Thứ Ba, 25 tháng 11, 2008

Công Lý và Sự Thật Cho Giáo Dân Thái Hà




Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-11-25



Vào ngày 22 tháng 11 năm 2008, trên trang nhà của Vietcatholic.net có đưa một thông báo, với đề tựa: Ngày xét xử các nạn nhân vì Công Lý và Sự Thật ở giáo Xứ Thái Hà.

Trong thông báo cho biết 8 giáo dân của giáo xứ Thái Hà là: Bà Ngô Thị Dung, Bà Nguyễn Thị Nhi, ông Thái Thanh Hải, ông Nguyễn Đắc Hùng, Bà Lê Thị Hợi, Ông Lê Quang Kiện, Ông Giuse Phạm Trí Năng, Bà Nguyễn Thị Việt, sẽ ra tòa vào ngày mùng 5 tháng 12tại Hà Nội.

Không xử ở tòa mà ở trụ sở UBND

HiềnVy đã tiếp chuyện với luật sư Lê Trần Luật, người sẽ bào chữa cho họ và đã được LS Luật xác định:

“Tôi đã chính thức nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án quận Đống đa về những người Thái Hà vào ngày 5 tháng 12 năm 2008. Theo thông tin của các Cha thì ngày mùng 5 sẽ là ngày phong chức cho 1 linh mục ở một tỉnh phía Bắc.

Thông thường thì khi phong chức cho một linh mục nào đó thì tất cả các Cha của giáo phận Thái Hà sẽ phải có mặt để làm lễ tấn phong cho Cha đó.

Có thể là một chọn lựa ngẫu nhiên, mà cũng có thể họ có một chủ đích. Nếu có chủ đích thì rõ ràng là họ muốn chọn ngày đó, vì các linh mục sẽ không có mặt ở Hà Nội để tham dự phiên tòa ngày hôm đó”


Vụ án của giáo dân Thái Hà sẽ không được xét xử tại tòa án như những vụ án khác:

“Họ không xét xử tại trụ sở của toà án Hà Nội mà họ xét xử ở tầng bốn của một tòa nhà mà họ bảo rằng đó là trụ sở của Ủy ban Nhân Dân phường Ô Chỗ Dừa, là một phường thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, chứ không xử ở toà”

Xử công khai nhưng tham dự phải làm đơn

Và không phải ai cũng có thể tham dự được:

“Theo luật Việt Nam, thì tòa án phải xét xử công khai. Mọi người trên 16 tuổi đều có thể tham dự được. Một trong những nguyên tắc của phiên tòa là phải được xét xử công khai, trừ những trường hợp mà có thể ảnh hưởng đến danh dự, nhân phảm của người bị hại thì được xét xử kín, nhưng những vụ án khác thì bắt buộc phải xử công khai. Đặc biệt trong phiên tòa này thì tòa án nhân dân Hà Nội bảo rằng là, trừ luật sư và bị can ra, người nào muốn tham dự phiên tòa thì phải xin phép. Họ yêu cầu phải xin phép tòa mới được tham dự phiên tòa là trái với tắc xét xử công khai. Điều đó phản ánh là chính quyền Hà Nội muốn hạn chế số lượng người tham gia.”

Tuy nhiên những điều này lại không được viết trên một văn bản nào cả:

“Họ triệu tập bị can lên, và bảo rằng nếu người thân hay những người nào đó, mà bị can hay luật sư biện hộ, muốn họ có mặt thì những người phải làm đơn xin phép tòa”

Phá rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản quốc gia

Theo luật sư lê Trần Luật, những giáo dân Thái Hà bị truy tố hai tội là phá rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản quốc gia

“Lúc đầu họ khởi tố tội hủy hoại tài sản, nhưng sau đó họ thấy không ổn, vì tội này rất khó mà chứng minh là người giáo dân hủy hoại tài sản, nên họ lại chuyển qua một cái tội danh khác. Đó là tội gây rối trật tự công cộng.

Nên khi họ hoàn tất hồ sơ để truy tố những giáo dân này tội gây rối trật tự công cộng, thì đến khi chuẩn bị xét xử, tòa án lại yêu cầu họ khởi tố thêm một tội danh nữa là tội hủy hoại tài sản. Như vậy thì cho đến ngày 5 tháng 12 năm 2008 này, tất cả các giáo dân đó bị truy tố và xét xử 2 tội là tội gây rối trật tự công cộng và tội hủy hoại tài sản.”


Nhưng luật sư Lê Trần Luật tin rằng khi cầu nguyện thì giáo dân không thể gây rối loạn cho xã hội được

“Theo quan điểm của tôi thì tất cả những giáo dân trong trạng thái cầu nguyện là một trạng thái thể hiện cái ước muốn, mong muốn bề trên ban ân phước hoặc là cầu nguyện cho một cái gì đó. Cầu nguyện trong tấm lòng họ im lặng thì không thể khởi tố họ vào tội gọi là gây rối trật tự công cộng như là Tòa Án Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố họ.”

Bà Ngô thị Dung, một bị cáo, cũng đã khẳng định điều này:

“Chúng tôi chỉ có một mục đích là vào để cầu nguyện. Khi cha Uy làm lễ thì chúng tôi chỉ có làm dễ đường vào để cầu nguyện. Mọi người ở bên ngoài còn tôi đang ở bên trong. Những mảnh tường rơi xuống thì tôi lấy cái cuốc sang những gạch vỡ.

Chúng tôi không có một hành vi gì để gây phá hoại tài sản của xã hội. Họ cho là tôi phá hại tài sản nhưng mà tôi nghĩ đó là không phải. Tôi không có tội. tôi nghĩ đơn giản là tôi không có tội. Sự việc của tôi làm đúng chứ tôi không có làm sai”


Luật sư Lê Trần Luật rất mong được sự hỗ trợ của giới truyền thông để việc xét xử các giáo dân Thái Hà được công minh:

“Mặc dầu chính quyền muốn hạn chế dư luận trong nước và dư luận quốc tế bằng cách di chuyển trụ sở đến một nơi không phải là tòa án để xét xử, rồi lại bảo là những người muốn tham dự phiên tòa phải có đơn xin phép thì mới tham dự được. Như vậy thì họ đã cố tình hạn chế số lượng người tham dự phiên tòa để tránh đi những dư luận xấu.


Nên tôi rất mong muốn dư luận trong nước và quốc tế hãy hỗ trợ cho tôi và cho những giáo dân Thái Hà bằng cách lên tiếng để thấy rõ bản chất của nhà nước ViệtNam, là dù họ muốn vụ này, mặc dù gọi là xét xử công khai, nhưng bản chất kế hoạch của họ là một vụ xử kín để tránh dư luận, nên xin hãy hỗ trợ chúng tôi”


.

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Bảo Vệ Sự Sống - Nhóm Fiat

http://blog.360.yahoo.com/blog-YYdb1lwhc6megpOkaEtJqLA-?cq=1&p=3541

Bảo vệ sự sống

Nhịp Sống Fiat - Hình trên NET

Hình Nhóm Fiat

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-11-24



Trong thời gian gần đây, việc phá thai tại Việt Nam lên cao đến mức đáng lo ngại khiến các nhà tôn giáo phải có những hoạt động tinh thần cũng như giáo dục giới trẻ để mong giảm thiểu tình trạng thương tâm này.


Duy trì sự sống là một yếu tố căn bản cho sự tồn tại của một dân tộc. Tại các quốc gia kinh tế phồn thịnh, phá thai là sự chọn lựa giữa quyền tự do cá nhân và ý niệm tôn giáo. Ở các quốc gia chậm tiến và độc tài thì nhà nước khuyến khích việc phá thai để tránh nạn nhân mãn và công nhân viên của nhà nước sẽ bị khiển trách nếu có nhiều con.


Nhóm Fiat

Cách đây trên 3 năm, vào ngày 27 tháng 9 năm 2005, vì quá bức xúc trước tình trạng phá thai kinh hoàng tại Việt Nam, Linh mục Lê Quang Uy, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, đã đứng ra thành lập nhóm Bảo Vệ Sự Sống, do sự gợi ý của Linh Mục Phạm trung Thành, hiện đang là Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế.

Ban đầu, ngoài các Linh Mục của dòng tu, đã có sự hưởng ứng của 9 thành viên, đến nay nhóm có trên 30 người và mang tên là Nhóm Fiat.

Linh mục Lê Quang Uy cho biết trong thời gian qua, nhóm Bảo Vệ Sự Sống đã có những sinh hoạt như sau:

“Sinh hoạt thứ nhất là đi vào bệnh viện để thuyết phục người ta đừng phá thai rồi đưa về. Hoạt động thứ hai là đưa được người nào về thì chăm sóc họ để cho họ được mẹ tròn con vuông. Họat động thứ ba là đi xin xác các cháu bé đem về lo hậu sự.

Hoạt động thứ tư là chúng tôi chia nhau ra khắp mọi nơi để nói chuyện, để giảng dạy cho người ta thấy phá thai là sai lầm, là tội ác và chúng tôi giúp họ hiểu về giới tính để rồi ngừa thai bằng phương pháp tự nhiên. Và hoạt động cuối cùng là giúp cho những người đã trót phá thai để họ có cơ may phục hồi lại niềm bình an trong tâm hồn.”


Những bác sĩ có lương tâm, có uy tín, cho biết là mỗi năm Việt Nam có gần 3 triệu ca phá thai. Có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 8 ngàn ca phá thai.
LM Lê Quang Uy

Thực trạng nạo phá thai

Theo Linh Mục Lê Quang Uy thì dù nhà nước cố tình che dấu con số những thai nhi bị hủy hoại nhưng Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới:

“Nhà nước không bao giờ công bố con số thống kê thật sự đâu, nhưng những bác sĩ có lương tâm, có uy tín, cho biết là mỗi năm Việt Nam có gần 3 triệu ca phá thai. Có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 8 ngàn ca phá thai.

Có thể nói Sài Gòn là nơi có phá thai nhiều nhất, kế đến là Hà Nội, Huế, Cần Thơ… Chúng tôi không biết chắc chắn con số nhưng dựa trên những xác thai nhi nhận được đem về thiêu, thì mỗi ngày, Sài Gòn có trung bình khoảng 500 ca, có ngày cao điểm thì lên đến 7 hay 8 trăm case phá thai.”


Trong công tác đi xin xác thai nhi đem về lo hậu sự, Linh mục Uy còn cho biết có thai nhi đã hơn 8 tháng mà vẫn còn bị hủy hoại trong bụng người mẹ:

“Có những bào thai đã 7 tháng rưỡi, thậm chí có 1 thai nhi đã bị giết khi cháu đã 8 tháng rưỡi, tức là không bao lâu nữa cháu sẽ được sinh ra đời. Đứa bé đó chúng tôi đặt tên là Terisa Canvista Võ Hồng Ân, cháu bị phá thai, giết chết vào ngày 21 tháng 3 năm 2007”

Nhiều người mẹ sau khi đã phá thai thì tâm lý bị khủng hoảng và họ tìm đến nhóm Bảo Vệ Sự Sống để tìm sự giúp đỡ về tâm lý:

“Những trường hợp chúng tôi biết được thì rõ ràng là có một hậu quả để lại rất nặng nề và lâu dài về mặt thể lý, tức là trên thân xác của họ bị tổn thương kinh khủng. Về mặt tâm lý thì họ bị ám ảnh bởi một nỗi đau đớn xót xa mà dằn vặt kinh khủng.

Và cuối cùng là ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm linh, họ mang mặc cảm như là đã mang tội sát nhân, mang tội chống lại thượng đế, chống lại Thiên Chúa. Chúng tôi giúp họ sám hối với Thiên Chúa, rồi giao hòa với chính đứa con của họ đã từ bỏ, và thứ ba là họ giao hòa với chính bản thân của họ. Chính họ cũng phải biết tha thứ cho bản thân để mà quên cái quá khứ đi.”


Một trong những hoạt động lớn của chúng tôi là giáo dục giới tính, đó là đi giảng dậy, mở các khóa rồi thuyết trình, nói chuyện, phát các tờ bướm, tổ chức hội thảo cho sinh viên học sinh.
LM Lê Quang Uy


Trợ giúp các bé gái

Song song với công tác này, nhóm Bảo Vệ Sự Sống còn có những chương trình giảng dậy cho giới trẻ, vì đã có những bé gái tuổi 15, 16 cũng là nạn nhân của việc phá thai:

“Ở Việt Nam bây giờ, có những em bé còn là học sinh, mới 15, 16 tuổi đi phá thai bằng cách trốn một tiết học ở nhà trường để chạy đi phá thai. Nên vì thế, một trong những hoạt động lớn của chúng tôi là giáo dục giới tính, đó là đi giảng dậy, mở các khóa rồi thuyết trình, nói chuyện, phát các tờ bướm, tổ chức hội thảo cho sinh viên học sinh.

Nói chung là giáo dục giới tính và giới thiệu sự mầu nhiệm của sự sống, làm sao để chính các bạn trẻ đó nhận thức được vấn đề, chính họ đừng bị rơi vào các thảm họa đó, rồi chính họ cộng tác với mình để làm chiến sĩ bảo vệ sự sống ngay trong cái môi trường, ngay trong cái độ tuổi, ngay trong trường học, ngay trong sân chơi… nơi giới trẻ đến với nhau, hội tụ với nhau.”


Được hỏi tại sao ngày nay tệ nạn phá thai xảy ra nhiều như vậy tại Việt Nam, LM Lê Quang Uy trả lời:

“Việt Nam, đã sống mấy chục năm qua dưới chế độ Cộng Sản, theo chủ thuyết vô thần, duy vật. Vấn đề lương tâm bị xói mòn, đưa tới sự phát triển nghịch biến. Đời sống vật chất đại thể có tăng nhưng đời sống tinh thần thì tụt giảm ở mọi mặt đến mức báo động...

Thế nhưng cũng không thể đổ lỗi hết cho bên ngoài, chính là ở trong các tôn giáo, trong một thời gian dài đã có nỗi sợ sệt trước cường quyền, trước áp bức, trước bạo lực của chuyên chính vô sản, thành ra một cách nào đó, các tôn giáo đã không dám can đảm mạnh dạn lên tiếng.

Đáng lẽ chúng ta phải đủ can đảm để mạnh dạng nói cho con chiên bổn đạo của mình, nói cho tín đồ của mình biết rằng phá thai là một tội ác, mà tội ác này chống lại quyền căn bản là trước hết của con người, đó là quyền được sống.”


Và LM Lê Quang Uy kêu gọi sự hợp thông cầu nguyện của tất cả mọi người:

“Chúng tôi đã trình bày hết sức chân thành cái thảm trạng hiện tại đang diễn ra trên quê hương đất nước đối với đồng bào của chúng ta. Xin quí vị hiệp thông với chúng tôi trong lời cầu nguyện.

Trong các tôn giáo khác nhau, chúng ta đều tôn trọng sự sống, quí trọng sự sống. Mỗi một lời cầu nguyện sẽ có tác dụng thiêng liêng là cứu lấy được một sản phụ nào đó, một thai phụ nào đó, sắp sửa phá thai, cứu lấy được một đứa bé sắp sửa phải chết …”


http://blog.360.yahoo.com/blog-YYdb1lwhc6megpOkaEtJqLA-?cq=1&p=3541

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

Kêu gọi hợp tác bênh vực các nhà dân chủ

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-11-02

Kêu gọi hợp tác bênh vực các nhà dân chủ


Từ đầu tháng 9, nhà nước ViệtNam đã bắt bớ giam cầm rất nhiều người đấu tranh cho Tự do, Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam.

Gia đình của những nhà dân chủ này đã nhờ luật sư Lê Trần Luật biện hộ cho họ. Vì có quá nhiều người cần được bảo vệ, luật sư Lê Trần Luật đã lên tiếng mời gọi sự tham gia của giới luật sư trong nước giúp ông trong công việc này.

Vào ngày 26/9/2008 trên trang nhà của văn phòng Luật Sư Pháp Quyền, đã có một thông báo kêu mời sự hợp tác. Hiền Vy đã tiếp xúc với một số người trong nước để tìm hiểu phản ứng của họ về việc này.

Ủng hộ, hoan nghênh, ngưỡng mộ

Trước hết là ý kiến của Hòa Thượng Thích Không Tánh:

“Luật sư Lê Trần Luật đã lên tiếng mời gọi các luật sư trong nước hợp tác nhằm bênh vực các nhà đấu tranh dân chủ đang bị nhà cầm quyền giam giữ, những điều luật sư Luật đã kêu gọi đó rất là chân thành trung thật. Luật sư có tâm nguyện và mục đích đối với những anh em đấu tranh dân chủ đang bị khó khăn, đang bị tù đày. Đó là một việc rất cao quí tốt đẹp và rất cần được sự giúp đỡ, sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người.

Trong một xã hội mà không có công lý, không có dân chủ, không có nhân quyền thì sự dấn thân của các nhà dân chủ đó rất cần được sự bênh vực của mọi thành phần quần chúng và nhất là rất cần sự bênh vực của giới luật sư.”


Anh Nam một cư dân của Sàigòn cho biết là rất ngưỡng mộ việc làm này của luật sư Lê Trần Luật:

“Tôi rất kính phục và ngưỡng mộ tinh thần dân tộc và thích sự tự do dân chủ của luật sư Lê trần Luật. Đây là một luật sư rất là yêu nước, luật sư đã can đảm, không sợ bất cứ một trở ngại, một sự khó dễ của nhà cầm quyền. Luật sư đã mạnh dạn kêu gọi các luật sư khác trong nước đứng ra bào chữa cho các nhà đấu tranh dân chủ.

Từ trước tới giờ, người dân cũng như giới luật sư ở đây đã sợ sự bắt bớ, sự cầm tù của nhà cầm quyền, đó là đảng cộng sản ViệtNam nhưng mà qua tiến trình dân chủ hóa toàn thế giới, thì có nhiều nhà dân chủ đã đứng lên, chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phạm thanh Nghiên, thày giáo Vũ Hùng…”


Anh Chung cũng hoan nghênh tinh thần bảo vệ lẽ phải mà pháp luật cần đạt được trong xã hội:

“Những người thi hành luật rõ ràng là đang sợ một thế lực đen tối nào đó đang đi trên pháp luật. Một thế lực nào đó đang đè nặng trên những người đang tham gia vào hệ thống pháp luật tại ViệtNam này, nên việc anh Lê Trần Luật đưa ra một bản thông báo như thế thì tôi rất hoan nghênh tinh thần bảo vệ lẽ phải mà pháp luật cần đạt được trong xã hội nên tôi rất ủng hộ việc làm của anh.”

Và anh cho biết thêm:

“Nếu có được sự hợp tác giữa các luật sư thì tôi nghĩ, sẽ tác động được phần nào vào những người làm hành pháp ở Việt Nam. Cho nên tôi hy vọng anh Lê Trần Luật sẽ thành công.”

Dấu hiệu tốt cho phong trào dân chủ VN

Anh Nam thì cho rằng đây là dấu hiệu tốt cho phong trào dân chủ của đất nước Việt Nam:

“Khi mà LS Lê Trần Luật đã có tâm thư kêu gọi giới luật sư trong nước đứng lên tranh đấu cho các nhà dân chủ trong nước và nếu có được sự can đảm tiếp tay của các luật sư khác thì đây là dấu hiệu cho thấy phong trào dân chủ của đất nước Việt Nam đang đi lên và lan rộng trong mọi thành phần, mọi giới.”

Khi nói về lý do cô Phạm Thanh Nghiên và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt, chiếu theo điều 88 bộ luật hình sự, là tàng trữ những tài liệu đe dọa an ninh quốc gia, anh Nam bức xúc:

“Hiến pháp của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều 53, là cho phép tất cả công dân mọi giới, không phân biệt thành phần chính kiến, tôn giáo … đều có quyền được bàn và được nói về việc nước. Điều 69 của hiến pháp có nói là tất cả công dân có quyền tự do đi lại, có quyền hội họp và có quyền bầu cử … Nhưng khi nhà cầm quyền CSVN đưa ra điều luật 88 bộ luật hình sự là tuyên truyền chống phá lại nhà nước thì thật là điều vô lý. Như vậy điều 88 giống như là 2 cái vòng số 8, đó là cái công cụ để bắt người dân khi nói lên chính kiến của mình.”

Còn Anh Chung thì e ngại là mọi người vẫn chưa hiểu được là có điều luật do nhà nước đưa ra ngược với hiến pháp ViệtNam:

“Điều 88 rất là mập mờ. Họ cố tình tạo sự mập mờ trong hiến pháp để họ có thể dựng lên cái luật mà có thể gọi là luật rừng. Cho nên những cái mà họ cảm thấy chướng tai gai mắt thì tự họ định nghĩa là đe dọa an ninh quốc gia, mà trong chữ “đe dọa” là đã chứa cái hành động bạo lực, nhưng mà những hành động tham gia vào công việc bảo vệ tổ quốc thì nó đâu có chứa chút gì gọi là bạo lực, tuy nhiên ở giữa cái đất nước này khi mà có người đè lên luật pháp thì thứ gì cũng có thể xảy ra. Thật sự tôi cũng lo sợ vấn đề này trong tương lai, khi nhiều người cứ không hình dung thế nào là hiến pháp và hiến pháp nó ra sao. Tôi hy vọng trong thời gian tới, người dân sẽ hiểu sâu hơn về hiến pháp Việt Nam và họ thấy rõ được ai đang đi trên pháp luật và ai dựng lên những cái luật mà vi hiến như ngày nay.”

Mong mỏi hợp tác và khắc phục sợ hãi

Được hỏi về phản ứng của giới luật sư trước lời mời cộng tác của ông, luật sư Lê Trần Luật cho biết đã có một số luật sư hồi đáp:

“Sau khi tôi đăng thông báo mời hợp tác thì có 3 người gọi điện đặt vấn đề hợp tác, tôi đã nói chuyện với họ rồi. Ba người khác thì gửi trên mail, thông báo chi tiết, tên họ luật sư, số điện thoại, văn phòng ở đâu và họ sẵn sàng công cuộc hợp tác với tôi và tôi đã gặp họ. Chính thức thì hiện nay tôi đã hợp tác với 2 người luật sư rồi. Một luật sư ở Phú Thọ và một luật sư ở Đắc Lắc, Buôn Mê Thuộc. Ngoài ra có nhiều mail gửi tới đề nghị hợp tác. Trong vụ những nhà dân chủ tại miền Bắc, treo biểu ngữ trên cầu thì tôi đã có được 2 người hợp tác rồi.”

Và ông mong rằng mọi người sẽ khắc phục được sự sợ hãi:

“Là người ViệtNam, đã bao năm nay chúng ta sống trong sự sợ hãi thì ngay giờ phút này, hãy chôn sâu sự sợ hãi. Hãy lên tiếng để cùng với dân tộc mình mong muốn một ngày mai tốt đẹp hơn. Đừng sợ hãi nữa. Nếu mọi người vẫn còn sợ hãi thì có nghĩa là chúng ta đã giao số phận trong tay cộng sản định đoạt, chúng ta sẽ không có một cơ may nào để tự làm chủ bản thân mình, làm chủ dân tộc mình.”