Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

Người Việt Houston Trước Ngày Bầu Cử Sơ Bộ Tại Texas


Mời bấm vào tựa bài để nghe phần âm thanh

(Đã phát thanh trên RFA - Á Châu Tự Do, Feb 24th 2008)


Trong kỳ Tổng Tuyển Cử vào tháng 11 năm nay, dân chúng Mỹ sẽ đi bầu để chọn tổng thống, phó tổng thống và một số nghị sĩ quốc hội liên bang. Cuộc bầu cử năm nay hứa hẹn nhiều sự thay đổi chính trị tại Mỹ. Ngay bây giờ, các cuộc vận động để chọn người đại diện đang diễn ra rất sôi nổi trong 2 đảng chính là Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa.

Trong cuộc vận động sơ bộ (Primary) Nghị sĩ McCain coi như đã dẫn đầu trong Đảng Cộng Hòa, nên cơ hội được chọn làm ứng cử viên Tổng Thống của đảng này rất cao. Trong khi đó 2 ứng cử viên Obama và Clinton của Đảng Dân Chủ thì bất phân thắng bại. Cả 2 ứng viên của đảng dân chủ đang cạnh tranh ráo riết để dành phiếu của 2 tiểu bang kế tiếp là Texas và Ohio, nơi cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba, Mùng 4 Tháng Ba.

Tối thứ Tư, ngày 20 tháng Hai vừa qua, Tổng Thống Bill Clinton đã nói với cử tri trong cuộc vận động cho vợ tại Beaumont, thuộc bang Texas, là:

“Nếu bà Clinton thắng được Texas, rồi Ohio, … thì bà ấy sẽ thắng những tiểu bang kế tiếp và sẽ được đề cử …”

Dù tổng thống Clinton đã kêu gọi cử tri Texas ủng hộ như vậy, nhưng bác sĩ Phạm Cơ, vẫn cho rằng bà Clinton sẽ không được Texas ủng hộ:

“Tôi không nghĩ là bà Clinton có thể thắng tại Texas, mà nếu có thắng thì cũng sẽ chỉ thắng một số rất nhỏ nhoi

Nếu thắng tại Texas và Ohio, thì bà Clinton phải thắng 65 phần trăm, mới mong bằng được ông Obama. Nếu ông Obama mà thắng 2 tiểu bang này nữa, thì coi như Obama thắng rồi, vì tại nếu Obama thắng thì số cách biệt quá xa, bà Clinton sẽ không đuổi theo kịp. Thứ hai nữa là người ta phù thịnh, chứ không ai phù suy, mấy tiểu bang khác thấy Obama thắng thì sẽ đi theo Obama, chứ không theo bà Clinton nữa”


Là người luôn ủng hộ đảng dân chủ, và đặc biệt ái mộ Hillary Clinton, bà Dương Tuyết cho rằng, nếu không thắng ở Texas thì bà Clinton sẽ rút lui:

“Chỉ cần thắng thôi, không cần thắng nhiều, thì bà Clinton sẽ ở lại … nhưng nếu thua, thì tôi nghĩ bà Clinton sẽ rút lui”


Sau bao nhiêu năm dài sống tại Mỹ, người Việt vẫn có khuynh hướng chỉ đi bầu vào dịp tổng tuyển cử, chứ ít ai bận tâm về cuộc bầu sơ bộ, nhưng năm nay thì lại khác, đồng hương ViệtNam cũng hăng hái tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ vì nhiều lý do khác nhau, Ông Nguyễn cho biết:

“Năm nay chúng tôi sẽ đi bầu sơ bộ, lý do những lần trước chúng tôi không đi bầu vì những năm trước, kết quả chọn lựa ứng cử viên khi mà đến Texas là gần như đã ngã ngũ rồi. Năm nay trong đảng dân chủ, 2 ứng cử viên sáng giá nhất là bà Clinton và ông Obama rất là sát nút với nhau, do đó tiểu bang Texas trở nên là nơi quyết định và số người Việt Nam ở Texas, đặc biệt là Houston, trở nên rất quan trọng vì số phiếu của họ có thể làm thay đổi cục diện, có thể làm nên sự thành bại của ứng cử viên. Do đó nguyện vọng của chúng tôi khi chọn lựa ứng cử viên sẽ có nhiều cơ hội thành tựu hơn.

Điểm kế nữa là đây là một sự hân hạnh, một cơ hội hiếm có, vì trong khi ở ViệtNam, các ứng cử viên đều phải có sự thông qua của một đảng duy nhất là đảng Cộng Sản, thì ở đây, dân chúng có cơ hội tham dự trực tiếp vào việc tuyển chọn ứng cử viên Tổng Thống, Trong khi nhiều người phải tranh đấu để có được quyền này, do đó chúng tôi thấy đây là một quyền lợi rất cao quí mà chúng ta nên hành xử”


Bà Mỹ Dung đi bầu sơ bộ vì muốn chọn một đối thủ dễ dàng cho ứng cử viên McCain trong kỳ tranh cử vào tháng 11:

“Trong gia đình tôi, chồng và con trai lớn của tôi đều ủng hộ ông McCain, nhưng lần bầu cử sơ bộ này, chúng tôi chắc chắn sẽ bầu cho đảng dân chủ và chúng tôi sẽ chọn một ứng cử viên mà sẽ là một đối thủ dễ dàng cho ông McCain, tức là một đối thủ mà làm cho ông McCain dễ thắng. Theo tôi thì tôi sẽ chọn ông Obama, vì có nhiều điểm rất tương phản với ông McCain hơn là chọn bà Hillary Clinton để đối chọi với ông McCain.”

Ông Phạm Cơ cũng nghĩ là nhiều cử tri phe Cộng Hòa sẽ chọn Obama của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử sơ bộ:

“Có người nói rằng chủ trương của phe Cộng Hòa là bầu cho Obama, để ông McCain có thể thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 11, vì nếu bà Clinton được đề cử thì Bà sẽ thắng ông McCain dễ dàng về kinh nghiệm, về tuổi tác, … Đảng Cộng Hoà rất e ngại bà Clinton lên đại diện”

Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Texas, cử tri vừa được bầu primary, tức là mọi người đều được bầu ứng cử viên Tổng Thống do mình chọn lựa, vừa được tham dự bầu caucuses, loại này chỉ dành riêng cho đảng viên của đảng mà thôi. Bà Dương Tuyết cho biết, không những chỉ đi bầu primary, mà sẽ còn bầu caucuses, để ủng hộ bà Clinton:

“Tôi thích bà Clinton lắm, bà ấy là một người đàn bà giỏi, học giỏi, làm việc giỏi, ăn nói giỏi, chuyện nào chuyện đó nói rành rẽ lắm, có chính sách rõ ràng”

Sau những cuộc tranh luận của bà Clinton và ông Obama, một số cử tri đã có nhận định về cá tánh của 2 ứng cử viên đảng Dân Chủ, rất khác nhau, Bác sĩ Phạm Cơ cho rằng:

“Ông Obama trẻ hơn, có vẻ như năng động hơn và có vẻ thành thực hơn bà Clinton, trong khi đó nhiều người cho rằng bà Clinton có vẻ kém thành thực”

Nha sĩ Mỹ Dung nhận định :

“Bà Hillary Clinton có vẻ ngả theo chiều gió hơi nhiều, tức là bà dựa vào suy nghĩ của dư luận, của dân chúng để nói, chứ không phải nói theo trái tim của bà”

Còn bà Dương Tuyết thì vẫn một lòng khen ngợi Hillary Clinton, nhưng vẫn lo ngại cho sự thất bại của Clinton:

“Từ xưa đến giờ bà ấy có làm gì lỗi đâu! Bà ấy toàn làm chuyện hay không hà. Lớp cử tri đàn bà trẻ ngày trước thích bà Clinton, nhưng bây giờ lại đi theo Obama. Tôi nghĩ là Obama sẽ thắng”

Bà Thu Nga thì nói:

“Bà Clinton dữ dằn quá, bà ấy ra tranh cử là vì cá nhân của bà ấy, chứ không phải vì quyền lợi của dân chúng. Bà ấy nhiều tham vọng … Ông Obama được hơn”

Thưa quí thính giả, chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bầu cử sơ bộ của tiểu bang Texas, dù chọn ứng cử viên nào, dù chọn đảng nào, thì việc đi bầu sơ bộ theo ông Nguyễn vẫn là một việc mà người Mỹ gốc Việt cần làm và nên làm:

“Sự tham gia bầu cử của người Mỹ gốc Việt sẽ giúp cho cộng đồng người Việt lớn mạnh, sẽ làm cho các nhà dân cử e dè và họ phải để ý đến cộng đồng ViệtNam, họ phải phục vụ những nhu cầu, những đòi hỏi của cộng đồng Việt Nam chu đáo hơn và nhất là giúp cho cộng đồng ViệtNam trong các cuộc vận động đòi hỏi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Nếu chúng ta không tham dự vào các cuộc vận động tranh cử trong vòng sơ bộ thì tiếng nói của chúng ta sẽ không được nhắc nhở đến và khi chúng ta đòi hỏi quyền lợi thì họ cũng dễ bỏ qua”

HiềnVy tường trình từ Houston
.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2008

Houston Tuởng Niệm 40 Năm Biến Cố Tết Mậu Thân , 1968 - 2008

Mời click vào tựa bài để nghe phần audio
(Đã phát thanh trên RFA - Á Châu Tự Do)


Trưa ngày 24 tháng 2, năm 2008 khoảng 1000 đồng hương đã đến tham dự buổi Lễ Tưởng Niệm các nạn nhân bị thảm sát tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân, năm 1968. Buổi Lễ Tưởng Niệm cũng đã được trực tiếp trên hệ thống Paltalk cho đồng hương tại ViệtNam và khắp nơi trên thế giới xem và nghe.

Trước đó một số đồng bào tại ViệtNam đã gửi điện thư yêu cầu ban tổ chức ghi tên thân nhân họ vào danh sách những nạn nhân được cầu nguyện vãng sinh.

Trong bầu không khí trang nghiêm với trầm hương nghi ngút, lời văn tế chiêu hồn những người uổng tử đã làm bao nhiêu người rơi lệ.

“Tết Mậu Thân người người còn nhớ, chốn cố đô một thuở điêu linh

Tang thương đổ xuống dân mình, bốn mươi năm đó thảm tình khôn nguôi

Khe Đá Mài xương phơi giòng suối, Chùa Áo Vàng, Gia Hội, Phú Cam.

Phú Vang Phú Thứ chín hầm, Thủy Thanh, Vinh Thái Phú Xuân thượng phà

Lan tới cùng Đông Ba, Gia Hội, Vùng Đông Nghi Thiên Hữu, chợ Thông

Kẻ thì sọ, tả tơi cán cuốc, lưỡi lê đâm, tay buộc dây thừng

Sang hèn một hố chôn chung, kẻ lương người giáo vô cùng dã man”



Với đồng bào Huế, dù đã 40 năm qua, nhưng Tết vẫn là đau buồn, vẫn là tang tóc, vì họ phải cúng cha, phải giỗ mẹ, phải cầu nguyện cho anh em được siêu thoát. Nhiều người muốn quên đi những hình ảnh đau thương kinh hoàng, những thảm cảnh không một chút tình người, để mong cho hương hồn người thân được siêu thoát, nhưng không dễ để làm việc đó.

Nhà văn Nhã Ca, tác giả cuốn ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’, là một trong hai diễn giả chính của buổi lễ, đã khéo léo diễn đạt được những u uẩn của các nạn nhân và gia đình họ:

“Họ đã bị chôn sống lần thứ nhất tại Huế năm Tết Mậu Thân, bị chôn không chỉ trong núi, trong rừng, nơi họ bị chôn còn là đất nhà thờ, đất chùa, đất trường học và ngay tại vườn nhà. Những nạn nhân bị cột trói bằng giây điện, dính nhau xếp hàng trong hố, một vài người bị đập đầu cả một dây người đang sống bị đạp xuống hố, đè lên nhau, những đầu nào ngóc lên là bị đập chết bằng cuốc …

Chính con cháu những người bị chôn gồm toàn những thiếu niên 14, 15, 16 tuổi, học trò trường Nguyễn Du bị buộc phải đào hố, rồi băng súng AK và lưỡi lê buộc các thanh thiếu niên này phải lấp đất chôn sống cha anh của họ. Mười mấy em trong đám thiếu niên đó sau này bị giết hết, chỉ có 3 em trốn thoát. Một trong 3 thiếu niên này tên là Tuấn, năm nay 56 tuổi, đang sống tại Úc.”


Theo Nhã Ca, lần thứ hai những nạn nhân này bị chôn sống là sự im lặng của giới truyền thông báo chí Mỹ :

“Trận chiến Mậu Thân, Cộng Quân thảm bại, báo chí tuyền thông Mỹ vẫn ca trên mây xanh, xóa nhòa mọi chiến thắng của quân dân miền Nam. Mọi tin tức hình ảnh thảm sát Tết Mậu Thân bị cố ý dẹp bỏ. Cộng quân chôn sống hàng ngàn thường dân Huế, truyền thông Mỹ tiếp tay chôn sống vụ thảm sát. Dân Mỹ bị che mắt, kết quả là kẻ ác, không đáng thắng, đã thắng”

Và nạn nhân của Tết Mậu Thân bị chôn sống lần thứ ba, khi năm nay nhà nước lại cho ăn mừng “Chiến Thắng Mậu Thân” để cố tình xuyên tạc lịch sử:

“Những ngày trước Tết nhà nước Cộng Sản đã tổ chức đủ kiểu lễ mừng chiến công Tết Mậu Thân. Mít tinh diễn binh tại Sàigòn, rồi tổ chức ngay tại Huế cái gọi là Hội Khảo Sát Khoa Học về cuộc ‘Tổng Tấn Công, Tổng Nổi Dậy’ Tết Mậu Thân. Khoa học kiểu gì vậy ! Chỉ là cái khoa học khủng bố, đào hố chôn người đang được đổi mới để tái diễn mục đích là bằng mọi giá phải đánh tráo hồ sơ thảm sát Huế Mậu Thân bằng cái hồ sơ giả của họ”

Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ ViệtNam Cộng Hòa trong thời điểm Mậu Thân, đã chia sẻ với đồng hương những bí mật trong cuộc hội đàm của ông với Tổng Thống Johnson về biến cố Mậu Thân:

“Ngày 18 tháng 3, sau Tết Mậu Thân, tôi đến gặp ông. Tôi yêu cầu ông tăng thêm viện trợ cho Việt Nam. Ông hỏi tôi, liệu quân đội Việt Nam, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, có thể có khả năng để đối đầu được với những đoàn quân Cộng Sản không. Lúc bấy giờ, tôi cam kết với ông, Việt Nam sẽ chia sẻ cái trách nhiệm mỗi ngày một lớn để Hoa Kỳ nhẹ gánh nặng đi. Đấy là lập luận chính của tôi trong cuộc nói chuyện với Tổng Thống Johnson. Cuối cùng, ông nói một câu:

‘Chúng ta phải tìm cách thắng cái trận này, chứ nếu không thì nguy hiểm lắm. Tôi không thể cầm cự mãi được, vì vậy cho nên các bạn phải cố gắng lên.’

Điều đó tôi coi là một điều bất tưởng, và như là một lời cảnh cáo đối với nhà cầm quyền ViệtNam, cũng như là đối với nhân dân ViệtNam là rất có thể một lúc nào đó, người Hoa Kỳ không còn giữ vững những lời đã cam kết lúc trước”


Với một tâm tình tha thiết, đại sứ Bùi Diễm đã san sẻ những bài học thấm thía, khi thương thảo với người Cộng Sản, rút ra từ biến cố này:

“Bao nhiêu năm nay họ không nói, mà bây giờ họ mới nói tới biến cố Mậu Thân, mà lại chỉ nói tới những điều mà họ gọi là “thắng lợi” thì tôi tưởng không có điều gì để chúng ta có thể nghi ngờ về thái độ xảo trá của họ nữa. Họ nói tới những “thắng lợi” của họ trong khi không đả động một chút nào đến cuộc thảm sát ở Huế mà họ chính là những người phạm tội ”

Ông nghẹn ngào kêu gọi đồng hương hãy cẩn trọng trong việc tìm một người bạn đồng minh cho việc phục hưng tự do, nhân quyền cho dân tộc:

“Bài học trước hết về Mậu Thân là chúng ta không thể tin vào lời xảo trá của Cộng Sản. Thứ hai là nếu chúng ta có nhờ vả vào ngoại quốc thì nước Mỹ là một siêu cường quốc, là một nước giàu mạnh, lại có truyền thống bênh vực tôn giáo, tôn trọng nhân quyền, và cổ võ cho tự do dân chủ. Nước Mỹ có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới, và nước Mỹ cũng đã bao dung nhiều người trong chúng ta … Thì đối với một nước Mỹ như vậy, nếu chúng ta tranh thủ được sự giúp đỡ của họ, tranh thủ được sự ủng hộ của họ, thì đó là điều nên làm, và điều cần làm … Nhưng, nhưng, … với kinh nghiệm cá nhân của tôi, với cái nhận định rằng cái tính cách hết sức phức tạp, thay đổi của chính sách HoaKỳ, buộc chúng ta phải hết sức thận trọng ... Chúng ta mong chờ sự giúp đỡ của người Hoa Kỳ, nhưng chúng ta phải thận trọng, chứ không thể nào nhẹ dạ, chúng ta đã chịu đựng nhiều rồi …”

Hiền Vy tường trình từ Houston, Texas

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/02/26/VNese_in_Houston_commemorate_40_years_the_1968_Tet_massacre_HVy/


.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008

Houston Chuẩn Bị Lễ Tưởng Niệm Nạn Nhân Tết Mậu Thân - Sunday Feb 24 2008

Mời click vào Tựa để nghe phần audio


Houston sẽ tổ chức:
Lễ Tưởng Niệm 40 Năm Cuộc Thảm Sát Tết Mậu Thân -
Ngày 24 Tháng 2 Năm 2008

Đã phát thanh trên RFA - Á Châu Tự Do


Tết Mậu Thân là một biến cố gây rất nhiều tang tóc cho dân tộc Việt Nam. Đối với đồng bào Huế, biến cố này là một sự kinh hoàng không tưởng tượng vì hầu như không có gia đình nào là không có thân nhân bị Cộng quân xử tử dã man.

Với Huế, Tết là dịp cúng giỗ, là chuỗi ngày cầu nguyện cho những thân nhân uổng tử và có lẽ không một ai, muốn nhắc lại vết thương chưa lành này. Năm nay, nhà nước Việt Nam, vì một lý do nào đó, đã quên đi lời kêu gọi đoàn kết, lại long trọng tổ chức 40 năm ăn mừng chiến thắng. Hành động này đã làm tổn thương nặng nề đến rất nhiều người trong nước cũng như tại hải ngoại, nhất là đồng bào gốc Huế.

Cộng đồng Việt Nam khắp nơi đã phản ứng mạnh mẽ vì sự ăn mừng chiến thắng này của nhà nước đã làm sống lại những niềm u uất mà họ đang muốn quên.

Riêng tại Houston, vào trưa chủ nhật, ngày 24 tháng 2, sẽ có một buổi lễ tưởng niệm 40 năm các nạn nhân đã bị thảm sát trong dịp Tết Mậu Thân.

Trưởng Ban Tổ Chức là ông Trương Như Phùng, một cựu sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thân phụ của ông đã bị giết chết trong những ngày đầu năm mới, tại Huế.

“Thời gian Mậu Thân chúng tôi là nhân chứng ở Huế, thân sinh của chúng tôi bị Việt Cộng bắt vào ngày Mùng 3 Tết và bị họ chôn sống vào ngày 20 tháng Giêng tại Lăng Tự Đức. Cho nên 40 năm rồi, hằng năm Tết ở Huế đều cúng giỗ cha mẹ anh em đã bị chết trong năm Mậu Thân. Ngày 24 tháng Hai này, chúng tôi tưởng niệm sự đau thương Tết Mậu Thân. Tất cả bà con có thân nhân bị tàn sát trong dịp Tết Mậu Thân thì đem di ảnh đến để tưởng niệm.”

Ông Đinh Quang Tiến, người đặc trách về tổ chức và chương trình buổi lễ, cho biết lý do đã chọn ngày 24 tháng 2 để làm ngày tưởng niệm:

“Theo các tài liệu chúng tôi sưu tập được thì đêm khuya ngày 24 tháng 2 năm 1968, vào khoảng 2:00 đến 2:30 sáng, các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, thuộc sư đoàn 01… đã đánh bật đơn vị Cộng Sản cuối cùng đang tử thủ tại Đại Nội Huế. Đánh bật họ ra, hạ lá cờ Mặt Trận Giải Phóng xuống, và treo lại lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Đó là lý do mà chúng tôi chọn ngày 24 tháng 2 để tổ chức Lễ Tưởng Niệm 40 năm và vạch trần tội ác của Cộng Sản đã thảm sát những đồng bào thường dân vô tội ở thành phố Huế nói riêng và trên khắp miền Nam Việt Nam nói chung.”

Theo ban tổ chức, buổi lễ sẽ có hai diễn giả danh dự là ông Bùi Diễm, Cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ vào năm 1968 và nhà văn Nhã Ca, tác giả cuốn sách “Giải Khăn Sô Cho Huế”.

Ông Đinh Quang Tiến cho biết Đại Sứ Bùi Diễm sẽ trình bày nhiều chi tiết rất quan trọng về quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson lúc ấy, đã ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh Việt Nam sau này:

“Đại sứ Bùi Diễm sẽ cho đồng bào biết nội dung cuộc hội đàm trực tiếp giữa Ông và Tổng Thống Johnson; về những việc đang xảy ra lúc bấy giờ tại Việt Nam, về việc Cộng Sản đã vi phạm lệnh ngưng chiến và đã tổng tấn công miền Nam Việt Nam, về phản ứng và thái độ của tổng thống Johnson và những đề nghị của Việt Nam Cộng Hoà…”

Nhà văn Nhã Ca sẽ nói về những áp lực của Nhà Nước Việt Nam, nhằm tiêu hủy tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế”, sau năm 1975:

“Nhà văn Nhã Ca là tác giả cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế”, đây là cuốn sách đã làm cho Cộng Sản nhức nhối và điên đầu. Họ đã nhiều lần tìm mọi cách để ngăn chận và thiêu hủy tác phẩm đó, nhưng bà Nhã Ca đã không đồng ý qua những áp lực mà họ đưa ra và cho tới giờ này bà vẫn tiếp tục tái bản để cho đồng bào và thế giới hiểu rõ cái sự tàn ác dã man của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam”

Một phim tài liệu về “Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa” năm 1968 và các mồ chôn tập thể ở Huế sẽ được trình chiếu trong buổi Lễ Tưởng Niệm này, cùng với phần triển lãm các hình ảnh của cuộc chiến Tết Mậu Thân.


Hiền Vy tường trình từ Houston, Texas
.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008

Lễ Tưởng Niệm và Phát Huy Tinh Thần Chiến Đấu Hoàng Sa Tại Houston

Mời click vào Tựa để nghe phần audio


Lễ Tưởng Niệm và Phát Huy
Tinh Thần Chiến Đấu Hoàng Sa tại Houston

Hiền Vy


Chiều Chủ Nhật, ngày 20 tháng Giêng năm 2008, khoảng gần 1000 người đã đến tham dự buổi Lễ Tưởng Niệm và Phát Huy tinh thần chiến đấu Hoàng Sa tại Houston. Ngoài những cư dân của Houston và vùng phụ cận, còn có người đến từ Austin, Dallas, Philadelphia, California …

Ông Đỗ Hữu Huân, trưởng ban tổ chức, cho biết buổi Lễ do Hội Cựu Hải Quân tại Houston và một số đông các hội đoàn quân dân cán chính cùng khởi xướng, với mục đích:

“Thứ nhất là để vinh danh và tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh, thứ hai là để phát huy tinh thần chiến đấu bất khuất Hoàng Sa, để khơi dậy lòng yêu nước của mọi người. Nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ thì lãnh hải Việt Nam của chúng ta sẽ bị thu nhỏ dần, giang sơn gấm vóc của chúng ta sẽ bị cướp chiếm dần dần. Đây là một cơ hội chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra khí thế đấu tranh để cho công cuộc đấu tranh trong tương lai bền bỉ”

Sau Lễ chào Quốc Kỳ và Quân Kỳ rất long trọng, ông Đỗ Hữu Huân đã đọc bài diễn văn ghi ơn những chiến sĩ đã vị quốc vong thân và khẳng định việc gìn giữ giang sơn:

“Tấc đất là tấc vàng, tấc biển là tấc ngọc, mà tiền nhân ngày xưa đã dầy công dựng nước và giữ nước. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, ý chí của toàn dân một lòng để chống giặc Nguyên của Hội Nghị Diên Hồng vẫn còn văng vẳng bên tai. Gương hy sinh của các bậc anh hùng quốc gia từ ngày xưa vẫn còn sáng ngời trong Sử sách. Quyết tâm xây dựng và bảo vệ tổ quốc thân yêu trong tự do, dân chủ và thịnh vượng của quân dân miền Nam ViệtNam vẫn còn thao thức trong lòng mọi người, mọi giới, trong nước cũng như hải ngoại. Ngọn lửa đấu tranh vẫn còn rực sáng trong lòng những người Việt, giờ này đã bộc khởi

Chúng ta hãnh diện và cảm kích về sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ hải quân đã đền nợ nước để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Niềm tự hào và niềm kiêu hãnh đó vẫn còn là món nợ và nhiệm vụ mà chúng ta vẫn mang nặng trên vai. Chúng ta không thể làm ngơ trước vận nước điêu linh và trách nhiệm của chúng ta chỉ hoàn tất khi nào chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa trở về với đất tổ. Hải phận Việt phải được qui định lại, ải Nam Quan và thác Bản Giốc ngàn năm thân yêu của giang sơn gấm vóc phải trở về với chúng ta”


Cựu hải quân đại tá Đỗ Kiểm, là tham mưu phó cục hành quân lúc bấy giờ, cho biết; Sau hiệp định Balê, Mỹ đã rút hơn một nửa quân khỏi chiến trường ViệtNam và ông ca ngợi tinh thần dũng cảm của Hải Quân ViệtNam Cộng Hòa đã không hề sợ hãi, dù biết, sẽ đương đầu với một hải quân hùng hậu Trung Quốc:

“Hải quân ViệtNam xin phép đánh… và Chiều 18 tháng Giêng, Tổng thống Thiệu đã cho phép đánh…”

Việc Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, chấp thuận cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đánh chống lại sự xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc là thêm một bằng chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

Một đoạn phim về cuộc hải chiến Hoàng Sa cũng đã được trình chiếu.

Trong tiếng trống chiêu hồn tử sĩ, các thanh thiếu niên đã trang trọng thắp lên từng ngọn nến, khi tên của 58 chiến sĩ hải quân, đã hy sinh trong trận Hoàng Sa, được anh Đinh Quang Tiến và chị Nguyễn Hoan xúc động xướng lên. Mọi người đã yên lặng ngậm ngùi cảm phục những anh hùng của dân tộc đã can đảm chống lại ngoại xâm

“Đoàn con dân Việt tại thành phố Houston xin đốt nén nhang lòng để tưởng nhớ đến các chiến sĩ hải quân ViệtNam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong cuộc chiến với quân Trung Quốc, ngày 19 tháng 1 năm 1974. Xin thắp một nén hương cho những người đã nêu gương xả thân bảo vệ quê hương: Hải quân thiếu tá Nguỵ Văn Thà, hạm trưởng. Hải quân đại úy Nguyễn thành Chí, hạm phó. Thượng sĩ Châu, quản nội trưởng …”

Với sự bồi hồi cảm kích, nhà văn Trần Quán Niệm, đến từ Philadelphia, cho biết, trước tháng Giêng năm 1974, ông đã nhiều lần ra Hoàng sa:

“Anh Ngụy văn Thà, người đã hy sinh trên chiến hạm HQ-10 là bạn cùng khóa (Hải Quân) với tôi. Chúng tôi đã nhiều lần chuyển quân qua để tiếp tế cho toán tiền đồn đóng Hoàng Sa. Như vậy chứng tỏ Hoàng Sa là chủ quyền của ViệtNam. Chúng ta phải hội thảo, phải nói cho đồng bào và thế giới biết rằng Hải Quân ViệtNam Cộng Hòa đã chiến đấu, đã bảo vệ Hoàng Sa. Đó là một phần để chứng tỏ Hoàng Sa là lãnh thổ của chúng ta.”

“Tôi là Lê Tất Chánh. Lễ truy điệu hôm nay có một người khoá với tôi, đó là hải quân trung úy cơ khí Ngô Chí Thành, sĩ quan hải quân khóa 21”

Bà Mai Nguyễn, hy vọng nhà nước ViệtNam sẽ bảo vệ lãnh thổ với giọng nghẹn ngào:

“Tôi rất cảm động, đây là một việc làm cần thiết để nhắc nhở cho người ViệtNam phải luôn luôn biết rằng chủ quyền của quốc gia và lãnh thổ vẹn toàn rất là quan trọng. Buổi Lễ hôm nay sẽ cho những thế hệ sau luôn luôn ghi nhớ mà đứng lên để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc ViệtNam và mong rằng nhà cầm quyền Việt Nam phải đứng dậy để bảo vệ lãnh thổ và tổ quốc ViệtNam”

Ban hợp ca Đàn Chim Việt đã trình bày những nhạc phẩm đấu tranh như Đường ra biên ải, Chiến sĩ hải quân, Hẹn một ngày về ,Việt Nam quê hương ngạo nghễ,

Hiền Vy
.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008

Tình Yêu Tuổi Hạc Ngày Valentine


Mời bấm vào tựa bài để nghe phần audio


Người cao niên tại Hải Ngoại nói về Valentine’s Day
(Đã phát thanh trên RFA - Á Châu Tự Do)



Valentine’s Day là một Lễ Hội lớn, không chỉ tại Hoa Kỳ, mà hầu như ở khắp nơi trên thế giới, người người chúc tụng nhau “Happy Valentine”. Nhưng hầu như đa số cho rằng, đây là ngày dành cho những người đang yêu nhau, đặc biệt là cho giới trẻ.

Trên thực tế, Valentine’s Day là ngày thể hiện, ngày ca tụng tình yêu thương giữa tất cả mọi người, từ ông bà cha mẹ đến con cháu, từ bạn bè đến người thân, chứ không chỉ dành riêng cho các cặp tình nhân.

Người Việt xa xứ, dù ở lứa tuổi nào, cũng đã quen với phong tục này....

Bác Nhung Nguyễn, 67 tuổi, mừng Ngày Tình Yêu tại Trung Tâm Cao Niên Lạc Hồng, thuộc thành phố Houston. Chồng bác đã mất vài năm nay, bác Nhung hiện đang sống với con gái:

“Hồi ở Việt Nam tôi không biết có ngày Valentine…

Lúc ông xã tôi còn sống thì cũng cho tôi một món quà, bây giờ tôi chỉ còn có đứa con gái, thì ngày Valentine cháu cũng mua hoa hồng tặng mẹ.

Sinh hoạt ở đây thì các cô làm tiệc Valentine, chúc tụng các bác ở đây, cũng nói về ý nghĩa tình yêu, có người đại diện lên nói về ngày Valentine, không chỉ là tình yêu trai gái. Tụi tôi già thì yêu thương con cháu, họ hàng …
Các cô làm việc ở đây, tặng bông hồng cho mỗi người …”


Bác Nguyễn thị Hồng 75 tuổi, còn chồng và con gái bên cạnh. Trong Ngày Tình Yêu, bác trai đưa gia đình đi ăn tiệm và mua bánh tặng vợ nhưng bác gái thì không mua gì tặng bác trai cả:

“Từ sáng tới giờ đi ăn rồi đi shopping với chồng và con gái tôi. Ở tuổi 75 vẫn còn tình tứ chứ. Tôi thì không mua gì tặng cho ông ấy cả, chỉ có tấm lòng thôi…”

Cụ ông Nguyễn Lãng Duyên 85 tuổi, khẳng định là phải có hoa hồng trong ngày Valentine:

“Valentine là ngày để tỏ tình nghĩa vợ chồng nên phải có đóa Hồng chứ. Đến chiều thì tôi mang nhà tôi đi (ăn tiệm) để đãi nhà tôi để nhớ lại lúc vợ chồng gặp nhau, thương yêu nhau, xây dựng gia đình. Theo tập tục ở đây, tôi cũng có sửa soạn để cho bà ấy được đãi ngộ vào ngày Valentine.

Cụ Phạm 68 tuổi thì cho rằng người yêu của cụ rất thực tế, hoa hồng không cần thiết đối với bà:

“Không, chuyện đó chỉ là thương mại, không cần thiết …, chỉ là chuyện diễn tuồng, tại vì ngày nào cũng đặc biệt rồi”

Và cụ cho rằng tình yêu dù ở tuổi nào thì cũng vẫn đầm ấm, nồng nàn:

“Cái tình bây giờ cũng như thuở xưa vậy, cũng ấm áp, sôi nổi, lúc nào cũng nghĩ đến nhau…”

Nói về bí quyết để có một cuộc hôn nhân hơn 63 năm, theo cụ ông Nguyễn Lãng Duyên thì tình yêu đóng một vai trò rất quan trọng:

“Trước hết phải có tình thương, vì có tình thương mới ở với nhau được. Tình thương đến trước rồi sau đó mới kết hợp hai người lại, rồi ở với nhau trọn đời. Nếu có gì trở ngại sau này, tình thương bền vững sẽ thắng hết mọi việc, làm cho cặp vợ chồng sẽ ở với nhau suốt đời”

Cụ bà NLD lại cho rằng, khi đã sống với nhau trên 60 năm, thì cái nghĩa nặng hơn chữ tình, nhưng cụ lại lo lắng cho một ngày không xa sẽ mất nhau vĩnh viễn:

“Ngày xưa khi hai người còn trẻ thì yêu đương ra rít, nên thơ, đẹp hơn. Bây giờ già thì cũng còn đẹp, nhưng sống với nhau vì nghĩa nhiều hơn.

Sắp sửa cho ngày phải xa nhau … Ngày xưa xa nhau còn hy vọng có ngày gặp lại, bây giờ thì không biết ngày nào sẽ xa nhau vĩnh viễn. Sẽ không bao giờ được gặp lại, sẽ không còn được gần gũi, không còn được yêu thương, không còn được nhìn thấy … thành ra mình cố giữ sao cho đẹp để lúc mà mỗi người một nơi thì mình cũng đã tròn bổn phận với nhau rồi.”


Cụ ông Quang Linh, 85 tuổi, cho biết ngày Valentine đối với cụ cũng như mọi ngày, vì cụ phải săn sóc cụ bà. Cụ bà đã hai lần bị tai biến mạch máu não nên không còn tự lo cho mình được nữa:

“Bác ở nhà chăm sóc bác gái … Bác không mua hoa vì sáu, bảy chục năm rồi, chuyện đó không cần thiết nữa…”

Khi được hỏi có còn hôn nhau trong ngày Lễ Tình Yêu không, có cụ bảo có nhưng có cụ lại mắc cở nói rằng không:

“Có chứ!” “Không!” “Tình vẫn còn nóng lắm chứ”

Valentine’s Day năm nay đã đến với tất cả chúng ta. Hiền Vy xin kính chúc quí thính giả trong những ngày tới ngày nào cũng là Ngày Tình Yêu.

Hiền Vy

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2008

Please! Be My Valentine!

Hiền Vy


Sáng sớm cuối Đông, trời còn hơi lạnh, mới hơn 5 giờ, Hoàng Uyên đã ngồi đọc báo trong lúc uống coffee. Nghe như có tiếng chân ai rón rén đến gần, nhưng cô vẫn không ngẩng đầu lên.
- Good Morning! - Chào Buổi sáng -

Tiếng chào quen thuộc làm Hoàng Uyên ngạc nhiên. Ngừng đọc báo, cô ngước lên nhìn, mỉm cười với người vừa chào mình, rồi đáp:
- Good Morning! Alex. Sao dậy sớm vậy ?

Alex với dáng rụt rè, hai tay giấu sau lưng, ngập ngừng:
- I don’t know. - Không biết! -
Hoàng Uyên hỏi:
- Alex có gì sau lưng đó ?
Lắc đầu nguầy nguậy, Alex nói thật nhanh:
- Nothing ! – Đâu có gì đâu!
Hoàng Uyên cười:
- OK! Không có gì !

Alex tiến đến gần Hoàng Uyên, rồi bất ngờ đưa hai tay đang giấu sau lưng, ra trước mặt Hoàng Uyên, nói nhanh:
- Happy Valentine!

Hoàng Uyên ngạc nhiên nhìn Alex, rồi nhìn vào nhánh hoa dại, và tấm thiệp trong tay Alex. Tấm thiệp tự làm với tờ giấy trắng, xé từ một cuốn tập nào đó, vẫn còn vết răng cưa, được xếp làm tư.

Xúc động, Hoàng Uyên đưa tay nhận, rồi từ từ mở tấm thiệp. Hình trái tim vẽ vụng dại, với hàng chữ viết nguệch ngoặc bằng Crayon .... "Please! Be My Valentine!”

Nước mắt dàn dụa trên má, Hoàng Uyên cúi xuống, bế Alex lên, nghẹn ngào chưa nói được gì, thì Alex đã lên tiếng:

- Pl...e...a...s...e...! Mommy ... Please! Be my Valentine!

Hôn con liên tiếp mấy cái, Hoàng Uyên chậm rãi nói:

- Thank you so much, Alex! You are My Valentine!


HiềnVy
Feb. 2006

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2008

Xuân Muộn

Hiền Vy


Đưa tay sửa lại gọng kính cận đang trệ xuống trên sóng mũi, Hoàng Uyên nhìn lên bảng đen, cố đọc những giòng chữ giáo sư Huân vừa viết. Chợt bắt gặp nụ cười nửa như thân thiện, nửa như tinh nghịch trên gương mặt Huân, cô ngượng ngùng chớp mắt, bối rối cúi nhanh xuống trang giấy đang ghi chép dở dang. Dù mặt nóng bừng, cô vẫn cố làm ra vẻ như chẳng hề thấy Huân đã cười làm quen với mình. Nửa giờ còn lại của môn Ngữ Học, Hoàng Uyên khó nhọc tìm cách tránh né tia nhìn đầm ấm của người giảng sư trẻ. Mỗi lần bắt gặp Huân nhìn, tim Uyên như lỗi mất một nhịp, tay chân luống cuống thừa thãi, cô như ngây ngất, như say say.

Người ngồi, kẻ đứng, đông nghẹt không còn cả lối đi trong Giảng Đường II của Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Ngồi thu gọn trong chiếc ghế bìa của dãy ghế đầu tiên, Hoàng Uyên thầm cám ơn người bạn đã chịu khó dậy thật sớm đến giữ chỗ cho cô. Trong lúc sinh viên đang ghi vội lời giảng của cha Thanh Lãng thì Hoàng Uyên ngồi mơ mộng. Dù Văn Chương Quốc Âm là môn cô rất thích, nhưng nụ cười và ánh mắt của Huân cứ ám ảnh cô cả mấy hôm nay. Hoàng Uyên thật sự xúc động khi nhớ lại ánh mắt và nụ cười của giáo sư Huân. Cái nhìn trìu mến, ấm áp nhưng lại có vẻ tinh nghịch cùng với nụ cười đầm ấm nhưng không kém phần phá phách của Huân đã làm cô mềm lòng. Hoàng Uyên không thể chú tâm vào những lời giảng của cha Thanh Lãng được nữa. Hình ảnh của Huân không bao giờ chịu rời cô....

Một dáng dấp quen thuộc lướt qua ngoài hành lang, trong giảng đường, tim Hoàng Uyên đập mạnh. “Vậy là “chàng” có giờ dạy hôm nay ...,” cô thầm nghĩ và mong cho mau hết giờ...

*

- Hoàng Uyên đến phòng giáo sư một tí được không?
Giật mình khi nghe tiếng nói quen thuộc sau lưng, Hoàng Uyên nắm chặt thành lan can hơn, quay đầu lại, bối rối chớp mắt, rồi gật đầu và đi theo Huân xuống cầu thang.
Hoàng Uyên ngại ngùng nhìn quanh căn phòng giải lao của giáo sư, thầy Trụ đang ngồi đọc sách nơi góc phòng, nghe tiếng động, ngước mắt lên nhìn, cô khoanh tay chào, ông mỉm cười, xong lại cúi xuống trang sách đang đọc dở. Huân lên tiếng trong lúc Hoàng Uyên đang lúng túng:
- Mời Hoàng Uyên ngồi.
- Dạ... đây là bàn ghế của thầy cô ...
- Không sao đâu, hôm nay Hoàng Uyên là khách của tôi mà. Ngồi đi, đứng hoài mỏi chân đó.
Kéo chiếc ghế đối diện với Hoàng Uyên, Huân ngồi xuống, hỏi:
- Bài hôm trước có gì khó hiểu không mà thấy Uyên bối rối vậy ?
Chớp mắt với một chút ngượng ngùng, Hoàng Uyên đáp khẽ:
- Dạ, con hơi thắc mắc một chút xíu.
- Tôi hứa sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc của Uyên.
Hoàng Uyên ngập ngừng:
- Thầy bảo; Ngôn Ngữ Việt Nam là độc âm, nhưng con thấy có chữ “Doanh” đọc như là hai âm riêng biệt là “Do” và “Anh” Mình đọc nhanh thành “doanh”
Huân cười tinh nghịch:
- Do Anh! Tức là Tùy Anh, cái gì cũng do anh quyết định. Anh nào mà may mắn vậy?
Hoàng Uyên phụng phịu, cúi đầu không nói. Huân lại cười:
- Đùa với Uyên cho vui thôi, thật ra Uyên nói rất có lý nhưng như thế này nhé: O,A,N,H chỉ là một âm “oanh” thôi, khi có phụ âm D đi trước thì đọc thành Doanh, và nếu cho phụ âm T vào thì đọc thành Toanh, như mới toanh đó.
Nhìn sâu vào mắt Uyên, Huân tiếp:
- Hoàng Uyên còn thắc mắc gì nữa không?
- Dạ không.
Thấy Hoàng Uyên bối rối, ngượng ngùng, Huân rủ:
- Uyên khát nước không ? Mình đi uống nước nhé?
Hoàng Uyên lại ngập ngừng:
- Dạ thôi.
- Thôi là sao?
- Dạ, là không đi uống nước.
- Tại sao?
- Dạ, sợ bạn thấy.
Huân cười lớn, rồi hỏi:
- Uyên mấy tuổi rồi?
Hoàng Uyên ngạc nhiên:
- Thầy hỏi làm gì vậy?
- Hỏi cho có hỏi thôi, chớ tôi biết Hoàng Uyên 19 tuổi rồi.
Tròn mắt, Hoàng Uyên ngạc nhiên:
- Sao thầy biết vậy?
Lắc đầu, làm ra vẻ khó khăn, Huân cười cười:
- Bí mật, bí mật. Hoàng Uyên chịu đi uống nước rồi tôi kể cho nghe.
Hoàng Uyên tinh nghịch hỏi lại:
- Thầy dụ học trò hả?
- Ừ,
- Nhưng Thầy hỏi tuổi của Uyên làm gì vậy?
- Để nhắc cho Hoàng Uyên nhớ là Hoàng Uyên người lớn rồi, không cần phải ngại ngùng, sợ bạn bè bàn tán nữa.
- Mẹ vẫn gọi con là Bé Uyên mà.
- Vậy thì “Thầy” mời “Bé Uyên” đi uống nước.
- Sợ Mẹ mắng quá!
- “Thầy” không mách Mẹ đâu.

*

Kéo cái ví từ trong túi quần ra, Huân mở từ từ rồi đưa ra trước mặt Hoàng Uyên một tấm hình đen trắng, hỏi:
- Hoàng Uyên biết hình ai không?
Giật mình, lúng túng, Hoàng Uyên bối rối:
- Ủa! Hình của con mà. Sao thầy lại có?
Nhìn sâu vào mắt Uyên, Huân cười:
- Hình của người yêu tôi mà.
Hoàng Uyên đỏ mặt:
- Sao ... sao... giống y hình của con vậy?
Huân ngập ngừng:
- Đùa với Hoàng Uyên thôi, hình này tôi xin được đó.
- Thầy xin ở đâu? Ngoài tiệm hình hả?
- Không, tôi xuống văn phòng, xin coi hồ sơ của sinh viên chứng chỉ Ngữ Học. Thấy trong hồ sơ của Uyên có dư tấm hình, tôi lén lấy.
Hoàng Uyên thảng thốt:
- Vậy là Thầy biết hết “tung tích” của con?
- Xin lỗi Hoàng Uyên nha. Tại tôi có cô sinh viên nhỏ nhắn dễ thương quá nên tôi phải “làm bậy”.
Hoàng Uyên năn nỉ:
- Thầy trả lại hình cho con được không?
- Được chứ, nhưng phải với một điều kiện.
- Điều kiện gì?
- Uyên cho tôi tấm hình khác.
Hoàng Uyên phụng phịu:
- Thầy khôn quá!
Huân đưa tay khuấy nhẹ ly chanh đường của Uyên, hối:
- Uyên uống nước đi, đá tan hết rồi.
Nhìn Uyên từ từ uống nước, Huân hát khẽ:
- ... Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt....

*

Dắt Hoàng Uyên chen qua khỏi khu bán Quất, trên Đại lộ Nguyễn Huệ đầy người vào những ngày cận Tết, Huân xiết nhẹ tay nàng, hỏi:
- Uyên thích Mai hay Đào?
- Hoa nào cũng đẹp, Em thích cả hai.
Huân cười, khen:
- Bé Uyên ngoan quá! Chịu bỏ chữ “con” rồi.
Uyên hích nhẹ tay vào bụng chàng. Huân cười lớn hơn rồi tiếp:
- Vậy đi xem Đào trước nhé? Nếu có cành nào đẹp, mình mua về biếu bố em.
Cầm một cành Anh Đào với đầy những nụ hoa tròn xoe nhưng chưa nở, Huân hỏi người bán hàng:
- Cành này nở kịp Tết không?
- Chắc chắn kịp chứ, tôi bảo đảm hoa sẽ nở đúng ngày Mùng Một Tết.
Huân đùa với bà bán hàng:
- Tôi mua cành hoa này để cưới vợ đó. Hoa mà không nở đúng Tết là tôi không được vợ, tôi bắt thường bà đó à nha.
Bà bán hàng quay qua nhìn Uyên, rồi cười với Huân:
- Anh cưới cô này hả?
- Bà hỏi giùm tôi coi cổ có chịu không?
Uyên đỏ mặt, quay đi nơi khác. Anh kỳ cục, khi không đi nhờ bà bán hàng hỏi. Sao không hỏi thẳng em. Nghĩ vậy, nhưng Uyên không biết nếu Huân hỏi thì nàng sẽ phải trả lời làm sao.

Cơn gió lành lạnh từ bờ sông thổi nhẹ làm Uyên đi sát vào Huân hơn. Huân vòng tay ôm vai nàng, kéo nhẹ Uyên vào lòng. Mùi hương từ mái tóc dài của Uyên làm Huân ngây ngất. Anh muốn hỏi cô có chịu làm vợ anh không, anh muốn hỏi cô có muốn làm Mẹ những đứa con của anh không...
Từ lúc mua xong cành Đào, Uyên im lặng chưa nói gì, không biết nàng nghĩ gì về câu nói đùa của mình với bà bán hàng mà im ru như vậy. Huân muốn dành ngạc nhiên cho Uyên, anh định khi đến thăm gia đình Uyên ngày đầu năm, anh sẽ ngỏ lời với Uyên bên cành Đào rộ nở. Với Huân, mùa Xuân là mùa của hạnh phúc, của hy vọng, nên dù quen Uyên được vài tháng nay, anh vẫn chưa đề cập đến chuyện tương lai của hai đứa. Không khí Tết làm Huân nôn nao, anh muốn ngỏ lời ngay với cô nhưng cố kìm lại để chờ cho đến ngày đầu năm.

Phải đợi đến ngày mùng ba Tết, cành đào mới chịu nở rộ trong góc căn phòng khách nhà Uyên. Khi Huân ngỏ lời, Uyên đã luống cuống ngượng ngùng, nhưng hạnh phúc gật đầu và cả hai cùng đồng ý đến mùa Hè, Huân sẽ xin làm đám hỏi.

*

Gởi được chiếc Yamaha, cầm thẻ biên nhận xong, Hoàng Uyên chấm vội vài giọt mồ hôi đang chảy xuống bên má, rồi đi nhanh vào sân trường. Cây phượng đỏ năm nay trổ hoa hơi sớm, chưa đến tháng năm mà xác phượng đã đầy sân. Mọi người tụm năm, tụm bảy bàn chuyện thời cuộc. Quảng Trị thất thủ, Huế sôi động, Đà Nẵng xôn xao ... không ai còn tâm trí lo đến việc học bài cho khóa thi gần kề.

Vừa bước chân lên cầu thang, Uyên đã thấy cô em gái của Huân đứng tựa lưng vào hành lang. Uyên ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, Huyền đi đâu đây?
- Em đi kiếm chị. Anh Huân dặn em sáng nay phải mang gói này đến trường cho chị.
- Uyên tưởng anh Huân có lớp hôm nay mà.
- Có, nhưng anh nhờ thầy Trụ dạy thế. Anh đi Huế hai bữa nay rồi.
Hoàng Uyên sững sờ:
- Đi từ hôm nào? Sao Uyên không biết?
- Anh Huân giấu chị vì sợ chị lo. Anh phải ra Huế đón Me. Anh sợ Huế mất, Me sẽ bị kẹt một mình. Anh dặn em nếu anh không về kịp sinh nhật chị, em phải đem quà đến cho chị đúng ngày.
Chớp nhẹ mắt, Huyền tiếp:
- Em mừng sinh nhật chị.
Đưa tay nhận gói quà, lòng Hoàng Uyên rối bời, nước mắt bỗng dưng lăn dài trên má. Sinh nhật thứ hai mươi! Tưởng năm nay sinh nhật đầu tiên có chàng. Mấy hôm rồi cô dồn hết thì giờ để học bài thi, mong hôm nay rảnh rang chút xíu để dung dăng dung dẻ với chàng ...
Tuần trước Huân đến nhà, bảo em cố học thi đi nha, thời cuộc tuy có rối reng nhưng có lẽ không sao đâu, anh sẽ ít tới chơi để em có thì giờ học thi. Nhớ học môn Ngữ Học đàng hoàng, được nhất lớp, anh sẽ thưởng...

Hoàng Uyên thương yêu!
Chúc em một sinh nhật bình an. Khi anh về sẽ đền em.
Cho anh xin lỗi đã không nói với em về chuyến đi.
Anh sợ em lo quá không học bài được.
Anh đón Me vào rồi tính đến chuyện chúng mình.
Huân


Dòng chữ nghiêng nghiêng của Huân mờ hẳn mỗi lần Uyên cầm tấm thiệp lên đọc lại. Màn ảnh vô tuyến truyền hình đưa tin Huế thất thủ, rồi đến Đà Nẵng cũng đầu hàng. Người người chen nhau tìm đường vào Nam. Máy bay không còn cất cánh, chỉ còn đường bộ, đường thủy... Dân Sàigòn náo loạn, Hoàng Uyên đi ra đi vào như người mất hồn. Huân vẫn bặt tăm...

Những giây phút cuối của tháng Tư, Hoàng Uyên đành phải theo gia đình. Cô không muốn rời khỏi căn nhà vì tin rằng Huân sẽ đến tìm. Làm sao bỏ đi khi tin Huân chưa có? Làm sao dứt được mối tình đầu vừa mới đến? Xin ba mẹ cho ở lại chờ Huân, Mẹ khóc nói nếu Uyên ở lại chờ Huân thì cả nhà cùng chờ...

*

Leo được lên chiếc xe bus đầy người, Hoàng Uyên ngồi xuống chiếc ghế trống gần bác tài xế, cô tháo bớt khăn quàng cổ ra, bao quanh hai bàn tay lạnh ngắt. Nhắm mắt lại, cô nghĩ đến những năm vừa đi học, vừa đi làm giúp bố mẹ nuôi các em nơi thành phố nhỏ này. Nhờ bận rộn, cô bớt suy nghĩ đến chuyện ngày xưa.

Đã sáu năm rồi, tin Huân vẫn biền biệt. Những ngày cô đơn một mình đến trường, đã bao lần Uyên thầm khóc vì nhớ Huân. Nhớ lại lời cầu hôn năm nào của Huân bên cành đào ngày Tết. Nhớ lại những lần cùng chàng đi uống nước rồi được nghe chàng hát “trả lại em yêu.” Những lần cùng Huân, tay trong tay đi dưới những hàng me trên đường Pasteur, nghe chàng hát “con đường tình ta đi”... Nhưng thích nhất, vẫn là khi nhìn Huân khuấy tan đường cho ly nước chanh của cô và tình tứ hát “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt...”

Sáu năm nay, mỗi lần Tết đến, Hoàng Uyên đều nghỉ học vào ngày Mùng Ba. Ở nhà một mình, nàng nhớ Huân quay quắt, không biết bây giờ anh đang ở đâu. Không biết đến bao giờ mình mới lại gặp nhau, không biết anh có còn nhớ tới em không, không biết ..., không biết ...

Cơn bão tuyết đầu tháng hai làm đường xá vắng người qua lại. Tin thời tiết cho biết tối nay sẽ có thêm mười inches tuyết nữa sẽ rơi. Co ro trong chiếc áo khoác rộng thùng, Hoàng Uyên ra mở cửa khi nghe tiếng chuông. Người đưa thư cười tươi với cô, rồi trao cho Uyên một tập thư dầy. Cô đưa tặng ông một bao lì xì màu đỏ. Ông nói cám ơn và chúc cô một năm mới hạnh phúc. Hoàng Uyên cám ơn người đưa thư nhưng thầm nghĩ làm sao mà hạnh phúc được khi bên mình không có Huân.

Nhéo vào chân thật đau, để biết mình đang không nằm mơ, Uyên đọc lại những giòng chữ quen thuộc:

Hoàng Uyên ơi
Anh và Me vừa tới Pháp được mấy tuần nay.
Nhờ hội Hồng Thập Tự anh tìm được địa chỉ của em.
Hơn sáu năm rồi, anh không biết bây giờ em thế nào.
Anh vẫn như ngày xưa. Huyền đã lập gia đình ...
...
Nếu em đã có gia đình thì anh không trách em đâu.
Nếu em vẫn còn chờ anh, thì số điện thoại của anh đây ...
...
Huân


Hoàng Uyên chạy nhanh đến bên chiếc điện thoại, run run, tay cô bấm số...
Mùa Xuân thật sự đã đến, dù bên ngoài tuyết đang rơi ... ./.



Hiền Vy
December 2004

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2008

Giới Hạn...

Hiền Vy


Đã đóng cửa, đi được vài bước, nhưng Trâm vẫn phải quay lại nhà để lấy chiếc áo chắn gió. Cơn gió từ miền Bắc mang luồng hơi lạnh đến Houston vào buổi sáng sớm trung tuần Tháng Chín, làm không khí dịu hẳn lại dù vẫn đang là mùa Hè. Hình như chỉ khoảng trên 60 độ, cái mát lạnh thoạt tiên tưởng dễ chịu nhưng không dè lại hơi quá đáng, làm cho chiếc áo chắn gió bỗng dưng trở nên thân thương, gần gũi, chở che, như chiếc vỏ ốc lạnh lùng Trâm thường khoác lên mình khi gặp phải những trường hợp khó xử.

Trời đã bắt đầu sáng chậm lúc bình minh và tối nhanh hơn khi chiều xuống nên việc chạy bộ mỗi sáng phải cẩn thận hơn. Làn gió dìu dịu nhưng mát lạnh thật dễ thương, chiếc áo chắn gió như sưởi ấm đôi vai gầy nhưng vẫn không làm những suy tư trong Trâm hết hẳn.

Rất khuya tối hôm trước, Uyên gọi điện thoại, giọng thẫn thờ:
- "Chị ơi! Michelle chết rồi."
Trâm nghe mình thảng thốt hỏi lại:
- "Hồi nào vậy?"
Uyên nói trong nước mắt:
- "Mới chiều nay..."
Ngồi yên trên giường, nghe em gái kể lại những giờ phút cuối của Michelle, lòng Trâm vẫn bàng hoàng, dù biết Michelle bị bệnh nan y đã vài năm nay. Khuôn mặt của Michelle hiện ra rất rõ nét trong đầu Trâm.

***

Chỉ một năm trước khi Michelle bệnh, cô đã về Houston, ở chơi với Trâm một tuần lễ. Trẻ trung, yêu đời, hạnh phúc với việc làm mới, với cuộc hôn nhân còn trong thời kỳ trăng mật, Michelle tỏ ra vô cùng biết ơn người phối ngẫu đã tôn trọng ý nguyện không muốn có con của cô. Trong thời gian Michelle lưu lại Houston, có ngày Trâm nghỉ làm đưa cô đi chơi, có hôm Michelle đi một mình, nhưng tối về, hai chị em thường nói chuyện đến khuya.

Michelle là bạn của Uyên, sinh ra tại Việt Nam, qua Mỹ lúc mới 2 tuổi, nên cô không nói rành tiếng Việt. Cô có thể hiểu được những chuyện thông thường, nhưng khi bàn về những vấn đề hơi phức tạp thì cô không thể am tường mọi chuyện. Cô đã nói với Trâm:
- "Chị là người duy nhất không la em khi biết em không hiểu được tiếng Việt."
Trâm cười với Michelle:
- "Em không có cơ hội học và nói tiếng Việt, thì làm sao lại la em được.”

Không phải Trâm an ủi, hay cố lấy lòng Michelle khi nói vậy, mà sự thật là Michelle đã không có cơ hội. Đến Mỹ năm 75, bố mẹ Michelle lo làm việc để nuôi đàn con. Sợ con cái không theo kịp ở trường nên về nhà anh em của Michelle được khuyến khích nói tiếng Mỹ. Thuở còn đi học, Michelle đã qua hai mối tình với hai chàng trai Việt, nhưng vì những bất đồng quá lớn nên cuối cùng cô lập gia đình với một người bản xứ. Đi làm nói tiếng Mỹ, về nhà lại cũng nói tiếng Mỹ nên cơ hội nói tiếng Việt của cô rất hiếm hoi.

Câu chuyện giữa hai chị em nhiều lần quay quanh vấn đề người Việt, vì Michelle biết Trâm yêu giới trẻ Việt Nam và mong muốn họ biết nguồn cội. Michelle thấy được niềm hãnh diện trong mắt Trâm, khi nghe những tin tức thành công của người Việt. Michelle biết Trâm bận lòng khi nghe tin những người trẻ Việt Nam bị vướng vào vòng tù tội. Michelle đã một lần ngồi bên cạnh trò chuyện với Trâm khi Trâm bận soạn bài cho chương trình trên đài phát thanh của thành phố. Michelle đã kể cho Trâm nghe lý do làm tan vỡ cuộc tình của cô với “đàn ông Việt Nam”, không chỉ một, mà là những hai lần.
Lúc nào Trâm cũng nghe chăm chú, không xen vào cho ý kiến của mình, dù có lúc Michelle rất sôi nổi cho rằng:
- "Đàn ông VN thiển cận, không vị tha, không gallant, ưa lấn ép, không tế nhị, ưa được đằng chân, lân đằng đầu, ..."

Michelle đã cười lớn khi cho Trâm biết cô học câu "được đằng chân lân đằng đầu" của mẹ cô. Bà hay dùng câu này để mắng anh chị em cô. Nghe Michelle nói tiếng Việt không dấu, Trâm đã không nhịn được cười.

Đợi Michelle dứt lời, với một chút nghẹn ngào trong giọng nói, Trâm đã từ tốn cho cô biết ý kiến của nàng. Trâm thông cảm và xót xa với những kinh nghiệm Michelle đã trải qua, nên không nghĩ Michelle quá cố chấp khi "buộc tội" Đàn Ông VN quá đáng như vậy, nhưng Trâm cũng cho cô biết có lẽ những "đàn ông Việt Nam cố chấp" như Michelle nói chỉ là một số rất nhỏ mà thôi. Và không chỉ riêng cô đã xui xẻo gặp, cá nhân Trâm cũng hơn một lần gặp phải loại người như vậy.

Trâm đã chia sẻ với Michelle vài "đụng chạm" trong đời sống hàng ngày nàng gặp phải và kết luận đó chỉ là sự không may của mình mà thôi. Khi nghe Trâm kể về sự sỗ sàng của vài người, vừa đàn ông, vừa đàn bà mà Trâm đã gặp phải, không chỉ là hành động mà còn trong lời nói, những lời bông đùa không đúng chỗ, đúng lúc... những lời nham nhở, không đứng đắn... Michelle đã hỏi:
- "Rồi chị làm gì với bọn chúng?"
Trâm cười:
- "Thì mình tránh xa họ, chứ làm gì được."
Michelle đã bộc lộ sự tức giận qua giọng nói:
- "Em, là em chửi liền và cho chúng một bài học."
Trâm cười lớn, khiến Michelle giận dỗi, gắt:
- "Có gì đáng cười đâu, mà chị cười."
Trâm lại cười lớn hơn, trước sự ngạc nhiên của Michelle. Qua cơn cười đau cả bụng, Trâm nói với cô:
- "Mình chửi họ là mình cho mình thấp bằng họ sao em? Và trên tất cả mọi chuyện, mình không có bổn phận dạy ai bài học cả, em ạ."
Michelle suy nghĩ một lúc rồi cũng phá lên cười:
- "Chị nói đúng rồi, bố mẹ chúng, thầy cô chúng không dạy chúng thì thôi, chứ làm sao mình dạy được."

Trâm lại buồn cười vì lối nói tự nhiên, rất thẳng thắn, rất ... Mỹ của Michelle. Khi Michelle kể lại những lời bố cô dùng mỗi khi tức giận, Trâm đã rất xót xa cho mẹ và anh em cô. Trâm ngồi nghe với lòng thương cảm vô vàn và cũng tâm sự với Michelle về chuyện nàng bị "sách nhiễu" qua điện thoại, qua email.

Có người, đọc được vài câu hay vài chữ Trâm đã dùng không chuẩn, rồi tự cho là thân tình với nàng, họ gọi điện thoại hay email trêu chọc. Nàng đã ngượng đến chín người, nên phải giả vờ ngu dốt không hiểu mà cũng không được yên thân. Michelle đã tức tối cho là Trâm "nối giáo cho giặc". Cô không hiểu tại sao Trâm lại "nhịn nhục" được với những người không có tư cách như vậy.

Khi biết Trâm không muốn làm buồn lòng ai, cô đã nói với nàng về một đoạn kinh Phật cô đọc được:
- "Bồ Tát thường giả vờ khờ khờ, dốt dốt, thành ra chúng sanh trong vô minh cứ tưởng bở..."
Trâm lắc đầu, nói với Michelle là cô đã quá lời vì nàng chưa bao giờ nghe hay đọc được ở đâu là Bồ Tát giả vờ như vậy cả. Michelle lại phá ra cười.

Để chấm dứt tranh luận, Trâm đã nói với Michelle:
- "Theo chị, cái gì cũng có giới hạn, khi một người "cố tình" vượt khỏi giới hạn của mình trong bất cứ một liên hệ nào, thì đừng nói gì đến tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, tình anh em, tình chị em mà ngay cả tình chồng vợ, hay tình gì đi nữa ... cũng sẽ không thể nào tiếp tục được, chứ đừng nói là đẹp, là bền vững lâu dài..."

Trở về lại Seattle, Michelle ghi tên đi học tiếng Việt và thỉnh thỏang chị em nói chuyện với nhau bằng cả hai ngôn ngữ rất buồn cười, mà Trâm vẫn gọi đùa là "Tiếng Ba Rọi."

***

Tin Michelle mất làm Trâm bàng hoàng vì nàng đã định đi thăm Michelle tháng trước mà đa đoan quá nên chưa thực hiện được. Từ khi chống chọi với chứng bệnh nan y, thỉnh thoảng trước những lần chạy chemo, Michelle điện thoại nói chuyện với Trâm. Michelle trầm tính hẳn lại, thích nghe chuyện về đạo Phật, về nhân quả, về nghiệp, về duyên nợ, về một tình bạn tuyệt vời của Trâm, về những công tác Từ Thiện nàng đang làm cùng bạn bè, nhưng có lẽ Michelle thích nhất là "chuyện chuột nhắt", vì cô đã cười vang trong điện thoại mỗi khi nghe Trâm kể.

Khi nghe Trâm kể có người đã "dựng đứng" lên chuyện không có, hoặc là để "doạ nạt" kẻ yếu, hay để "show off" - khoe khoang - với lý do chứng minh là họ quen biết với những người có tiếng tăm trong xã hội, Michelle đã không dấu được sự khinh rẻ và gọi những người đó là “Những tên khủng bố.”

Câu chuyện làm Michelle tức giận và đã không ngớt buông tiếng chửi thề là về một người đàn ông trung niên, đã lố bịch tuyên bố ẩu về sự liên hệ không hề có, giữa hắn và người bạn rất thân của Trâm. Chị là một nhà tranh đấu cho Nhân Quyền.

...

Một buổi sáng mùa Thu, vừa mua xong tách cafe nóng, Tâm Hằng ngồi xuống chiếc bàn nhỏ trong góc quán đông người, định vừa sẽ nhâm nhi cafe vừa xem vô tuyến truyền hình. Trên màn ảnh vô tuyến, đang chiếu lại buổi họp báo hôm trước với bài nói chuyện của chị. Bàn bên cạnh, một người đàn ông trung niên đang ngồi với nhiều người khác, lớn tiếng:
- “Tôi lạ gì con mẹ đó, tôi ngủ với nó hoài, mới hôm qua, sau cuộc họp báo, nó tới nhà tôi ngủ với tôi, nhìn trên TV nó già như vậy nhưng bên ngoài còn sạch nước cản lắm, và vụ kia thì cũng hết sẩy ...”
Không đợi người đàn ông dứt lời, Tâm Hằng đứng dậy với ly cafe còn nóng trong tay, chưa kịp uống ngụm nào, bước tới trước mặt người đàn ông đang huyên hoang. Nhìn thẳng vào mặt hắn, chị chậm rãi hỏi:
- “Ông vừa nói gì vậy?”
Mọi người trong bàn ngạc nhiên nhìn chị, chưa hiểu chuyện gì. Sau khi người đàn ông lập lại câu nói, chị đưa ly cafe lên cao, dõng dạc nói:
- “Ông có hai chọn lựa, một là xin lỗi và lấy lại lời nói, hai là nguyên ly cafe nóng này sẽ vào ngay mặt ông.”
Người đàn ông ngang bướng, hỏi:
- “Bà là ai mà ngon vậy?”
Tâm Hằng gằn giọng:
- “Thì ra ông chưa hề gặp “con mẹ đó”, không hề biết mặt, không hề quen biết, mà dám huyên hoang, khóac lác bảo là đã ngủ với người ta ... Tôi là Tâm Hằng. “
Những người trong bàn trố mắt nhìn khuôn mặt người đàn ông tái xanh, đang run lập cập nói lời xin lỗi.

...

Michelle thường chen vào câu chuyện Trâm đang kể bằng câu:
- "Ở thế thì có mà ở với chó...."
Trâm đã không bằng lòng với Michelle khi cô đem những chú chó dễ thương, đầy tình nghĩa ra để ví với những người kỳ cục, không có nhân cách như thế.
Lúc mới nghe Trâm bênh vực chó, Michelle đã khựng lại vài giây nhưng ngay sau đó cô reo lên thích thú và nói lại:
- "Ở thế thì có mà ở với chuột..."
Hỏi tại sao lại so sánh với chuột, cô cười, đáp:
- "Tại con chuột dơ dáy, trốn chui trốn nhủi, không ai muốn chơi, lại đem bệnh dịch hạch đến cho loài người..."
Trâm cười theo bạn rồi nói:
- “Ngày xưa, lúc còn ở Việt Nam, chị hay nghe nói con bọ xít là loài dơ bẩn hơn cả ...”
Michelle hỏi lại:
- “Bọ xít là con gì vậy chị? Tiếng Mỹ là gì?"
Trâm đã ngượng ngùng lắc đầu:
- “Chị không biết tiếng Mỹ là gì cả, chỉ biết đó là loài vật rất dơ bẩn.”
Michelle lại cười lớn:
- "Vậy thì mình sẽ có "chuyện chuột nhắt", cho những “thằng” ưa đặt chuyện, và "chuyện bọ xít", cho những “thằng khủng bố”, chị nhé!”

Rất nhiều lần Michelle hỏi tại sao Trâm có bạn tốt, thương yêu, che chở nhau trong mọi hoàn cảnh, mọi vấn đề ... Trâm đã giải thích là vì lúc nào nàng và bạn cũng quí trọng nhau, không "lấn" nhau, không "lờn mặt" nhau, lúc nào cũng "tương kính như tân", không "được đằng chân, lân đằng đầu..."

Michelle đã ngắt lời Trâm, reo lên:
- "Em biết câu đó, em có nghe mẹ em nói hoài, có phải tiếng Mỹ là "give them an inch, they take a mile" ... không vậy?"

***

Chạy được vài blocks, Trâm dừng lại để cởi chiếc áo chắn gió ra. Nhưng chỉ một lát sau, lại phải khoác vào vì gió lạnh làm nàng rùng mình. Nhớ tới những câu chuyện đã hàn huyên với Michelle trong suốt thời gian Michelle lâm bệnh, Trâm ngước đầu lên nhìn những đám mây đang bay thật thấp, rồi nói nhỏ, như đang thầm thì:
- "Michelle ơi! Chị hết cơ hội để nói với em, hay là “tranh luận” với em, về sự giới hạn trong việc giao tế rồi. Chị sẽ không còn ai để kể những "chuyện chuột nhắt", "chuyện bọ xít "... Chị lại sẽ rút vào cái vỏ ốc lạnh lùng mỗi khi gặp chuyện khó xử để khỏi mất lòng người khác, trong khi lòng mình thì lại rất tái tê... Michelle ơi! Chỉ một "Cơn gió lạnh" từ miền Bắc thổi về Houston trong những ngày cuối Hè, mà cũng làm cho một chiếc áo chắn gió lúc thì cần, khi thì không! Em yên nghỉ nhé! I am thinking of you, my dearest Michelle! - Chị đang nhớ tới Em đây, Michelle yêu dấu của chị!"


Đưa tay chùi những giọt nước mắt ấm đang lăn dài trên má, Trâm chợt mỉm cười nhận ra mình đang dùng "Tiếng Ba Rọi" để thì thầm với Michelle ./.






Hiền Vy
September, 2006

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2008

Chân Dung Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại

Nguyễn Phục Hưng

Lời Thưa Trước:

Trước hết người viết xin minh định đây là một bài viết ghi nhận những nét đặc biệt về Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại (PNVNHN). Với các dữ kiện thống kê còn thiếu sót, một bài viết thuần túy về các dữ kiện khó có thể thực hiện một cách hoàn hảo được, do đó những điều trình bày không khỏi có tính cách chủ quan. Tuy nhiên, người viết vẫn cố gắng loại bỏ những thiên kiến xảy ra và hy vọng trình bày được một chân dung trung thực về PNVNHN.

PNVNHN là những ai và họ nên được sắp hạng như thế nào cho hợp lý?

Theo thiển ý, chúng ta cần phải minh định đối tượng này một cách rõ ràng để làm căn bản cho việc trình bày các nét dáng đặc thù về họ. Trong giới hạn của bài viết, và trước sự đa dạng, không thống nhất của các sự phân loại, chúng tôi xin tạm đề nghị một sự sắp hạng như sau: PNVNHN có thể chia làm hai thế hệ chính: thế hệ thứ nhất gồm những người đã trưởng thành vào năm 1975, tức là họ đã ít nhất 20 tuổi vào thời điểm đó và thế hệ thứ hai gồm những phụ nữ chưa đầy 20 tuổi vào thời điểm 1975 hay được sanh ra và lớn lên ở hải ngoại sau 1975.
Thế hệ thứ nhất có thể chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất gồm những người đã đứng tuổi, tức là khoảng 40-50 tuổi trở lên vào năm 1975; nhóm thứ hai gồm những người từ 20 đến 40 tuổi vào thời điểm đó. Tạm gọi họ là thế hệ 1A và 1B, để tiện việc trình bày.
Dĩ nhiên là sự sắp hạng này chỉ là một qui ước, người đọc có thể có một cách phân loại hoàn toàn khác biệt, tùy theo chủ đích và ý thích. Giả dụ chúng ta đều đồng ý chấp nhận phương pháp phân chia trên, bây giờ ta có thể bắt đầu tìm hiểu đời sống của các thế hệ PNVNHN.

THẾ HỆ 1A

Vào thời điểm này, các người thuộc thế hệ 1A chắc không còn nhiều lắm. Hơn 30 năm trôi qua, nếu ai còn chắc cũng 70-80 tuổi. Trong 30 năm qua, họ cũng đã từng góp phần tích cực vào cuộc sống cho gia đình họ và cho cộng đồng VN hải ngoại và quốc nội. Thế hệ này có lẽ là thế hệ chịu nhiều thiệt thòi hy sinh nhất trong cuộc đời di tản, cả nam giới và nữ giới cũng vậy. Ở thời điểm 1975, số phụ nữ Việt có đủ trình độ ngoại ngữ để sống ở nước ngoài có lẽ rất hiếm hoi. Đời sống của họ ngay lúc còn sống tại Việt Nam đa số cũng không ngoài việc nội trợ gia đình, một số rất nhỏ làm các nghề chuyên môn như giáo sư, bác sĩ, luật sư và thương mại. Khi ra nước ngoài, vốn liếng ngoại ngữ gần như hoàn toàn không có nhưng họ vẫn phải vất vả giúp chồng con chống đỡ gia đình. Ngay cả những bác sĩ, luật sư, ... lúc ra nước ngoài, vấn đề ngôn ngữ và luật pháp hành nghề thay đổi làm nhiều người phải bỏ nghề. Những nhu cầu cấp bách trong cuộc sống không cho phép họ ngồi chơi. Có rất nhiều bà từ lâu chưa từng phải ra khỏi nhà, vì ở Việt Nam, người chồng lo hết mọi chuyện bên ngoài, các bà chỉ lo nội trợ, nay phải ra ngoài xã hội làm lụng vất vả phụ chồng nuôi con. Những bà mẹ Việt Nam cũng đã vùng lên phấn đấu, sống trong xã hội tây phương, làm đủ các việc khó khăn để gây dựng cho con cái, vì với họ, cũng như hầu hết người Việt Nam lúc đó, thì dù có khổ cực sao đi nữa vẫn còn hơn đời sống vô vọng của những ngưòi trong nước. Nếu chỉ dùng tài liệu thống kê để ghi lại thành quả của thế hệ này, chắc chắn chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm rất lớn vì tìm đâu ra một tài liệu thống kê ghi lại sự đóng góp hy sinh vô bờ bến của thế hệ này. Hãy tưởng tượng một bà nội trợ Việt Nam, chưa từng nói một câu tiếng Anh, tiếng Pháp, một buổi sáng thức dậy, thấy mình sống trong xã hội tây phương. Bà vùng dậy, dọn bữa ăn sáng cho chồng con, (nếu may mắn có chồng con di tản được) thay vội áo quần, băng ra ngoài mưa tuyết, xuống xe điện ngầm, đến sở làm, ở Montreal, ở Paris, ở New York, hay các nơi lạnh cóng trên thế giới.

Thủa xưa các bà Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn, ngày nay các bà mẹ ở hải ngoại cũng không kém gian nan cực khổ, có lẽ còn hơn thế nữa vì quanh họ không có ai, không bà con thân thuộc, toàn những xa lạ khó khăn, và nhất là ngôn ngữ bất đồng. Trước mắt họ, chẳng có gì là hạnh phúc, ngoài hình ảnh các đứa con đang cần sự hổ trợ của họ để được đến trường, học cho nên người, chứ không trở thành những cái máy của một chế độ phi nhân tại quê nhà, trong thập niên 1980.

Các bà mẹ Việt Nam sống hùng, sống mạnh chỉ vì một lý tưởng mãnh liệt: làm sao cho các đứa con của họ được thành người trong một xã hội tự do bình đẳng. Chưa hết, họ luôn luôn nghĩ đến những người còn kẹt lại. Cuộc sống riêng tư của họ dường như không có nữa. Ngoài việc lo cho con cái được ấm no, được đến trường, họ còn cố gắng dành giụm để tiếp tế cho các người thân còn kẹt lại trong nước, có thể là chồng, là con trai, là ông, là cha, là chú, đang nằm trong trại tù cải tạo, hoặc đang lo vượt biên, hoặc còn đang lêu bêu ở các trại tị nạn Thái lan, Mã lai, Nam Dương hay đâu đó. Mỗi tháng các gói quà chuyển về Việt Nam chiếm hết một phần không nhỏ trong ngân quĩ gia đình. Họ sống như các nhà tu khổ hạnh, không dám ăn diện, không dám giải trí. Niềm vui của họ là đàn con được cắp sách tới trường, là có chút quà gởi về cho gia đình, cho những người thân thiết đang ngóng cổ chờ. Hàng năm, số tiền gửi về Việt Nam không nhỏ mà các nhà kinh tế đã cho thấy chính những số tiền các gia đình Việt Nam gửi cho người thân ở Việt Nam, đã là một nguồn tài chính cho chính phủ Việt Nam vượt qua được những khó khăn kinh tế trong mấy thập niên qua.

Không có các bà mẹ Việtnam thế hệ 1A ,và sau này thế hệ 1B, thì Chính phủ Việt Nam khó mà có được các nguồn tài trợ kinh tế khổng lồ như thế. Ngày nay, hơn 30 năm sau, một số các bà đã không còn nữa. Những người còn sống, một số đang sống cùng con cháu, một số sống trong các viện dưỡng lão. Họ đã già, đang hưởng tiền già, tiền hưu, mà tâm tưởng họ đang nghĩ đến ai? Các cụ già vẫn nghĩ đến con cháu và các người thân sơ ở quê nhà. Các cụ vẫn để dành tiền già, gởi về cho con cháu hay các viện mồ côi ở quê nhà để giúp đỡ những người kém may mắn. Niềm vui của các cụ là được gửi thân tàn tại quê nhà nhưng mấy ai làm được điều đó?

THẾ HỆ 1B

Thế hệ này gồm những PNVNHN ra khỏi nước khi vừa mới lớn, tuổi chừng 20 và bây giờ ít ra cũng đã 50 tuổi. Nhóm này có lẽ là nhóm chịu nhiều thay đổi trong cuộc sống và đạt nhiều thành quả hơn thế hệ 1A. Nhiều người trong nhóm này có khả năng thay đổi kịp thời, gia nhập vào xã hội Tây phương nhưng họ cũng phải qua những giai đoạn vô cùng cô đơn và cam khổ. Hãy tưởng tượng một cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương vừa học hết lớp 12, sửa soạn vào đại học hay đang cắp sách đến đại học, đầy thơ mộng. Bỗng nhiên sau ngày 30 tháng 4, 1975 họ bị ném vào đời sống trên đất Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc, hay Thụy Sĩ,... không phải với tư cách một du học sinh mà là một người di tản, và bắt đầu cuộc sống tự lập bất đắc dĩ. Mấy ai có khả năng lì lợm, không rơi nước mắt, khóc cho mình, khóc cho cuộc tình dang dở, khóc cho số phần điêu linh của gia đình và đất nước. Có nhiều cô tự nhiên trở thành cột trụ gia đình vì bố mẹ không còn bên cạnh nữa. Hay có còn bên cạnh thì cũng không có khả năng dìu dắt nữa. Bên cạnh cô, còn một đàn em nhỏ. Cô bỗng nhiên trở thành Bà Mẹ Trẻ bất đắc dĩ, dù chính cô cũng đang quá bơ vơ.
Tinh thần trách nhiệm và tình thương cố hữu của một người phụ nữ Việt Nam đã sống dậy trong cô, đã giúp cô quên mình và lăn xả vào cuộc sống, vừa đi học, vừa đi làm. Làm bất cứ việc gì để kiếm sống cho chính mình và những người thân, miễn là những việc lương thiện, không làm vẩn đục lương tâm cô. Xin hãy tưởng tượng một cô sinh viên Văn Khoa tối ngày mộng mơ, một sớm một chiều bỗng trở thành cô bé lọ lem, bập bẹ nói tiếng Anh, tập làm phụ bếp trong một nhà hàng. Chỉ mới được làm phụ bếp thôi, vì cô có biết làm gì trong nhà hàng đâu. Kiến thức chuyên môn của cô cũng như sự từng trải cuộc đời cô chưa từng có. Tuần đầu cô được rửa nồi niêu soong chảo. Cô nhỏ xíu. Nhân viên trong nhà bếp của một nhà hàng cô làm cũng tội nghiệp cho cô. Bưng nổi cái nồi to hơn cô đi lau chùi trông tức cười mà tội nghiệp. Tuần sau cô được chuyển qua làm việc lặt rau, có lẽ vì cô bưng không nổi chiếc nồi to. Lặt rau mà cô cứ run lên như bị sốt rét. Cô có bị cảm không? Bà Mỹ đen hỏi. Nước mắt dầm dề, cô chỉ vào con sâu đo mà mặt tái mét. Tuần sau, cô lại được đổi qua tập làm bánh, chắc là bà Mỹ đen quá tội nghiệp khi nhìn khuôn mặt tái xanh của cô. Bưng một nồi bột quá nặng với cô, cô đâu dám than van hay từ chối. Nói làm sao cho xếp hiểu bây giờ đây? Thôi cứ gồng mình bưng thử. Dĩ nhiên cô bưng không nổi, và nồi bột đổ tràn lan trên sàn bếp trước sự sửng sốt của mọi người và cô ôm mặt khóc ròng. Những thảm cảnh như thế cứ xảy ra rất thường trong những ngày mới ra đời tại hải ngoại. Nhưng rồi với ý chí can cường, cô cũng vượt qua hết. Khổ cực đã là những động cơ thúc đẩy cô tiến lên, thoát ra khỏi cảnh địa ngục trần gian. Một điều an ủi là cô có những người thông cảm nỗi khổ, những người chung sở giúp đỡ cô, xã hội tự do thông cảm và sẵn sàng nâng cô dậy. Cô vẫn có được tự do. Cô vẫn hưởng được tất cả những gì cô làm ra, cô được bình đẳng với mọi người trong một xứ sở tự do. Cô ráng ngày đi làm, đêm về học thêm, chẳng mấy chốc cô đã có nghề chuyên môn, thay đổi công việc khá, hợp khả năng và nhẹ nhàng hơn. Thời gian qua mau, những ngày làm việc lao động cực khổ hình như đã xa lắm. Rồi đàn em khôn lớn, chúng đã tự túc được phần nào. Một ngày đẹp trời cô cũng lên xe hoa, lập một gia đình mới cho riêng mình. Những đứa con ra đời. Người phụ nữ lại xả thân lo cho con. Không như thế hệ mẹ cô, cô vẫn vừa đi làm vừa lo chuyện gia đình nội trợ. Hơn thế nữa, nuôi con ở hải ngọai không giản dị như ở quê nhà nhà ngày xưa, không chỉ lo cơm no áo ấm là đủ. Cô còn phải lo nhiều thứ khác nữa, nào là cho con chơi thể thao, tập đánh đủ loại banh, tập ca nhạc, đàn hát, hướng đạo, cắm trại, vân vân… để cho con được bằng với bạn bè. Rồi lại còn chở con đi học chữ Việt, để mai sau chúng còn biết tổ tiên nguồn cội Viêt Nam, còn nói chuyện được với Ông Bà. Cô muốn các con cô phải là những công dân tốt, được ăn học và giáo dục ít ra cũng như người bản xứ có giáo dục, chứ không thể là những người tầm thường thất học để sau này chúng không phải suốt đời cúi mặt làm những việc lao động như những người thiểu số thất học. Cô không muốn các con cô phải đi lại những bước chân buồn khổ cô đã phải dấn thân qua để vượt lên. Cô cũng muốn con cô là những người Việt Nam, hãnh diện với nòi giống Rồng Tiên. Cô có niềm tự hào là dù cho có bị xa quê chạy nạn cộng sản, đời sống cô vẫn phong phú và can cường hơn. Cô muốn chứng tỏ là họ đã sai lầm khi thi hành các chính sách thù ghét tàn bạo, đưa đất nước lùi lại bao nhiêu năm. Thế hệ của cô và các con cô vẫn vững mạnh và một ngày nào đó sẽ trở về xây dựng lại đất nước, phục hồi lại những truyền thống bao dung tốt đẹp của dân Việt. Bây giờ đã đứng tuổi, nhìn lại những ngày phấn đấu để sống còn nơi xứ người, cô không khỏi ngạc nhiên với nghị lực dũng mãnh của chính mình.

Cuộc đời phấn đấu không ngừng như vậy rất tiêu biểu cho phụ nữ Viêt Nam hải ngoạị. Họ khác hẳn thế hệ trước và năng động hơn nhiều. Họ không những là các bà mẹ Mỹ, mẹ Pháp.... mà họ còn là các bà mẹ rất Việt Nam nữa. Họ vẫn còn phải lo ‘đóng hụi chết’ cho bà con ruột thịt còn sống vất vưởng nơi quê nhà. Những gói quà, những phần tiền dành dụm gởi về cho người thân là những niềm hy vọng lớn lao cho những người ở nhà nhưng cũng là những gánh nặng đè lên đôi vai gầy của những phụ nữ Việt Nam hải ngoại. Những hình ảnh bi hùng đó hiếm ai nhìn thấy, kể cả những người đang chịu ơn họ ở quê nhà. Chính những người thân trong gia đình cũng thường tưởng họ đang sống trên nhung lụa như trong các phim ảnh hào nhoáng. Có bao giờ họ dám kể những nỗi cực khổ của mình cho cha mẹ, anh em. Chính quyền cộng sản ca tụng những đồng tiền hàng tỷ đô-la gửi về nhưng không hề biết đến công khó của họ mà còn lắm khi bôi nhọ các sự hy sinh của họ. Thật là một điều đáng buồn và bất công. Không phải tất cả các phụ nữ Việt lúc ra hải ngoại đều thành công cả. Dĩ nhiên đã có những người chịu không nổi áp lực tứ bề của cuộc sống, của sự cô đơn và thất vọng nên đã thất bại và vẫn còn phải sống cơ cực, nhưng đa số đã vươn lên và thành công tốt đẹp. Nếu không, làm gì ta có một thế hệ thứ hai đang sống rất vững mạnh tại hải ngoại? Đó là một sự kiện hiển nhiên không ai có thể chối cãi đuợc dù ta đang sống ở đâu đi chăng nữa.

Cuộc sống kinh tế khó khăn nhưng họ vẫn vượt qua và có những sinh hoạt văn hóa rất đáng kể. Những người PNVNHN hình như đã thay đổi rất nhiều để thích ứng với hoàn cảnh mới. Cộng đồng Á Châu nói chung, và cộng đồng Việt Nam nói riêng đã khác hẳn với các công đồng thiểu số khác với sự lớn mạnh, hòa hợp và trưởng thành mau lẹ vào đời sống mới. Họ đã mau chóng ra khỏi giai đoạn được bảo trợ, sống nhờ vào các hệ thống từ thiện và an ninh xã hội của các nước họ định cư và trở thành những thành phần đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa và sự thịnh vượng kinh tế cho các xứ sở mới đang dung chứa họ. Họ đã lột xác để trở thành những con người đa dụng hơn so với thế hệ trước. Họ đã tham gia vào các sinh họat trong xã hội mới, làm những nghề mà trước đây phụ nữ ít khi đặt chân tới. Ngoài những nghề rất thông thường trong giới phụ nữ như buôn bán, dạy học, y tá, bác sĩ, nha sĩ, … ta còn thấy nhiều khuôn mặt phụ nữ trong các lãnh vực luật pháp, ngân hàng, quản tri, tài chánh, địa ốc, bảo hiểm, truyền thông, vân vân. Một số đã làm chủ hay điều khiển các đài phát thanh hay những công ty tài chánh, thương mại. Họ cũng hoạt động mạnh trong lãnh vực nghệ thuật như ca nhạc hôi họa và phim ảnh. Trong giới nghệ sĩ chúng ta không lạ gì những tên tuổi như Kiều Chinh, Mai Hương, Kim Tước, Khánh Ly cuả thế hệ 1A hay những khuôn mặt trẻ trung hơn như Khánh Hà, Ý Lan của thế hệ 1B. Trong văn giới phải kể đến Nhã Ca và những tài năng trẻ hơn như Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến, Miêng, Đỗ Quỳnh Dao tại Pháp, Trần Mộng Tú tại Hoa Kỳ và nhiều người nữa. Trong lãnh vực hội họa có Bé Ký, Nguyễn Thị Hợp, vân vân. Rất nhiều người tuy tên tuổi không thường được nhắc đến nhưng đã đóng góp không ít cho đời sống cộng đồng Việt ở hải ngoại. Sự hiện diện phồn thịnh của các cơ sở thương mại Việt Nam ở California, Texas, Washington, Washington D.C, hay ở Canada, Pháp, Australia và rất nhiều nơi khác trên thế giới là những bằng chứng cụ thể do những bàn tay và khối óc của PNVNHN.


THẾ HỆ THỨ HAI

Thế hệ thứ hai tiếp nối những thành quả của Mẹ. Thế hệ này bây giờ đã trên 30 tuổi. Một số rời Việt Nam lúc chưa tới 20 tuổi và trưởng thành ở hải ngoại. Một số sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Họ đã hấp thụ văn hóa tự do xứ người và đã chứng tỏ một sự lột xác rõ rệt, thoát ra khỏi sự gò bó cổ truyền, tiếp nhận văn minh Tây Phương, thể hiện một đường lối sống tự do nhưng vẫn duy trì những cái hay, cái đẹp của truyền thống Việt Nam và cũng rất thành công trong mọi lãnh vực. Sự đóng góp của những người con gái Việt Nam sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại có nhiều sắc thái đặc biệt. Đa số, họ nhìn cuộc đời lạc quan và cởi mở hơn, ít bị ám ảnh bởi chiến tranh và đau khổ ngục tù của thế hệ trước. Cuộc chiến trước 1975 dường như chỉ là bóng mờ. Một số cũng có nhiều khắc khoải, muốn trở về nguồn cội, tìm lại tình yêu quê hương một cách rất hồn nhiên, không oán thù sợ hãi. Mặc cảm của người di tản dường như không còn nữa. Họ trực diện với cuộc đời, tranh đấu ráo riết để thành công trong mọi lãnh vực. Rất nhiều trường hợp, sau khi đã thành công, họ hướng về nguồn cội, tìm lại cá tính của chính mình, khi nhận ra mình có một cái gì khác lạ với dân bản xứ, dù chính họ cũng sinh ra trên cùng một đất nước, và đôi khi chính cha, hay mẹ họ cũng là người bản xứ. Họ nhận ra trên khuôn mặt họ vẫn có một nét gì rất Á Đông, rất Việt Nam. Họ trở về, hoặc là trên những chuyến du lịch thăm Việt Nam, hoặc là trong các sinh hoạt tâm linh sáng tạo nghệ thuật. Với họ, các gánh nặng, trách nhiệm trợ giúp kinh tế cho người thân tại ViệtNam không còn nữa. Họ nhìn lại hoàn cảnh đất nước Việt Nam với cái nhìn khác hơn thế hệ trước. Họ sốt sắng tham dự vào các phong trào từ thiện, cứu giúp người nghèo khó, các trẻ mồ côi với tình đồng loại chứ không phải như người ruột thịt nữa. Tại các nơi đang sống, họ tham gia vào các sinh hoạt như một công dân bản xứ. Ngoài các hoạt động lo cho sinh kế, họ bắt đầu tham dự vào các sinh hoạt chính trị điạ phương như những người bản xứ đích thực. Thực ra họ đã trở thành người bản xứ, tích cực tham dự vào cuộc sống địa phương. Quê hương Việt Nam đối với họ chỉ là những khắc khoải tâm linh, muốn tìm lại nguồn cội mà thôi. Dĩ nhiên họ cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình, họ cũng phải cố gắng lo về sinh kế nhưng khác hẳn với thế hệ trước, họ sẵn sàng chọn việc làm mà họ thích thay vì việc làm đem lại nhiều lợi tức. Tinh thần tự do cá nhân, độc lập kinh tế được thể hiện rõ rệt ở thế hệ này vì dù sao họ cũng không còn tiêm nhiễm văn hóa Việt Nam sâu xa như thế hệ trước và hoàn cảnh cũng như khả năng kinh tế của họ cũng cao hơn thế hệ trước. Họ tự tin và bình đẳng với phái nam và có nhiều cơ hội cũng như tinh thần cá nhân hơn thế hệ trước. Sự tự tin và tinh thần cá nhân đã được thể hiện rõ ràng qua các thành quả mà thế hệ này đã và đang đạt được. Ngoài các nghề thường thấy, họ còn xuất hiện trong lãnh vực tài chánh, quản trị và chính trị dân cử nữa. Họ đã chính thức rời khỏi mặc cảm di dân của thế hệ trước và bước vào sinh hoạt của ‘dòng chính’. Đã có các thẩm phán, những chức vị dân cử là phụ nữ gốc Việt ở nhiều nơi trên thế giới, đó là điều hiếm thấy ở phụ nữ, ngay cả các phụ nữ đang sống tại Việt Nam. Các PNVNHN ở thế hệ này cũng thấy xuất hiện ở các lãnh vực nghệ thuật, phim ảnh, thương mại, giáo dục, thời trang, chính quyền, truyền thông, quân sự, khoa học kỹ thuật, thể thao. Trong giới khoa học chúng ta không mấy ai không biết đến kỹ sư Dương Nguyệt Ánh, nguời đang điều khiển Viện Nghiên Cứu Vũ Khí cho quân lực Hoa Kỳ và vừa được trao tặng huy chương an ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ. Danh sách các thành quả của họ được liệt kê chi tiết trong các trang trên mạng lưới toàn cầu, xin tạm liệt kê vài trang tiêu biểu như sau:
www.covn.org ,
www.vaylc.org (Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt Tại Hoa Kỳ, Vietnamese American Youth Leader Conference)
www.ameredia.com/demographics/vietnamese.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_American

Lời kết

Cuộc di tản 1975 và những cuộc vượt biên tìm tự do của dân Việt trong 20 năm sau đó, đã làm bao nhiêu người Việt đau khổ cùng cực vì phải bỏ quê hương ra đi tìm Tự Do. Hàng triệu người Việt đã phải sống ly hương trên khắp thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, thống kê năm 2006 đã ghi nhận có 1,599,394 người Hoa Kỳ gốc Việt sinh sống. Dân Hoa Kỳ gốc Việt đã đóng góp nhiều cho văn hóa cũng như kinh tế Hoa Kỳ. Dân Việt cũng đã góp phần tích cực và làm giàu cho văn hóa và kinh tế các quốc gia đã dung chứa họ như Canada, Pháp, Úc, Anh, vân vân … và đồng thời đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam hàng tỷ Mỹ Kim mỗi năm, một nguồn viện trợ mà chính quyền Việt Nam không thể có từ bất cứ một cường quốc nào trên thế giới. Đa số Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại cũng đã thoát khỏi những khó khăn ban đầu và thế hệ thứ hai đang mạnh dạn tiến vào sinh hoạt của dòng chính tại nơi họ đang sống, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng Bà Triệu. Họ đã làm rạng danh dân tộc Việt và măc dù phải tha hương, họ vẫn vùng lên sống hùng sống mạnh trong thế giới Tự Do, làm giàu cho văn hóa Việt và các nền văn hóa khác trên thế giới.
Cách đây khoảng 50 năm, nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết về Phụ Nữ Việt Nam:
“Nếu chữ Hy Sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươí”

Những vần thơ bất hủ này áp dụng cho Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại vẫn vô cùng thích hợp.


Nguyễn P. Hưng
Dec 2007

Tình Đầu

HiềnVy

1


Lấy tay lau những giọt nước mắt cứ liên tục chảy dài xuống má, Châu Thúy ngả đầu vào khung cửa sổ nhỏ của chiếc phi cơ 747, đang mang nàng xa dần gia đình và bạn bè. Bên ngoài, trời trong sáng, khác hẳn trời Sàigòn đầy mây với mưa tầm tã khi máy bay cất cánh.

Nhắm mắt lại, nàng hình dung đến khuôn mặt của Mẹ đầm đìa nước mắt, đến đôi mắt cương nghị của Bố long lanh ướt khi tiễn nàng vào cửa máy bay. Bố mẹ đã quyết định cho nàng sang Pháp học khi nàng xin được học bổng. Dù rất buồn vì phải xa nàng, Mẹ cũng đành lòng cho nàng đi.
Đã hai năm liên tiếp, Châu Thúy cùng Mẹ lo xin được miễn tuổi để thi Tú Tài I và II. Và cả hai năm, nàng đã không làm Bố Mẹ thất vọng với hạng Bình. Châu Thúy khóc thút thít, nhớ lại mới hôm qua, hai mẹ con còn nằm tâm sự trong nhà cậu Hoàng, trên đường Cách Mạng 1 Tháng 11, Mẹ dặn dò đủ chuyện. Mười bảy tuổi, một thân một mình sang Pháp, Châu Thúy cũng ngại, nhưng đã lỡ rồi, làm sao kêu máy bay ngừng cho nàng nhảy xuống, hay nhờ phi công quay đầu lại ...

- Cô có cần uống nước gì không?
Châu Thúy giật mình khi nghe tiếng của một người đàn ông hỏi bên tai. Nàng bối rối ngồi thẳng người lên, quay nhìn bên tay trái của mình, ngập ngừng:
- Dạ không.
Người đàn ông có mái tóc nâu nhạt, đôi mắt hạt dẻ, sóng mũi thật cao, da trắng, đưa bàn tay phải ra trước mặt nàng:
- Tôi tên André, hân hạnh được biết cô.
Châu Thúy bối rối, vụng về đưa tay ra, rồi ngượng ngập nói:
- Hân hạnh được biết ông.
Cầm tay nàng, André cười nhẹ, nói:
- Cô khóc nhiều quá, có lẽ đây là lần đầu tiên cô xa nhà?
- Dạ
Vừa dứt lời, nước mắt lại rơi đầy trên má Châu Thúy. André kéo trong túi ra một bao giấy Kleenex, đưa cho nàng:
- Cô dùng giấy này nè, khăn tay của cô ướt đẫm hết rồi.
Chờ Châu Thúy lau nước mắt xong, André hỏi:
- Cô tên gì?
- Châu Thúy
- Cô đi đâu đây?
- Dạ, Pháp.
André reo lên:
- Vậy là cô sẽ cùng bay đến Paris với tôi rồi. Vui quá!
Châu Thúy ngớ ngẩn hỏi lại:
- Ông cũng đi Paris à?
- Đúng vậy, tôi về thăm gia đình. Lâu rồi tôi chưa gặp lại mẹ tôi.
- Sao vậy?
- Tôi là ký giả, đi làm xa hoài, ít khi về lại Paris. Còn cô, đi Paris làm gì?
- Dạ đi học.
- Thảo nào cô nói tiếng Pháp chuẩn quá.
Châu Thúy ngượng ngùng:
- Dạ cũng tàm tạm thôi.
- Không tàm tạm đâu, tôi nói thật mà.
- Cám ơn ông.
- Cô ở Sàigòn hay ở đâu?
- Dạ, Huế.
- Cô là học sinh Đồng Khánh?
- Dạ không, tôi học Jeanne D’Arc.
- Thế thì tôi không ngạc nhiên nữa khi cô nói tiếng Pháp gần giống người Pháp.
Châu Thúy bẽn lẽn đáp nhỏ:
- Ông quá lời rồi.
André cười lớn rồi vỗ nhẹ vào vai Châu Thúy:
- Thôi, đừng khiêm nhượng nữa, cô bé. Tôi hỏi nè; sao cô có nhiều nước mắt thế?
- Tôi không biết.
Châu Thúy bật cười sau câu trả lời và André cười theo.

*

Nhìn đôi mắt tròn xoe của người bạn nhỏ đồng hành đang mở lớn, André tiếp câu chuyện:
- Tôi thích làm phóng viên chiến trường vì tôi thấy thế giới bên ngoài cần được biết rõ cuộc chiến đang xảy ra tại Việt Nam.
Với vẻ khâm phục, Châu Thúy hỏi:
- Ông không sợ nguy hiểm sao?
- Cũng có lúc sợ ... nhưng mỗi người đều có số phần của mình.
- Ông là người Pháp mà cũng tin vào “số phận” sao?
- Tin chứ.
Châu Thúy tò mò:
- Tôi tưởng chỉ có người Á Châu mới tin vào số phận thôi chứ!
- Không, cô sai rồi, người Pháp chúng tôi cũng tin vào “số phận” và “nhân quả” như một số lớn người Việt đó cô ạ.
- Có nhiều người Pháp tin như vậy không ạ?
- Tôi không biết có bao nhiêu người tin như vậy, nhưng riêng tôi, tôi rất tin.
André nhìn cô gái với vẻ hoài nghi, tiếp:
- Chắc là cô không tin hả?
- Tại sao ông hỏi vậy?
- Thấy cô còn nhỏ, lại học trường Tây, chắc chắn là các Souer không dạy như vậy đâu!
Châu Thúy gật đầu:
- Đúng là trong trường không dạy như vậy, nhưng tôi vẫn theo mẹ tôi lên chùa mỗi tuần nên được biết chút đỉnh về “nhân quả.”
Quay người qua một chút, nàng tiếp:
- Thế còn ông, bằng cách nào ông lại tin vào nhân quả?
André nhấc ly nước đang uống dở, nhắp một ngụm nhỏ, ra chiều suy nghĩ, chậm rãi trả lời:
- Chuyện của tôi dài dòng lắm, không biết kể đến lúc nào mới hết, nhưng để tôi tóm tắt một chút cho cô nghe nhé ...
Đặt ly nước xuống, ông nhìn ra ngoài khung cửa hẹp của máy bay, mắt mơ màng, tiếp:
- Tôi có một người bạn Việt Nam, anh là một tu sĩ Phật giáo, anh dạy tôi về Phật pháp, và dạy cả tiếng Việt nữa.
- Bạn ông đang ở đâu?
- Bạn tôi đang ở ngay Paris, dạo trước bạn tôi ở bên Mỹ nhưng mới qua Pháp chừng vài năm nay thôi.

2

Lầm lũi đi hết đường này qua đường khác trong khu chợ Quận 13, cuối cùng Châu Thúy bước vào một tiệm ăn Tàu. Kêu một tô mì và ly trà nóng xong, nàng chậm rãi cởi bớt áo choàng ra. Ngồi chờ thức ăn, nàng kéo trong ví ra tờ điện tín đã nhàu nát, Châu Thúy đọc lại hàng chữ đánh đi từ Sàigòn: Bố Mẹ sẽ rời Sàigòn ngày mai ...

Từ lúc nhận được bức điện tín, Châu Thúy lo lắng vô cùng, không biết bố mẹ sẽ đến đâu. Hơn 2 tuần vẫn chưa có tin tức của bố mẹ. Sàigòn đã thất thủ, tin tức, hình ảnh trên báo chí, trên vô tuyến truyền hình làm nàng mất ăn mất ngủ.
Mới qua đây hơn một năm, đang chập chững làm quen với đời sống sinh viên xa nhà, Châu Thúy vẫn còn khóc vì nhớ bố mẹ và đôi khi nàng nhớ đến người ký giả đã gặp trên chuyến bay từ Sàigòn qua Paris. Trong lúc buồn vì xa nhà, sự chăm sóc của ông đã làm nàng cảm động. Trên chuyến bay mười mấy giờ đồng hồ, ông đã kể cho nàng nghe nhiều về người bạn của ông, cũng như đã nói cho nàng nghe về thuyết nhân quả của Đạo Phật. Lúc thì bằng tiếng Pháp, có lúc thì bằng tiếng Việt.

Cả năm nay, mỗi khi có dịp về lại Paris, nàng lang thang trên đường phố với hy vọng mong manh là sẽ được gặp André. Từ ngày chào nhau tạm biệt ở phi trường Orly, nàng tưởng rồi thế nào cũng gặp lại, nhưng Paris không nhỏ như Huế. Mỗi lần có dịp nghỉ học vài ngày, nàng lại leo lên xe lửa từ Caen về Paris. Đi bộ nhiều lần trong vườn Luxembourg, rồi lê chân qua những con đường vắng người, nàng đã giật mình vài lần khi thấy có người dáng dấp hao hao giống André.

Đưa mắt lơ đãng nhìn ra phố đêm, ánh đèn vàng làm Châu Thúy càng nhớ những đêm mùa Thu ở Huế. Nàng nghĩ đến bố mẹ và rồi lại nghĩ tới André. Lạ thật, chỉ một lần gặp gỡ mà vấn vương cả cuộc đời như vậy sao. Nàng nhớ lại những câu chuyện André kể về những lần ra chiến trường làm phóng sự. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt trên quê hương nàng, không biết André ở đâu.

*

- Châu Thúy, bây giờ cháu tính sao đây?
- Dạ cháu không biết tính sao cả.
Đáp xong, Châu Thúy nhìn bà Nam rồi cúi xuống trang sách, những ngón tay bối rối mân mê cây bút chì đang cầm. Bà Nam nhìn nàng một lúc, rồi ngập ngừng:
- Sàigòn mất cũng mấy tháng nay rồi, tin bố mẹ cháu thì biền biệt, cháu có định học tiếp không?
- Dạ cháu cũng không biết nữa, thưa Bác.
- Sàigòn mất thì chắc chắn là cháu sẽ không còn học bổng nữa ...
- Dạ cháu biết, vì cháu được học bổng quốc gia, mà bây giờ...
Châu Thúy nghẹn lời, cố dấu những giọt lệ, nàng chậm rãi tiếp:
- Cháu sẽ xin việc làm và sẽ cố học tiếp.
- Vậy thì tốt quá.
Bà Nam thở ra nhẹ nhỏm, như vừa trút được gánh nặng:
- Cháu biết là hai bác cũng muốn giúp cháu nhưng đời sống càng ngày càng khó khăn... Mẹ cháu là bạn thân của bác nhưng bác cũng không thể lo cho cháu như bố mẹ cháu được.
- Dạ, cháu biết, cháu cám ơn bác ...
- Cháu có thể xin đi bán hàng hay giữ trẻ con sau giờ học ...
- Dạ, cháu sẽ tính.

Sau vài tuần khó nhọc kiếm việc làm, cuối cùng Châu Thúy cũng tìm được một chân bán hàng trong tiệm bán thực phẩm. Lúc đầu không quen việc, làm gì cũng chậm chạp, nhưng lần lần mọi việc cũng xong. Nàng gặp nhiều người Việt Nam mới đến Pháp sau Tháng Tư Năm 1975, hỏi thăm tin tức về những ngày cuối cùng của Sàigòn để rồi buồn bã thất vọng vì không tìm được tung tích của cha mẹ nàng.

Nàng không ngờ ngày từ giã bố mẹ năm nào lại là ngày cuối được thấy mặt song thân. Tự nhiên thành mồ côi, bơ vơ nơi đất lạ. Tin tức cha mẹ không biết, bà con họ hàng cũng không. Viết thư về nhà cậu Hoàng ở Sàigòn, thư không được trả lời. Gởi thư về Huế cho gia đình cũng không thấy hồi âm. Nàng hình dung đến cảnh bố mẹ đã không may mắn, khi chen lấn xuống tàu trong những ngày cuối của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, hoặc bị đạn pháo kích trong phi trường Tân Sơn Nhất lúc đang chờ chuyến bay...

Bức thư cuối nàng nhận được của Mẹ, khi bố mẹ nàng đã vào tới Sàigòn sau những ngày lênh đênh trên biển, từ Đà Nẵng. Mẹ đã kể về đoạn đường bộ gay go từ Huế vào Đà Nẵng, trước khi Huế thất thủ, rồi khi đến Vũng Tàu, và cuối cùng là Sàigòn vào những ngày hỗn độn giữa Tháng Tư năm 1975 ...
Châu Thúy không dám suy nghĩ nhiều, nhưng rồi những cảnh vượt biển bị hải tặc tấn công đã làm nàng khủng hoảng nhiều đêm.

*

Nắm chặt tay Châu Thúy, Simone hỏi bạn:
- Mày nhất định không chịu nhận việc với hãng điện thoại khi ra trường thật sao?
- Tao muốn lắm chứ, nhưng tao phải về Việt Nam kiếm tin tức của bố mẹ tao xem thế nào hẳn.
- Thì mày đi làm vài năm rồi về kiếm cũng được cơ mà.
- Gần mười năm không có tin tức của bố mẹ tao, tao không chờ được nữa.
- Mày chờ được gần mười năm, thì có chờ thêm vài năm nữa cũng đâu có sao?
Rút tay ra khỏi tay bạn, Châu Thúy đáp nhỏ:
- Có sao lắm chứ, tại mày không hiểu thôi.
- Hay là mày lại nhất định kiếm cho ra anh chàng phóng viên ngày xưa?
Châu Thúy cười nhỏ, rồi gật gật đầu:
- Cũng có thể.
Simone lắc đầu:
- Tao không hiểu được mày! Tại sao chỉ một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên đường bay từ Sàigòn đến Paris mà mày nghĩ là mày yêu ông ta được?
- Tao đã kể với mày nhiều lần rồi mà.
- Ừ, thì mày đã nói nhiều lần, nhưng tao vẫn không tin được.
Giọng Châu Thúy buồn buồn:
- Mày không tin cũng phải thôi, vì tình cảm người Á Đông chúng tao hơi khác ...
- Mày ở đây gần mười năm, trước đó mày lại học trường Tây mà sao mày vẫn “nhà quê” như vậy được?
- Thì tao đã nói với mày rồi mà.
Simone lắc đầu thật mạnh, mái tóc ngắn, vàng óng ả bay qua bay về, làm khuôn mặt cô như cứng rắn hơn:
- Chỉ tại ông ta là người đàn ông đầu tiên nắm tay mày, phải không?
- Ừ, nhưng không phải chỉ có vậy thôi đâu!
Cười chế nhạo, Simone gằn giọng:
- Tại vì ông ta dạy cho mày về “số phận,” về “nhân quả” nữa, phải vậy không?
Châu Thúy im lặng không trả lời, nàng biết bạn thương mình nên không buồn lòng khi thấy bạn khó chịu. Simone nhìn bạn, dịu giọng:
- Xin lỗi mày, tại tao thấy vô lý quá. Cả một thập niên mày nhớ cha, nhớ mẹ, cái đó tao hiểu, nhưng cũng cả mười năm trời, mày ôm ấp một bóng hình “ông già” phóng viên chiến trường đó, rồi mày sống như một nữ tu ... vô lý quá, Châu Thúy à.
- Cám ơn mày.

3

Đạp xe qua những con đường quen thuộc ngày trước, Châu Thúy nhìn lên bầu trời xanh trong, lòng bồi hồi nhớ lại ngày xưa. Cùng với Mẹ, nàng đã đi dưới những hàng cây Đuốt mát rượi vào những buổi chiều tắt nắng.

Trở lại Huế, nàng đã đến ngay căn nhà cũ tìm bố mẹ. Ra mở cửa cho nàng là một người đàn ông xa lạ, Châu Thúy hỏi thăm, ông ta hoàn toàn không biết người chủ trước là ai. Thất vọng, nàng cám ơn rồi lên xe đạp tiếp.

Qua khỏi dốc Nam Giao, Châu Thúy mệt lả người, nàng xuống xe, dắt bộ. Bên kia đường, một tấm bảng màu vàng, chữ đỏ, “Cô Nhi Viện Đức Sơn” đập vào mắt nàng. Mình cũng mồ côi mà, nàng nghĩ, và băng qua đường.

- Các em trong chùa ni tội lắm cô nờ, có em mất cả ba lẫn mẹ, có em nhà nghèo quá, ba mạ nuôi không nổi, đem đến nhờ Chùa nuôi dùm ...
Tiếng Sư Cô trụ trì chậm chậm bên tai, Châu Thúy nhìn một bé gái kháu khỉnh đứng nép vào tường, đang mở lớn mắt nhìn nàng. Nàng ra dấu cho con bé tới gần, nhưng con bé cứ đứng yên một chỗ. Sư Cô trụ trì cười, nói tiếp:
- Cháu nớ tên Châu, mới được một ông ký giả Pháp xin rồi đó cô, chừng vài tuần nữa thì cháu sẽ theo cha nuôi về Pháp.
Châu Thúy bỗng cảm thấy hồi hộp, ngập ngừng một lúc, nàng quay qua Sư Cô, hỏi:
- Ở đây có cho nhận con nuôi hả, Sư Cô?
- Có chớ cô, ai xin thì Chùa cho bớt, chớ đông các cháu quá, quí cô nuôi cũng không xuể.
- Thưa Sư Cô, con có thể hỏi tên người cha nuôi của bé Châu được không?
Sư Cô trụ trì cười ngượng ngập:
- Được chơ cô, nhưng mà tui không biết đọc tiếng Tây, tui gọi ổng là ông Ăn Đê, còn mấy Cô nhỏ trong Chùa thì kêu là Ăn Đi ...
Cười ngượng ngùng, Sư Cô trụ trì tiếp:
- Cái ông Ăn Đê ni tức cười lắm cô nờ, ổng nói là mười năm trước, ổng gặp một cô gái Việt Nam tên là Chau Tuy, hay Châu Thuy gì đó, ổng nói không rõ lắm, thành ra tui cũng không biết tên cô Việt Nam đó, rồi ông kể là họ mất liên lạc, ổng kiếm hoài không được vì nước mình bị giải phóng đó cô.
Châu Thúy kinh ngạc, hỏi dồn dập:
- Ủa, Sư Cô nói ông là người Pháp, tên là André, hả cô?
Sư Cô trụ trì gật đầu:
- Đúng rồi, ổng người Pháp, mà tên, thì trong chùa quí cô cứ kêu là Ăn Đê đó. Mấy tháng trước, ổng tới đây, thấy cháu Châu, ổng nói cháu giống cái cô Chau Tuy chi đó, nên ổng xin làm con nuôi. Ủa mà cô mới bên Tây về, phải không nờ?
Nhìn Châu Thúy, Sư cô trụ trì mời:
- Cô ở đây ăn cơm cho vui, chiều ni ông Ăn Đê có nói là sẽ ghé Chùa đem thêm áo quần cho bé Châu.

Châu Thúy không cầm được xúc động, nước mắt dàn dụa, nàng không còn nghe được vị Sư Cô nói gì nữa. Hình ảnh André bỗng hiện ra rõ rệt như hôm ngồi trên máy bay mười năm về trước.

Tiếng Sư Cô trụ trì văng vẳng bên tai:
- Ủa mà răng cô khóc rứa? Ừ lạ kỳ, ai tới Chùa, thấy mấy cháu cũng thương, rồi cũng khóc hết ... ./.



Hiền Vy
February 2005

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2008

Tìm Em Vô Thường / Vũ Thị Thiên Thư

Xin mời bấm vào tựa bài để nghe Hiền Vy diễn đọc
Tìm em vô thường

Em là hoa ngọn cỏ may
Anh như sương sớm đầu ngày vấn vương
Ta lang thang khắp mười phương
Chút duyên tri ngộ vô thường chờ nhau

Em là núi biếc rừng sâu
Anh như trăng muộn dãi dầu trời cao
Tìm nhau cho trọn duyên đầu
Từ khai thiên hẹn một câu chung tình

Em là biển ngát âm thinh
Anh bờ bến lạ cuối gềnh sóng xô
Ta duyên bèo bọt ơ hờ
Nghìn năm nhạc sóng vổ bờ miên man

Em là suối bạc non ngàn
Anh như giọt nắng về ngang soi mình
Chờ nhau cho trọn nghĩa tình
Nhớ nhau muôn thuở lênh đênh giữa trần

Em là thơ giữa tầng không
Anh tờ giấy lụa phiêu bồng chốn đâu
Bút nghiên nối một nhịp cầu
Chút duyên mực đọng thành câu giao hoà

Em là cơn gió nhẹ qua
Anh là chú tiểu dưới toà ngũ quên
Khói hương dỗ giấc êm đềm
Bay câu kinh kệ xuống miền trầm luân

Vũ Thị Thiên Thư


Ty Thảo/ Vũ Thị Thiên Thư

Ty thảo
Thân mềm như lá cỏ
Còn đọng hạt sương mai
Tâm thành như trăng tỏ
Ánh hào quang mê say
Vũ Thị Thiên Thư

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2008

Sinh Viên Việt Nam tại Texas tổ chức Biểu Tình Chống Trung Quốc

Thứ Bảy Ngày 19 Tháng Giêng Năm 2008

Mời bấm vào tựa để nghe

Houston biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 2, ngày 19 tháng Giêng 2008


Sau một đêm mưa gió tầm tã, sáng thứ Bảy, 19 tháng Giêng năm 2008, trời Houston trở nên quang tạnh. Trên 300 người, hưởng ứng lời kêu gọi của sinh viên ViệtNam, đã không ngần ngại trước cái lạnh thấu xương của mùa Đông, họ tụ tập trước tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại Houston, biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa của ViệtNam.

Rất nhiều người trẻ có mặt, các em cho biết lý do đã thôi thúc các em tham dự cuộc biểu tình:

“David Nguyen: Em muốn đứng lên tranh đấu cho niềm tin của em, bảo vệ quê hương, chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc”

“Rachael 7 tuổi, đến đây hôm nay để bảo vệ ViệtNam”

“Nguyễn Anh Thư: ViệtNam là đất nước của con nên con phải gìn giữ đất nước cho thế hệ sau”

“Cháu tên là Diệp Đoàn, sinh viên trường Đại Học Houston, lý do cháu đến đây là muốn tiếp nối lời kêu gọi cuả thanh niên sinh viên ở ViệtNam. Họ đã can đảm đứng lên để chống đối… Sinh viên hải ngoại và sinh viên trong nước cần phải giúp nhau, cùng nhau bắt tay làm việc để có một tương lai tốt đẹp cho ViệtNam…”

Khiêm, 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba, đại học Houston nói rằng:

“Cháu đến đây để chống đối và lên án Trung Quốc xâm chiếm các quần đảo của ViệtNam, cũng như để ủng hộ thế hệ cha ông và kêu gọi các bạn trẻ đoàn kết. Việt Nam là một phần của cháu, cháu không thể quên được điều đó, nên cháu phải làm bất cứ những gì cháu có thể làm được, để giúp đồng bào của cháu, và để giúp quê hương của cháu sớm có được tự do, dân chủ …”

Cuộc biểu tình để tố cáo trước công luận thế giới về dã tâm bành trướng thế lực của Trung Quốc nhằm bá chủ biển Đông và khống chế các nước láng giềng, cũng còn để phản đối sự đàn áp các tiếng nói yêu tổ quốc của sinh viên trong nước,

“This demonstration to let the media knows China’s aggressive expansion southward into Vietnamese sea and soil, we support the suppressed demonstration organized by students in Vietnam”

Đồng thời cũng để tưởng niệm sự hy sinh của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã mạng vong trong cuộc hải chiến chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc, để bảo vệ Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974:

“… tưởng niệm các chiến sĩ đã bỏ mình ở quần đảo Hoàng Sa và ủng hộ các cuộc biểu tình của sinh viên tại ViệtNam”

Calvin Trần cho biết những biểu ngữ của các sinh viên tại quê nhà, trong các cuộc biểu tình là một trong những động lực thúc đẩy các sinh viên tại hải ngoại:

“… Biểu ngữ đó có hình người dân ViệtNam, bị bàn chân của một người Trung Hoa to lớn đạp lên và người ViệtNam này đang kêu gào : Ối, có giặc cướp tới nhà, nhưng bên tay phải của người to lớn đó, thì có một người đàn ông nhỏ, mà trên cái mũ có chữ Hà Nội …, đang khoát tay ông ta …”

Một số du sinh ViệtNam đã giúp ban tổ chức cũng như tham dự cuộc biểu tình nhưng vì nhiều lý do tế nhị nên không công khai tên tuổi được

“Có một số bạn từ U of H, từ trường dược ủng hộ tụi em, nhưng vì lý do hoàn cảnh ở Việt Nam nên không thể trả lời phỏng vấn được …”

Các khẩu hiệu đã được hô lớn và lập lại nhiều lần như:

“Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam”, “Ðả đảo Trung Quốc xâm lược Việt Nam”, “Hoan hô quân lực VNCH hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, “Phạm Văn Ðồng bán nước”, “Hồ Chí Minh bán nước” …

Những người đồng hương đã bày tỏ sự ủng hộ không chỉ qua lời nói mà còn đóng góp tiền bạc để giúp các sinh viên làm việc:

“Tôi rất sung sướng và hãnh diện bởi vì các em ở đây, không tiếp xúc nhiều với quê Mẹ, mà dòng máu yêu nước vẫn chảy trong huyết quản của các em …”

“Theo lời kêu gọi của các anh em sinh viên Houston, Du Hạ cùng với con trai mới 2 tuổi cũng đến đây …”

“Các em tuy nhỏ nhưng đầy nhiệt tình …”

Hiền Vy tường trình từ Houston, Texas
.

SV Việt Nam Tại Texas Vận Động Biểu Tình Chống Trung Quốc

Mời bấm vào tựa để nghe

Sinh viên Việt Nam tại Texas
vận động biểu tình chống Trung Quốc

2008.01.15
Hiền Vy, thông tín viên RFA



Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán. Như mọi năm, những sinh hoạt mừng Tết, đón Xuân được loan báo trên các cơ quan truyền thông báo chí, nhưng năm nay, nổi bật nhất có lẽ là cuộc vận động của các sinh viên Nha Khoa tại Houston, kêu gọi đồng hương cùng tham dự cuộc biểu tình do các em tổ chức, để phản đối Trung Quốc đang xâm lấn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.


Chiều chủ nhật, 13 tháng 1 năm 2008, trong khuôn viên Siêu thị Hồng Kông 4, đông đúc người đi mua sắm, với đoàn Lân đang nhảy múa, các sinh viên trẻ đứng ở những lối ra vào để phân phát truyền đơn về cuộc biểu tình, sẽ được tổ chức vào thứ Bảy ngày 19 tháng 1 tới đây.

Calvin Trần, trưỏng ban tổ chức cho biết lý do các em chọn ngày này, là để tưởng nhớ đến các chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận Hoàng Sa:

“Ngày 19 tháng 1 này là ngày kỷ niệm 34 năm quần đảo Hoàng Sa của chúng ta đã bị mất trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974, nên tụi em đã quyết định dùng ngày đó để tổ chức cuộc biểu tình. Cuộc biểu tình lần này là do chính chúng em đứng ra tổ chức.

Điều tụi em thấy phải làm cho đất nước nên tụi em làm. Sau đó thì được sự ủng hộ của cộng đồng. Đây là vấn đề chung cho người trong nước cũng như người Việt hải ngoại. Khi chúng ta mất đất thì cả 2 bên cùng đứng dậy đê biểu tình sự quan tâm về vấn đề này.”

Người cộng tác đắc lực với Calvin là KateLynn Lê, qua Mỹ khi mới học lớp 6: “Em chỉ muốn giúp bạn Calvin và phụ một tay để bảo vệ quê hương của mình. Đất nước của mình đã mấy ngàn năm gìn giữ, bây giờ thì lại bị mất Em chỉ muốn giúp thôi. Đối với tụi em bên đây thì dễ hơn, nếu làm được gì thì mình làm cái đó.”

Và những người bạn cùng lớp, không phải người Việt, cũng giúp các em trong buổi vận động này: “Tôi là Ivens Gonalez, tôi đến để ủng hộ các bạn sinh viên cùng trường Nha với tôi, để nói cho thế giới biết những áp lực của Trung Hoa đang đè nặng trên Việt Nam.”


Các em cho biết đã vận động những trường khác cùng tham gia biểu tình, như Đại học Cộng Đồng - Houston Community Colege, Đại học Houston - University of Houston là nơi có nhiều du học sinh ViệtNam đang theo học:

“Hôm qua tụi em đã đến trường U of H để phát truyền đơn, đây là trường đại học có nhiều du sinh Việt Nam nhất. Tụi em đã gặp một số du sinh. Sau khi các bạn đó đọc truyền đơn thì các bạn đó xin thêm, để phát cho những sinh viên khác trong trường.

Em nghĩ lần này sẽ có nhiều du sinh tham gia biểu tình. Em có nói chuyện với nhiều du sinh Việt Nam, các bạn sẽ giúp. Đây là việc chung chứ không còn việc riêng nữa”.

Trước sự nhiệt thành của các sinh viên trẻ, đã có nhiều phụ huynh lên tiếng khích lệ và đóng góp những ý kiến tích cực: “Tôi là Áo Trắng Đà Lạt Xưa của diễn đàn Pal Talk, hôm nay tôi ra đây để cùng với các cháu sinh viên học sinh tại thành phố Houston. Đây là lần đầu tiên các cháu đã ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình trong công việc nói lên tiếng nói để bảo toàn lãnh thổ quốc gia trước sự xâm lăng của Trung Quốc…”

Nhiều đồng hương không những đã ủng hộ các em về tinh thần, họ còn đóng góp tiền bạc để giúp các em thực hiện công việc chung: “Trung Quốc từ hồi nào đến giờ vẫn xâm lấn nước ta, nên tôi ủng hộ sinh viên xuống đường biểu tình. Mình là người Việt Nam, nghe Trung Hoa xâm chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa của mình thì uất ức quá, không biết làm gì, cho nên bây giờ hy sinh mọi thứ để đổi lại chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc mạnh quá nên bá quyền từ bao lâu nay rồi...”

Trong tiếng trống rộn rã của đoàn Lân, Calvin Trần ước mong người đồng hương sẽ tham dự cuộc biểu tình thật đông vào Thứ Bảy, ngày 19 tháng 1

Hiền Vy, tường trình từ Houston, Texas

Đòn Hội Chợ - Audio

Truyện Ngắn
Vũ Thị Thiên Thư viết
Hiền Vy diễn đọc

Mời bấm vào tựa để nghe

Mụ Me Tây - Audio

Truyện Ngắn của Vũ Thị Thiên Thư
Hiền Vy diễn đọc

Mời bấm vào tựa để nghe