Mục Kiệt và gây mất đoàn kết giữa các em không Công giáo và Công giáo. Và một điều nữa là tiếp tục thông tin một chiều mà đảng và nhà nước ta đã đưa ra để chứng minh cái sức mạnh của nó.”

Đó là lời nói của sinh viên Nguyễn Đình Anh, còn chị Xinh thì cho rằng:

“Bản thân người lớn đây, nhiều người không Công giáo nhiều khi họ cũng chẳng quan tâm là gì hết, mà đưa lên báo việc 2 đứa bé trao đổi những câu hỏi vô lý như “Linh Mục là gì ? Giám Mục là gì, Tổng Giám Mục là gì ? Hồng Y là gì ?...” chẳng ai giải thích điều đó hết. Có chăng chỉ là bậc cha mẹ giải thích cho con cái hiểu, để con cái nắm vững đạo Công Giáo hơn thôi, chứ còn những đạo khác chẳng ai mà bới móc.”

Anh Nguyễn Đình Anh không nghĩ là những lời nói đó do các em thiếu niên nói ra:

“Thiếu niên thường là cấp 2, từ 14, 15 tuổi trở xuống. Đây là sự sắp đặt của người lớn, lời nói của người lớn, bởi vì với lứa tuổi này thì không thể có những danh từ, những ngôn từ mà gọi là chuẩn của thiếu niên.”

Anh Chung cũng cùng quan điểm:

“Cái mẩu chuyện này là do ai đó muốn dựng nên chuyện và vẽ lên một câu chuyện để áp đặt vào lứa tuổi của các em chứ các em làm sao mà nghĩ nên những chuyện đó. Làm sao mà các em có thể hiểu được ý nghĩa của tôn giáo. Nếu nó đi nhà thờ thì nó cũng chỉ biết là thờ phượng ai thôi, chứ nó làm sao hình dung được ông này ông nọ…, làm sao nó hiểu được, vậy mà rồi cũng dựng lên một câu chuyện thật là ngộ nghĩnh.”

Và chị Xinh thì rất bức xúc:

“Có những người lớn cũng chẳng quan tâm, thì tại sao báo Tiền Phong lại đưa 1 đứa con nít mà hỏi những câu quá cắc cớ như vậy. Chỉ một đứa bé ngồi nói chuyện chơi với nhau như thế thôi mà lại đưa lên một bài báo để cho tất cả mọi người cùng đọc thì điều đó không hay. Nó không hay ở chỗ là bây giờ con nít mà lại nhồi nhét quá sớm những cái chính trị.”

Anh Nguyễn Đình Anh khẳng định là bài báo nhằm mục đích chia rẽ các em không cùng tôn giáo:

“Chắc chắn là sẽ có gây chia rẽ bởi vì các em không được thông tin đúng các em chỉ nhận được thông tin một chiều.”

Tuyên truyền, đánh phá Công Giáo


Chị Xinh cũng đồng ý như vậy:

“Sự chia rẽ đã bắt đầu có vì người lớn đưa lên để rồi các em phải suy nghĩ đến. Đưa ra cái tuyên truyền chính trị như vậy là đánh vào người Công giáo rồi. Không có lý do gì mà lại lôi cái chuyện của người Công giáo lên hỏi như vậy, ngay cái thời điểm đang sôi bỏng của Công Giáo, mà lại đưa 1 việc của Công giáo lên báo nữa thì rõ ràng là xoáy mạnh vào người Công giáo như vậy, làm cho những người có đạo Thiên Chúa cảm thấy bức xúc hơn nhiều vì tại sao càng ngày anh càng bôi nhọ cái Đạo của họ như thế?”

Đề cập về việc kiểm soát sách báo của giới phụ huynh cho con em, anh Nguyễn Đình Anh cho biết:

“Phụ huynh thì không phải lúc nào cũng theo sát cái vấn đề đọc sách, đọc truyện của con em. Nhiều khi họ cũng không biết những vấn đề đang được nhồi nhét trong những tờ báo. Nhiều khi họ cũng chỉ coi chương trình và biết như thế. Nếu gặp những gia đình Công giáo thì, vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng khác, còn những gia đình không phải là Công giáo, thì tôi nghĩ, vấn đề sẽ rất khó mà giải quyết với các em.”

Còn ý kiến của chị Xinh là:

“Bản thân em là phụ huynh thì chẳng bao giờ đem bàn những chuyện đó với những đứa trẻ nhỏ như vậy”

Và Anh Chung thì cho rằng:

“Phụ huynh mà hiểu rõ được chuyện này thì không ai để cho con em đọc những tờ báo như vậy, còn những phụ huynh mà không có tư tưởng thì vấn đề đó phụ thuộc vào họ.”

Đầu độc thế hệ tương lai

Anh Nguyễn Đình Anh lo ngại về tương lai của Việt Nam nếu những bài báo như trên vẫn tiếp tục xuất hiện:


“Có một câu mà ông bà đã dạy là ‘gieo nhân nào gặt quả đó’ thì tôi nghĩ, với một lối tuyên truyền mà các em được nhồi nhét bây giờ vào cái ý thức hệ rất còn non nớt như vậy, thì lớn lên chắc chắn sẽ phát huy ra cái nói láo, nói xạo … thì từ đó các em sẽ không trở thành những người có ích cho xã hội mà nó sẽ là những người tiếp tục làm công việc hỗ trợ cho sự nói láo. Từ đó nền giáo dục chắc chắn sẽ không phát triển mà là đi xuống.”

Chị Xinh thì nói, các em chỉ nên được học những cái hay, cái đẹp:

“Những bé mới 13, 14, 15 tuổi thôi mà đã gieo vào đầu những tư tưởng chính trị như thế thì không hay. Những chuyện dính dáng đến tôn giáo thì để người lớn giải quyết với nhau. Còn trẻ em thì chỉ nên cho bé học những cái hay như là tìm hiểu về thiên nhiên của đất nước, tìm hiểu về con người, về nền văn minh khoa học kỹ thuật của đất nước, chứ không nên gieo vào đầu con trẻ những chuyện chính trị xã hội như thế.”

Mặc dù phần đông giới trẻ trong nước ngày nay chỉ quan tâm về những trò chơi điện tử, nhưng anh Chung vẫn lo ngại cho tương lai của đất nước nếu giới trẻ không nhận được thông tin chính xác từ báo đài:

“Bấy lâu nay nhà cầm quyền luôn dùng cơ quan truyền tin của họ để giữ thể diện và bộ mặt xảo trá của họ trước toàn dân mà thôi.


Ngay từ thuở ban đầu của sự phát triển nhân tố con người, họ đã cưỡng bức tư tưởng từ thời điểm đó. Họ cưỡng bức sự phát triển của các em, trong khi những điều trẻ cần biết thì lại không được biết, mà lại biết những vấn đề nằm ngoài cái cốt lõi của cuộc sống. Trong tương lai, cái thế hệ trẻ này, nếu không nhận được sự thật về các nguồn tin thì cả thế hệ sẽ bị thui chột.”

Hiền Vy - RFA

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

Phản ứng của giới trẻ trước việc nhà nước sẽ quản lý những trang blogs

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-10-06


Ngày 2/10, Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông Tin - Truyền thông ViệtNam bắt đầu xây dựng các văn bản để quản lý thông tin trên Internet, bao gồm cả blog cá nhân.
Giới blogger trẻ nghĩ gì về vụ việc này, mời quí thính giả nghe các bạn trẻ chia sẻ quan ngại của họ với Hiền Vy

Vi phạm quyền tự do ngôn luận

“Sự việc này nếu xảy ra thì rõ ràng là ta thấy chính quyền này là muốn bảo toàn thông tin mà họ muốn theo cái đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước. Biện pháp này vẽ ra cái bộ mặt thật của họ trong thời đại mà chúng ta đang chạy vào cái dân chủ thông tin”

Đó là lời của blogger tên Trung, còn Anh sinh viên Nguyễn cho biết:

“Blog là một loại “nhật ký mở” trên mạng. Nếu nói là nhật ký thì dĩ nhiên là có cá tính riêng tư cho nên cái việc quản lý này là không đúng và không được ai chấp nhận cả. Hiện nay cộng đồng Blog ViệtNam rất là xôn xao và có rất nhiều ý kiến phản đối về vấn đề này”

Trong khi đó, chủ nhân của một blog có số truy cập hằng ngày rất cao thì nói rằng việc nhà nước muốn quản lý các blog cá nhân sẽ không dễ thực hiện:

“Việc nhà nước thành lập một cơ quan quản lý Blog là một việc không nên làm và cũng không thể nào làm được. Không nên làm bởi vì blog là môi trường mà mọi người có thể tự do bày tỏ những suy nghĩ, những tâm tư, nguyện vọng của mình đối với xã hội và đặc biệt blog là môi trường mà mọi người có thể tự do bày tỏ những chính kiến của mình đối với những vấn đề nóng bỏng của đất nước.

Thế nên việc nhà nước quản lý blog là một hành động, chẳng khác nào đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận và đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp của nền văn minh. Và nói không thể quản lý blog bởi vì trào lưu blog hiện nay phát triển rất mạnh mẻ, con số người viết blog ở Việt Nam đã lên tới trên 1 triệu người.

Trong tương lai số lượng có thể lên tới gấp ba hay bốn lần hiện nay. Với số lượng viết blog khổng lồ như vậy thì việc nhà nước quản lý blog là một việc không thể làm được và không khả thi”

Blogger Businesshoa thì không ngạc nhiên trước tin này:

“Việc quản lý blog từ chính quyền không có gì ngạc nhiên cả vì nhiều người ở Việtnam dùng blogs để đọc tin. Theo tôi nghĩ (việc chính quyền quản lý blogs) sẽ làm cho nhiều bloggers trong nước e ngại. Họ sẽ không dùng blog để viết tin nữa và nhất là đối với những nhà báo dùng blog để viết chính trị thì họ sẽ e ngại”.

Trước sự bức xúc của rất nhiều người trong nước cũng như tại hải ngoại về nguồn tin này, thì vẫn có blogger nhất định không chịu dừng bước:

“Tôi sẽ vẫn viết blog bởi vì blog là môi trường mà tôi có thể thực thi quyền tự do ngôn luận của mình, thì không có lý gì mà vì sợ bị quản lý hay sợ bị kiểm duyệt mà tôi ngưng viết blog. Nếu tôi ngưng viết blog vì những lý do đó thì đồng nghĩa là tôi tự đánh mất đi cái quyền tự do ngôn luận của mình mà tự do ngôn luận là quyền tự nhiên khi con người sinh ra đã có cho nên tôi sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do ngôn luận của tôi”

Còn blogger businesshoa thì cho rằng có thể nhiều người sẽ không còn viết blog nữa

“Việc quản lý blog sẽ làm cho nhiều bloggers trong nước sợ sệt vì gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền nên sẽ có nhiều người không tham gia nữa. Và cái đó là những gì chính quyền mình đang muốn”

Và sinh viên Nguyễn nói rằng mọi người sẽ kín đáo hơn trong việc chia sẻ tin tức cá nhân để không ai biết chính xác chủ nhân của blog:

“Nếu nhà nước ra đạo luật quản lý blog cá nhân như thế này thì mọi người sẽ từ chính danh chuyển sang không chính danh. Có nghĩa là có những người họ vẫn dùng tên thật, cho mọi người biết họ là ai, nhưng nếu vụ quản lý blog áp dụng thì mọi người sẽ dần dần cảnh giác và họ sẽ tự bảo vệ họ bằng cách là họ không để tên thật thì trên mạng mọi người không biết họ là ai cả”

Blogger Trung chia sẻ những tự do đã có từ khi viết blog:

“Ba mươi mấy năm qua, người cọng sản đã quản lý đất nước này một cách kèm chặt thông tin. Từ ngày có internet và blog phát triển thì đây là cơ hội cho tôi, cũng như cho nhiều người, bước vào một sân chơi mà không hề có một giới hạn nào. Và khi không có giới hạn thì chúng tôi thỏa thích truyền đạt ý tưởng mà chúng tôi cảm thấy thấy cần phải truyền bá cho mọi người biết. Cho nên việc tham gia vào blog để đăng bài thì tôi sẽ cố gắng tham gia để bảo vệ toàn vẹn sự thật mà bấy lâu nay vẫn đang còn che dấu”

Truy tìm IP không đơn giản


Trả lời câu hỏi có lo ngại về việc bị nhà nước tìm ra tung tích qua căn cước (IP) của máy không, sinh viên Nguyễn cho biết:

“Dĩ nhiên việc bị phát giác qua IP thì rất là ngại, nhưng những bạn trẻ có tâm huyết, và họ cần có sự tự do thì vẫn kiếm cách để vượt qua điều đó”

Blogger Trung thì khẳng định là không có gì phải lo ngại:

“Cái việc họ kiểm tra được IP cũng khó, hơn nữa IP bây giờ không phải là loại IP tĩnh mà IP của người bây giờ đa phần là IP động, cho nên việc kiểm tra IP rất khó nên chúng ta không có gì đáng phải lo ngại”

Chủ nhân cái blog có nhiều người truy cập cũng đồng ý với Trung:

"Về vấn đề công an phát giác ra IP thì tôi cũng không e ngại bởi vì tôi cũng không làm điều gì trái với pháp luật, tôi chỉ thực thi cái quyền ngôn luận của mình.

Quyền tự do ngôn luận là quyền hiến định. Khi tôi viết blog thì tôi viết lên những thông tin trung thực, tôi không làm một điều gì trái với pháp luật hiện hành nên tôi không phải e ngại điều này"

Riêng Trung thì mong rằng mọi người sẽ cùng nhau bảo vệ quyền lợi của blogger:

“Giới blogger phải cố gắng bảo vệ quyền lợi của blogger. Nếu nhà nước Việtnam đưa ra bộ luật đó thì họ đang vi phạm trầm trọng hiến pháp trong vấn đề tự do ngôn luận. Cho nên nếu văn bản pháp luật đó (quản lý blog) ra đời thì hy vọng rằng giới blogger sẽ chuẩn bị một phong trào vận động để chống lại cái văn bản này.

Chống lại văn bản pháp luật của một nước thì là chuyện hiển nhiên thôi vì không thể nào xác nhận rằng, một văn bản đi vào đời sống mà không thông qua được thành phần mà chịu trách nhiệm trên cái văn bản đó. Tôi hy vọng trong thời gian tới phải có một phong trào giá trị để phản lại cái đòn mà muốn khóa chặt blogger …”

Còn những bloggers khác thì tin rằng việc nhà nước đưa ra vấn đề quản lý các blog cá nhân chỉ nhằm mục đích làm nao núng lòng dân mà thôi:

“Việc nhà nước quản lý blog sẽ không gây ảnh hưởng nào đối với sự tiếp cận những luồng thông tin đa chiều ở trong nước”

“Họ quản lý kiểu gì cũng chẳng được đâu tại vì đa số những thông tin đa chiều đều được đăng lại bởi các bloggers bên ngoài và ở trong nước vẫn tiếp xúc được những thông tin ấy. Tôi nghĩ họ đưa ra việc quản lý blog để tạo sự sợ hãi cho blogger ở trong nước thôi chứ không thể kiểm soát được”

“Cái văn bản này, thực chất là làm lung lay cái tinh thần lo sợ của bloggers, chứ họ không thể cản được con đường thông tin của bloggers. Xét về giá trị thì tôi nghĩ chỉ có thể đánh động tâm lý của những bloggers mà thôi”
.