Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008

Lễ Tưởng Niệm và Phát Huy Tinh Thần Chiến Đấu Hoàng Sa Tại Houston

Mời click vào Tựa để nghe phần audio


Lễ Tưởng Niệm và Phát Huy
Tinh Thần Chiến Đấu Hoàng Sa tại Houston

Hiền Vy


Chiều Chủ Nhật, ngày 20 tháng Giêng năm 2008, khoảng gần 1000 người đã đến tham dự buổi Lễ Tưởng Niệm và Phát Huy tinh thần chiến đấu Hoàng Sa tại Houston. Ngoài những cư dân của Houston và vùng phụ cận, còn có người đến từ Austin, Dallas, Philadelphia, California …

Ông Đỗ Hữu Huân, trưởng ban tổ chức, cho biết buổi Lễ do Hội Cựu Hải Quân tại Houston và một số đông các hội đoàn quân dân cán chính cùng khởi xướng, với mục đích:

“Thứ nhất là để vinh danh và tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh, thứ hai là để phát huy tinh thần chiến đấu bất khuất Hoàng Sa, để khơi dậy lòng yêu nước của mọi người. Nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ thì lãnh hải Việt Nam của chúng ta sẽ bị thu nhỏ dần, giang sơn gấm vóc của chúng ta sẽ bị cướp chiếm dần dần. Đây là một cơ hội chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra khí thế đấu tranh để cho công cuộc đấu tranh trong tương lai bền bỉ”

Sau Lễ chào Quốc Kỳ và Quân Kỳ rất long trọng, ông Đỗ Hữu Huân đã đọc bài diễn văn ghi ơn những chiến sĩ đã vị quốc vong thân và khẳng định việc gìn giữ giang sơn:

“Tấc đất là tấc vàng, tấc biển là tấc ngọc, mà tiền nhân ngày xưa đã dầy công dựng nước và giữ nước. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, ý chí của toàn dân một lòng để chống giặc Nguyên của Hội Nghị Diên Hồng vẫn còn văng vẳng bên tai. Gương hy sinh của các bậc anh hùng quốc gia từ ngày xưa vẫn còn sáng ngời trong Sử sách. Quyết tâm xây dựng và bảo vệ tổ quốc thân yêu trong tự do, dân chủ và thịnh vượng của quân dân miền Nam ViệtNam vẫn còn thao thức trong lòng mọi người, mọi giới, trong nước cũng như hải ngoại. Ngọn lửa đấu tranh vẫn còn rực sáng trong lòng những người Việt, giờ này đã bộc khởi

Chúng ta hãnh diện và cảm kích về sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ hải quân đã đền nợ nước để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Niềm tự hào và niềm kiêu hãnh đó vẫn còn là món nợ và nhiệm vụ mà chúng ta vẫn mang nặng trên vai. Chúng ta không thể làm ngơ trước vận nước điêu linh và trách nhiệm của chúng ta chỉ hoàn tất khi nào chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa trở về với đất tổ. Hải phận Việt phải được qui định lại, ải Nam Quan và thác Bản Giốc ngàn năm thân yêu của giang sơn gấm vóc phải trở về với chúng ta”


Cựu hải quân đại tá Đỗ Kiểm, là tham mưu phó cục hành quân lúc bấy giờ, cho biết; Sau hiệp định Balê, Mỹ đã rút hơn một nửa quân khỏi chiến trường ViệtNam và ông ca ngợi tinh thần dũng cảm của Hải Quân ViệtNam Cộng Hòa đã không hề sợ hãi, dù biết, sẽ đương đầu với một hải quân hùng hậu Trung Quốc:

“Hải quân ViệtNam xin phép đánh… và Chiều 18 tháng Giêng, Tổng thống Thiệu đã cho phép đánh…”

Việc Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, chấp thuận cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đánh chống lại sự xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc là thêm một bằng chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

Một đoạn phim về cuộc hải chiến Hoàng Sa cũng đã được trình chiếu.

Trong tiếng trống chiêu hồn tử sĩ, các thanh thiếu niên đã trang trọng thắp lên từng ngọn nến, khi tên của 58 chiến sĩ hải quân, đã hy sinh trong trận Hoàng Sa, được anh Đinh Quang Tiến và chị Nguyễn Hoan xúc động xướng lên. Mọi người đã yên lặng ngậm ngùi cảm phục những anh hùng của dân tộc đã can đảm chống lại ngoại xâm

“Đoàn con dân Việt tại thành phố Houston xin đốt nén nhang lòng để tưởng nhớ đến các chiến sĩ hải quân ViệtNam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong cuộc chiến với quân Trung Quốc, ngày 19 tháng 1 năm 1974. Xin thắp một nén hương cho những người đã nêu gương xả thân bảo vệ quê hương: Hải quân thiếu tá Nguỵ Văn Thà, hạm trưởng. Hải quân đại úy Nguyễn thành Chí, hạm phó. Thượng sĩ Châu, quản nội trưởng …”

Với sự bồi hồi cảm kích, nhà văn Trần Quán Niệm, đến từ Philadelphia, cho biết, trước tháng Giêng năm 1974, ông đã nhiều lần ra Hoàng sa:

“Anh Ngụy văn Thà, người đã hy sinh trên chiến hạm HQ-10 là bạn cùng khóa (Hải Quân) với tôi. Chúng tôi đã nhiều lần chuyển quân qua để tiếp tế cho toán tiền đồn đóng Hoàng Sa. Như vậy chứng tỏ Hoàng Sa là chủ quyền của ViệtNam. Chúng ta phải hội thảo, phải nói cho đồng bào và thế giới biết rằng Hải Quân ViệtNam Cộng Hòa đã chiến đấu, đã bảo vệ Hoàng Sa. Đó là một phần để chứng tỏ Hoàng Sa là lãnh thổ của chúng ta.”

“Tôi là Lê Tất Chánh. Lễ truy điệu hôm nay có một người khoá với tôi, đó là hải quân trung úy cơ khí Ngô Chí Thành, sĩ quan hải quân khóa 21”

Bà Mai Nguyễn, hy vọng nhà nước ViệtNam sẽ bảo vệ lãnh thổ với giọng nghẹn ngào:

“Tôi rất cảm động, đây là một việc làm cần thiết để nhắc nhở cho người ViệtNam phải luôn luôn biết rằng chủ quyền của quốc gia và lãnh thổ vẹn toàn rất là quan trọng. Buổi Lễ hôm nay sẽ cho những thế hệ sau luôn luôn ghi nhớ mà đứng lên để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc ViệtNam và mong rằng nhà cầm quyền Việt Nam phải đứng dậy để bảo vệ lãnh thổ và tổ quốc ViệtNam”

Ban hợp ca Đàn Chim Việt đã trình bày những nhạc phẩm đấu tranh như Đường ra biên ải, Chiến sĩ hải quân, Hẹn một ngày về ,Việt Nam quê hương ngạo nghễ,

Hiền Vy
.