Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

Giáo Dân Thái Hà Kháng án

Mời bấm vào tựa bài bên trên để nghe âm thanh

Giáo dân Thái Hà kháng án

Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-12-22


Ngày 8 tháng 12 năm 2008, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 8 giáo dân của giáo xứ Thái Hà về các tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “hủy hoại tài sản”.




Photo courtesy of Vietcatholic


8 giáo dân bị buộc tội là các bà Ngô thị Dung, Lê thị Hợi, Nguyễn thị Nhi, Nguyễn thị Việt, và các ông Lê Quang Kiện, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải, Phạm chí Năng.

Phiên tòa công khai trên tầng 4 UBND phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầu, đã kết thúc chỉ trong một ngày xét xử với mức án từ cảnh cáo, tới tù treo cho các nạn nhân.

Ngày 17 tháng 12 năm 2008, tất cả tám nạn nhân đã đồng loạt kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Tòa án thành phố Hà Nội vì xét thấy hành vi của họ không vi phạm pháp luật và mức án như vậy là không công bằng.


Bản án này quá bất công với chúng tôi nên chúng tôi phải kháng án kêu oan. Chúng tôi chỉ đọc kinh cầu nguyện với lại ra đấy để đòi sự công bằng và sự thật thôi chứ chúng tôi có ra đấy đánh nhau chửi nhau đâu mà kết tội chúng tôi, do đó chúng tôi phải kháng án
Ông Nguyễn Đắc Hùng



Phản đối các bản án


Cùng với 8 giáo dân của giáo xứ Thái Hà, Luật sư Lê Trần Luật đã đến tòa án quận Đống Đa nộp đơn kháng cáo kêu oan cho họ. Một trong 8 giáo dân là ông Nguyễn Đắc Hùng đã cho biết lý do ông kháng cáo:

"Bản án này quá bất công với chúng tôi nên chúng tôi phải kháng án kêu oan. Chúng tôi chỉ đọc kinh cầu nguyện với lại ra đấy để đòi sự công bằng và sự thật thôi chứ chúng tôi có ra đấy đánh nhau chửi nhau đâu mà kết tội chúng tôi, do đó chúng tôi phải kháng án"

Bà Nguyễn thị Việt nói rằng dù là bản án treo, bà cũng bị mất những tự do căn bản của người dân:

"Ngay từ đầu, công việc cầu nguyện của chúng tôi là hướng về Đấng tối cao. Chúng tôi nhìn thấy Đức Mẹ đứng trong khu đất trống đấy. Đức Mẹ là Đấng chúng tôi tôn sùng, chúng tôi yêu mến và chúng tôi cầu xin cái gì cũng được. vì vậy với lòng thôi thúc của đức tin, chúng tôi đập bức tường ấy để đi vào nhanh hơn và sạch hơn chứ chúng tôi không có ý định là ghét bỏ hay bực bội gì.

Cho nên cái việc này, chúng tôi không có tội vì đất này là đất của nhà thờ mà chúng tôi muốn vào với Đức Mẹ thì đâu có tội. Nơi đấy là linh địa của chúng tôi, từ xưa đến nay chúng tôi đã khẳng định đất đấy là của nhà thờ. Chúng tôi có đập cái tường đó để vào thì chúng tôi cũng không có tội, mà đã không có tội thì chúng tôi phải kháng cáo. Bị cái án treo này chúng tôi cũng mất tự do đi lại, mất tự do sinh hoạt của chúng tôi và thứ hai là chúng tôi còn cái danh dự nữa"


Tôi không có tội gì hết mà nhà nước ghép cho tôi cái tội như vậy. Tôi có làm cái gì đâu! Tôi chỉ đập mấy mét tường trong vòng có một hai phút, còn nhà nước thì đập hết đi đó thôi. Bây giờ người ta đã làm cái công viên cây xanh rồi.
Ông Phạm Chí Năng



Ông Phạm Chí Năng chỉ muốn thấy công lý và sự thật được thực thi :


"Tôi không có tội gì hết mà nhà nước ghép cho tôi cái tội như vậy. Tôi có làm cái gì đâu! Tôi chỉ đập mấy mét tường trong vòng có một hai phút, còn nhà nước thì đập hết đi đó thôi. Bây giờ người ta đã làm cái công viên cây xanh rồi.

Mà một phiên tòa người ta xử bất công với tôi như vậy thì lý do gì mà tôi không làm đơn kháng cáo vì tôi không có tội. Tự dưng nhà nước ghép cho tôi cái tội như thế thì tôi không đồng ý nên tôi làm đơn kháng cáo. Đề nghị toà án xét xử để trả lại sự tự do và công bằng cho tôi. Đâu là công lý! Đâu là sự thật! Tôi chỉ đòi hỏi như vậy"

Khuyến cáo của chính quyền

Sau phiên tòa ngày 8 tháng 12, những nạn nhân của giáo xứ Thái Hà đã được công an và nhân viên an ninh khuyến cáo là không nên kháng án vì có thể bản án sẽ nặng hơn cho họ, như lời của ông Nguyễn Đắc Hùng:

"Trước đó có mấy người gọi điện về nhà tôi bảo là đừng kháng án. Hôm trước thì lại có một người bên tòa án gọi về, ý là muốn thăm dò coi có kháng án hay không. Cái vụ án này đối xử với chúng tôi rất là bất công nên bắt buộc chúng tôi phải kháng án.

Bên phía chính quyền thì họ gọi về bảo là không nên kháng án bởi vì kháng án có thể là không tốt, cũng có thể là y án, cũng có khi là tăng hơn và cũng có khi là không giảm"

Còn ông Phạm Chí Năng thì khẳng định là ông sẵn sàng chấp nhận kết qủa của việc kháng cáo, để công lý được sáng tỏ:


Bên phía chính quyền thì họ gọi về bảo là không nên kháng án bởi vì kháng án có thể là không tốt, cũng có thể là y án, cũng có khi là tăng hơn và cũng có khi là không giảm

Ông Nguyễn Đắc Hùng



"Cái đó thì phụ thuộc nhà nước, vì nếu đã là một phiên tòa thì tôi đòi hỏi một sự công bằng, đúng pháp luật. Tôi không sợ đi tù. Nếu nhà nước kể cả xử y án thì tôi sẽ kêu lên tòa án cao hơn, hoặc nếu tòa án cao hơn vẫn bắt tôi phải ngồi tù thì tôi sẽ chấp nhận ngồi tù vì sự thật vẫn là sự thật. Tôi có làm gì đâu mà phải cảm thấy xấu hổ, nhục nhã."

Kháng cáo

Nhưng theo LS Lê Trần Luật, thì việc kháng cáo không làm tăng án được:

"Tôi được nghe các giáo dân trình bày rằng các cơ quan công an hoặc là chính quyền địa phương có đến khuyên họ là đừng kháng cáo vì kháng cáo như thế chẳng có lợi gì và có khả năng tăng án.

Tôi xin khẳng định rằng nói như thế là sai với qui định của luật hình sự Việt Nam. Kháng cáo chỉ có lợi chứ không bao giờ có hại vì như thế này; Cấp phúc thẩm xem xét lại bản án cua cấp sơ thẩm là chỉ có thể y án hoặc là giảm nhẹ, chứ không thể có tăng lên.

Hãy hỗ trợ cho chúng tôi bởi vì nếu không có truyền thông và công luận thì khó có thể thành công được. Do vậy tôi luôn luôn mong muốn giới truyền thông hỗ trợ cho chúng tôi trong bước đường kháng cáo kêu oan sắp tới

LS Lê Trần Luật



Họ chỉ tăng lên trong trường hợp viện kiểm sát là kháng nghị, đề nghị tăng án nhưng trong trường hợp này thì không được, bởi vì tại cấp sơ thẩm vị kiểm sát đã đề nghị một mức án và tòa đã xử giống như vị kiểm sát đề nghị cho nên viện kiểm sát không có lý do nào để kháng nghị.

Như vậy chỉ còn lại là kháng cáo của các bị cáo thì cấp phúc thẩm không được làm bất lợi tình trạng của bị dáo đang có. Có nghĩa là họ chỉ có thể xử y án hoặc là giảm chứ không thể có trường hợp tăng được."

Dù luật pháp của Việt Nam đã có ghi rõ như vậy, nhưng LS Lê Trần Luật vẫn rất mong sự hỗ trợ của mọi người, đặc biệt là giới truyền thông

"Hãy hỗ trợ cho chúng tôi bởi vì nếu không có truyền thông và công luận thì khó có thể thành công được. Do vậy tôi luôn luôn mong muốn giới truyền thông hỗ trợ cho chúng tôi trong bước đường kháng cáo kêu oan sắp tới"

Và các giáo dân cũng trông mong sự hiệp thông cầu nguyện của mọi người

"Chúng tôi đang kháng cáo nhưng cũng đang cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ soi chứng mở lòng cho các nhà lãnh đạo quốc gia để tìm ra sự thật mà giải oan cho chúng tôi"

"Xin tất cả hãy cầu nguyện cho chúng tôi để giúp chúng tôi đòi lại được công bằng, đòi lại sự thật để bớt cái bất công" .

Download attachment >>

Không có nhận xét nào: