Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2008

Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 - Dư luận giới trẻ trong nước

Mời click vào tựa để nghe âm thanh



Dư luận giới trẻ Việt Nam ở trong nước về Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008


Hiền Vy, thông tín viên RFA
2008-08-08


Thế vận hội Bắc Kinh 2008 sắp khai mạc. Đây chắc chắn là một trong những sự kiện trọng đại nhất của thế giới vào lúc này. Trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước Trung Việt hiện nay, giới trẻ Việt Nam nghĩ thế nào về thế vận hội 2008?

Với sự tin tưởng mạnh mẽ số 8 là con số may mắn, chính quyền Trung Quốc sẽ bắt đầu Thế Vận Hội vào lúc 8 giờ, 8 phút, 8 giây, vào ngày 8, tháng 8, năm 2008 tại thủ đô Bắc Kinh.

Trong lúc chính quyền Trung Quốc huy động một số rất đông nhân viên an ninh để canh giữ trật tự cho Thế Vận Hội thì giới truyền thông quốc tế lên tiếng than phiền chính phủ Bắc Kinh, về sự vi phạm sinh hoạt riêng tư cá nhân, qua việc đặt máy quay phim trong các khách sạn và sự giới hạn quyền tự do thông tin của báo đài.

Sự đánh lừa

Mời quí thính giả nghe một người trẻ Việt Nam nói lên tâm tư về Thế Vận Hội năm nay:

“Khẩu hiệu của Thế Vận Hội Bắc Kinh năm nay là “One World, One Dream” tức là “Một thế giới, một giấc Mơ” có lẽ là thích hợp với truyền thống Olympics. Truyền thống này đã có rất lâu đời rồi và mang theo một tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tương thân tương ái giữa các dân tộc với nhau và tinh thần thượng võ của các môn thể thao.
Năm nay tổ chức tại Bắc Kinh, một trung tâm của một thế giới độc tài mới, chuyên cổ võ cho thế lực độc tài diệt chủng tại Darfur…hay là đi cướp đất, cướp biển của các nước khác.

Một Bắc Kinh mà đưa ra một khẩu hiệu như thế là có thể đánh lừa được rất nhiều những người không có sự quan sát Trung Quốc từ lâu đời, nhưng với tôi thì khẩu hiệu đó cũng giống như là một con cáo già đang muốn ăn miếng Phómát rất ngon của con quạ đang đậu trên cành cây, thì anh ta sẽ đưa ra những lời lẽ rất ngọt ngào, chào hỏi thân tình với chú quạ, chỉ chờ chú quạ há miếng ra là miếng phó mát đó rơi xuống.”

Có sinh viên cho rằng Trung Quốc không xứng đáng để tổ chức Thế Vận Hội:

“Theo tôi thì để cho Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội là không đúng vì Trung Quốc vi phạm đến lãnh thổ của nước Việt Nam và đàn áp Tây Tạng và vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa đang bị nhiều người phản đối”
“Một chính quyền phi dân chủ và phản nhân quyền, đàn áp chính những đồng bào ruột thịt của mình thì không không xứng đáng được tổ chức Thế Vận Hội, tượng trưng cho tinh thần hữu nghị và thượng võ giữa các dân tộc”


Thể thao và chính trị

Nhưng cũng có người có quan điểm khác là không nên đem chính trị vào thể thao:

“Thể thao và chính trị không thể đan chen được. Mỗi quốc gia có sự khác biệt về chính trị. Không nên lấy thể thao đan chen vào chính trị vì như thế là lợi dụng thể thao”

Khi được hỏi có nhiều người trẻ Việt Nam chống đối Thế Vận Hội tại Bắc Kinh không, một sinh viên trả lời:

“Việc này cũng khó nói, vì có một số người trẻ cũng có quan tâm nhưng chắc chắn cũng có số lượng người không quan tâm đến, nên tôi chỉ xin nói ý kiến của cá nhân tôi thôi: Tôi không bao giờ phản đối tinh thần Olympics vì đó là tinh thần hữu nghị của các dân tộc, thế nhưng để cho một chính quyền độc tài thực hiện Olympics mang tinh thần đó thì tôi không hài lòng.
Tôi ủng hộ tinh thần thể thao Olympic nhưng không ủng hộ việc Trung Quốc đăng cai Olympic năm nay”

Và trước sự bảo vệ an ninh chặt chẽ cũng như sự ngăn chận giới truyền thông đưa tin ra ngoài của chính phủ Trung Quốc, một sinh viên cho ý kiến:

“Hiển nhiên là có điều gì bất ổn thì mới che đậy, chứ còn những điều tốt đẹp và lành mạnh thì tại sao phải giấu nhẹm đi. Chắc chắn phải có gì khuất bất nào đó mới không cho báo chí và các hãng thông tấn được phép đưa tin”

Tẩy chay

Một số sinh viên cho biết họ sẽ không theo dõi những cuộc tranh tài của Thế Vận Hội qua các đài truyền hình vì bất mãn chính quyền Trung Quốc:

“Không, Thế Vận Hội những lần trước ở nơi khác thì theo dõi, nhưng lần này tổ chức tại Trung Quốc thì hoàn toàn không theo dõi. Ai hỏi đến thì không biết. Cái gì ghét thì không muốn nói đến. Trung Quốc chiếm nước Việt Nam và điều khiển chế độ này làm theo ý họ ”

“Những người dân ở các nước có nền dân chủ tiến bộ và những con người văn minh thì đã nhận ra được bộ mặt thật của chính quyền Trung Quốc hiện nay, do đó họ đã lớn tiếng phản đối khi ngọn đuốc Olympics rước qua quê hương họ như Thái Lan, Pháp hay nước Anh. Và vừa rồi, khi ngọn đuốc rước qua thành phố Sàigòn, thì Hà nội cũng đã có biểu tình, còn ở Sàigòn thì mọi người đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vì do cái lực lượng công an rất là đông, họ đã đàn áp cuộc biểu tình từ trong trứng nước nên cuộc biểu tình đã không thành công”

Không những thất vọng về việc công an đàn áp các cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sàigòn vào ngày 29 tháng 4 vừa qua, anh sinh viên này còn tỏ ra bất mãn trước việc nhà nước đã mời đội banh của Brazil đến đá với các cầu thủ Việt Nam, trên đường đi tham dự Thế Vận Hội tại Bắc Kinh

“Với tình hình kinh tế như hiện nay thì việc chính phủ bỏ ra rất nhiều tiền để đội bóng Brazil đến Việt Nam thi đấu tại sân Mỹ Đình, thì theo tôi, nó như là trưởng giả học làm sang, tự làm đẹp mình lên. Muốn tạo ra một cái vẻ hào nhóang bên ngoài nhưng việc này không phù hợp vào lúc này”

Tuy nhiên, cũng có người sẽ theo dõi những cuộc tranh tài giữa các lực sĩ dù không tán thành việc Trung Quốc được đăng cai Thế Vận Hội 2008:

“Vì là người mê thích thể thao nên tôi cũng sẽ theo dõi nhưng vẫn không tránh được sự bất bình…”

Vì sự an toàn của các sinh viên, Hiền Vy xin không nêu tên của các người đã góp tiếng trong bài phóng sự này.
.

Không có nhận xét nào: