Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2009

Giới trẻ nghĩ gì về các vụ phạm pháp của nhân viên nhà nước ở nước ngoài?

Mời bấm vào tựa đề bên trên để nghe phần âm thanh


Giới trẻ nghĩ gì về các vụ phạm pháp của nhân viên nhà nước ở nước ngoài?


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-01-04


Từ đầu năm 2008, một phi công của hãng VietNam Airlines đã bị bắt giữ tại phi trường quốc tế Sydney, thuộc nước Úc vì vận chuyển một số tiền lớn ra khỏi nước này, liên quan đến một số đường dây rửa tiền và buôn bán ma túy.



Photo courtesy of VNExpress
Bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, đang trao đổi với các tay buôn sừng tê giác ngay trước cổng Tòa đại sứ Việt Nam.



Lạm dụng quyền thế

Đến tháng 7 cùng năm, một tiếp viên hàng không cũng của Vietnam Airlines đã bị bắt khi vận chuyển bất hợp pháp trên 300 ngàn Euro từ Đức về Việt Nam.

Rồi đến tháng 11, báo chí lại nói đến trường hợp vị bí thư thứ nhất của tòa đại sứ Việt Nam tại Nam Phi buôn lậu sừng tê giác. Tháng 12 thì một phi công phụ của Việt Nam Airlines chuyển hàng đánh cắp từ Nhật về Việt Nam và có khoảng 50 nhân viên của Vietnam Airlines cũng bị đưa tin là có liên quan đến các dịch vụ loại này.


Trong khi đó, ngay tại Việt Nam một vụ tham nhũng liên quan đến bạc triệu Mỹ Kim của quan chức thành phố Hồ Chí Minh với các viên chức công ty PCI của Nhật vẫn chưa có hồi kết.

Tổn hại uy tín, thể diện quốc gia


Một số người trẻ trong nước đã chia sẻ cảm nghĩ của họ về những vụ việc này với Hiền Vy. Trước hết là lời của anh Hoàng, một cư dân của Thành phố Hồ Chí Minh:

“Qua những trang mạng và những tin tức thì thấy công việc của các bí thư hay là của những nhân viên hãng Vietnam Airlines đã làm mất đi thể diện quốc gia.”

Anh Nam, một sinh viên tại Sàigòn phát biểu:

“Tôi chú ý đến vấn đề của nhân viên bộ ngoại giao. Vấn đề này cho chúng ta thấy được rằng là hệ thống chính quyền tận dụng quyền thế của họ để làm đủ mọi thứ.”

Chị Thùy hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh thì lại thắc mắc:

“Ở trong nước những quan chức tham những thì đã là một quốc nạn rồi, mà không hiểu sao ra tận ngoài đó mà những người trong chức vụ rất là lớn, lại còn làm những việc như vậy nữa để báo chí đưa lên thì thật là xấu hổ”.

Khi được hỏi làm cách nào để hạn chế những vụ việc như vậy trong tương lai, anh Nam cho ý kiến:

“Hạn chế vấn đề này thì phụ thuộc vào ở người giữ vị trí lãnh đạo, tức rõ ràng là nằm trong bộ máy của chính quyền rồi. Bản thân tôi nghĩ là cần phải hiểu rõ được vai trò của người công dân và phát huy được cái vai trò của người công dân để có thể tác động vào các nhà lãnh đạo bằng một phương thức nào đó. Cái vấn đề quan trọng là người dân hiểu được vai trò của họ và tận dụng nó để hạ bệ những người không đủ đạo đức để lãnh đạo đất nước.”


Khi đọc báo có thể nhiều người hiểu lầm lời Cha nói nhưng đến bây giờ khi mà nhiều việc xẩy ra do các quan chức nhà nước đi ra nước ngoài làm nhục nhã thể hiện quốc gia như vậy thì tôi thấy cái bài báo đăng lời cha Ngô Quang Kiệt nói rất là đúng, rất là thấm thía với hiện tình đất nước bây giờ.
Chị Thùy, một cư dân TP HCM


Anh Hoàng thì cho rằng phải đặt tinh thần dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân:

“Khi mà đại diện cho đất nước đi ra ngoài để làm việc với các nước khác thì phải có lòng yêu quốc gia và tinh thần dân tộc đặt trên hết. Những chuyện này toàn là cá nhân không hà mà cá nhân này làm ảnh hưởng cho trong nước và cho người dân và cho cả những thế hệ sau này. Cách duy nhất là phải đặt tinh thần quốc gia lên trên hết.”

Tại sao không xét xử công khai minh bạch?


Ý kiến của chị Thùy là nhà nước cần phải thay đổi:

“Nhà cầm quyền phải nhận thấy cái sai của họ để tự hạn chế vì những người được cử đi đó là đều được nhà cầm quyền sàn lọc và đưa đi thì nhà cầm quyền phải gánh cái trách nhiệm đó. Muốn hạn chế thì phải xử phạt thật là nghiêm minh và cấm không cho họ được xuất cảnh đi nữa.”

Anh Hoàng đề nghị một giải pháp cho vụ việc này:

“Những chuyện này đã xảy ra và làm mất đi cái thể diện, cái tinh thần dân tộc sâu nặng quá rồi, thì bây giờ nhà nước phải công khai xét xử minh bạch chứ không thể để cho những người như vậy làm nguy hại đến uy tín, thể diện quốc gia, Những người này là do đảng cộng sản đào tạo. Đảng nói là rất có đạo đức để mà đại diện quốc gia mà tại sao lại để xảy ra những chuyện như vậy? Và khi đã xảy ra như vậy thì tại sao không xét xử công khai minh bạch cho toàn dân biết. Những việc làm như vậy là những vết dơ trong lịch sử và sẽ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và làm mất sự uy tín lớn cho Việt Nam bị các nước bạn khinh bỉ, miệt thị …”

Lãnh đạo độc tài


Trong khi đó, anh Nam tỏ ra thất vọng với hiện tại:

“Tôi thấy là nhà nước độc tài quá nên tôi không biết đề nghị gì trước cái thế họ độc tài như thế. Nếu đề nghị cho những thành phần khác trong xã hội thì tôi nghĩ họ nên tìm hiểu cái vị thế của nhà cầm quyền tại thời điểm này và khả năng của họ làm có đủ hay không, thì sẽ dẫn tới những điều tốt trong tương lai, chứ người dân tại thời điểm này khó có thể dùng quyền của họ để tác động lên vai trò lãnh đạo của nhà nước.”

Xấu hổ và thấm thía


Chị Thùy thì mong rằng:

“Nhà cầm quyền của Việt Nam phải xem lại những điều họ làm là đúng hay chưa, nên có chính sách nghiêm ngặt và nên cải tổ. Điều chúng tôi mong muốn là làm sao đừng để mất mày mất mặt với thế giới. Đây là sự xấu hổ cho cả một quốc gia chứ không phải chỉ riêng bộ máy chính quyền của Việt Nam.”

Anh Hoàng cũng đồng ý với chị Thùy:

“Những việc làm này là những vết dơ, bởi vậy người Việt Nam rất là xấu hổ, việc những người đó đã làm, ảnh hưởng quá lớn cho người Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam mà người ta không thể nói được vì những việc làm này đã được sự bao che, chứa chấp.”

Đề cập đến việc một số người cho rằng những việc phạm pháp của nhân viên tòa đại sứ hay công nhân viên hãng Vietnam Airlines chỉ là trách nhiệm của cá nhân người làm việc đó, chứ không thể coi là sự xấu hổ của người Việt hay dân tộc Việt được, Anh Nam cho rằng:

“Nếu vấn đề này tại Việt Nam thì có khá nhiều lý do để có thể đặt vào trường hợp cho 1 người phạm tội cái vị trí đó nhưng ở vào địa thế của một bộ máy chính phủ với một hành động sai phép thì họ chỉ có việc là xử lý bằng luật pháp. Ở Việt Nam vấn đề này luôn luôn ngụy biện bằng hình ảnh của một cá nhân, nào là xử lý cá nhân, rồi khiển trách mà họ không thấy đó là cái sai lầm của nguyên một bộ máy chính quyền đã đưa đến những thành phần, những vị trí chủ chốt lại là những người thiếu đạo đức.”

Chị Thùy thì nhắc đến một bài viết mà báo đài trong nước đã đưa tin vài tháng trước về lời nói của linh mục Ngô Quang Kiệt:


“Tôi có đọc tờ báo mà có viết về cha Ngô Quang Kiệt, nói rằng cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi ra nước ngoài rất là xấu hổ, thì tôi thấy đúng, thấy rất thấm thía với câu nói đó. Khi đọc báo có thể nhiều người hiểu lầm lời Cha nói nhưng đến bây giờ khi mà nhiều việc xẩy ra do các quan chức nhà nước đi ra nước ngoài làm nhục nhã thể hiện quốc gia như vậy thì tôi thấy cái bài báo đăng lời cha Ngô Quang Kiệt nói rất là đúng, rất là thấm thía với hiện tình đất nước bây giờ.”

Và anh Hoàng kết luận:

“Khi một người tuổi trẻ như tôi biết được một số nguời đã làm hủy hoại cái thể diện quốc gia, cái tinh thần dân tộc thì trong thâm tâm tôi rất buồn. Tôi lúc nào cũng nghĩ đến tinh thần quốc gia dân tộc mà tại sao những người này đã làm tổn hại như vậy. Tôi rất mong nhà nước, là đảng cộng sản Việt Nam, phải công khai minh bạch, phải làm sao đưa tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc lên đầu chứ không phải chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa đảng cộng sản lên đầu được. Đó là làm sao phải vì tinh thần quốc gia, tinh thần dân tộc chứ không phải vì cá nhân.”

Không có nhận xét nào: