Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

Phản ứng của sinh viên trước việc chính quyền bắt giam các nhà dân chủ

Phản ứng của sinh viên trước việc chính quyền bắt giam các nhà dân chủ

Hiền Vy, phóng viên đài RFA
2008-09-14



Chỉ vài hôm, trước nguồn tin sinh viên học sinh sẽ có một cuộc biểu tình vào ngày 14 tháng 9 tại Hà Nội để phản đối Trung Quốc về việc xâm lấn lãnh thổ Việt Nam, thì công an nhà nước đã bắt giam nhiều nhà đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền tại Việt Nam.
Hiền Vy có cuộc nói chuyện với các sinh viên trong nước:

“Họ bắt giam cầm những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 14 tháng 9 sắp tới.

Hành động đó chứng tỏ là nhà nước đang lo sợ trong vấn đề tự do, dân chủ tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm những việc trái với hiến pháp Việt Nam. Nhưng những chuyện đó xảy ra ở xã hội Việt Nam rất nhiều.

Họ bắt bớ và đàn áp các nhà dân chủ để các nhà dân chủ không thể đi biểu tình cùng học sinh sinh viên và thanh niên Việt Nam trong ngày 14 tháng 9.

Họ làm như vậy là để bảo vệ cho cái chế độ của họ. Họ không muốn cho nhân dân lên tiếng. Họ không muốn các nhà đấu tranh dân chủ có điều kiện để nói cho nhân dân hiểu thế nào là chế độ độc tài, thế nào là dân chủ, thế nào là nhân quyền cho đất nước Việt Nam.

Chính những điều này làm cho giới trẻ chúng tôi càng quyết tâm hơn; là phải đi biểu tình để thể hiện cho nhà nước biết là thanh niên chúng tôi không hèn nhát, không chịu khuất phục trước cường quyền, không chịu được nỗi nhục mất đất mất biển.”

Tranh đấu bất bạo động

Theo các sinh viên thì hành động bắt người đó không hợp lý:

Sự gia tăng đàn áp, bắt bớ này trước cuộc biểu tình của học sinh sinh viên thì thật ra họ làm cho chúng tôi càng quyết tâm hơn; phải đấu tranh, phải thể hiện tiếng nói, phải thể hiện lòng yêu nước của mình.

“Cái đó chắn chắn không hợp với hiến pháp Việt Nam, tại vì họ không làm gì mang tính bạo động, không xúi giục để mà gây ra các cuộc bạo động, hoặc là có hành động thái quá gì cả, họ chỉ tổ chức cuộc biểu tình trong ôn hòa mà cái điều này đã được ghi trong hiến pháp.

Điều này hoàn toàn trái ngược với hiến pháp Việt Nam và công pháp quốc tế. Họ đã dùng những biện pháp là bắt cả ban đêm để không cho người dân chung quanh được biết, để dấu giếm thông tin dư luận quốc tế.


Đó là một sự vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng vậy mà lúc nào đi đâu họ cũng tuyên truyền là Việt Nam có tự do, có dân chủ nhân quyền, nhưng theo tôi nhận định thì tự do, dân chủ nhân quyền chỉ có nằm trong tay của 14 vị lãnh đạo và bộ chính trị.”

Các sinh viên nói rằng những nhà dân chủ đang tranh đấu bất bạo động mà vẫn bị đàn áp:

“Những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam không có gì là bạo động trong công cuộc đấu tranh, đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, nhân quyền cho người dân Việt Nam và công bằng xã hội.

Trên tay chúng tôi không có một tất sắt, không có một dụng cụ gì để có thể biến thành bạo động được cả nhưng nhà cầm quyền đã vu khống cho chúng tôi là những thành phần nguy hiểm cho chế độ, cho xã hội rồi nhà nước vu khống cho chúng tôi đủ mọi loại tội phạm.

Đây có thể là cái chiêu bài để đe doạ những phong trào tới, cũng có thể là cái chiến lược của nhà nước Cộng Sản Việt Nam để dằn mặt những phong trào sau đó.”

Biểu tình 14-9

Các sinh viên cũng lên tiếng là họ sẽ không sợ hãi trước việc đàn áp của nhà nước:

“Một số người sẽ sợ việc bắt bớ này nên sẽ không tham dự cuộc biểu tình ngày 14 tháng 9 nhưng mà tôi nghĩ rằng khi các bạn đã có trí thức rồi thì các bạn sẽ có hành động cụ thể để thể hiện lòng yêu nước của mình.

Sự gia tăng đàn áp, bắt bớ này trước cuộc biểu tình của học sinh sinh viên thì thật ra họ làm cho chúng tôi càng quyết tâm hơn; phải đấu tranh, phải thể hiện tiếng nói, phải thể hiện lòng yêu nước của mình. Một đất nước Việt Nam không có tự do, không có dân chủ, mà ai cũng im miệng, ai cũng không dám nói lên tiếng nói của mình thì đất nước này của ai ? Của đảng Cộng Sản chứ không phải của 86 triệu dân Việt Nam nữa rồi.”

Anh sinh viên này cũng cho biết thêm:


Những cuộc bắt bớ làm cho người ta biết được sự cường hào ác bá của chế độ Cộng Sản. Nên sự đàn áp càng mạnh thì sự tham ứng vào phong trào sẽ càng mạnh hơn.
“Chính tôi cũng là người từng bị đàn áp dọa nạt để làm cho tôi nhụt nhuệ chí đấu tranh cho dân chủ hoá đất nước và trong cuộc biểu tình chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh, nhưng họ đã nhầm vì họ làm như thế thì chúng tôi càng hiểu rõ bộ mặt thật của họ hơn, về sự độc quyền, độc tài, độc đảng của họ hơn và chúng tôi càng quyết tâm hơn.

Giới trẻ sẽ tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 14 tháng 9, chúng tôi sẽ quyết tâm bằng mọi giá, bằng mọi cách. Không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Chúng tôi sẽ quyết tâm làm được việc đó.”

Và một sinh viên khác thì cho rằng, những cuộc bắt bớ sẽ làm cho phong trào đấu tranh mạnh hơn:

“Chính nghĩa sẽ thắng tàn bạo và có một điều nữa là cũng cần phải có những người tử vì đạo thì đạo mới trở nên thống nhất được. Cho nên những cuộc bắt bớ làm cho người ta biết được sự cường hào ác bá của chế độ Cộng Sản. Nên sự đàn áp càng mạnh thì sự tham ứng vào phong trào sẽ càng mạnh hơn.”

Cản trở lòng yêu nước?

Một sinh viên nói rằng anh lo lắng cho tương lai của xứ sở, khi mà sự bầy tỏ lòng yêu nước và muốn bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ thì lại bị chính quyền ngăn cản:

“Tương lai của đất nưóc Việt Nam sẽ mù mịt, nếu đảng Cộng Sản suốt ngày đàn áp và cản trở sinh viên chúng tôi nói lên tiếng nói yêu nước của mình, cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam nói lên tiếng nói yêu nước, thì đất nước này không còn là đất nước của nhân dân Việt Nam, không phải là đất nước của 86 triệu con dân Việt Nam nữa mà là đất nước của 3 triệu đảng viên đảng Cộng Sản và 14 vị lãnh đạo trong bộ chính trị và là một chư hầu của Trung Quốc, chứ không phải là một nước Việt Nam nữa.”

Nhưng một sinh viên khác vững tin rằng lòng yêu nước sẽ vượt qua mọi trở ngại:

“Lòng yêu nước của người Việt Nam giống như một cơn đại hồng thủy, nó sẽ cuốn trôi tất cả chướng ngại trước mắt nó, do vậy tương lai Việt Nam sẽ phát triển và sự ngăn cản cái sự phát triển đó sẽ bị phá vỡ.”

Để giữ an toàn cho các sinh viên, Hiền Vy xin không nêu tên những người góp tiếng trong bài phóng sự này.

.

Không có nhận xét nào: