Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Hội thảo về Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc

Mời click vào tựa bài bên trên để nghe

Hay nghe trực tiếp khi bấm vào "play" bên dưới

Get this widget | Track details | eSnips Social DNA



Hội thảo về Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc
By Hiền Vy


Một cuộc hội thảo về “Việt Nam Cộng Hòa và Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc” đã được tổ chức vào chiều Chủ nhật, ngày 31/5/2009 tại Houston. Trong dịp này, tác phẩm “Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc” của nhà biên khảo Minh Võ, đã được giới thiệu như một tài liệu để tham khảo.

Vì lý do sức khỏe và đường xá xa xôi, tác giả Minh Võ không thể hiện diện, tuy nhiên đã có 3 diễn giả tham dự là nhà báo Trần Phong Vũ, ông Lê Châu Lộc, cựu Thượng Nghị sĩ của Việtnam Cộng Hoà, và ông Nguyễn Đức Cường, cựu bộ trưởng kinh tế thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Trong bài nói chuyện ngắn của ông, cựu Thượng nghị sĩ Lê Châu Lộc, nguyên là tùy viên quân sự của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đã phát biểu:

“Bất kỳ ai, từ nhà sử học, đến nhà nghiên cứu, những người có suy tư một tí, khi đề cập đến nền Việt Nam Cộng Hòa đều không qua khỏi Ngô Đình Diệm, vì Ngô Đình Diệm là người sáng lập nền Cộng Hòa đó, một nền cộng hòa mà trong đó chúng ta phát triển một nền văn hóa dân tộc, một nền văn hóa mà trong đó có sự tự hào, một nền văn hóa trong đó có sự tự cường. Mà sự tự hào đó, sự tự cường đó, sau hơn ba, bốn chục năm rồi, bây giờ vẫn còn tiếp tục ở xứ này”

Nhà văn Trần phong Vũ cho rằng đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại lịch sử của nền Đệ Nhất Cộng hoà, không phải chỉ để vinh danh cố Tổng thống Ngô Đình Diệm mà là để phục hồi Chủ nghĩa Dân Tộc, đã nhiều năm bị xuyên tạc, bị thay thế bằng những chủ nghiã tôn thờ lãnh tụ:

“Vượt lên trên con người đó là Chính Nghĩa Dân Tộc của Việt nam mà chúng ta có trách nhiệm phải làm sáng lên, đặc biệt trong giai đoạn này, chúng ta đang bước vào thời kỳ quyết liệt đối với chủ nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa mà trong đó đã làm cho đất nước tàn hại, thê thảm như thế này. Và đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào lịch sử để nhìn rõ những khuôn mặt mà chúng ta có quyền hãnh diện, bởi vì những khuôn mặt đó đã làm nên một Việt Nam Cộng Hòa”

Và cũng theo ông Trần Phong Vũ thì cần phải làm sáng tỏ tinh thần dân tộc, qua sách viết, qua những cuộc hội thảo, cho những thế hệ mai sau được biết:

“...vì lý do này, lý do khác, vì tị hiềm, vì e ngại, vì sợ hãi, vì bên kia bờ đại dương luôn luôn tìm mọi cách để xuyên tạc… vì thế chúng ta không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật đó để làm sáng lên chính nghĩa của dân tộc ViệtNam. Chính nghĩa đó không thuộc về Ngô Đình Diệm, chính nghĩa đó không thuộc về Nguyễn Văn Thiệu, không thuộc về bất cứ ai, mà thuộc về 85 triệu đồng bào chúng ta, là tiền nhân anh dũng của chúng ta, là con cái của chúng ta, những người sẽ tiếp tục những bậc anh hùng đó để làm lịch sử trong những ngày sắp tới”

Và ông Lê Châu Lộc cũng khẳng định là Tổng Thống Ngô Đình Diệm không bao giờ muốn ông ca tụng mình :

“Nếu bây giờ tôi gặp lại cụ, cụ sẽ khõ đầu tôi và bảo tại sao phải làm việc đó, vì suốt đời cụ không cần gì hết mà chỉ cần yêu nước mà thôi”

Nói về một tương lai tươi sáng cho dân tộc, ông Lê Châu Lộc đã nhắc lại lời nói của cụ Nguyễn Trãi và theo ông thì người Việt hải ngoại cần phải làm mọi cách để duy trì tinh thần dân tộc trong giới trẻ:

“Những anh hùng cứu nước đang ở bên ViệtNam như Nguyễn Trãi đã nói; anh hùng hào kiệt thời nào cũng có, nhưng mà chúng ta ở đây, cái tập thể ba, bốn triệu người ở ngoại quốc, là cái nhóm nhỏ của 85 triệu người Việtnam còn có mắt để thấy, có tai để nghe, có miệng để nói nên chúng ta phải nói, chúng ta phải ghi lại, phải chép lại để cho con cháu như là những chứng tích lịch sử, để nếu về sau có những anh hùng xuất hiện, nếu thời thế thay đổi thì họ có căn bản, có chứng cớ để xây dựng lại quê hương”

Ông Trần Phong Vũ cũng nhắc đến những anh hùng dân tộc, mà theo ông, Tổng thống Ngô Đình Diệm là một trong những vị anh hùng đó. Tổng thống Diệm đã tìm cách giới hạn người ngoại quốc vào làm việc tại ViệtNam, bằng sách lược cấm ngoại kiều làm 11 nghề nếu không có quốc tịch ViệtNam, để ngăn ngừa sự xâm lăng kinh tế của Tầu và ông cũng nhắc lại câu nói của Tổng thống Diệm về sự quan trọng của vùng Cao nguyên Trung phần:

“Đất nước chúng ta không thiếu những người yêu nước, không thiếu những người anh hùng. Đất nước chúng ta đang đứng trước bờ vực bị Hán hóa, khi mà nhà nước Việt Nam đã bỏ cả Visa cho người Trung quốc có thể tự nhiên tràn qua biên giới.

Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tiên liệu được điều đó. Tổng thống đã nói rằng ai giữ được cao nguyên, người đó giữ được đất nước.

Chúng ta phải nhìn ra cái hiểm hoạ của đất nước ngày nay và phải có hành động, nếu không, đất nước chúng ta đang bị đe doạ bởi cái họa xâm lược của người Tầu. Giới trẻ chúng ta phải ý thức được điều đó. Chúng ta phải nối kết với nhau để làm cái gì cho đất nước.”


Trả lời câu hỏi về tình hình kinh tế thời Cộng Hòa như thế nào, cựu bộ trưởng kinh tế Nguyễn Đức Cường cho rằng thời Đệ Nhất Cộng Hòa là khoảng thời gian mà nước Việtnam đã được thịnh vượng hơn bao giờ hết, và người ViệtNam đã rất hãnh diện khi cầm tờ giấy thông hành ra nước ngoài

“Lúc đó uy tín của Việtnam trên thế giới rất cao. Tôi còn nhớ lúc ấy sinh viên rất tự hào khi mang thông hành của Việtnam Cộng hòa. Giai đoạn 1954 - 1963 là giai đoạn có thể gọi là thịnh vượng và phồn thịnh nhất của chúng ta trong năm, sáu, mươi năm qua”

Trong tiếng nhạc bế mạc, cô Châu Hà, một tham dự viên buổi hội thảo cho biết cảm tưởng của cô:

“Đây là một buổi hội thảo hiếm có, để cho chúng ta nhìn lại lịch sử để giúp rút tỉa ra những bài học cho tương lai và tìm được một giải pháp tốt đẹp hơn cho đất nước”

Hiền Vy tường trình từ Houston
.

Không có nhận xét nào: