Thứ Tư, 9 tháng 7, 2008

Lễ Tuởng Nguyện và Thọ Tang Đức Tăng Thống Huyền Quang tại Houston

Mời click vào tựa bài để nghe audio

Lễ Tưởng nguyện và Thọ tang Đức Tăng Thống Huyền Quang tại Houston

Hiền Vy, thông tín viên đài RFA
2008-07-08


Trưa Chủ nhật 6-7, tại thành phố Houston, chư tăng ni và Phật tử đã huân tập về chùa Pháp Luân, tham dự Lễ Tưởng nguyện và Thọ tang Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Sáng Chủ nhật 6-7-2008, tại tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Đình, chư tăng ni và Phật tử đã làm lễ nhập Kim quan của Đức Tăng Thống Huyền Quang, thì buổi trưa cùng ngày, tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, chư tăng ni và Phật tử đã huân tập về chùa Pháp Luân, tham dự lễ tưởng nguyện và thọ tang Đức Đệ Tứ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thông tín viên Hiền Vy của ban Việt ngữ có mặt tại chỗ tường trình.

Trong buổi lễ, Hoà Thượng Thích Huyền Việt đã đọc tiểu sử của Đức Đệ Tứ Tăng Thống, với quá trình tu tập, hoằng pháp và việc tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam.

Hoà Thượng Thích Hộ Giác đã kể lại tâm sự của hai ngài trong việc cố gắng bảo tồn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất:

“Khi nghe tôi muốn nghỉ việc, Hoà thượng Viện Trưởng đã nói với tôi là Ngài muốn duy trì sự hiện hữu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng mà như cua đã gãy càng, không làm được việc gì nữa. Tất cả sự hoạt động của Giáo Hội, sự sống còn của Giáo Hội là chỉ nhờ ở hải ngoại mà thôi.

Do đó dù có tiếp tục bị tù đày bao lâu nữa hay là có đến chết thì miễn là tôi đừng rời bỏ Giáo Hội, thì tù đày bao lâu, hay có chết đi nữa, Hoà Thượng cũng vui lòng nhắm mắt”.


Phật tử Trương Văn Túc đã nói lên tâm tình của ông đối với việc làm của Đức Tăng Thống:

“Ngài coi như là vị lãnh đạo cao bậc nhất của Giáo Hội mà hiện nay trong nước đang gặp khó khăn. Trong hoàn cảnh đất nước bây giờ, Giáo Hội cần có những vị như Đức Tăng Thống. Chúng tôi vô cùng thương tiếc và đau buồn.

Khi nghe tiểu sử của Đức Tăng Thống, chúng tôi nghĩ rằng suốt đời của Ngài, đã bỏ mọi công sức để đóng góp cho Giáo Hội, đóng góp cho Phật Pháp và đóng góp cho dân tộc.

Chúng tôi ước mong tiếp tục thực hiện được hoài bão của Đức Tăng Thống đang còn dang dở. Hoài bão đó là làm sao cho Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất được sinh hoạt theo pháp lý như là Giáo Hội đã từng được hưởng, từng sinh hoạt, trước ngày 30 Tháng 4 năm 1975”.


Tâm tư Phật tử

Các em trong gia đình Phật tử cũng chia sẻ tâm tư của mình:

“Sad! Sad! Buồn quá”

“Tên em là Phước. Em rất đau buồn cho Gia Đình Phật Tử .. Em sẽ tiếp tục tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam”


Ngoài ra, cũng có một số tín đồ Thiên Chúa Giáo đến tham dự buổi lễ, trong số này có nha sĩ Jolie Chu:

“Mặc dầu là người Công Giáo, nhưng đối với Hòa Thượng Thích Huyền Quang thì tấm gương cao đẹp của Ngài đã có ảnh hưởng cả thế giới, nên với bổn phận của một công dân Việt, tôi đến để tỏ lòng kính trọng một người đã khuất và kính trọng một tấm gương can trường mà tôi nghĩ rồi đây, lịch sử Việt Nam sẽ có một tấm gương rất cao đẹp qua hình ảnh của Ngài”

Và ông Đinh Quang Tiến:

“Đại lão Hoà Thượng Huyền Quang là một cái gương sáng cho tất cả Phật tử nói riêng và cho tất cả người con dân Việt nói chung về cái đạo đức, về sự hy sinh không riêng gì cho Giáo Hội Phật Giáo mà cho cả nước Việt Nam, trong vấn đề đấu tranh đòi những quyền căn bản, cũng như nhân quyền cho hơn 80 triệu người dân Việt Nam.

Sự hy sinh của đại lão hòa thượng Huyền Quang cũng như của đại lão hòa thượng Quảng Độ, nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất và sự tồn tại trước những sóng gió mà dân tộc Việt Nam nói chung và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng đang phải trải qua”


Một Phật tử nói lên nguyện vọng của ông:

“Tôi không phải là người ở trong Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, nhưng tôi rất quí trọng Thầy Huyền Quang và Thầy Quảng Độ, vì các Ngài đã dấn thân cho đạo pháp, dấn thân cho Giáo Hội, và dấn thân cho dân tộc, thành ra chúng tôi rất quí mến Ngài.

Đó là những lý do mà tại sao chúng tôi đến với Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất để có thể đóng góp một chút gì đó cho Giáo Hội, để Giáo Hội tiếp tục con đường đòi hỏi những cái gì mà Giáo Hội đã có trước năm 1975 ở miền Nam.

Và Giáo Hội cũng lên tiếng cho nhân dân Việt Nam để có được tự do và dân chủ và nhân quyền. Đó là sự đòi hỏi rất bình thường và công bằng”.




(Hiền Vy tường trình từ Houston, Texas)

.

Không có nhận xét nào: