Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

Sinh viên Việt Nam bị ngăn chận biểu tình phản đối Trung Quốc

Mời bấm vào tựa bài để nghe âm thanh

Sinh viên Việt Nam bị ngăn chận biểu tình phản đối Trung Quốc


Hiền Vy, phóng viên RFA
2008-12-09


Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của sinh viên thanh niên Việt Nam hôm 6-12-2008 đã bị lực lượng an ninh dày đặc dập tắt ngay từ đầu.



AFP PHOTO/RADIO NEW HORIZON

Trước đây cũng đã từng xảy ra nhiều vụ hành hung, đánh đập các nhà tranh đấu. Hình: Sinh viên Nguyễn Tiến Nam bị công an khóa tay bóp cổ trước chợ Đồng Xuân Hà Nội hôm 29-4-2008, vì tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc.



Bảo vệ chủ quyền

Bức xúc trước việc tập đoàn dầu khí Trung Quốc bỏ ra gần 30 tỉ Mỹ kim để khai thác dầu khí trên vùng biển đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, sáng thứ Bảy 6-12-2008, thanh niên sinh viên trong nước đã tổ chức biểu tình trước các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn để phản đối.

Tại Sàigòn, theo tin tức từ Blog Vàng Anh thì có khoảng 70 hay 80 sinh viên tản mác gần khu vực toà Tổng lãnh sự Trung Quốc trên đường Nguyễn thị Minh Khai và vài nhóm sinh viên khác cũng có mặt gần Nhà thờ Đức Bà:

“Tôi đi tới chỗ… thì thấy có một toán sinh viên khoảng 70 hay 80 người. Tôi đảo xe lên nhà thờ Đức Bà thì thấy vài nhóm xinh viên nữa. Bao quanh hồ Con Rùa thì xe jeep và những xe khác rất nhiều kể cả lực lượng xe… bao quanh khu vực đó và cả khu diamond plaza… Khu mà công viên nhà thờ Đức Bà ngó qua, thì công an ngồi hết trơn rồi, ít thanh niên và sinh viên lắm. Chỗ em đang đứng ở đây thì vài sinh viên đang ngồi coi tình hình thôi. Toàn là thấy công an nhiều thôi…”

Tôi đến biểu tình để chống sự xâm lấn của tập đoàn Bắc Kinh, Trung Quốc. Họ đã tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là của họ và chi 29 tỉ đô để khai thác dầu khí trên biển đông của nước Việt Nam.
SV Nguyễn Tiến Nam



Tại Hà Nội, trên đường đến nơi tụ họp, sinh viên Nguyễn Tiến Nam cho biết:

“Tôi vừa bắt đầu đi, trên đường đến 46 Hoàng Diệu, tôi đến biểu tình để chống sự xâm lấn của tập đoàn Bắc Kinh, Trung Quốc. Họ đã tuyên bố Trường Sa, Hoàng Sa là của họ và chi 29 tỉ đô để khai thác dầu khí trên biển đông của nước Việt Nam. Họ đã gây áp lực với 2 công ty của Mỹ để không hợp tác với tập đoàn Petro Vietnam mà khai thác dầu khí trên vùng biển đông của Việt Nam”.

Anh Nguyễn Tiến Nam cũng nói thêm rằng, các cuộc biểu tình là do lòng yêu nước của giới trẻ:

“Điều đó là do sự làm việc và lòng yêu nước của thanh niên và của người dân Việt Nam chúng tôi. Vào hồi trung tuần tháng 12 năm 2007, nhà cầm quyền Bắc Kinh Trung Quốc đã tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của họ và tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa, thì khi đó, chúng tôi cũng đã đứng lên, để bảo vệ đất nước Việt Nam, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, bằng những cuộc xuống đường biểu tình của sinh viên học sinh. Sau đó thì nhà cầm quyền Trung Quốc không thành lập Tam Sa nữa”.


Bị ngăn chận, dập tắt


Riêng cuộc biểu tình vào sáng thứ Bảy, ngày 6 tháng 12 tại Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Nam nói là do sự kêu gọi của sinh viên nhiều trường đại học tại Hà Nội:

“Tôi đang ở khu vực trường đại học bách khoa, có một số các bạn sinh viên bắt xe buýt đi ra khu vực 46 Hoàng Diệu. Các khu đại học khác như đại học công nghiệp, đại học kinh tế quốc dân và những đại học khác thì cặp những chuyến xe như chuyến 32, chuyến xe 02, về để tụ tập trưóc 46 Hoàng Diệu”.

Khi đến trước Đại sứ quán Trung Quốc, anh Nam thấy rất nhiều công an đã có mặt tại đấy:

“Hiện tại tôi thấy có khoảng 70 công an tại số 46 Hoàng Diệu, vườn hoa Lenin. Riêng tôi thì có 2 công an và 1 người thường đuổi tôi đi”.

Sau khi bị ép buộc rời khu vực Đại sứ quán Trung Quốc, sinh viên Nguyễn Tiến Nam kể lại sự việc đã xảy ra:

Biểu tình phản đối sự xâm lấn biển đông của Trung Quốc là một hành động vô cùng thiết thực và thích hợp nhưng chính nhà cầm quyền làm tôi thất vọng tràn trề.
SV Nguyễn Tiến Nam


“Hôm nay là mùng 6 tháng 12, chúng tôi một nhóm sinh viên có 25 người, chúng tôi tản mác quanh khu vực Đại sứ quán Trung Quốc để chờ đợi anh em tập trung để biểu tình phản đối Trung Quốc, phản đối sự hình thành dự án Tam Sa của Trung Quốc, đầu tư 29 tỉ đô la mới đây để khai thác dầu mỏ trên đất nước vùng lãnh hải Việt Nam.

Nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại vu cho chúng tôi những tội danh rất chi là lạ đời, như chống phá nhà nước, rồi thế này, thế nọ, thế kia… Chúng tôi hoàn toàn cực lực phản đối việc đó của nhà nước Việt Nam. Tôi thì không bị bắt nhưng bạn của tôi là anh Phạm Hồng Vỹ thì bị làm việc từ sáng đến giờ vẫn chưa được thả ra”.


Tại phường công an Điện Biên, quận Ba Đình, anh Phạm Hùng Vỹ đã kể lại:

“Vào khoảng 7giờ 30 sáng, tôi đã có mặt ở khu vực cách đại sứ quán Trung Quốc 46 Hoàng diệu khoảng 300 mét và đến khoảng 9 giờ rưỡi thì tôi ra đứng cùng với các anh em sinh viên. Sau đó các anh em sinh viên có nói rằng là chúng ta có thể đưa cờ lên không thì tôi bảo; thứ nhất ở đây không có qui luật nào cấm chúng ta tụ tập, thứ hai là không có một qui định nào cấm người ta cầm cờ tổ quốc mình cả.

Thế là tôi cùng một số anh em sinh viên nữa, bắt đầu đưa cờ ra và đứng đối diện với Đại sứ quán Trung Quốc số 46 Hoàng Diệu. Chỉ tầm 3 phút thôi thì rất nhiều người họ vây chúng tôi lại và lúc đầu họ bảo rằng là không được tụ tập ở đây, sau đó thì họ đẩy chúng tôi đi”.



Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org, hoặc có thể tham gia thảo luận tại trang blog của RFA www.rfavietnam.com

Sinh viên Nguyễn tiến Nam đã bày tỏ tâm tình và nguyện vọng của anh:

“Biểu tình phản đối sự xâm lấn biển đông của Trung Quốc là một hành động vô cùng thiết thực và thích hợp nhưng chính nhà cầm quyền làm tôi thất vọng tràn trề. Đất nước Việt Nam là của nhân dân Việt Nam, hải đảo Việt Nam là của đất nước Việt Nam.

Cho dù chúng ta có chết, có sống hay vi một lý do gì thì vì đất nước Việt Nam, vì vận mệnh của quốc gia, chúng ta có thể bỏ hết mọi việc để đòi lại công lý và sự thật cho đất nước Việt Nam”.

Không có nhận xét nào: