Thứ Tư, 23 tháng 4, 2008

Sẽ Có Biểu Tình chống Đuốc Olympic Bắc Kinh tại Sàigòn ?

Mời click vào Tựa Bài để nghe phần âm thanh
(Đã phát thanh trên RFA - April 24)



Trên chặng đường dài 137.000 cây số vòng quanh thế giới, với thời gian 130 ngày như đã định cho lộ trình của ngọn Đuốc Thế Vận Hội 2008, hầu như không nơi nào là không có sự chống đối Trung Quốc. Những thành phố ngọn đuốc đã đi qua như London, Paris, San Francisco đã gây nhiều khó khăn cho người cầm đuốc cũng như cho những người theo bảo vệ.

Trong cuộc biểu tình tại San Francisco, khi chờ ngọn đuốc Olympic đi ngang, một sinh viên Việt Nam đã nói rằng anh đến để ủng hộ dân Tây Tạng cũng như muốn thế giới biết đến mộng bá chủ của Trung Quốc:

“Tới để phản đối Trung Quốc, đi hà hiếp các nước lân cận và vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Không chỉ với Việt Nam, mà cả những nước lân cận như Miến Điện, hôm nay cũng có người đi biểu tình, ngoài ra còn có cả người Sudan.

Cuộc rước Đuốc này là một sự ô nhục cho Trung Quốc chứ không còn vinh hạnh nữa. Đây là dịp cho mọi người thấy Trung Quốc là một nước rất hiếu chiến và vi phạm nhân quyền một cách thậm tệ. ”


Anh cũng nói đến việc Bắc Kinh đã xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam:

“Hoàng Sa thì đã mất từ lâu rồi mà cho tới giờ này, khi Trung Quốc đã công bố Hoàng Sa và Trường Sa là của họ mà nhà nước Việt Nam chỉ lên tiếng yếu ớt, chớ không dám làm gì”


Một du sinh Việt Nam cũng đang đứng chờ Đuốc Thế Vận tại một góc đường, bên cạnh 2 tấm biểu ngữ bằng tiếng Anh, lên án Trung Quốc đã giết hại ngư phủ Việt Nam cũng như sự xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, cho rằng; Trung Quốc không xứng đáng được tổ chức Thế Vận Hội:

“Biểu tình cho mọi người biết chuyện gì đã xảy ra tại Biển Đông vì rất nhiều người không biết, ngay cả những người Trung Hoa ủng hộ Olympics cũng không biết, thành ra cho cả họ biết luôn. Nếu người Trung Quốc vẫn tiếp tục những việc làm như vậy thì cho họ tổ chức Olympic là không đúng”

Thưa quí thính giả

Đến ngày 29 tháng 4 Đuốc Thế Vận sẽ đến Sàigòn, mà giờ này, nhà nước ViệtNam vẫn chưa cho biết lộ trình của Đuốc, nhưng kế hoạch để ngăn ngừa người biểu tình, bày tỏ sự chống đối với Trung Quốc về việc xâm chiếm đất đai của ViệtNam, thì như đã sẵn sàng. Dù vậy, sinh viên học sinh tại Thành Phố Hồ Chí Minh đang âm thầm hoạch định một chương trình xuống đường bất bạo động.

Một sinh viên của trường Đại Học Công Nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, đã bị công an bắt giữ và thẩm vấn, vì tham gia vào một diễn đàn trên mạng, để vận động cho cuộc xuống đường bất bạo động ngày 29 tháng Tư, mới được thả ra, cho biết, dù bị theo dõi, nhưng anh vẫn sẽ xuống đường cùng với các bạn:

“Phong trào vận động tẩy chay Olympic Bắc Kinh đã diễn ra trên khắp thế giới rồi và sắp tới thì Ngọn Đuốc Thế Vận 2008 sẽ đến Việt Nam. Là người dân Việt thì không thể làm ngơ một cách im lặng được. Báo chí Việt Nam cũng đã im lặng từ đó tới giờ rồi nên thanh niên Việt Nam buộc phải thể hiện được cái thái độ của toàn dân trước sự kiện quốc tế này, đồng thời cũng để nhắc nhở lại vụ việc Trường Sa và Hoàng Sa mà Trung Quốc đang muốn có tầm ảnh hưởng ở 2 khu vực này.

Ngày 29 Tháng Tư này là một sự kiện mà từ trước tới nay chưa có một sự kiện nào mà được nhiều người chú ý như lần này. Lần này sinh viên Việt Nam họ chú ý rất nhiều và em cũng không thể đứng nhìn sự kiện này xảy ra, nên em sẽ tham gia”


Anh cho biết là theo dự đoán của anh thì sẽ có nhiều sinh viên tham gia Ngày 29 tháng Tư, và trước nguồn tin là công an được trang bị dùi cui, dây điện để giữ an ninh, trật tự anh sinh viên này nói:

“Nếu một phong trào chỉ toàn sinh viên như thế mà họ đánh thì rõ ràng là một hình ảnh không tốt đẹp cho nhà cầm quyền. Cho nên việc này nếu có xảy ra, thì nó sẽ thuận lợi cho tư tưởng của sinh viên, mở ra trước một nhà cầm quyền như thế. Còn mà nếu họ không đánh thì rõ ràng là phong trào thành công tốt đẹp. Cho nên việc họ có đánh hay không thì bây giờ sinh viên chỉ biết chờ đến ngày đó xem sẽ như thế nào”

Khi được hỏi có sợ bị công an đánh đập không, anh đã trả lời:

“Cũng thấy họ đánh đó chứ nhưng mà hình như mình lì trước cái xã hội này thì phải, nên cứ thấy cần, thì lên tiếng. Sự thật thì ngày nay cũng có Sinh viên sợ điều đó. Hôm em đi học lại, thì vài đứa phát ngôn cũng buồn cười lắm, hỏi em là “Bộ mới đi tù ra hả ?” Có đứa lại hỏi “Có bị chích thuốc không?” Có đứa thì kêu: “Có bị cấy bò bọ không?” Em hỏi lại “Ủa, tụi bây hình dung cái nhà nước này nó gian ác như vậy mà tụi bây còn cười nữa à ?
Nhưng rồi em cũng chỉ cười thầm thôi, hơi buồn một tí”


Theo anh thì bên cạnh một số ít sinh viên e ngại việc bị giam cầm, và tra tấn, vẫn có một số đông sinh viên khác đang có cái nhìn khác hơn ngày xưa:

“Cái phong trào sinh viên Việt Nam đang dần dần mở ra một cái tầm nhìn mới cho nên không chỉ bản thân em, mà còn nhiều sinh viên nữa và mong rằng mọi người quan tâm và ủng hộ. Nhiều sinh viên đã thấy điều đó và họ phải đấu tranh thôi để bưộc nhà cầm quyền phải thay đổi. Cho nên sinh viên cần phải làm nhiều nữa”

Anh mong rằng, thanh niên sinh viên Việt Nam trong nước cũng như tại hải ngoại cần cùng nhau làm việc để mang lại lợi ích chung cho dân tộc:

“Chúng ta cùng giòng máu Lạc Việt, ngày nay đất nước chúng ta còn thiếu thốn những vấn đề căn nguyên của một người dân. Để lên tiếng vấn đề này thì mình thấy chỉ có giới trẻ có thể làm được. Và thành phần này rất đông. Giới trẻ phải có trách nhiệm này, không chỉ ở trong nước mà còn ở hải ngoại nữa. Chúng ta phải đóng góp với nhau để những phong trào sắp tới của chúng ta có thắng lợi, mà lớn nhất là quyền căn bản của người dân sẽ được như các nước đã phát triển”

Vì sự an toàn của các sinh viên, Hiền Vy xin phép không nêu tên những người đã trả lời cuộc phỏng vấn. Xin kính chào quí thính giả.
.

Không có nhận xét nào: