Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008

Nhận Lỗi

Hiền Vy



Những cơn gió lạnh từ miền Bắc thổi về Houston đầu tháng Ba làm cây cỏ héo úa, làm những mầm non mới đâm chồi bị đông lạnh rồi tức tưởi chết cứng. Buổi sáng, những lớp đá mỏng trên mái ngói làm trời như lạnh hơn, làm những chiếc xe đậu bên ngoài khó nổ máy hơn, làm Thục Xuân cảm thấy như cô đơn hơn …

Ngồi trong xe, thoải mái với máy sưởi vừa đủ ấm, Thục Xuân nhìn đoàn xe nối đuôi nhau nhích từ từ trên xa lộ. Nàng với tay vặn lớn âm thanh của chiếc radio, khi nhận ra giọng Richard Marx:
…Wherever you go, whatever you do, I am right here waiting for you …
lời ca, không dưng làm nàng bâng khuâng, nhớ lại cuộc điện đàm với em gái tối hôm trước, Xuân bỗng mỉm cười. Thảo Mi vẫn hung hăng, vẫn bộp chộp dù đã gần ba mươi tuổi.


***

Giọng tức tối, Thảo Mi đã nói lớn trong điện thoại:
- Chị à, sao chị nhu nhược quá vậy ? Em tức quá …
Xuân cười:
- Chuyện gì vậy ?
- Thì con nhỏ bên kia nó chửi chị.
Lại cười:
- Người ta chê là quyền của người ta, cớ gì em lại tức?
- Nó chê tầm bậy, nó chê sai chị à.
- Thì mặc kệ người ta. Mình biết mình không như vậy là được rồi.
- Không mặc kệ được.
Lại cười:
- Không mặc kệ thì làm gì ?
- Con bà nó! Nó không có thẩm quyền để chê.
- Em à, sao lại đòi cho được thẩm quyền ?
- Ít ra chê cái gì thì người chê phải nắm vững việc đó mới có quyền chê.
Xuân trêu em:
- Sao em khó tính vậy, ai chê cứ chê chứ, lại đòi cho có thẩm quyền mới được chê, em... thiệt tình …
Thảo Mi cao giọng:
- Nó chê chị, chị còn cám ơn nó là nghĩa lý gì ?
Thục Xuân thành thật:
- Thì nhờ người ta chê mà mình mới khá.
- Chị à, con nhỏ đó là kẻ tiểu nhân, em nhớ là hồi trước nó đã từng chặn bài của chị.
- Mình có biết chắc đâu, có thể vì kỹ thuật em à.
- Tại hồi đó chị thật thà, nói với thằng khốn nạn kia là giọng của con nhỏ đó không hay, ai dè thằng cà chớn đó mét lại.
Xuân cười lớn:
- Vậy là lỗi chị rành rành rồi, còn gì nữa.
- Không phải, tại chị tin người quá thôi.
- Thì tại chị trong u minh.
Thảo Mi cãi:
- U minh cái khỉ gì, chị lúc nào cũng nhận lỗi dù chẳng làm lỗi.
Thục Xuân trầm giọng:
- Cũng lỗi chị đó em à, tại chị tưởng hắn hỏi cho hắn thôi, lúc đó hắn là bạn, hắn hỏi ý kiến vì biết đó là nghề nghiệp của chị, chị lại đang chỉ hắn làm việc, muốn bạn mình tốt nên khi bạn hỏi, lúc đầu chị đã không nói, nhưng nghe hắn năn nỉ quá, chị không đành …
- Thằng mắc dịch hỏi chị thế nào ?
- Hắn gởi file cho chị, nói là cô ấy “dí ” hắn, tự hát và thâu âm rồi năn nỉ hắn phổ biến bài hát, mà cô ấy đã thâu đi thâu lại nhiều lần nên hắn không nỡ từ chối, nên nhờ chị cho ý kiến.
Thảo Mi tức tối:
- Chị à, bình thường lúc nào chị cũng chỉ tìm cái tốt, cái đẹp để nói, sao lần đó chị lại làm khác vậy ?
- Thì vậy chị mới nói là chị vô minh, mà chị có nói gì nhiều đâu em. Chị khen cô ấy hát nhạc dân ca hay và nói là giọng cô ấy không thích hợp với nhạc Mỹ.
- Chị thấy nó tiểu nhân chưa ? Chị thì chỉ nói với thằng cà chớn đó, còn nó, nó "đánh” chị cho mọi người cùng thấy, nhưng nó ngu quá, nói tầm bậy nên ai cũng biết tỏng là nó “đánh đòn thù.”
- Em à, …
Thảo Mi hét lên trong phone:
- Đàn ông gì mà tồi thế hở chị ?
- Đàn ông, đàn bà gì cũng có người này người nọ, em à.
Con bé hét lớn hơn:
- Chị giao du với ba cái thứ gì kỳ cục vậy ?
- Thì hồi đó chị đâu có biết, thấy hắn làm quen, ăn nói lịch sự, tưởng là người đàng hoàng tử tế, ai mà ngờ hắn tệ vậy.
- Chị nói hắn có học mà sao kỳ vậy ?
Xuân chắt lưỡi:
- Thì nghe hắn nói hắn học cao học, nhưng có dạo đi bán xăng.
Thảo Mi cười ngất:
- Chị bị tổ trát rồi.
- Ừ, thì chị bị tổ trát, em bằng lòng chưa ?
- Em tức lắm, vì chị làm như không có gì xảy ra.
- Thì có gì đâu em.
- Có chứ sao không, nó chửi mình, mình im sao được.
- Em quên là chị được trả tiền để nghe “chúng” chửi sao ?
- Chị nói gì vậy ?
- Thì chị làm cho Customer Service, khi nào khách hàng có vấn đề mới gọi đến chị, mà mình không làm theo ý họ thì họ chửi.
- Chị không chửi lại sao ?
- Chửi lại là bị đuổi ngay em à.
- Nó trả chị có mấy chục ngàn một năm mà bắt chị nghe chửi như vậy đâu có đáng. Quit đi chị ơi, tìm việc khác mà làm.
- Đáng lắm em à.
- Chị cần tiền đến vậy sao ?
- Không phải, đáng đây là đáng tiền những bài học nhẫn nhục mình trải qua. Nghe chửi riết mình quen, nên khi có người chê hay la mình thì mình tỉnh bơ. Cũng vui lắm em.
- Con bà nó! Vui cái khỉ mốc gì được …
Thục Xuân chậm rãi:
- Này nhé, khi người khách hàng lầm lẫn, lỗi rành rành ra đó, nhưng họ lại tìm cách đổ tội cho nhân viên của mình, họ nói những lý do rất buồn cười, nào là nhân viên của cô không biết nói tiếng Mỹ, nào là nhân viên của cô dốt lắm, nhân viên của cô hỗn lắm …
- Con bà nó! sao mà tiểu nhân đến thế!
- Em biết không, càng tìm lý do để đổ lỗi cho người khác, thì càng lố bịch...
Thảo Mi cắt ngang:
- Trời đất, rồi chị làm sao mà giải quyết ?
- Thì mình chỉ nghe, rồi cám ơn họ thôi.
- Chị không thấy buồn cười sao ?
- Có chứ! Nhưng nghe riết rồi quen, …
- Chị có khiển trách nhân viên không ?
- Dĩ nhiên là không, vì nhân viên có làm gì lỗi đâu, chị còn đem họ đi ăn lunch nữa.
- Sao chị “cool ” vậy, dạy em được không ?
- Không được đâu em.
- Sao vậy ?
- Phải được huấn luyện từ những khóa đặc biệt của hãng và phải được trả tiền lúc đầu thì mới có thể an nhiên mà im lặng để nghe chửi.

Thảo Mi nhỏ giọng:
- Hồi mới làm chị có tức không ?
- Dĩ nhiên là có vì mình là “human being” mà em.
- Hồi đó chị đã học đạo chưa vậy ?
- Học cả 10 năm rồi mới làm việc này.
- Có giúp được gì không ?
- Cũng có chứ.
- Ủa mà chị nè, em nghe là con nhỏ đó giỏi kinh điển Phật Giáo lắm mà.
- Chị cũng nghe vậy.
- Giỏi kinh điển mà tiểu nhân vậy sao ?
- Đọc kinh, hiểu kinh là một chuyện, áp dụng được hay không là chuyện khác em à.
- Em cứ tưởng hiểu được kinh điển là phải khá hơn chứ!
- Không đâu em, vì hiểu mà không hành, khi nói ra chỉ như con vẹt thôi, chẳng ích lợi gì cả.

Thảo Mi im một lúc rồi lại nói:
- Chị đúng rồi đó, em cũng thấy nếu nói một đằng, làm một ngã thì thật là đáng chê trách. Chị biết không em ghét nhất mấy người cứ “an nhiên tự tại” chê người khác, chửi người khác, rồi lại tự bào chữa là tại tôi thẳng tính. Hic! Thẳng tính cái con khỉ khô gì không biết nữa…
Thục Xuân ngắt lời em:
- Em à, kệ người ta, người ta biết người ta đang làm gì mà.
Thảo Mi cãi:
- Con bà nó! Nó không biết đâu chị ơi. Nó tưởng mọi người tin nó sao, bố khỉ! còn lâu đó, ai mà không biết nó xạo.
- Em à, em phải thương cô ấy mới đúng.
- Chị khùng à ?
- Không khùng đâu em. Này nhé, nếu cô ấy cứ phải loanh quanh kiếm lý do để bào chữa cho hành động của cô ấy thì đã tội nghiệp cô ấy lắm rồi.
Như chợt nhớ ra điều gì, Thảo Mi cao giọng:
- Em nhớ hồi đó “thằng lại cái” kia đã nói với chị là con nhỏ này chuyên đi gây chuyện và dữ như bà chằng, phải không ?
Thục Xuân rầy em:
- Em sao kỳ cục quá hà, kêu người ta đủ tên, nào là “thằng khốn nạn” rồi đến “thằng mắc dịch”, bây giờ qua “thằng lại cái”
Thảo Mi la lớn:
- Giờ này mà chị còn bênh hắn à ? Đàn ông con trai gì mà nhiều chuyện hơn cả mấy bà “ngồi lê đôi mách.”
- Có bênh gì đâu, em phải nhớ là khi mình nói ra như vậy là cái đầu mình đã mệt lắm rồi.
Nghe chị rầy, Thảo Mi xuống giọng:
- Chị! em thấy chị kia bênh chị, em khoái quá.
- Em à…
- Em hỏi thật nha, chị nghe khen có khoái không?
Xuân cười:
- Ai nghe khen mà không khoái, nhưng phải khen đúng cơ.
- Chị đó khen đúng phóc rồi còn gì.
Xuân trêu em:
- Sao em biết là đúng phóc ?
- Thì nghề của chị đó mà. Chị thấy không, người trong nghề, họ biết họ nói vậy, còn con nhỏ kia biết khỉ khô gì mà chê chị chứ.
Xuân nghiêm giọng:
- Mình ra public, số đông thầm lặng mới đáng kể em à, còn vài người muốn nổi, muốn quậy thì nhằm nhò gì.
- Chị vẫn nói vậy nhưng sao em không chịu được khi thấy chị bị chửi vô lý, bị chê vô lý.
- Tại “ái nghiệp” em còn nặng quá, em cứ nghĩ chị của em thì mọi người không được chê, không được nói nặng, trong khi chị của em có gì đâu!
Thảo Mi cười lớn:
- Vậy là “yêu quá đấy mà thôi” hả chị ?
Xuân cười theo:
- Đúng rồi đó, biết vậy là khá rồi.

***

Xe vẫn nhích từ từ, Thục Xuân đang mơ màng hát theo một giọng ca nam rất quen thuộc trong ca khúc "Smoke gets in your eyes, ... " thì cell phone reo lên. Với tay vặn nhỏ radio, mở phone ra, hàng số 714 - 537- … hiện trên khung hình. Xuân nói lớn:
- Em à, sao dậy sớm vậy ?
Tiếng Thảo Mi cười trong trẻo bên kia:
- Em ngủ không được.
- Sao vậy ?
- Em muốn qua chơi với chị.
- Chừng nào muốn đi ?
- Hôm nay.
- Trời đất! Sao gấp vậy ?
- Được không chị ?
- Để chị vào sở coi máy bay có chỗ trống không nhé.
- OK chị, email em nha.
- Rồi, bye nhé.
- Bye, ah! Khoan!
- Chuyện gì nữa ?
- Chị ráng nghe chửi đi nha.
- Sao vậy ?
- Thì để em muốn đi đâu, chỉ cần gọi chị một tiếng là đi ngay, khỏi tốn tiền, khỏi cần book vé.
Xuân lại cười:
- Không kêu chị quit job nữa hả ?
- Không!

Gió vẫn lạnh cắt da nhưng Thục Xuân thấy ấm áp trong lòng, khi đi nhanh trên sân đậu xe vào văn phòng. Hai chị em cách nhau mười tuổi, tính tình khác xa nhau, vóc diện không giống nhau, nhưng thương nhau vô cùng. Ngày xưa khi còn tại thế, Mẹ vẫn than thở:
“Thảo Mi à, sao con không bắt chước chị Xuân, chị thì đằm thắm, hiền lành …”
Con bé đã vênh mặt lên trả lời:
“Mẹ đã có một Thục Xuân, thì Thảo Mi phải là Thảo Mi, nếu không, Mẹ sinh thêm con làm gì ?”

Nhìn những ngọn cỏ bị một lớp nước đá mỏng bao quanh, Thục Xuân chợt nghĩ không biết cỏ có lạnh không, cỏ có đau không... nàng dừng lại, cúi xuống ngắt một ngọn để vào lòng bàn tay và nhìn chăm chú. Khi lớp đá tan ra, Thục Xuân bàng hoàng thấy ngọn cỏ đã chết tái.

Nghĩ đến em gái, Thục Xuân không biết Thảo Mi của nàng, một loại cỏ mong manh, luôn khoác lên mình chiếc vỏ lạnh lùng, ngang bướng như lớp nước đá mỏng kia, có bị những hơn thua đời thường làm tim chai cứng, làm lòng tử tế mai một, và làm niềm tin trong em chết đi như cọng cỏ tái ngắt kia không. Nhớ lại lời đã hứa với Mẹ bên giường bệnh, Thục Xuân nói nhỏ một mình:
“Mẹ ơi! Dù có hứa hay không thì con vẫn sẽ lo cho em, nhưng hình như Thảo Mi lo cho con nhiều hơn đó Mẹ à.”



Hiền Vy
March 2007

Không có nhận xét nào: