Thứ Hai, 4 tháng 2, 2008

Giới Hạn...

Hiền Vy


Đã đóng cửa, đi được vài bước, nhưng Trâm vẫn phải quay lại nhà để lấy chiếc áo chắn gió. Cơn gió từ miền Bắc mang luồng hơi lạnh đến Houston vào buổi sáng sớm trung tuần Tháng Chín, làm không khí dịu hẳn lại dù vẫn đang là mùa Hè. Hình như chỉ khoảng trên 60 độ, cái mát lạnh thoạt tiên tưởng dễ chịu nhưng không dè lại hơi quá đáng, làm cho chiếc áo chắn gió bỗng dưng trở nên thân thương, gần gũi, chở che, như chiếc vỏ ốc lạnh lùng Trâm thường khoác lên mình khi gặp phải những trường hợp khó xử.

Trời đã bắt đầu sáng chậm lúc bình minh và tối nhanh hơn khi chiều xuống nên việc chạy bộ mỗi sáng phải cẩn thận hơn. Làn gió dìu dịu nhưng mát lạnh thật dễ thương, chiếc áo chắn gió như sưởi ấm đôi vai gầy nhưng vẫn không làm những suy tư trong Trâm hết hẳn.

Rất khuya tối hôm trước, Uyên gọi điện thoại, giọng thẫn thờ:
- "Chị ơi! Michelle chết rồi."
Trâm nghe mình thảng thốt hỏi lại:
- "Hồi nào vậy?"
Uyên nói trong nước mắt:
- "Mới chiều nay..."
Ngồi yên trên giường, nghe em gái kể lại những giờ phút cuối của Michelle, lòng Trâm vẫn bàng hoàng, dù biết Michelle bị bệnh nan y đã vài năm nay. Khuôn mặt của Michelle hiện ra rất rõ nét trong đầu Trâm.

***

Chỉ một năm trước khi Michelle bệnh, cô đã về Houston, ở chơi với Trâm một tuần lễ. Trẻ trung, yêu đời, hạnh phúc với việc làm mới, với cuộc hôn nhân còn trong thời kỳ trăng mật, Michelle tỏ ra vô cùng biết ơn người phối ngẫu đã tôn trọng ý nguyện không muốn có con của cô. Trong thời gian Michelle lưu lại Houston, có ngày Trâm nghỉ làm đưa cô đi chơi, có hôm Michelle đi một mình, nhưng tối về, hai chị em thường nói chuyện đến khuya.

Michelle là bạn của Uyên, sinh ra tại Việt Nam, qua Mỹ lúc mới 2 tuổi, nên cô không nói rành tiếng Việt. Cô có thể hiểu được những chuyện thông thường, nhưng khi bàn về những vấn đề hơi phức tạp thì cô không thể am tường mọi chuyện. Cô đã nói với Trâm:
- "Chị là người duy nhất không la em khi biết em không hiểu được tiếng Việt."
Trâm cười với Michelle:
- "Em không có cơ hội học và nói tiếng Việt, thì làm sao lại la em được.”

Không phải Trâm an ủi, hay cố lấy lòng Michelle khi nói vậy, mà sự thật là Michelle đã không có cơ hội. Đến Mỹ năm 75, bố mẹ Michelle lo làm việc để nuôi đàn con. Sợ con cái không theo kịp ở trường nên về nhà anh em của Michelle được khuyến khích nói tiếng Mỹ. Thuở còn đi học, Michelle đã qua hai mối tình với hai chàng trai Việt, nhưng vì những bất đồng quá lớn nên cuối cùng cô lập gia đình với một người bản xứ. Đi làm nói tiếng Mỹ, về nhà lại cũng nói tiếng Mỹ nên cơ hội nói tiếng Việt của cô rất hiếm hoi.

Câu chuyện giữa hai chị em nhiều lần quay quanh vấn đề người Việt, vì Michelle biết Trâm yêu giới trẻ Việt Nam và mong muốn họ biết nguồn cội. Michelle thấy được niềm hãnh diện trong mắt Trâm, khi nghe những tin tức thành công của người Việt. Michelle biết Trâm bận lòng khi nghe tin những người trẻ Việt Nam bị vướng vào vòng tù tội. Michelle đã một lần ngồi bên cạnh trò chuyện với Trâm khi Trâm bận soạn bài cho chương trình trên đài phát thanh của thành phố. Michelle đã kể cho Trâm nghe lý do làm tan vỡ cuộc tình của cô với “đàn ông Việt Nam”, không chỉ một, mà là những hai lần.
Lúc nào Trâm cũng nghe chăm chú, không xen vào cho ý kiến của mình, dù có lúc Michelle rất sôi nổi cho rằng:
- "Đàn ông VN thiển cận, không vị tha, không gallant, ưa lấn ép, không tế nhị, ưa được đằng chân, lân đằng đầu, ..."

Michelle đã cười lớn khi cho Trâm biết cô học câu "được đằng chân lân đằng đầu" của mẹ cô. Bà hay dùng câu này để mắng anh chị em cô. Nghe Michelle nói tiếng Việt không dấu, Trâm đã không nhịn được cười.

Đợi Michelle dứt lời, với một chút nghẹn ngào trong giọng nói, Trâm đã từ tốn cho cô biết ý kiến của nàng. Trâm thông cảm và xót xa với những kinh nghiệm Michelle đã trải qua, nên không nghĩ Michelle quá cố chấp khi "buộc tội" Đàn Ông VN quá đáng như vậy, nhưng Trâm cũng cho cô biết có lẽ những "đàn ông Việt Nam cố chấp" như Michelle nói chỉ là một số rất nhỏ mà thôi. Và không chỉ riêng cô đã xui xẻo gặp, cá nhân Trâm cũng hơn một lần gặp phải loại người như vậy.

Trâm đã chia sẻ với Michelle vài "đụng chạm" trong đời sống hàng ngày nàng gặp phải và kết luận đó chỉ là sự không may của mình mà thôi. Khi nghe Trâm kể về sự sỗ sàng của vài người, vừa đàn ông, vừa đàn bà mà Trâm đã gặp phải, không chỉ là hành động mà còn trong lời nói, những lời bông đùa không đúng chỗ, đúng lúc... những lời nham nhở, không đứng đắn... Michelle đã hỏi:
- "Rồi chị làm gì với bọn chúng?"
Trâm cười:
- "Thì mình tránh xa họ, chứ làm gì được."
Michelle đã bộc lộ sự tức giận qua giọng nói:
- "Em, là em chửi liền và cho chúng một bài học."
Trâm cười lớn, khiến Michelle giận dỗi, gắt:
- "Có gì đáng cười đâu, mà chị cười."
Trâm lại cười lớn hơn, trước sự ngạc nhiên của Michelle. Qua cơn cười đau cả bụng, Trâm nói với cô:
- "Mình chửi họ là mình cho mình thấp bằng họ sao em? Và trên tất cả mọi chuyện, mình không có bổn phận dạy ai bài học cả, em ạ."
Michelle suy nghĩ một lúc rồi cũng phá lên cười:
- "Chị nói đúng rồi, bố mẹ chúng, thầy cô chúng không dạy chúng thì thôi, chứ làm sao mình dạy được."

Trâm lại buồn cười vì lối nói tự nhiên, rất thẳng thắn, rất ... Mỹ của Michelle. Khi Michelle kể lại những lời bố cô dùng mỗi khi tức giận, Trâm đã rất xót xa cho mẹ và anh em cô. Trâm ngồi nghe với lòng thương cảm vô vàn và cũng tâm sự với Michelle về chuyện nàng bị "sách nhiễu" qua điện thoại, qua email.

Có người, đọc được vài câu hay vài chữ Trâm đã dùng không chuẩn, rồi tự cho là thân tình với nàng, họ gọi điện thoại hay email trêu chọc. Nàng đã ngượng đến chín người, nên phải giả vờ ngu dốt không hiểu mà cũng không được yên thân. Michelle đã tức tối cho là Trâm "nối giáo cho giặc". Cô không hiểu tại sao Trâm lại "nhịn nhục" được với những người không có tư cách như vậy.

Khi biết Trâm không muốn làm buồn lòng ai, cô đã nói với nàng về một đoạn kinh Phật cô đọc được:
- "Bồ Tát thường giả vờ khờ khờ, dốt dốt, thành ra chúng sanh trong vô minh cứ tưởng bở..."
Trâm lắc đầu, nói với Michelle là cô đã quá lời vì nàng chưa bao giờ nghe hay đọc được ở đâu là Bồ Tát giả vờ như vậy cả. Michelle lại phá ra cười.

Để chấm dứt tranh luận, Trâm đã nói với Michelle:
- "Theo chị, cái gì cũng có giới hạn, khi một người "cố tình" vượt khỏi giới hạn của mình trong bất cứ một liên hệ nào, thì đừng nói gì đến tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, tình anh em, tình chị em mà ngay cả tình chồng vợ, hay tình gì đi nữa ... cũng sẽ không thể nào tiếp tục được, chứ đừng nói là đẹp, là bền vững lâu dài..."

Trở về lại Seattle, Michelle ghi tên đi học tiếng Việt và thỉnh thỏang chị em nói chuyện với nhau bằng cả hai ngôn ngữ rất buồn cười, mà Trâm vẫn gọi đùa là "Tiếng Ba Rọi."

***

Tin Michelle mất làm Trâm bàng hoàng vì nàng đã định đi thăm Michelle tháng trước mà đa đoan quá nên chưa thực hiện được. Từ khi chống chọi với chứng bệnh nan y, thỉnh thoảng trước những lần chạy chemo, Michelle điện thoại nói chuyện với Trâm. Michelle trầm tính hẳn lại, thích nghe chuyện về đạo Phật, về nhân quả, về nghiệp, về duyên nợ, về một tình bạn tuyệt vời của Trâm, về những công tác Từ Thiện nàng đang làm cùng bạn bè, nhưng có lẽ Michelle thích nhất là "chuyện chuột nhắt", vì cô đã cười vang trong điện thoại mỗi khi nghe Trâm kể.

Khi nghe Trâm kể có người đã "dựng đứng" lên chuyện không có, hoặc là để "doạ nạt" kẻ yếu, hay để "show off" - khoe khoang - với lý do chứng minh là họ quen biết với những người có tiếng tăm trong xã hội, Michelle đã không dấu được sự khinh rẻ và gọi những người đó là “Những tên khủng bố.”

Câu chuyện làm Michelle tức giận và đã không ngớt buông tiếng chửi thề là về một người đàn ông trung niên, đã lố bịch tuyên bố ẩu về sự liên hệ không hề có, giữa hắn và người bạn rất thân của Trâm. Chị là một nhà tranh đấu cho Nhân Quyền.

...

Một buổi sáng mùa Thu, vừa mua xong tách cafe nóng, Tâm Hằng ngồi xuống chiếc bàn nhỏ trong góc quán đông người, định vừa sẽ nhâm nhi cafe vừa xem vô tuyến truyền hình. Trên màn ảnh vô tuyến, đang chiếu lại buổi họp báo hôm trước với bài nói chuyện của chị. Bàn bên cạnh, một người đàn ông trung niên đang ngồi với nhiều người khác, lớn tiếng:
- “Tôi lạ gì con mẹ đó, tôi ngủ với nó hoài, mới hôm qua, sau cuộc họp báo, nó tới nhà tôi ngủ với tôi, nhìn trên TV nó già như vậy nhưng bên ngoài còn sạch nước cản lắm, và vụ kia thì cũng hết sẩy ...”
Không đợi người đàn ông dứt lời, Tâm Hằng đứng dậy với ly cafe còn nóng trong tay, chưa kịp uống ngụm nào, bước tới trước mặt người đàn ông đang huyên hoang. Nhìn thẳng vào mặt hắn, chị chậm rãi hỏi:
- “Ông vừa nói gì vậy?”
Mọi người trong bàn ngạc nhiên nhìn chị, chưa hiểu chuyện gì. Sau khi người đàn ông lập lại câu nói, chị đưa ly cafe lên cao, dõng dạc nói:
- “Ông có hai chọn lựa, một là xin lỗi và lấy lại lời nói, hai là nguyên ly cafe nóng này sẽ vào ngay mặt ông.”
Người đàn ông ngang bướng, hỏi:
- “Bà là ai mà ngon vậy?”
Tâm Hằng gằn giọng:
- “Thì ra ông chưa hề gặp “con mẹ đó”, không hề biết mặt, không hề quen biết, mà dám huyên hoang, khóac lác bảo là đã ngủ với người ta ... Tôi là Tâm Hằng. “
Những người trong bàn trố mắt nhìn khuôn mặt người đàn ông tái xanh, đang run lập cập nói lời xin lỗi.

...

Michelle thường chen vào câu chuyện Trâm đang kể bằng câu:
- "Ở thế thì có mà ở với chó...."
Trâm đã không bằng lòng với Michelle khi cô đem những chú chó dễ thương, đầy tình nghĩa ra để ví với những người kỳ cục, không có nhân cách như thế.
Lúc mới nghe Trâm bênh vực chó, Michelle đã khựng lại vài giây nhưng ngay sau đó cô reo lên thích thú và nói lại:
- "Ở thế thì có mà ở với chuột..."
Hỏi tại sao lại so sánh với chuột, cô cười, đáp:
- "Tại con chuột dơ dáy, trốn chui trốn nhủi, không ai muốn chơi, lại đem bệnh dịch hạch đến cho loài người..."
Trâm cười theo bạn rồi nói:
- “Ngày xưa, lúc còn ở Việt Nam, chị hay nghe nói con bọ xít là loài dơ bẩn hơn cả ...”
Michelle hỏi lại:
- “Bọ xít là con gì vậy chị? Tiếng Mỹ là gì?"
Trâm đã ngượng ngùng lắc đầu:
- “Chị không biết tiếng Mỹ là gì cả, chỉ biết đó là loài vật rất dơ bẩn.”
Michelle lại cười lớn:
- "Vậy thì mình sẽ có "chuyện chuột nhắt", cho những “thằng” ưa đặt chuyện, và "chuyện bọ xít", cho những “thằng khủng bố”, chị nhé!”

Rất nhiều lần Michelle hỏi tại sao Trâm có bạn tốt, thương yêu, che chở nhau trong mọi hoàn cảnh, mọi vấn đề ... Trâm đã giải thích là vì lúc nào nàng và bạn cũng quí trọng nhau, không "lấn" nhau, không "lờn mặt" nhau, lúc nào cũng "tương kính như tân", không "được đằng chân, lân đằng đầu..."

Michelle đã ngắt lời Trâm, reo lên:
- "Em biết câu đó, em có nghe mẹ em nói hoài, có phải tiếng Mỹ là "give them an inch, they take a mile" ... không vậy?"

***

Chạy được vài blocks, Trâm dừng lại để cởi chiếc áo chắn gió ra. Nhưng chỉ một lát sau, lại phải khoác vào vì gió lạnh làm nàng rùng mình. Nhớ tới những câu chuyện đã hàn huyên với Michelle trong suốt thời gian Michelle lâm bệnh, Trâm ngước đầu lên nhìn những đám mây đang bay thật thấp, rồi nói nhỏ, như đang thầm thì:
- "Michelle ơi! Chị hết cơ hội để nói với em, hay là “tranh luận” với em, về sự giới hạn trong việc giao tế rồi. Chị sẽ không còn ai để kể những "chuyện chuột nhắt", "chuyện bọ xít "... Chị lại sẽ rút vào cái vỏ ốc lạnh lùng mỗi khi gặp chuyện khó xử để khỏi mất lòng người khác, trong khi lòng mình thì lại rất tái tê... Michelle ơi! Chỉ một "Cơn gió lạnh" từ miền Bắc thổi về Houston trong những ngày cuối Hè, mà cũng làm cho một chiếc áo chắn gió lúc thì cần, khi thì không! Em yên nghỉ nhé! I am thinking of you, my dearest Michelle! - Chị đang nhớ tới Em đây, Michelle yêu dấu của chị!"


Đưa tay chùi những giọt nước mắt ấm đang lăn dài trên má, Trâm chợt mỉm cười nhận ra mình đang dùng "Tiếng Ba Rọi" để thì thầm với Michelle ./.






Hiền Vy
September, 2006

Không có nhận xét nào: