Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Tâm Tình của Giới Trẻ Việtnam trong mùa tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe

Hay nghe trực tiếp tại đây:



Get this widget | Track details | eSnips Social DNA


Tâm tình của giới trẻ Việt Nam trong mùa tốt nghiệp đại học


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-05-12



Tháng Năm là mùa tốt nghiệp của các trường đại học tại Hoa Kỳ. Vào ngày thứ Bảy, 9/5/2009, một buổi lễ tốt nghiệp đã được long trọng tổ chức tại đại học Rice, một trong những trường nổi tiếng của Hoa Kỳ, Hiền Vy tham dự và gửi bài tường trình từ Houston


Thành công không quên công lao cha mẹ

Trong tiếng reo hò vui mừng của các tân khoa và gia đình khi tên của những sinh viên được xướng danh, có những phụ huynh đã xúc động nhớ lại những khó khăn mà họ đã trải qua trong bước đầu đến Mỹ để ngày nay thấy được sự thành công của con cái. Bà Hanna Hoàng cho biết con trai của bà ra trường với 2 bằng cử nhân trong khóa học 4 năm, bà chia sẻ:


“Chúng tôi sang đây bằng diện HO. Nhà tôi bị đi học tập cải tạo 8 năm. Chúng tôi sang đây với gia tài là 20 Mỹ kim. Chúng tôi có 2 đứa con. Năm cháu học đến lớp 11, cháu phải đi làm cho chợ Fiesta. Cháu phải đi nhặt và đẩy những chiếc xe hàng. Nhìn thấy như vậy, chúng tôi rất là thương con, thương vô cùng nhưng tôi luôn khuyên cháu là phải học và phải làm thì mới có thể tiến thân được. Sau hai mươi mấy năm thì niềm mong ước của tôi đã toại nguyện, tôi rất là mừng”

Tân khoa Hoàng Bách Hỷ đến Hoa kỳ lúc 7 tuổi, cho biết đối với em, gia đình rất quan trọng và gia đình đã giúp em thành công. Nói tiếng Việt lưu loát, em cũng cho biết em không muốn quên nguồn gốc của mình:

“Gia đình cháu lúc nào cũng giúp cháu và khuyến khích cháu học nhiều hơn để giỏi hơn. Cháu muốn nói tiếng Việt vì cháu không muốn quên nguồn gốc của mình”

Một tân khoa khác, Sinh ra và lớn lên tại Hoa kỳ, Brian Ngô không nói tiếng Việt nhưng khẳng định là văn hóa Việt Nam ảnh hưởng rất sâu đậm trong em và em luôn tự hào em là người Việt.



Ở đại học sức chịu đựng đôi khi cần hơn kiến thức

Năm nay với tình trạng khủng hoảng kinh tế khắp nơi, rất nhiều sinh viên đang khó khăn trong sự tìm kiếm việc làm, nhưng Hoàng Bách Hỷ cho biết em đã ký hợp đồng làm việc, từ vài tháng truớc, và theo em thì học đại học ở Mỹ chỉ cần có sức mà thôi, giầu hay nghèo không thành vấn đề

“Khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng đến cháu. Cháu nghĩ là nếu mình giỏi thì sẽ có việc làm. Đại học Mỹ không thử thách mình bằng kiến thức mà là bằng sức chịu đựng. Người Việt nam có sức chịu đựng rất giỏi … ”

Brian Ngô thì khiêm nhường cho rằng do may mắn, em đã có sẵn việc đang chờ em nhưng với tình trạng kinh tế khó khăn hiện tại, em thật sự lo lắng cho những bạn cùng ra trường năm nay.

Brian Ngô cho biết vì bố mẹ em rất quan tâm về chính trị nên em cũng để ý nhiều đến vấn đề này. Em theo dõi sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Mỹ và theo em, dân biểu liên bang Cao Quang Ánh cũng như dân biểu tiểu bang Hubert Võ đã tạo niềm tin cho giới trẻ gốc Việt muốn tham dự vào chính trường của Hoa Kỳ


Vẫn quan tâm đến quê nhà


Tốt nghiệp ngành Kinh tế Chính trị, Brian Ngô cũng rất quan tâm đến sinh hoạt kinh doanh của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, cũng như sự thành công của lớp người Mỹ gốc Việt đi trước.

Em cũng cho biết em đặc biệt quan tâm đến vấn đề tranh cãi giữa các quốc gia vùng Đông Nam Á, nhất là giữa Trung Quốc và Việt Nam, trên chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trả lời câu hỏi về tình hình kinh tế cũng như chính trị tại Việt Nam, Brian Ngô cho rằng trong những năm gần đây Việt Nam đã tạo được những thành quả về phát triển kinh tế nhưng về Tự do, Dân chủ thì Việt Nam còn yếu và Việt Nam cần có sự cởi mở thật sự

Hoàng bách Hỷ cho biết, em vẫn muốn giúp những người Việt trong nước vượt qua những đau khổ và bất công trong xã hội Việt Nam

“Cháu làm việc trong nhiều cơ sở tình nguyện cho Việt Nam, và sau khi ra trường cháu cũng sẽ tiếp tục giúp cho những người Việt trong nước vượt khỏi những khó khăn và bất công họ đang trải qua”

Về tương lai chính trị của Hoa kỳ, Brian Ngô cho rằng, dân chúng Mỹ chưa sẵn sàng cho một vị tổng thống gốc Việt trong thế hệ của em mà có lẽ phải chờ đến thế hệ mai sau, tuy nhiên em hy vọng sẽ trở thành một Thượng nghị sĩ trong tương lai

HienVy RFA
.

Không có nhận xét nào: