Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

Dư luận trong nước bất bình trước chiến dịch công kích TGM Hà Nội

Dư luận trong nước bất bình trước chiến dịch công kích TGM Hà Nội

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-10-11


Trong tờ Thiếu Niên Tiền Phong số 79 (tháng 9.2008), mục câu chuyện thứ tư, trên trang 3, một bài viết của tác giả Thành Long với tựa đề “Ông Ấy Có Còn Xứng Đáng?”
Một đoạn trong bài viết đó như thế này:


“- Ông Ngô Quang Kiệt có phải người Việt Nam không?

- Cha là người Việt Nam chính hiệu đấy. Cha hít thở khí trời an bình của Việt Nam do bao người đổ máu xương mới có được và ăn cơm Việt Nam do các giáo dân Việt góp tiền nuôi các cha hằng ngày …

- Thế tại sao ông ta lại hằn học khi là một công dân Việt Nam? Tổ quốc, đất nước là cha mẹ mình. Tớ biết Chúa vẫn dạy rằng “Đáng rủa sả thay kẻ nào khinh bỉ cha mẹ mình”. Ông TGM Ngô Quang Kiệt là “kẻ khinh bỉ cha mẹ mình”. Liệu ông ta có đủ tư cách rao giảng kinh thánh cho các con chiên không? Chủ nhật cậu vẫn vào nhà thờ nghe ông Kiệt giảng kinh. Liệu cậu có tin những lời rao giảng của ông ta không? Liệu cậu có cần nghe “một người khinh bỉ cha mẹ mình” rao giảng đạo đức cho cậu không?”


Giới phụ huynh và sinh viên nghĩ gì về bài viết đó. Mời quí thính giả nghe cảm nghĩ của họ:

Thông tin một chiều gây chia rẽ

“Bài báo này nhằm mục đích tiếp tục triệt hạ uy tín của Đức Tổng Giám Mục Kiệt và gây mất đoàn kết giữa các em không Công giáo và Công giáo. Và một điều nữa là tiếp tục thông tin một chiều mà đảng và nhà nước ta đã đưa ra để chứng minh cái sức mạnh của nó.”

Đó là lời nói của sinh viên Nguyễn Đình Anh, còn chị Xinh thì cho rằng:

“Bản thân người lớn đây, nhiều người không Công giáo nhiều khi họ cũng chẳng quan tâm là gì hết, mà đưa lên báo việc 2 đứa bé trao đổi những câu hỏi vô lý như “Linh Mục là gì ? Giám Mục là gì, Tổng Giám Mục là gì ? Hồng Y là gì ?...” chẳng ai giải thích điều đó hết. Có chăng chỉ là bậc cha mẹ giải thích cho con cái hiểu, để con cái nắm vững đạo Công Giáo hơn thôi, chứ còn những đạo khác chẳng ai mà bới móc.”

Anh Nguyễn Đình Anh không nghĩ là những lời nói đó do các em thiếu niên nói ra:

“Thiếu niên thường là cấp 2, từ 14, 15 tuổi trở xuống. Đây là sự sắp đặt của người lớn, lời nói của người lớn, bởi vì với lứa tuổi này thì không thể có những danh từ, những ngôn từ mà gọi là chuẩn của thiếu niên.”

Anh Chung cũng cùng quan điểm:

“Cái mẩu chuyện này là do ai đó muốn dựng nên chuyện và vẽ lên một câu chuyện để áp đặt vào lứa tuổi của các em chứ các em làm sao mà nghĩ nên những chuyện đó. Làm sao mà các em có thể hiểu được ý nghĩa của tôn giáo. Nếu nó đi nhà thờ thì nó cũng chỉ biết là thờ phượng ai thôi, chứ nó làm sao hình dung được ông này ông nọ…, làm sao nó hiểu được, vậy mà rồi cũng dựng lên một câu chuyện thật là ngộ nghĩnh.”

Và chị Xinh thì rất bức xúc:

“Có những người lớn cũng chẳng quan tâm, thì tại sao báo Tiền Phong lại đưa 1 đứa con nít mà hỏi những câu quá cắc cớ như vậy. Chỉ một đứa bé ngồi nói chuyện chơi với nhau như thế thôi mà lại đưa lên một bài báo để cho tất cả mọi người cùng đọc thì điều đó không hay. Nó không hay ở chỗ là bây giờ con nít mà lại nhồi nhét quá sớm những cái chính trị.”

Anh Nguyễn Đình Anh khẳng định là bài báo nhằm mục đích chia rẽ các em không cùng tôn giáo:

“Chắc chắn là sẽ có gây chia rẽ bởi vì các em không được thông tin đúng các em chỉ nhận được thông tin một chiều.”

Tuyên truyền, đánh phá Công Giáo


Chị Xinh cũng đồng ý như vậy:

“Sự chia rẽ đã bắt đầu có vì người lớn đưa lên để rồi các em phải suy nghĩ đến. Đưa ra cái tuyên truyền chính trị như vậy là đánh vào người Công giáo rồi. Không có lý do gì mà lại lôi cái chuyện của người Công giáo lên hỏi như vậy, ngay cái thời điểm đang sôi bỏng của Công Giáo, mà lại đưa 1 việc của Công giáo lên báo nữa thì rõ ràng là xoáy mạnh vào người Công giáo như vậy, làm cho những người có đạo Thiên Chúa cảm thấy bức xúc hơn nhiều vì tại sao càng ngày anh càng bôi nhọ cái Đạo của họ như thế?”

Đề cập về việc kiểm soát sách báo của giới phụ huynh cho con em, anh Nguyễn Đình Anh cho biết:

“Phụ huynh thì không phải lúc nào cũng theo sát cái vấn đề đọc sách, đọc truyện của con em. Nhiều khi họ cũng không biết những vấn đề đang được nhồi nhét trong những tờ báo. Nhiều khi họ cũng chỉ coi chương trình và biết như thế. Nếu gặp những gia đình Công giáo thì, vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng khác, còn những gia đình không phải là Công giáo, thì tôi nghĩ, vấn đề sẽ rất khó mà giải quyết với các em.”

Còn ý kiến của chị Xinh là:

“Bản thân em là phụ huynh thì chẳng bao giờ đem bàn những chuyện đó với những đứa trẻ nhỏ như vậy”

Và Anh Chung thì cho rằng:

“Phụ huynh mà hiểu rõ được chuyện này thì không ai để cho con em đọc những tờ báo như vậy, còn những phụ huynh mà không có tư tưởng thì vấn đề đó phụ thuộc vào họ.”

Đầu độc thế hệ tương lai

Anh Nguyễn Đình Anh lo ngại về tương lai của Việt Nam nếu những bài báo như trên vẫn tiếp tục xuất hiện:


“Có một câu mà ông bà đã dạy là ‘gieo nhân nào gặt quả đó’ thì tôi nghĩ, với một lối tuyên truyền mà các em được nhồi nhét bây giờ vào cái ý thức hệ rất còn non nớt như vậy, thì lớn lên chắc chắn sẽ phát huy ra cái nói láo, nói xạo … thì từ đó các em sẽ không trở thành những người có ích cho xã hội mà nó sẽ là những người tiếp tục làm công việc hỗ trợ cho sự nói láo. Từ đó nền giáo dục chắc chắn sẽ không phát triển mà là đi xuống.”

Chị Xinh thì nói, các em chỉ nên được học những cái hay, cái đẹp:

“Những bé mới 13, 14, 15 tuổi thôi mà đã gieo vào đầu những tư tưởng chính trị như thế thì không hay. Những chuyện dính dáng đến tôn giáo thì để người lớn giải quyết với nhau. Còn trẻ em thì chỉ nên cho bé học những cái hay như là tìm hiểu về thiên nhiên của đất nước, tìm hiểu về con người, về nền văn minh khoa học kỹ thuật của đất nước, chứ không nên gieo vào đầu con trẻ những chuyện chính trị xã hội như thế.”

Mặc dù phần đông giới trẻ trong nước ngày nay chỉ quan tâm về những trò chơi điện tử, nhưng anh Chung vẫn lo ngại cho tương lai của đất nước nếu giới trẻ không nhận được thông tin chính xác từ báo đài:

“Bấy lâu nay nhà cầm quyền luôn dùng cơ quan truyền tin của họ để giữ thể diện và bộ mặt xảo trá của họ trước toàn dân mà thôi.


Ngay từ thuở ban đầu của sự phát triển nhân tố con người, họ đã cưỡng bức tư tưởng từ thời điểm đó. Họ cưỡng bức sự phát triển của các em, trong khi những điều trẻ cần biết thì lại không được biết, mà lại biết những vấn đề nằm ngoài cái cốt lõi của cuộc sống. Trong tương lai, cái thế hệ trẻ này, nếu không nhận được sự thật về các nguồn tin thì cả thế hệ sẽ bị thui chột.”

Hiền Vy - RFA

Không có nhận xét nào: